Thursday, March 28, 2024

Phỏng vấn Trúc Tiên về Đờn Ca Tài Tử

Từ Nguyên, Paris

Một bộ môn cổ nhạc sắp được khởi sắc tại Paris?

Đờn Ca Tài Tử là một bộ môn cổ nhạc Nam Bộ ít được nhắc tới, nhất là tại hải ngoại. Cơ quan Văn Hóa Khoa Học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) năm 2014 công nhận Đờn Ca Tài Tử là gia tài của nhân loại gây sự chú ý của thế giới. Đối với chúng ta như nhắc nhở… chúng ta phải trở về nguồn.

Một nghệ sĩ Việt Nam ở Pháp, Trúc Tiên, đang làm sống lại bộ môn cổ nhạc này tại Pháp với hai buổi trình diễn và một CD ra mắt vào cuối Tháng Tư, đầu Tháng Năm.

Từ Nguyên đã gặp Trúc Tiên và cuộc nói chuyện được ghi lại như sau: 

Từ thế kỷ 19 

Từ Nguyên: Đờn Ca Tài Tử là bộ môn cổ nhạc Nam Bộ ít được nhắc tới. Trúc Tiên vui lòng nói qua bộ môn này.

Trúc Tiên: Đờn Ca Tài Tử là bộ môn nghệ thuật dân gian của miền Nam sông nước, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 từ khi các nhạc quan di cư vào Nam sinh sống theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

Khi vào Nam, các nhạc quan đã đem các điệu nhạc cung đình Huế hoà với nhạc lễ miền Nam, cải biến thành thể nhạc thính phòng Đờn Ca Tài Tử.

Ban đầu bộ môn này chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Một thời gian sau, song song với thể chơi thính phòng, Đờn Ca Tài Tử bước một bước mới là hát diễn trên sân khấu với khán giả là công chúng đủ mọi thành phần. Nghe kể lại rằng cách thức trình diễn trên sân khấu và tuồng tích bắt nguồn từ các nghệ sĩ đoàn hát của ông Tống Triều sau những buổi trình bày nhạc cổ truyền Việt Nam trong Exposition Coloniale de Marseille năm 1906.

Khi các tuồng Cải Lương xuất hiện vào khoảng năm 1916, bài bản của Đờn Ca Tài Tử vẫn được diễn trên sân khấu và điệu Tứ Đại Oán được xem là điểm nhấn. Đến năm 1920, bài Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu thay thế bài Tứ Đại Oán, thành trọng điểm trong các tuồng Cải Lương.

Rồi từ bài Dạ Cổ Hoài Lang (còn gọi là bài Vọng Cổ nhịp 2), các nhạc sĩ không ngừng mở nhịp, cải biến thành bài Vọng Cổ nhịp 4, 8, 16, 32… Dần dần, trong các tuồng Cải Lương, chúng ta chỉ còn nghe lỗ chỗ vài câu của các bài bản Đờn Ca Tài Tử dùng để đưa hơi cho Vọng Cổ.

Từ hạt mầm là Nhã Nhạc Cung Đình Huế do các nhạc quan mang vào, ông bà ta đã ươm cho Đờn Ca Tài Tử bám rễ đâm chồi, rồi trổ ngọn Vọng Cổ Cải Lương. Tuy thế, cùng chung một cội nguồn nhưng vẫn là hai bộ môn nghệ thuật riêng biệt. Trúc Tiên nghĩ khác nhau nhiều nhất là ở phong cách: một bên nặng phần tấu, một bên chuyên phần diễn. 

Từ thính phòng ra sân khấu

Đờn Ca Tài Tử có tính cách thính phòng nên vào giữa và cuối thế kỷ 19, các cụ chơi trong một không gian vừa đủ cho người đàn, hát và một ít người nghe, chủ yếu là nghe nhạc.

Trúc Tiên nhớ có lần nói chuyện với một bác ở Mỹ Tho say mê bộ môn này, bác ấy tâm sự: “Thưởng thức các bài bản cổ phải nhắm mắt lại, nghe với trái tim của mình để cảm nhận tiếng đàn lời ca… Nghe bằng con tim thì không biết chán, nên lượng bài càng dài thì càng gây cảm hứng cho người chơi lẫn người nghe.”

Hơn nữa, những người ngồi lại chơi với nhau thường là bạn tri âm tri kỷ. Thế nên các bài bản thường là được đàn và hát trọn bài.

Khi Đờn Ca Tài Tử được đem lên sân khấu diễn trước công chúng vào đầu thế kỷ 20 như đã nói trên thì phong cách phải thích hợp với không gian rộng và nảy sinh những nhu cầu mới như cảnh trí, trang phục, âm thanh, ánh sáng… để bắt mắt khán thính giả. Ở đây là “khán thính giả,” tức vừa nghe ca vừa coi hát; và người hát không chỉ hát mà còn phải diễn xuất cả nội tâm (nét mặt) lẫn ngoại hình (điệu bộ).

Với bộ môn nầy, diễn ca nữ được gọi là “đào,” nam là “kép” chứ không là “tài tử,” “giai nhân” như bên Đờn Ca Tài Tử (tân nhạc gọi là nam nữ ca sĩ).

Kịch bản các tuồng phải viết sao cho có lớp lang và tình tiết hấp dẫn. Giàn nhạc cổ, tức các bài bản của Đờn Ca Tài Tử, trước sau vẫn giữ vai trò chủ chốt, vẫn là linh hồn của Cải Lương, vẫn giữ nguyên nghệ thuật tâm tấu, ngẫu hứng sáng tạo để đệm đàn. 

Một mẹ sanh ra

Để người thưởng thức không bị nhàm chán, các hơi điệu bài bản tổ chỉ được sử dụng trích đoạn, trích lớp. Ví dụ như những chỗ “gõ mô” được thay bằng “đàn chầu” để cho kịch bản được xuyên suốt và sân khấu không có thời gian chết. Cũng trong mục đích đó, nhiều soạn giả đã thêm vào các điệu hò, điệu lý hay những bài bản nhỏ, còn gọi là “cổ nhạc canh tân,” cho vở diễn thêm phần thu hút.

Tóm lại, cho dù theo thể trình tấu Đờn Ca Tài Tử thuần túy hay trình diễn Sân Khấu Cải Lương thì cả hai đều “một mẹ sanh ra,” chỉ khác nhau ở phong cách và không gian chơi. Một bên là nghệ thuật đàn ca, còn bên kia là nghệ thuật trình diễn bao gồm cả đàn ca và kịch thuật (nhạc kịch). 

Từ trong bụng mẹ 

Từ Nguyên: Cơ duyên nào đưa Trúc Tiên tới với môn nhạc này? Trúc Tiên tập từ bao lâu?

Trúc Tiên: Chắc là Trúc Tiên đã nghe lóm ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nhất là nghe ba của Trúc Tiên hay khoe: Ngày xưa mẹ mê ba vì ba hát vọng cổ điệu nghệ. Hồi còn nhỏ xíu, nội dạy hát vài câu, sau thì mỗi khi ba đi hát ở đâu thì dắt Trúc Tiên theo để múa phụ họa.

Trúc Tiên nhớ có lần gánh hát của ba diễn tuồng “Phạm Công Cúc Hoa” mà thiếu con bé đóng Nghi Xuân nên kêu Trúc Tiên thế, hát vài câu “hoài tình” đi xin ăn với Tuấn Luật. Sau đó, gia đình Trúc Tiên sang Pháp. Lúc đó, Trúc Tiên mới gần 11 tuổi thôi. Bên này ba Trúc Tiên vẫn thường hát vọng cổ những cuối tuần với mấy người bạn đàn. Lâu lâu Trúc Tiên cũng được phép góp giọng vài câu.

Những năm gần đây, chắc vì nhớ nhà, và vừa buồn vừa tiếc một bộ môn nghệ thuật cổ truyền đang bị bỏ quên, tàn lụi theo thời gian nên Trúc Tiên học hát lại. May mắn là mình ở thế kỷ công nghệ đầy tiện lợi để học tập.

Qua Internet, Trúc Tiên có thể nghe những bản đàn của các chú bác nghệ sĩ bên nhà, như bác Ba Tu chẳng hạn. Nếu không hiểu điều gì thì Trúc Tiên hỏi, không có bài hát, Trúc Tiên xin bài. May mắn là các chú, các bác thương Trúc Tiên ở nước ngoài mà còn ham học bài bản cổ nên tận tâm chỉ dẫn. Đặc biệt, có một ca sĩ nổi tiếng (yêu cầu ẩn danh) chỉ cho Trúc Tiên từng nốt xàng, nốt xê, lúc ngân, lúc láy…  Trúc Tiên hát theo bản đàn, rồi gởi về, anh ấy sửa và chỉ cho Trúc Tiên hát đúng hơn. 

Bộ môn khác? 

Từ Nguyên: Trúc Tiên còn sinh hoạt văn thơ?

Trúc Tiên: Ngoài âm nhạc, Trúc Tiên rất thích và có chút ít năng khiếu về hội hoạ nên thường giúp vẽ bìa sách, bià đĩa nhạc (CD), cho bạn bè, cho Ban Tu Thư ở giáo xứ cũng như các cộng đoàn Việt Nam ở Pháp, Mỹ… Trúc Tiên cũng nhiều lần trang trí sân khấu cho những buổi văn nghệ của người mình ở Paris.

Thỉnh thoảng, Trúc Tiên cũng làm thơ viết văn để không quên tiếng Việt và chia sẻ vui buồn với bạn bè. 

Chưa phát triển 

Từ Nguyên: Tại Pháp, có Đờn Ca Tài Tử không? Bộ môn này có vẻ như không được thịnh hành bằng tân nhạc Việt Nam hay nhạc Tây phương tại các phòng trà ca nhạc ở Paris ?

Trúc Tiên: Ở hải ngoại nói chung, ở Pháp nói riêng, Đờn Ca Tài Tử chưa được “thân thiết” lắm với thính giả. Chúng ta chỉ thoáng nghe vài câu vọng cổ hay dân ca vào những dịp Tết đến, Xuân về. Hầu như mình không nghe ai hát các bài bản Đờn Ca Tài Tử. 

Nhạc sĩ, tài tử 

Từ Nguyên: Nhạc sĩ đàn đệm cho Trúc Tiên hát phải là người đã tập dượt trước. Có vẻ như khó tìm những nhạc sĩ tài tử này so với nhạc sĩ chơi piano hay synthétiseur?

Trúc Tiên: Đờn Ca Tài Tử thuộc hệ thống nhạc ngũ cung Á Đông (hò xự xang xê cống). Theo truyền thống xưa nay thì thể nhạc này được trao truyền theo phương pháp truyền ngón và truyền khẩu, và thông thường là kiểu “cha truyền con nối,” cũng có một số thầy nhận học trò tại nhà. Chưa được bao nhiêu tuổi thì Trúc Tiên đã theo gia đình sang định cư bên pháp nên không biết là các nhạc viện bên nhà có dạy thể nhạc cổ này không, chỉ biết là các nhạc sĩ thạo bài bản cổ không nhiều đâu. Bên nhà đã ít thì huống hồ gì tại Paris nầy, vọng cổ còn có một vài người chơi, bài bản thì hiếm lắm. 

CD đầu tay 

Từ Nguyên: Là CD đầu tiên của Trúc Tiên trong bộ môn này? Tại sao lại là “Dạ?” Điểm đặc biệt là gì?

Trúc Tiên: Thưa đúng, “Dạ” là CD đầu tay của Trúc Tiên.

Trúc Tiên đặt tên cho CD đầu tay của mình là “Dạ,” như một khởi đầu. “Dạ” là tiếng lễ nghĩa mà chúng ta được ông bà cha mẹ dạy khi bập bẹ nói. “Dạ” để biết có người trên kẻ dưới. Có cũ để có mới. Thời này, dù nhạc ngũ âm của ông cha mình không thể bì kịp với bước tiến của âm nhạc nước ngoài, nhưng đó là gia tài ông cha để lại thì “Dạ” như một bổn phận gìn giữ bảo tồn gia tài đó. Lại còn, Đờn Ca Tài Tử mộc mạc nhẹ nhàng như tiếng “dạ” của các cô gái miền Lục Tỉnh đã âm vang trên bao nhiêu trang sách của các anh nhà văn nhà thơ miền Bắc, miền Trung.

“Dạ” còn là lòng, còn như tỏ dạ trải lòng theo điệu nhạc, giống như Trúc Tiên muốn tâm sự một chút với thính giả về một thể nhạc đặc âm nơi chôn nhau cắt rún của mình. Mặc dù Trúc Tiên sống ở Pháp nhiều năm hơn ở Việt Nam nhưng không bao giờ quên nguồn gốc của mình. “Dạ,” theo nghĩa Hán-Việt, còn là đêm. Hồi xưa các cụ, sau ngày làm việc ruộng đồng vất vả, chiều tối mới quây quần bên nhau ôm đàn hò hát, nhất là những đêm trăng.

Với “Dạ,” Trúc Tiên mong ước khơi lại những bài bản tổ đã ẩn sâu trong lòng mọi người, những Xàng Xê, Nam Ai, Phụng Cầu… Trúc Tiên biết rằng “một con én không tạo nổi mùa Xuân,” rất mong các anh chị nghe rồi thương những điệu nhạc quê hương rất cổ của miền Nam. Ai biết hát hãy cùng cất giọng để dòng nhạc Đờn Ca Tài Tử tồn tại trong mỗi chúng ta. Hãy giúp Trúc Tiên một tay một giọng để bảo tồn tài sản của cha ông để lại. 

Hai buổi giới thiệu 

Từ Nguyên: Buổi giới thiệu đầu tiên là tại giáo xứ Việt Nam Paris, buổi thứ hai là tại khán phòng Mandapa, Quận 13, Paris. Lần đầu tiên Trúc Tiên tổ chức những buổi này?

Trúc Tiên: Về Đờn Ca Tài Tử thì đúng đây là lần đầu tiên Trúc Tiên đứng ra tổ chức.

Từ Nguyên: Mối liên lạc giữa Trúc Tiên với các nghệ sĩ khác, với các nhóm người Pháp tại Paris, với các nhạc sĩ trong nước như thế nào? Đờn Ca Tài Tử được UNESCO công nhận là gia tài của nhân loại, chắc có đông đảo người hưởng ứng.

Trúc Tiên: Hôm lễ giỗ 100 ngày của nhạc sĩ Trần Văn Khê do nhóm Phượng Ca tổ chức, Trúc Tiên có góp một bài hát điệu Nam Xuân, một trong 20 điệu tổ của Đờn Ca Tài Tử. Mặc dù được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2014, Đờn Ca Tài Tử vẫn còn rất xa lạ đối với các nhóm nhạc người Pháp yêu chuộng, học hỏi và trình tấu nhạc cụ cổ truyền Việt Nam tại Paris. Trúc Tiên rất mong có dịp giới thiệu bộ môn này tới các anh chị người Pháp.

Từ Nguyên: Chương trình hoạt động trong tương lai của Trúc Tiên như thế nào?

Trúc Tiên: Chập chững trên con đường Đờn Ca Tài Tử, Trúc Tiên rất mong được các vị tiền bối dìu dắt để Trúc Tiên bước đúng hướng đúng đường, giữ gìn và phát huy nhạc cổ truyền của dân tộc.

Từ Nguyên: Xin cảm ơn Trúc Tiên và xin chúc các buổi diễn thành công và mạnh tiến.

Tổng thống Mỹ sẽ đến Việt Nam dự hội nghị APEC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT