Tuesday, April 16, 2024

Nghệ sĩ piano Thanh Nhã: Yêu nghề và tràn đầy năng lượng

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong một chương trình văn nghệ gần đây ở Thương xá Phước Lộc Thọ, một trong những tiết mục hấp dẫn là phần trình diễn của nghệ sĩ piano Thanh Nhã. Cô ngồi chơi đàn suốt từ khoảng 9 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều, ngoại trừ lúc vào hậu trường thay trang phục diễn kịch góp vui cho chương trình. Điều gì đã khiến nghệ sĩ này có nhiều năng lượng, chơi đàn một cách say mê, từ sáng đến chiều không biết mệt như vậy?

Một mình sang Mỹ, rồi bảo lãnh mẹ và em gái sang

Khán giả trong nước có lẽ không ai xa lạ với Thanh Nhã, bởi cô vừa là nghệ sĩ piano, diễn viên kịch, diễn viên phim truyền và còn là người mẫu ảnh khá nổi tiếng. Khi nhìn Thanh Nhã chơi đàn hay trong vai trò người mẫu, khán giả thường nghĩ cô giống như “tiểu thư càng vàng lá ngọc”, nhưng những ai quen biết người đẹp này đều nhận xét, cô làm việc giống như… đàn ông.

Biết Thanh Nhã từ hơn 10 năm trước ở Việt Nam, bây giờ gặp lại thấy cô vẫn vậy, tràn đầy năng lượng, ham làm việc, ai mời show gì, bất kể nhỏ hay lớn, bất kể giờ giấc thế nào cũng vui vẻ làm, ngoại trừ khi bận rộn.

Ngoài khả năng làm việc liên tục, một điều nữa mọi người ấn tượng ở Thanh Nhã là nụ cười. Lúc nào Thanh Nhã cũng tươi cười, nhìn tràn đầy năng lượng, cứ như cô chưa bao giờ phải lo toan, buồn phiền trong cuộc sống.

Nói về điều này, Thanh Nhã tâm sự: “Lo toan ư? Nhiều lắm chứ! Đặc biệt là thời gian đầu em mới qua Mỹ. Lúc đó chỉ có một mình, tiếng Anh không biết, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0 và không hề dễ dàng. Em nghĩ rằng ai mới qua Mỹ, kể cả có người thân ở đây cũng đều trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý, huống hồ là lúc đó em chỉ có một mình. Nhưng em mạnh mẽ và chịu khó lắm, máu trong người em vậy mà. Nhờ Trời thương, trong một thời gian ngắn, em ổn định được mọi thứ. Rồi em bảo lãnh mẹ và em gái sang, lo cho em gái học đại học.”

Thanh Nhã chơi đàn tại một event. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Khủng hoảng tâm lý, “sốc” văn hóa (culture shocked) là điều mà gần như bất cứ một di dân nào cũng gặp phải, đặc biệt với những người mà họ đã ít nhiều thành đạt hoặc nổi tiếng trên quê hương của họ. Nghệ sĩ thì càng dễ khủng hoảng, dễ “sốc” hơn khi chuyển sang Mỹ sinh sống bởi họ không có “đất dụng võ”, không được nhiều sự chú ý hay tung hô như ở Việt Nam, mà nghệ sĩ thì nhạy cảm hơn. Ca sĩ sang Mỹ thỉnh thoảng còn có show đi hát chứ diễn viên sang thì coi như bỏ nghề, phải tìm việc làm gì đó để kiếm sống.

Nhưng Thanh Nhã may mắn bởi dễ dàng tìm việc chơi đàn ở đây. Ngoài chơi đàn hằng đêm ở một vài nhà hàng ở Little Saigon, Thanh Nhã còn dạy piano mỗi ngày. Buổi sáng thì cô làm host cho một số chương trình ở Đài Little Saigon TV. Chưa hết, cô còn đi diễn kịch cho Ban kịch sống Túy Hồng, Đoàn kịch Dân Nam Thúy Uyển.

“Không biết sao em nhiều ‘energy’ cho công việc lắm!”

Bận rộn là vậy, nhưng có lẽ do bản tính không chịu ngồi yên và hay lo xa nên Thanh Nhã đi học lấy bằng làm Facial, Nail, Tóc. “Nghe em kể đi học lấy bằng Facial-Nail-Tóc, ai cũng cười vì tự dưng đi học một lĩnh vực không liên quan. Nhưng vì em lo xa, biết đâu mai mốt em không còn cơ hội làm nghề, em sẽ mở salon làm facial, nail, tóc kiếm tiền cũng được. Chưa biết tương lai thế nào, nhưng hiện tại chuyện học facial đã giúp ích cho em trong việc chăm sóc da. Bạn bè lâu ngày gặp lại, ai cũng khen da em đẹp hơn”, Thanh Nhã nói.

“Bận rộn là vậy nhưng khi tìm được ‘một nửa’, chắc chắn em sẽ có thời gian rảnh”, Thanh Nhã cho biết. (Hình do nhân vật cung cấp)

Người ta nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, làm nhiều việc cùng lúc, Thanh Nhã có sợ bị xao nhãng không? Thanh Nhã cho biết, nếu ai đã từng làm việc chung thì sẽ hiểu tính cô. Kể cả lúc bị bệnh, đã bước vào công việc rồi là Thanh Nhã như “lên đồng”, hết bệnh ngay, làm việc đến 200%.

“Không biết sao em có nhiều ‘energy’ cho công việc lắm. Em còn ước mình có thêm nhiều thời gian hơn nữa để làm việc. Khi làm việc là em tập trung, cầu toàn dữ lắm. Lúc diễn kịch ‘Con Nhà Nghèo’, em vào vai Lựu, em phải đi mua các dĩa cải lương về xem cả tuần lễ để học cách diễn, nhập vai Lựu. Rồi em tự đi tìm, đặt may trang phục cho Lựu trong vở kịch, từ lúc cô còn nghèo xơ xác cho đến lúc có tiền. Kể cả chiếc kẹp ba lá xưa ơi là xưa, bây giờ không ai còn xài, em cũng đi tìm cho bằng được cho nhân vật Lựu. Khi em diễn, khán giả vỗ tay rần rần. Đó là phần thưởng vô cùng quý giá đối với em.” Thanh Nhã kể.

Các người đẹp thường có nhiều ‘đại gia’ vây quanh, còn Thanh Nhã thì sao, tại sao không chọn cho mình một ‘đại gia’ nào đó để nương tựa mà phải làm việc nhiều như vậy?

“Thực sự thì trước giờ em cũng có nhiều người theo đuổi nhưng em không chọn một người chồng chỉ dựa vào yếu tố người đó là ‘đại gia’, mà quan trọng nhất là người đó có đạo đức hay không, có phù hợp với mình hay không? Em nghĩ, kết hôn là chuyện quan trọng cả đời, phải thực sự yêu, phải thực sự hòa hợp em mới đồng ý lấy. Tiền cũng rất quan trọng trong cuộc sống nhưng em cũng kiếm tiền được mà? Nếu không gặp người phù hợp, em thà ở một mình”, Thanh Nhã dứt khoát.

Trong suốt thời gian trò chuyện với phóng viên báo Người Việt, Thanh Nhã nhiều lần nói về mẹ, rằng nhờ có sự hy sinh của mẹ mà cô mới có được ngày hôm nay. Thanh Nhã kể: “Hồi đó em vừa học ở Nhạc viện Thành phố, vừa học ở Trường Cao Đẳng Sân Khấu Điện Ảnh, mẹ là người chạy ngược chạy xuôi mỗi ngày đưa đón em. Lúc đó, nhà em ở Thủ Đức, mẹ là giáo viên dạy ở Thủ Đức, nhưng phải chở em vào tận trung tâm Sài Gòn đi học. Thầy cô ở Nhạc viện Thành phố quá quen với hình ảnh mẹ ngồi ngoài sân trường hay hành lang trường chờ em mỗi ngày.”

Thanh Nhã cho biết, piano là “hơi thở” của cô. (Hình do nhân vật cung cấp)

Mà đâu chỉ riêng chờ đón về nhà hay chở qua lại giữa hai trường Nhạc viện Thành phố và Cao Đẳng Sân Khấu Điện Ảnh, mẹ của Thanh Nhã còn theo suốt cô trong những buổi đi biểu diễn, đóng phim, quay quảng cáo, chụp hình. Lý do không phải vì Thanh Nhã không có xe đi mà vì bà sợ Thanh Nhã bị cám dỗ, bởi lúc đó cô chỉ mới 19, 20.

Khi nghe phóng viên hỏi chuyện tình duyên của Thanh Nhã hiện tại thế nào, mẹ của Thanh Nhã ngồi cạnh nói đùa rằng: “Cháu kiếm người rước Thanh Nhã dùm bác đi, con gái lớn rồi cứ bám mẹ hoài!” Thanh Nhã nũng nịu: “Mẹ muốn đuổi con đi phải không? Con đi, mẹ đừng khóc á!” (Trúc Linh)

Mời độc giả xem phóng sự “Đặt Lú trên sông rạch miền Tây”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT