Thursday, April 18, 2024

Người mang âm nhạc hàn lâm đến gần công chúng Little Saigon

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Âm nhạc hàn lâm lâu nay vốn dĩ rất kén người nghe, vậy nhưng 22 năm qua, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng vẫn âm thầm đưa dòng nhạc này đến gần với công chúng hơn. Năm nay bước vào năm thứ 23, ông vẫn có nhiều kế hoạch để dàn nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trình diễn tại Little Saigon.

“Để âm nhạc hàn lâm đến gần công chúng thì không cách nào khác là phải xuất hiện nhiều hơn, và mỗi lần như vậy phải làm chương trình mới hơn, cuốn hút hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn thì sẽ thu hút được công chúng,” vị phó chủ tịch Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ chia sẻ.

Ông tiết lộ ngay: “Sắp tới tôi sẽ làm khoảng sáu chương trình, gồm chương trình hằng năm là mùa Xuân, mùa Hè, và mùa Đông, ngoài ra có chương trình dành cho dương cầm thủ Nguyễn Vân Anh từ Úc sang, rồi chương trình về Giáo Sư Lê Văn Khoa và những nhạc sĩ cùng tuổi với ông…”

Ông cho hay, chương trình Hòa Nhạc Mùa Xuân (Spring Concert) với những tác phẩm trình diễn theo phong cách thính phòng (chamber music). Với dàn nhạc thính phòng, khi diễn tấu một bản nhạc với số lượng nhạc cụ hạn chế, từ một nhạc cụ độc tấu (được gọi là soloist) cho đến vài ba nhạc sĩ diễn tấu đủ để biểu diễn trong phạm vi nhỏ và liên kết với nhau thành nhóm nhạc thính phòng. Từng nhạc sĩ chơi trong dàn nhạc sẽ cuốn người nghe theo những giai điệu du dương, đưa mọi người đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, giúp khán giả cảm nhận được hơi thở của từng giai điệu qua các tác phẩm.

Với chương trình Hòa Nhạc Mùa Hè (Summer Concert), khán giả sẽ cảm thấy gần gũi hơn bằng những bản giao hưởng từ các phim điện ảnh “ăn khách,” mang đến cho khán giả khoảnh khắc đắm chìm trong thế giới nhạc kịch broadway kinh điển, là thể loại mà từ lâu vốn được xem như cầu nối giữa nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật giải trí đại chúng. “Hòa nhạc mùa Hè là chương trình lớn nhất trong năm của hội. Âm nhạc rất phong phú, gần như tất cả các thể loại nhạc trên thế giới đều có trong chương trình này, được trình diễn qua nhiều kiểu khác nhau, từ hòa tấu đến hát. Nhờ vậy mới ra được hết các màu sắc của nhạc phim, nhạc kịch, nhạc opera,… Chúng tôi sẽ chọn một vở nhạc kịch hoặc opera là phần chính của buổi diễn, để trình diễn những trích đoạn hay nhất của tác phẩm,” ông nói.

Từ trái, violinist Nguyễn Khánh Hồng, pianist Nguyễn Vân Anh, và cellist Elizabeth Moulton. (Hình: Nguyễn Khánh Hồng cung cấp)

Riêng chương trình Hòa Nhạc Mùa Đông (Winter Concert) lại được thực hiện tại nhà hàng thay vì trong rạp hát, bởi vì ông muốn gia đình phụ huynh và các em học sinh, cùng các thầy, cô, các ca nhạc sĩ cộng tác với hội, các thân hữu xưa nay luôn ủng hộ các chương trình Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ có dịp cùng ngồi dự một buổi dạ tiệc với nhau, trò chuyện với nhau. Và, ông không quên nhấn mạnh rằng, dù chương trình tổ chức tại nhà hàng nhưng âm thanh của buổi hòa nhạc được chăm chút kỹ lưỡng để đạt tiêu chuẩn của một chương trình hòa nhạc dành cho các nhạc nhạc cụ đàn dây, piano, trống, kèn,… để khán giả thưởng thức được trọn vẹn cái hay của chương trình. Chương trình chắc chắn không thể thiếu những tác phẩm âm nhạc Giáng Sinh, những bài hát nổi tiếng trong các vở nhạc kịch, nhạc pop của thế giới, đan xen với những ca khúc Việt Nam sống mãi cùng năm tháng.

Đối với chương trình dành riêng cho dương cầm thủ Nguyễn Vân Anh từ Úc sang, ông nói: “Nguyễn Vân Anh rất giỏi, cô ấy là người Úc gốc Việt, tuy chỉ mới bước vào tuổi 30 nhưng đây là một nghệ sĩ tài năng thực sự, là gương mặt trẻ thành đạt nổi tiếng trong giới nghệ thuật hàn lâm. Khi mới 9 tuổi cô là một trong những thiếu nhi nhỏ tuổi nhất đạt được bằng Associate Diploma in Music tại Úc và đến 12 tuổi thì cô đậu thêm bằng Licentiate Diploma in Music. Tài năng âm nhạc thiên phú của cô giúp cô liên tục giành giải thưởng tại các cuộc thi piano ở Sydney trong nhiều năm cùng vô số giải lớn, uy tín ở Đức, Áo… Đặc biệt ở Vân Anh chính là không chỉ trình diễn các tác phẩm âm nhạc nguyên gốc, mà cô còn diễn những tác phẩm do cô soạn lại hòa âm kết hợp giữa nhạc cổ điển, pop, bán cổ điển.”

Với chương trình về Giáo Sư Lê Văn Khoa và những nhạc sĩ cùng tuổi với ông, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng cho hay: “Tôi nghĩ chương trình này sẽ hấp dẫn vì sẽ nhắc lại những tác giả xưa và những nhạc phẩm xưa với dàn nhạc giao hưởng.”

Tất cả các chương trình của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ không chỉ có dàn nhạc giao hưởng với các nhạc cụ cổ điển như violon, viola, cello, flute, clarinet, piano… đệm cho những tiếng hát, mà phần lớn chương trình là những tác phẩm khí nhạc với phần hòa tấu của dàn nhạc giao hưởng.

Dễ nhận thấy điều này, bởi vì ở đó là sự chọn lựa công phu trong từng tác phẩm, cùng với phần trình diễn thăng hoa của các ca sĩ, các nhạc sĩ solo, nhạc sĩ của dàn nhạc người lớn, nhạc sinh dàn nhạc thiếu niên, dàn nhạc thiếu nhi dưới tài chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng.

Và, khán giả không chỉ nhìn thấy một nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng cầm đũa để điều khiển dàn nhạc, mà còn nhìn thấy một nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng với tài kéo đàn violin nhẹ nhàng dẫn người nghe chu du vào không gian nghệ thuật.

“Kỳ tới, tôi đánh bản ‘Bốn Mùa’ của Astor Piazzolla, một nhà soạn nhạc người Argentina thế kỷ 20, được thế giới đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc Tango vĩ đại nhất và có nhiều ảnh hưởng đến các thế hệ nhạc sĩ sáng tác Tango kế cận. Tôi sẽ đánh đàn violin chung với tiếng đàn piano của Nguyễn Vân Anh, và cello của Elizabeth Moulton,” ông giới thiệu.

Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng điều khiển dàn nhạc. (Hình: Nguyễn Khánh Hồng cung cấp)

Thao thao nói về nghề, về các kế hoạch sắp tới là vậy, nhưng khi hỏi ông, cái khó nhất của mỗi lần làm chương trình là gì, ông nhăn mặt nói: “Khó khăn về âm nhạc thì lúc nào cũng khó, bởi vì khi suy nghĩ một chương trình để khán giả nghe, hiểu và thích thì chúng tôi phải suy nghĩ dữ lắm, rồi viết hòa âm sao cho hay. Tuy nhiên, những điều đó nằm trong tầm tay của mình, nên chúng tôi làm cũng không quá khó khăn. Nhưng cái đáng nói nhất là tài chánh, luôn là vấn đề khó khăn nhất của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, bởi vì chúng tôi đều là nhạc sĩ.”

“Chúng tôi chỉ mong có những mạnh thường quân bảo trợ thường xuyên và khán giả ủng hộ chương trình càng ngày càng thêm đông hơn để chúng tôi có đủ điều kiện tiếp tục mãi, thực hiện chương trình trong năm càng ngày càng hấp dẫn hơn. Khi tài chánh dư dả thì chúng tôi sẽ nghĩ đến những phần trình diễn độc đáo hơn. Ví dụ mời thêm những nhạc sĩ đặc biệt với nhiều nhạc cụ khác về tham gia chung với dàn nhạc để tạo ra nhiều màu sắc hơn hoặc mời thêm những ca sĩ trẻ, hoặc đầu tư thêm về ánh sáng sân khấu,” ông nói.

“Nhưng muốn khuếch trương chương trình thì cần phải có nhiều tiền, bởi vì có tiền thì chúng tôi mới mua được nhiều bài vở hay để trình diễn. Thường thì những bài vở hay giá không rẻ chút nào, nhưng chúng tôi sẵn sàng mua, để đem lại nét mới, hay cho chương trình. Số nào chúng tôi hòa âm được, thì hòa âm, nhưng những tác phẩm đã có phần hòa âm quá hay rồi, thì chúng tôi không hòa âm lại, mà mua phần hòa âm có sẵn để biểu diễn,” ông nói thêm.

Mặc dù chắt mót tháng này qua năm khác, nhưng các nhạc sĩ, ca sĩ tham gia chương trình vẫn gắn bó suốt 22 năm qua với ông. “Các tiết mục của chương trình rất đa dạng, dàn nhạc phải chơi nhiều loại nhạc khác nhau, cho thấy công sức tập luyện rất nhiều, từ nhạc trưởng đến các nhạc sĩ trong dàn nhạc. Các nhạc sĩ, ca sĩ tham gia chương trình của hội luôn tự nguyện đóng góp tài năng của mình vào chương trình, nghĩa là không than phiền việc họ phải dành nhiều thời gian tập luyện để có được những tiết mục hay, nhưng số thù lao mà họ nhận được chỉ tượng trưng thôi. Tất cả từ nhạc sĩ trong dàn nhạc đến ca sĩ không bao giờ hỏi về thù lao. Chúng tôi có bao nhiêu thì gửi chỉ tượng trưng nhưng tất cả đều vui vẻ nhận, bởi vì họ yêu thích nghệ thuật này chứ không phải vì thù lao mới đến,” ông cho hay.

Có lẽ, dàn nhạc với hơn 50 nhạc sĩ, cùng các ca sĩ đã gắn bó hàng chục năm với ông như Melody Versoza, Ngọc Hà, Bích Vân, Teresa Mai, Phạm Hà, Lê Hồng Quang, Trịnh Hoàng Hải, cùng với tiếng đàn piano của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Vân Anh, tiếng đàn violin của Nguyễn Phúc Hải… là muốn duy trì và phát triển âm nhạc cũng như văn hóa Việt Nam trên xứ người. Ngoài ra, một khía cạnh khác quan trọng không kém, đó là giúp đỡ và xây dựng một thế hệ trẻ có một căn bản vững chắc về kiến thức âm nhạc, có thể sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau, từ violin, viola, cello, string bass, sáo flute, sáo piccolo, kèn oboe, kèn clarinet, kèn bassoon, kèn horn, kèn trumpet, kèn trombone, kèn tuba, trống timpani, bộ gõ percussion, và đàn piano. (Quốc Dũng)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Rau câu hoa flan”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT