Thursday, March 28, 2024

Kịch sĩ Túy Hồng, ‘kiếp tằm’ chưa trả hết ‘nợ dâu’

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Dẫu đã tuyên bố giã từ sân khấu cách đây tròn hai năm vì tuổi cao, sức khỏe không còn như xưa, nhưng trót mang “kiếp tằm phải trả nợ dâu,” kịch sĩ Túy Hồng vẫn còn nặng lòng với sân khấu, vẫn nhận diễn trong những chương trình gây quỹ, những vở kịch ngắn.

Nhớ hồi 17 Tháng Tư, 2016, tại hí viện Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley, nghệ sĩ Túy Hồng và ban kịch Sống đã làm show diễn cuối cùng vở bi hài trường kịch Hồ Biểu Chánh “Cuối Đời Thương Nhớ” để giã từ sân khấu, để gửi tặng đến khán giả như món quà kỷ niệm giữa người nghệ sĩ và khán giả.

Vậy nhưng, “kiếp tằm” vẫn chưa trả dứt “nợ dâu” nên bà vẫn nhận diễn vài trích đoạn trong những chương trình gây quỹ, giúp các chùa, nhà thờ và người nghèo tại Việt Nam.

Cách đây không lâu, vào chiều Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai, 2017, ban kịch Sống Túy Hồng cùng với Hội Thiện Nguyện Angels Rescue Mission tổ chức tiệc Noel gây quỹ “Nước Sạch Hoàn Nguyên Cho Người Nghèo” để gây quỹ mua máy lọc nước Kangen, gửi về Việt Nam cho các nhà thờ, nhà chùa đang nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật.

Lần ấy, ban kịch Sống Túy Hồng của bà diễn vở bi hài kịch “Thiện Ác” với đông đảo nghệ sĩ tài danh tham gia như Hồng Nga, Trang Thanh Lan, Túy Hồng, Phương Hồng Quế, Tú Trinh, Thanh Nhã, Bảo Hiền, Quốc Tuấn, Diệp Hồng Anh, Calvin Hiệp, Thanh Kim Mỹ, Ngân Linh, Tuyết Nga, MC Giáng Ngọc và Đỗ Tân Khoa, tại nhà hàng Seafood World, Westminster.

Có thể nói, hiếm có người làm nghệ thuật nào lại vẹn toàn như nghệ sĩ Túy Hồng. Bà vừa thành công ở vai trò ca sĩ, diễn viên điện ảnh, diễn viên kịch và cả ở vai trò “bầu show.”

Bà và chồng cũ, nhạc sĩ Lam Phương, là hai tên tuổi từng “làm mưa làm gió” từ trong nước cho đến hải ngoại. Mặc dù đã giã từ sân khấu nhưng trong lòng người nghệ sĩ này vẫn còn nhiều trăn trở về nghề, đặc biệt trong bối cảnh xuống dốc của các sân khấu kịch tại Little Saigon.

Đoàn kịch Sống Túy Hồng ra mắt khán giả ở Việt Nam hồi năm 1968, trên đài truyền hình số 9. Các nghệ sĩ của đoàn lúc đó là nữ tài tử Kim Vui, nam kịch sĩ Vân Hùng, Ba Vân, Thanh Tú… Biến cố 1975, theo làn sóng người di tản đầu tiên, Túy Hồng cùng gia đình sang định cư Hoa Kỳ tại tiểu bang Virginia. Năm 1976, đoàn kịch Sống Túy Hồng tái thành lập tại hải ngoại với những nghệ sĩ như Xuân Phát, Mai Hân, La Thoại Tân…

Poster vở diễn chia tay khán giả “Cuối Đời Thương Nhớ” hôm 17 Tháng Tư, 2016. (Hình: Túy Hồng cung cấp)

Tính từ ngày thành lập cho đến vở diễn cuối cùng là vở “Cuối Đời Thương Nhớ” hồi năm 2016, người nghệ sĩ có vóc người nhỏ nhắn này không nhớ nổi là mình đã viết bao nhiêu kịch bản, dựng bao nhiêu vở diễn, diễn bao nhiêu suất.

Bà kể: “Từ hồi đoàn kịch mới thành lập, một mình tôi kiêm đủ thứ việc, từ viết kịch bản, đạo diễn, chọn diễn viên, hát, diễn… Tôi không muốn tên mình xuất hiện quá nhiều nên phần viết kịch bản, tôi lấy bút danh là ‘Tú Hà’ nên ít người biết đó cũng là tôi. Nếu ai xem kịch Túy Hồng thì sẽ nghe những bài hát lồng vào trong kịch, phần lớn là do tôi hát. Sau này tôi có mời thêm các ca sĩ khác hát. Phần kịch bản, sau này cũng có nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc phụ với tôi.”

Hỏi vì sao phải một mình kiêm nhiều việc, bà giải thích rằng vì bà đã quen làm mọi thứ từ hồi đoàn kịch Túy Hồng còn ở Việt Nam. Vả lại, những vở kịch của Túy Hồng, phần lớn được chuyển thể từ những tiểu thuyết nổi tiếng, trong đó có nhiều tác phẩm của các nhà văn trong nhóm “Tự Lực Văn Đoàn,” chứ không phải mua những kịch bản sẵn có của các nhà biên kịch trong nước.

Bà cho biết, người viết kịch bản cho kịch ở Hoa Kỳ rất hiếm, diễn viên kịch cũng ít, nên các đoàn kịch thường mời diễn viên từ Việt Nam sang. Vì vậy, những diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh nổi tiếng ở Việt Nam như Vân Trang, Ngọc Lan, Thúy Diễm, Nhật Kim Anh, Trương Minh Quốc Thái, Lương Thế Thành, Trương Minh Cường, Đoàn Thanh Tài… thường xuyên được các sân khấu kịch tại Little Saigon mời sang diễn.

“Mời nghệ sĩ trong nước sang đây tốn kém lắm, vì ngoài cát xê, còn phải lo vé máy bay, chi phí xin visa và lo ăn ở cho họ nữa, nhưng tôi vẫn phải mời. Vì sao? Vì tôi rất tâm huyết với các vở diễn của mình, tôi phải giao vai cho các diễn viên có nghề, cho các diễn viên mà tôi biết rõ họ diễn như thế nào,” bà nói.

Theo lời kịch sĩ Túy Hồng, thời gian tập luyện của diễn viên cho mỗi vở kịch khoảng hai đến ba tuần. Các nghệ sĩ ở Việt Nam thường sang trước khoảng hai tuần và thường ở tại nhà bà để thuận tiện việc tập luyện với nhau. Vì vậy, với các diễn viên thường diễn cho Túy Hồng, mối quan hệ không chỉ đơn thuần là người tổ chức – diễn viên, mà giống như người nhà, như cô – cháu.

Với khán giả cũng vậy, tình cảm và sự trung thành của khán giả dành cho đoàn kịch Sống Túy Hồng đã nhiều lần khiến người nghệ sĩ đa tài này rơm rớm nước mắt.

Kịch sĩ Túy Hồng thời còn trẻ. (Hình: Túy Hồng cung cấp)

Bà kể, mỗi năm bà chỉ tổ chức hai đến ba vở kịch, nhưng chưa lần nào trống ghế. Lúc nào vé cũng bán hết, thậm chí không đủ bán. Nhiều khán giả còn dành hẳn số ghế của mình cho những show sau. Show nào cũng vậy, số ghế đó là phải dành cho người đó, không được bán cho người khác.

“Trước buổi diễn, nhìn thấy khán giả xếp hàng chờ vào sân khấu, đàn ông mặc đồ vest, phụ nữ cũng mặc đồ đẹp, sang trọng, tôi xúc động lắm. Điều đó cho thấy rằng khán giả rất trân trọng buổi biểu diễn của chúng tôi. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng khiến cho tôi làm không biết mệt. Trong đêm diễn vở ‘Cuối Đời Thương Nhớ’ để chia tay khán giả, rất nhiều người bật khóc. Tình cảm đó, tôi không bao giờ quên được,” nghệ sĩ Túy Hồng rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Lý do của việc giã từ sân khấu là vì bà nghĩ rằng mình không còn đủ sức khỏe để có thể lo mọi việc, từ kịch bản, đạo diễn, mời diễn viên, lo cả về thiết kế sân khấu cũng như cả chuyện bán vé. Nhiều người đề nghị bà để lại thương hiệu “Đoàn kịch Sống Túy Hồng” cho họ làm, nhưng bà từ chối vì thương hiệu này bà đã gầy dựng 50 năm nên bà muốn bảo vệ cho mãi đẹp trong lòng khán giả.

Giã từ sân khấu, nhưng trong lòng người nghệ sĩ đa tài này xem ra vẫn còn đau đáu với nghề. Bà ao ước có một nơi để diễn kịch, bán vé giá rẻ cho người lớn tuổi đến xem. Bởi với những vở kịch đầu tư nhiều, như các vở của Túy Hồng trong nhiều năm qua, khoảng $50,000 đến $60,000, thì giá vé bán ra không thể rẻ.

Nói về việc các sân khấu kịch của người Việt tại Mỹ hiện nay đang “chết dần” vì không có khán giả, thậm chí diễn viên được ưu tiên nhận cát xê bằng vé chứ không phải tiền mặt, kịch sĩ Túy Hồng thoáng buồn nói: “Tôi biết một vài sân khấu kịch không được thành công lắm. Không thể đoán tại sao, nhưng tôi biết rằng để có một vở diễn hay, kéo được khán giả đến rạp là điều không dễ dàng chút nào. Ngoài chuyện biết làm nghề, người tổ chức còn phải nghĩ cho khán giả, đặt mình vào vị trí khán giả chứ không phải chỉ nghĩ cho túi tiền của mình.” (Trúc Linh)

—————

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Nghệ Sĩ và Đời Thường” cùng trò chuyện với “Người đẹp Thanh Nhã nói gì về ‘Người đẹp và đại gia?’” (phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT