Friday, April 19, 2024

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông làm ăn với cổ nhạc

Ngành Mai

Thời kỳ trước 1975, ở mỗi tỉnh đều có 1 hoặc 2 đại lý dĩa hát, đa số do người Hoa làm chủ, họ làm ăn có hệ thống, gắn bó với các hãng dĩa từ lâu đời. Mỗi khi có một dĩa hát mới được sản xuất thì chỉ vài ngày sau hầu hết các đại lý đều có bán. Ðó là đại lý “mẹ” và rất nhiều đại lý “con,” tức các tiệm tạp hóa ở xa trong vùng quê nông thôn. Các tiệm tạp hóa nhỏ này lại là nơi giao hàng nhanh nhứt, bán một số lớn dĩa hát cho khách hàng.

Cái thời mà bài ca tân cổ giao duyên thịnh hành, đại lý dĩa hát ở các tỉnh bán chạy quá, cứ vài ngày là đặt hàng thêm. Trong khi đó thì dĩa tân nhạc lại bán chậm, thành thử ra các đại lý không mua nhiều mặt hàng này sợ bị chôn vốn, là điều tối kỵ đối với nhà buôn.

Hãng dĩa Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông điều hành, lúc mới thành lập (có lẽ đầu thập niên 1960) chỉ chuyên môn sản xuất dĩa tân nhạc, số lượng bán ra không nhiều, nên thỉnh thoảng mới cho ra đời một dĩa.

Chợt đến giữa thập niên 1960, dĩa hát tân cổ giao duyên được tung ra thị trường bán ào ạt, nhiều nhất là ở miền Tây. Hãng dĩa Hồng Hoa chuyên môn sản xuất dĩa cổ nhạc, đã không đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường (Hồng Hoa là hậu thân của hãng dĩa hát Asia). Do đó mà hãng dĩa Continental quay sang sản xuất dĩa tân cổ giao duyên và tuồng cải lương, rồi cũng làm ăn khá.

Bài ca tân cổ giao duyên mang đến cái mới lạ cho người mộ điệu cổ nhạc, nghe riết thành quen, họ không cần biết phần tân nhạc hay hoặc dở, mà chỉ cần người ca là danh ca cổ nhạc quen thuộc là sẵn sàng bỏ tiền ra mua dĩa hát.

Biết rõ như thế nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, dù sở trường là tân nhạc, nhưng không đặt nặng phần tân nhạc trong việc sản xuất dĩa tân cổ giao duyên, bản nhạc có tiếng đôi chút và dễ hát là được rồi. Do đó ông đâu có mời danh ca tân nhạc thu thanh làm chi cho tốn tiền, mà hiệu quả thương mại lại không cao. Chi bằng mời một cặp nam nữ cổ nhạc nổi tiếng ca luôn phần tân nhạc là dĩa bán chạy. Công cuộc làm ăn đã cho ông kinh nghiệm đó, và ông tiếp tục đi theo đường hướng này.

Lúc ấy có người bàn bạc với nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông rằng, nếu là tân cổ giao duyên sao lại không mời ca sĩ tân nhạc ca hay, để cùng thu thanh với đào hay kép cải lương nổi tiếng thì mới hợp tình hợp lý, và dĩa sẽ bán được cả hai phía tân và cổ nhạc.

Thế nhưng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cười nhẹ, lắc đầu trả lời rằng, cái đó chỉ đúng trên lý thuyết, ai nghe qua cũng có lý, nhưng thực tế thì lại khác hẳn. Sản xuất dĩa hát là làm thương mại rồi, làm thương mại mà không nắm bắt được thị trường thì cụt vốn, dẹp tiệm luôn! Ông nói thêm là bên hãng dĩa Hồng Hoa có thu thanh mấy dĩa hát mà ca sĩ cổ nhạc, tân nhạc ca chung một bài, dĩa cũng bán chạy nhưng vừa phải thôi chứ không nhiều quá, bởi khách hàng chỉ ở bên phía cổ nhạc mua nhiều, chớ còn phía tân nhạc chẳng có mấy người mua.

Cuộc đối đáp trên đã cho người ta thấy rằng, hãng dĩa hát là nhà thương mại, họ có cái nhìn thực tế, biết chắc rằng ra dĩa hát là tiêu thụ được mới bỏ vốn ra làm ăn. Một khi người mộ điệu, tức khách hàng tin tưởng thì mới mạnh dạn cho ra dĩa hát mà không sợ ế hàng.

Do tình trạng đó nên lúc bấy giờ người ta thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông thường hay tiếp xúc với đào kép cải lương, với soạn giả viết bài vọng cổ, mà lơ là với phe ta bên tân nhạc, nên một số bạn bè trong giới tân nhạc cũng bất mãn, nhưng biết làm sao hơn, phải theo thời thế để sống còn chớ!

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông làm ăn với cổ nhạc kiếm khá tiền, cũng như trường hợp tài tử chiếu bóng Thẩm Thúy Hằng lập hãng phim, cô đã không mời tài tử điện ảnh, mà mời kép cải lương Thanh Tú đóng cặp trong cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm.”

Lúc ấy có người nói, sao lại đóng cặp với kép cải lương, không sợ mất tiếng sao? Người đẹp Bình Dương trả lời: “Lấy tiếng cũng phải lấy tiền.” Kép cải lương họ cũng có một số khán giả, nếu họ đóng phim thì số khán giả kia sẽ là khán giả của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cũng áp dụng đường lối đó.

Tóm lại là từ lúc hãng dĩa Continental chuyển sang sản xuất dĩa hát cổ nhạc thì làm ăn khá, vì thính giả cổ nhạc khắp nơi là thính giả của Continental, của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông vậy. (Ngành Mai)



Ghi danh thi cổ nhạc và sinh hoạt đờn ca tài tử

Kể từ nay đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt sinh hoạt hằng tuần lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Địa điểm sinh hoạt đờn ca tài tử cũng là nơi thí sinh ghi danh thi cổ nhạc. Ban tổ chức hân hạnh chào đón thí sinh đến ghi danh, và ca tài tử để tập luyện bài ca dự thi, đồng thời cũng mời tất cả giai nhân tài tử, những người mộ điệu và khán giả.

Ban tổ chức cũng mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử. Riêng những người mộ điệu, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả.

Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851 hoặc ca sĩ Triệu Mỹ Ngân (714) 728-1878.

Ca sĩ Chung Tử Lưu phủ nhận hát mừng 30 Tháng Tư ở Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT