Thursday, March 28, 2024

Đờn ca tài tử biến thành gánh hát nhỏ ở nông thôn

Ngành Mai

Thời những năm cuối của thập niên 1950, ở vùng thôn quê miền Nam các nhóm đờn ca tài tử mọc lên như nấm, và một số sau thời gian ca hát được bà con khuyến khích đã dần dần biến thành gánh hát bỏ túi.

Đào kép các gánh hát nhỏ này là dân đờn ca tài tử ở ngay các xã ấp địa phương. Bầu gánh là một nhạc sĩ từng dạy cho họ ca vọng cổ và bài bản. Gánh hát nhỏ này chẳng có phông màn trang phục gì cả nhưng vẫn có vẽ mặt, son phấn. Khi hát họ chỉ mang một tấm choàng trên cổ thả che phần lưng dài tới nhượng chân.

Thông thường thì diễn viên gồm bốn người: kép mùi, kép độc, một cô đào và một anh hề là đủ cho buổi diễn. Họ thường hay chọn bãi đất trống nào đó, có thể là trước sân chợ, sân banh,… và hát miễn phí chớ không có bán vé. Họ chỉ mong bà con thương tình mua giúp cho một vài chai thuốc, vài gói cao đơn hoàn tán mà thôi.

Buổi chiều trước khi trời tối, việc trước tiên là đánh trống quy tụ bà con, và khi hai chiếc đèn măng xông được cháy sáng thì bắt đầu rao bán thuốc bằng cách ca các bài bản cổ nhạc. Lúc này thì ban đờn làm việc liên tục, đờn cho các nghệ sĩ vừa ca vừa cầm thuốc đi vòng vòng giới thiệu, lời ca cũng được sáng tác nói lên sự công hiệu của loại thuốc nào đó. Xong phần bán thuốc thì hát tuồng, tóm lại đối với gánh hát này dù khán giả có mua thuốc hay không, cũng được nghe ca, nghe đờn, và xem trình diễn cải lương.

Về tuồng tích thì thường là lấy trong cuốn bài ca, hoặc sao chép lại của các gánh, rồi bỏ bớt đi để cho vừa với thời lượng 45 phút, hoặc nhiều hơn cũng một giờ đồng hồ là vãn hát. Thiên hạ gọi là gánh hát dạo bán thuốc, vì hình thức cùng hoạt động nghệ thuật chẳng khác gì mấy gánh hát Sơn Đông mãi võ của người Trung Quốc. Vậy mà đêm nào khán giả cũng đông đảo bao quanh địa điểm bán thuốc cũng là sân khấu luôn.

Về phía gánh hát thì đêm nào bán được nhiều thuốc thì hầu hết đều vui vẻ, hăng say hát. Còn như đêm nào bán ế, thuốc còn chất đầy thì kể như đêm đó cả đoàn đều xuống tinh thần phải miễn cưỡng mà hát vậy.

Dù sao thì các gánh hát bán thuốc này cũng tạo nguồn vui cho bà con nông thôn được một thời gian vài năm. Cho đến năm 1961 thì hầu hết các gánh tự nhiên biến mất, do chiến tranh bắt đầu nổi lên ở nông thôn. Từ đó bà con vùng quê kể như không còn được coi cải lương, mà trở lại thưởng thức đờn ca tài tử như trước.

Kỳ này chúng tôi đăng bài vọng cổ “Mục Tử Ca Chiều” của soạn giả Hải Hà Thanh được thu thanh dĩa hát Tân Thanh, do Hữu Phước và Hương Lan ca.

Tân nhạc:
Con trâu hỡi! Con trâu này!
Con trâu hỡi! Con trâu cày?
Trâu cùng với cày.
Trâu cày đi bình minh hay hoàng hôn.
Đem cơm về ấm no cho người.
Lúa ngát thơm lúa đặng hương tình.
Hò… lơ… ơ hò…
Trâu ơi hỡi! Ra công cày,
Cho bông lúa dâng hương đầy.
Đâu màng tháng ngày
Thương nhà nông mồ hôi tưới đồng sâu,
Thương trâu gầy nắng mưa chan hòa.
Hãy lắng nghe tiếng ca câu hò
Hò… lơ… ơ… Hò…

Vọng cổ:

1) Trâu ơi hãy bước nhanh trên luống cày sương rướm máu người dân rẫy bái, hòa cùng nhạc nhái hồn quê cho mục tử ca… chiều, để sương khói đồng xanh không đượm vẻ tiêu đìu. Khói trắng bay lên quyện hồn dân tộc, tù và cất tiếng quê hương khi bông bần lả tả gói chiều sương, ta và mi là đôi bạn đường, tha thiết yêu nhau qua tình cọng rơm, bó cỏ, qua hương đọt lúa, qua luống cày sâu từng thấm mồ hôi của ta và trâu, đất lành mới lên cây đơm trái.

2) Nhạc nhái ơi! Hãy cùng ta hòa tiếng sáo diều ngợi ca đồng ruộng để nhớ đồng xanh luôn yêu chuộng thanh bình. Cố ấp yêu trong tim ta hình ảnh quê mình. Có núi, có sông, có bầy trâu xám, có đọt lúa vàng reo hát tình quê. Có khói lam chiều quyện theo dòng sông nhỏ, có người cha già quanh năm cặm cụi bên nương khoai rẫy lúa. Có người mẹ hiền xay gạo khì nắng tắc giữa đường sương…

Nhạc:
Ta luôn nhớ dân quê mình.
Bao năm tháng, bao công trình,
Cánh đồng ngát tình.
Đem mồ hôi nhà nông tưới đồng sâu.
Trâu ơi cày đất khô lên màu,
Lúa trĩu bông chúng ta say lòng.
Hò… lơ… ơ… Hò.

Vọng cổ:

5) Giọt máu khai hoang thấm vào lòng đất mới, luống cày sâu vội trổ bông vàng. Hột cơm nồng vị người nông phu đổ lệ đôi hàng, khi dầm nắng đội sương đốt rừng phá rẫy cho đất lầy trổ đọt lúa thơm. Trâu nhỏ mồ hôi vàng kéo bừa thưa quần tan đồng cỏ, làm người phá rẫy ta chẳng phụ ơn đâu!

– Gạo là nước mắt của trâu,
Ăn cơm lại nhớ ơn sâu dân cày.

6) Vóc dáng con trâu uy nghi hùng vĩ, vào lúc tơ nắng chiều in hình trên dệt mây xanh, trâu từ từ cất bước lê thân về nơi chuồng cũ. Đôi ba thiếu nữ gánh bàng thoát cuối chơn đê. Khói un theo gió thành mây trắng, dập dồn tiếng chó sủa, vẻ nên bức tranh trác tuyện ruộng đồng.

Sương chiều vây quyện dòng sông,
Điệu hò kéo chỉ thong dong đều đều.
Đồng xanh mục tử ca chiều,
Ta yêu quê lắm đừng tiêu điều quê ơi.

Mời độc giả xem phóng sự: “Tấm lòng vàng của người thợ may hơn 90 tuổi”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT