Wednesday, April 17, 2024

Đờn ca tài tử ‘né’ bài vọng cổ ‘Đêm Lạnh Trong Tù’

Ngành Mai/Người Việt

Thời thập niên 1950, gánh hát Hoa Sen đưa lên sân khấu vở tuồng “Đêm Lạnh Trong Tù” rất ăn khách, những người hâm mộ cải lương thời ấy nếu không được đi coi thì cũng nghe kể lại diễn tiến tình tiết của vở hát do tài tử Bảy Cao đóng vai chánh.

Thời đó diễn viên hát cải lương chưa có danh từ “nghệ sĩ” như sau này, mà thiên hạ gọi là “kép” hay “đào.” Còn từ ngữ “tài tử” là những người xuất thân từ đờn ca tài tử như: Bảy Cao, Tám Thưa, Thành Công, Năm Nghĩa (dưỡng phụ của Thanh Nga).

Nhưng lạ lùng thay, kể từ năm 1956 thì giới điện ảnh lại “tiếm đoạt” chữ tài tử để gọi người đóng phim và xài luôn cho tới bây giờ. Còn những người tài tử thật sự thì được gọi là nghệ sĩ hay danh ca. Trong các kỳ tới chúng tôi sẽ có bài nói riêng về danh từ “tài tử” này.

Trở lại việc vở tuồng “Đêm Lạnh Trong Tù” thì sau một năm hát ở rạp nào cũng đông đảo khán giả, nên bầu Bảy Cao cho tuồng tiến thêm một bước: Thu thanh dĩa hát, và thành phần thu dĩa vẫn là đào kép của gánh Hoa Sen, tức Bảy Cao vẫn thủ vai chánh.

Dĩa hát phát hành cùng khắp, ở tận miền quê nông thôn hẻo lánh, dù rằng chỉ nghe chớ không thấy mặt diễn viên, nhưng bà con yêu thích cải lương cũng được nghe tình tiết lớp lang vở tuồng này.

Thế rồi đến đầu năm 1964 cuốn bài ca “Đêm Lạnh Trong Tù” xuất hiện khắp miền quê nông thôn, chợ nào cũng có bán, nhưng lại không dính dáng gì đến tuồng của đoàn Hoa Sen, và người “ở tù” là Thành Được chớ không phải Bảy Cao. Do thắc mắc nên các cô gái, các thiếu phụ mua về coi, thì đây là bài vọng cổ của Viễn Châu, không có cốt truyện gì hết, mà chỉ diễn tả khơi khơi tâm trạng của người tù.

Thành Được than thở bằng lời ca nghe não nuột, chẳng khác gì ở tù thiệt, thành ra thính giả bán tin bán nghi. Lúc ấy, sau ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, trong làng cải lương đồn đãi rằng Thành Được vô tù, do làm việc với chế độ cũ. Và còn nói có lần tại Ngã Tư Quốc Tế, do bất mãn gì đó, Thành Được rút súng ra… Chẳng biết chuyện đó có hay không, mà báo chí lúc ấy cũng có đề cập tới.

Đã thế mà thời gian sau lại xuất hiện thêm bài vọng cổ “Nuôi Chồng,” có nghĩa là đi thăm nuôi, do Út Bạch Lan ca, như vậy là sao chớ! Chuyện cải lương có nhiều rắc rối, chúng tôi chỉ nêu lên bấy nhiêu thôi.

Có điều dù rằng bài ca “Đêm Lạnh Trong Tù” rất hay, lại ra đời vào thời kỳ cải lương thịnh hành (1964), nhưng dân đờn ca tài tử lại rất ít người học thuộc lòng đưa vào sinh hoạt. Giai nhân tài tử nói rằng ca bài ấy xui xẻo lắm, giống như mình đang ở tù vậy!

Dưới đây là bài vọng cổ “Đêm Lạnh Trong Tù” của Viễn Châu.

Nhạc: Nửa đêm thức giấc.

Bao đêm thức nhìn gió lùa sương khuya,
Lòng buồn rười rượi bâng khuâng vẩn vơ,
Ôi tâm chí bàng hoàng như mơ,
Có ai đâu mong chờ,
Trời đêm tẻ ngắt như tờ
Bao nhiêu bóng hình trở về tim ta,
Đời tàn buồn lặng theo năm tháng qua
Ai nở để ngàn sầu cho ta,
Nhớ thương mi lệ nhòa,
Ngoài sân nghiêng bóng trăng tà.

Vọng cổ:

1) Tôi với em là gió là mây, là hoa là bướm, gió thoảng mây trôi, hoa tàn bướm rũ, mới yêu nhau em đã phụ nhau rồi… lỡ ván cờ yêu tôi biết khóc hay cười. Tôi là một con thuyền không định hướng nên lượn sóng đời mới vùi dập nổi trôi. Đến khi tỉnh giấc mơ thì ảo ảnh quanh tôi đã mất cả rồi, mất danh vọng, mất tiền tài, mất luôn cả người yêu thường nói với tôi những lời ân ái.

2) Em ôi nếu hết yêu nhau xin hãy vì tôi mà thản nhiên câm lặng đừng để cho chữ ân lại hóa ra thù, tôi đếm thời gian qua trong ngưỡng cửa lao tù. Tim của tôi thêm một lần dày dạn, khóe mắt lại một lần đẫm lệ sầu tư.

Thơ:

Biết nhau gần một năm dư,
Ngày mai hoa mộng đợi chờ đôi ta,
Ngờ đâu trời nổi phong ba,
Đang buổi đậm đà, em lại phụ tình anh.
Chứng kiến đời tôi cảnh hợp tan,
Mấy phen tròn khuyết ánh trăng vàng,
Đêm nay giữa bức tường lao lý
Trăng lặng lâu rồi, lệ chứa chan

Vọng cổ:

3) Cái gì buồn hơn cõi lòng cô quạnh của kẻ ngồi thao thức suốt canh khuya của đêm lạnh trong tù… qua chấn song thưa gió thổi vụt vù… gió đêm nay lạnh hơn nhiều đêm khác, thuở chúng ta còn nói chuyện ngàn sau.

Thơ:

Đầu tiên biết nói tiếng yêu,
Nhìn nhau tôi thấy mỹ miều làm sao,
Đến khi đã hết yêu nhau,
Chữ thương đổi lại ngàn câu giận hờn.

Nhạc:

4) Bao nhiêu bóng hình trở về tim tôi,
Đời tàn buồn lặng theo năm tháng qua,
Ai nở để ngàn sầu cho ta,
Nhớ thương mi lệ nhòa,
Ngoài sân nghiêng bóng trăng tà.

Mấy cánh thơ đi rồi vẫn trả lại cho mình, thơ của tôi là những lời đoạn tuyệt, em chớ tưởng lầm tôi năn nỉ cầu xin, nửa bản nhạc tình từ buổi đầu tiên em hãy dạo lại cho muôn người thưởng thức, đời của tôi đã mất đi nguồn hạnh phúc kể từ khi tôi nếm chữ lao tù.

5) Nửa khuya thức giấc nhìn sao, qua song sắt đề lao tăm tối, sao rụng từ lâu ngoài không gian giá buốt, thế mà tôi vẫn còn thao thức mộng về đêm, em ôi đừng mong vày vò cho tan nát con tim, bởi lòng anh đã rắn lại sau những cơn bão tố, vì từ khi anh biết nếm qua mùi lao lý, thì hình bóng của em đối với anh nay cũng đã phai mờ.

Nhạc:

Anh nhớ ngày xa xưa,
Khi ta cùng chung bóng,
Nay hết rồi em ơi,
Bẽ bàng câu ân ái,
Khiến anh nói không nên lời.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT