Thursday, March 28, 2024

‘Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2’ không ngừng trôi nổi miên man

Đằng-Giao/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2” xoay quanh ba dòng nhạc thời cận đại là Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, và ban nhạc Phượng Hoàng gồm Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

Chương trình được thực hiện nối tiếp sau thành công rực rỡ của “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử” vào năm ngoái. Năm nay, “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2” sẽ được trình diễn lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, 16 Tháng Hai, tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.

Nhạc sĩ Lê Huy, thành viên ban tổ chức, nói: “Đây là những chương trình mà chúng tôi đã cưu mang trong vài chục năm nay rồi chứ không phải hứng là làm. Do đó, mọi lựa chọn của chúng tôi đều là những tính toán hết sức quy mô, tuyển lọc vô cùng tỉ mỉ.”

“Vì muốn làm một chương trình để đời, chúng tôi không thể nào cẩu thả được. Chọn nhạc phẩm tiêu biểu cho từng nhạc sĩ rất khó. Phải làm sao để chỉ vài nhạc phẩm mà có thể nói lên được nét đặc thù của từng nhạc sĩ. Rồi chuyện chọn đúng ca sĩ để thể hiện đúng đắn linh hồn của những nhạc phẩm này lại là vấn đề gai góc hết sức. Ca hay thì dễ, nhưng ca cho có ‘hồn,’ thể hiện được những nét tiêu biểu của những nhạc sĩ thì là cả một vấn đề gay go cho chúng tôi,” ông nói.

Ba dòng nhạc lần này đều có khởi thủy thời chiến tranh Nam-Bắc.

Ông tiếp: “Thời chiến tranh, những giọt nước mắt trở thành não nề, những tiếng nấc nghẹn thương con, những tiếng thở dài giữa đêm trường, khóc chồng đã bỏ mình nơi trận địa đã len vào lời ca, tiếng nhạc làm cho âm nhạc sáng tác vào giai đoạn này mang những giai điệu đặc biệt mà phải là nhạc sĩ Việt Nam mới có thể lột tả được.”

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, một thành viên trong vai trò cố vấn, nói: “Để phù hợp với chương trình, đặt phần quan trọng vào nhạc sĩ và ca khúc, ban tổ chức muốn phần giới thiệu thật chuẩn xác và thích hợp.”

Ông giải thích; “Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu một cách vắn tắt về tác phẩm và tác giả, vừa đủ để nhắc khán giả về bối cảnh lịch sử mà thôi.”

Ông thêm: “Đêm nhạc phải dành cho nhạc thuần túy, và thời gian phải dành cho ca sĩ trình bày nhạc phẩm là chính, chứ không phải là dịp cho MC trổ tài ăn nói.”

Ca sĩ Lê Uyên. (Hình: Lê Uyên cung cấp)

Các ca sĩ góp mặt cũng cảm nhận được tầm quan trọng của chương trình.

“Đây là một chương trình văn nghệ rất có giá trị. Tôi rất vinh dự được đóng góp những nhạc phẩm Lê Uyên Phương cho chương trình,” ca sĩ Lê Uyên hãnh diện thố lộ.

Về dòng nhạc của chính mình và người chồng quá cố, Lê Uyên nói: “Nhạc Lê Uyên Phương hay ở cái mộc mạc và thật thà như hơi thở.”

Chị giải thích: “Bởi vì nhạc Lê Uyên Phương là tiếng nói của tâm hồn yêu quý cuộc sống, từ niềm vui đến nỗi buồn. Hạnh phúc hay đau khổ, tất cả đều là cuộc sống và đều đáng quý như nhau.”

Có lẽ vì thế mà nhạc Lê Uyên Phương lúc nào cũng giữ cho mình một sức sống nồng nàn, mạnh bạo và thiết tha.

Nhạc phẩm “Bài Ca Hạnh Ngộ,” “Cho Lần Cuối” cùng những tác phẩm để đời khác sẽ đại diện cho dòng nhạc Lê Uyên Phương trong đêm “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2.”

Ca sĩ Ý Lan. (Hình: Facebook Tiếng Hát Ý Lan)

Để thể hiện dòng nhạc Trịnh Công Sơn với nét trầm tư, mặc tưởng, suy niệm và đầy vẻ triết lý của một người gần như thoát khỏi cõi sống đa đoan này, ban tổ chức cũng rất khó khăn để mà chắt lọc những nhạc phẩm quá quen thuộc của ông đối với quần chúng.

Dĩ nhiên, nói về nhạc Trịnh Công Sơn là phải có “Diễm Xưa,” “Tôi Ru Em Ngủ,” “Ca Dao Mẹ”… Nhưng “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2” vẫn muốn đào sâu hơn nữa để cống hiến cho khán giả những sáng tác của người nhạc sĩ mà ít người biết đến, như “Vết Lăn Trầm,” “Rồi Như Đá Ngây Ngô,” “Đoản Khúc Thu Hà Nội”…

Có thể nói rằng nhạc Trịnh Công Sơn không có bài gì là xa lạ đối với mọi người, nhưng điều mới mẻ là sự sắp xếp, cách bày trí cũng như sự hòa âm độc đáo của “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2” sẽ hứa hẹn khán giả một đêm nhạc thính phòng độc đáo và mới lạ rất khó quên.

Ca sĩ Tuấn Ngọc. (Hình: Facebook Tiếng hát Tuấn Ngọc)

Phát xuất trong cùng một thời điểm lịch sử khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, ban nhạc Phượng Hoàng lại có một sắc thái khác hẳn.

Ở Phượng Hoàng, người ta tìm thấy tinh thần vị tha để cùng nhau vui sống trong những nhạc phẩm để đời của hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

Thay vì nguyền rủa chiến tranh, chết chóc, ban nhạc Phượng Hoàng kêu gọi người ta hãy yêu nhau, yêu non, yêu nước.

Tinh thần phóng khoáng ấy được khéo léo góp nhặt trong liên khúc Phượng Hoàng gồm “Tôi Muốn,” “Yêu Người Yêu Đời” và “Thương Nhau Ngày Mưa.”

Tuy vậy, chương trình không bỏ qua những tiếng kêu gào của một thế hệ lạc loài qua “Mặt Trời Đen” (Nguyễn Trung Cang).

Ngoài ra, khán giả sẽ được nghe lại những nhạc phẩm giá trị khác như “Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình” (Lê Hựu Hà) hay “Đêm Buồn Như Thánh Ca” (Nguyễn Trung Cang), hay “Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào” (Lê Hựu Hà & Nguyễn Trung Cang) đến “Tình Còn Lất Phất Mưa Bay” (Nguyễn Trung Cang & Lê Hựu Hà).

Ca sĩ Thương Linh. (Hình: Facebook Thuong Linh)

Căn cứ vào sự thành công của chương trình trước, “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử 2” ngoài Lê Uyên, còn có những ca sĩ gạo cội như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Hà Trần, Đình Bảo, Trọng Bắc, Thương Linh, Ngọc Diệp, sẽ là một chương trình âm nhạc thực sự có giá trị và sẽ được nhắc nhở trong nhiều năm tới.

Một điểm son cho ban nhạc Phượng Hoàng là, thời 1960, trong khi phong trào dịch nhạc ngoại quốc sang lời Việt tăng cao với sự đóng góp của những cây cổ thụ trong làng âm nhạc như Phạm Duy, Lữ Liên…, thì ban nhạc Phượng Hoàng lại sáng tác nhạc trẻ Việt Nam, với lời Việt, tâm tư, tình cảm Việt.

Nhạc sĩ Lê Huy, thành viên còn lại duy nhất của ban nhạc Phượng Hoàng, chia sẻ: “Tôi rất hãnh diện được trình diễn những nhạc phẩm do hai cố nhạc sĩ và cũng là thành viên ban nhạc Phượng Hoàng là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang sáng tác.” (Đằng-Giao)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT