Friday, March 29, 2024

Khánh Ly: ‘Qua âm nhạc, chúng ta có thể tha thứ hết cho nhau’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hơn chín năm trước, lần đầu tiên được nghe Khánh Ly bằng xương bằng thịt trên sân khấu, tôi đã cảm nhận đó là “giọng ca trầm, đục, chứa đầy những uẩn ức, thâm trầm.” Những năm tiếp theo sau, mỗi lần nghe cô, là mỗi lần tôi nhận ra giọng cô khàn hơn, đục hơn, và nhiều khắc khoải hơn.

Nhưng. Lạ một điều. Sự nặng nề trong giọng ca Khánh Ly không khiến tôi cảm thấy mỏi mệt. Ngược lại, Khánh Ly luôn có ma lực làm nhiều người cứ phải nghe cô.

Nghe, không phải vì một tiếng ca trong trẻo, một khuôn hình lung linh.

Nghe, không phải để bình phẩm về giai điệu, để thấy chỗ này khàn, chỗ kia khan.

Mà nghe giọng ca gần 75 tuổi Khánh Ly, là để tìm về chính mình, về với những ngóc ngách sâu thẳm của lòng mình. Để thấy mình, trong một cõi nào đó, rõ ràng là người hơn, rộng lượng hơn, và sẵn sàng bao dung, thứ tha cho hết thảy.

Khánh Ly trong đêm nhạc chủ đề Phạm Duy “Đường Tình Ta Đi” vừa diễn ra mới đây, đêm Thứ Sáu, 24 Tháng Năm, tại phòng hội Việt Báo, Westminster, chính là một Khánh Ly như thế.

***

“Nhạc nhiều khi không nuôi ai cả. Nhưng âm nhạc chia sẻ cho chúng ta nỗi cô đơn, nỗi vui buồn. Nhờ có âm nhạc mà chúng ta thấy cuộc đời thật là đẹp. Cuộc đời này, là nơi, mà nhiều khi oán hận tôi không muốn sống với mọi người nữa, tôi không muốn chơi với ai cả. Nhưng thật ra, qua âm nhạc, chúng ta có thể tha thứ cho nhau tất cả mọi lỗi lầm.” Khánh Ly nói, cho người nghệ sĩ, mà cũng là cho mỗi người chúng ta, những ai đã từng có những lúc coi âm nhạc như một chiếc phao trong lúc lòng mình chấp chới, liêu xiêu giữa biển đời.

Nghe Khánh Ly bắt đầu chương trình bằng bài hát “Ngày Đó Chúng Mình” của Phạm Duy để lòng mình cũng bắt đầu quay về với những điều không còn là hiện tại.

“Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi”

Ngày đó… ai từng một lần “Hẹn Hò”:

“Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi, mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu”

“Nhiều người cứ ‘ném đá’ hoài. Tôi nói, thôi cứ ném đi, ném hết vào tôi, tôi quen rồi, cũng lỳ lắm,” Khánh Ly tâm sự. (Hình: Mark Legends))

Để rồi, dù “cuộc tình thương đau êm êm trôi theo nước xuôi về đâu?” vẫn thầm mong “hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau.”

Nghe Khánh Ly hát “Chủ Nhật Buồn” để tự mình nhắm mắt nghe ra đằng sau nỗi buồn thấm đẫm là một khối tình da diết, là một trái tim yêu người đến tê dại.

“Chủ Nhật nào tôi im hơi, vì đợi chờ không nguôi ngoai bước chân người nhớ thương tôi, đến với tôi thì muộn rồi. Trước quan tài, khói hương mờ bốc lên như vạn ngàn lời. Dẫu qua đời mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người. Hồn lìa rồi nhưng em ơi tình còn nồng đôi con ngươi. Nhắc cho ai biết cuối đời có một người yêu không thôi.”

Khánh Ly nói, “Tuổi tôi đã lớn rồi, không còn cảm xúc như ngày xưa để hát những bài mình vẫn từng hay hát.”

Cô hay hát bài gì dường như không quan trọng với những khán giả luôn ở cùng cô trong những đêm nhạc như thế, mà họ chỉ cần có Khánh Ly, cùng Khánh Ly quay về những miền ký ức, của mọi người, và của mỗi người. Dù rằng, có thể mình sẽ thảng thốt bật lên câu “Còn Gì Nữa Đâu.”

“Còn gì nữa đâu mà phải khóc nhau
Có đi theo mùa ngâu tới suối reo nghìn thâu
Tình chôn đã lâu
Còn gì nữa đâu mà kể với nhau
Vết thương đau ngày nào
Có sống bao đời sau thì đã mất nhau
Còn gì nữa đâu mà gọi mãi nhau.”

Dẫu vậy, trong sâu thẳm mỗi người, vẫn tiềm ẩn những gì yêu thương nhân bản nhất:

“Ðời phai mau, người ghen nhau
Lòng vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu
Ðừng xôn xao, đừng khóc dấu
Ðừng oán trách phận bèo
Vì sông xa vẫn trung thành theo.”
(Đừng Xa Nhau)

Tôi nhớ lần đầu tiên được ngồi cạnh Khánh Ly trong một… quán phở để… uống cà phê và nghe cô chuyện trò, nhớ cô nói: “Khánh Ly như trở thành một kỷ niệm của một thế hệ, chứ không còn là một cá nhân nào nữa. Họ đến nghe là để tìm về những kỷ niệm.”

“Tôi đã quá tuổi nghề. Tôi đi hát vì nhu cầu tinh thần nhiều hơn. Đi và gặp gỡ những người thân quen, những người gợi cho mình những kỷ niệm xa xưa, mình đã từng hát ở đâu, bài gì. Có những em bé, thật nhỏ, nhưng cũng thích Khánh Ly, không biết vì một con người Khánh Ly hay vì một điều gì khác, tôi không biết. Nhưng đó là lý do tôi tồn tại đến hôm nay,” cô chia sẻ.

Khánh Ly bên cạnh khán giả. (Hình: Mark Legends))

Hơn chín năm trước, ở tuổi 65, cô đã cho rằng cô “quá tuổi nghề” nhưng vẫn sẽ hát “đến khi nào không hát được nữa thì thôi.” Giờ đây, ở tuổi gần 75, cô vẫn hát, vẫn với tinh thần “con người ta có số, số mình được hát thì cứ hát đi,” hát bù cho cái thời “ngồi từ đầu giờ cho đến cuối giờ chỉ mong được hát, mà không được, phải đi về. Thế nên nhiều năm sau đó, khi được hát thì tôi cứ hát thôi, tôi không cần biết gì khác. Và tôi không bao giờ nghĩ có một lúc tôi được yêu như thế này.”

“Nước mắt rơi trên đường đã dài
Nước mắt đưa chân về cội đời
Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi.
Nước mắt êm đi vào tuổi trời
Nước mắt khô âm thầm không lời
Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi”

Được yêu thương, được tìm nghe, nhưng Khánh Ly vẫn có lúc “Nước Mắt Rơi” như thế. Vì nhiều lẽ.

“Có nhiều bài mọi người hát, tôi thích, nhưng giọng tôi không hát nổi những bài đó. Nhưng mà nghe những bài đó, tôi muốn chảy nước mắt, là bởi vì tôi nhìn thấy ông Phạm Duy là như nhìn thấy Việt Nam vậy. Những bài hát của ông làm tôi nhớ nhà lắm…” Giọng người nghệ sĩ chùng xuống. Tôi cũng thấy mắt mình cay.

Nỗi nhớ là lây lan. Tôi cũng nhớ Sài Gòn, nơi có tuổi thơ tôi, có ngôi nhà với vuông cửa số trên căn gác gỗ mà tôi thích ngồi nhìn mưa rơi lộp độp trên mái tôn, nghe mưa bắn vào người, lạnh mát. Và nhiều người cũng nhớ.

“Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa.
Mưa rơi từ nguồn xa, mưa tuôn về bao la.
(Mưa Rơi)

Ở tuổi gần 75, Khánh Ly thường hay nói đến chuyện rời xa. Nhưng với cô, đó cũng là một chuyến đi an nhiên như bao chuyến đi khác. Không sợ hãi, không hoang mang. “Tôi nghĩ đến một lúc nào đó rời xa cuộc đời này, tôi thấy chẳng có gì ân hận cả, vì tất cả những gì đẹp nhất tôi đã dâng hết cho đời.”

Tuy nhiên, dường như điều duy nhất vẫn còn khiến Khánh Ly “đau lòng” chính là “Tôi rất biết ơn nhạc sĩ Phạm Duy, biết ơn tất cả nhạc sĩ Việt Nam đã cho chúng ta những tình khúc rất đẹp trong đời sống này. Nhưng nhiều người cứ ‘ném đá’ hoài. Tôi nói, thôi cứ ném đi, ném hết vào tôi, tôi quen rồi, cũng lỳ lắm. Chắc đến một lúc nào đó, hoặc là chỉ còn đá với đá, không còn người nữa, hoặc là cả đá và người đều không có nữa.”

Nghe cô nói, tôi nhắm mắt lại thả hồn vào ca từ của nhạc khúc “Bên Cầu Biên Giới”:

“Bên cầu biên giới. Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi.
Sông nước xa xôi.
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời…
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!”

“Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!” – khi biên giới lòng người chưa thể xóa được, vẫn hằn sâu kiên cố thì những ước mơ ngỡ như rất bình dị “Về nơi công viên yên vui lặng lẽ. Hãy ngồi đây, ghế đá ngày xưa. Dưới hàng thông có gió lửng lơ. Con chim nào thường hay hót. Con bướm nào thường hay bay. Về đây với những thương yêu hàng ngày” trong bài hát “Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà” của Phạm Duy vẫn hãy còn xa quá xa.

Nghe Khánh Ly, trong tiếng ca trầm đục, là để nghe ra những điều thẳm sâu trong lòng như thế. (Ngọc Lan)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT