Thursday, April 18, 2024

Tài tử Mỹ ‘đổ xô’ sang Trung Quốc đóng phim

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Từ trước đến nay, diễn viên hay các nhà làm phim trên khắp thế giới đều ao ước bước chân vào Hollywood “phồn vinh” để thể hiện bản thân và tạo dựng tên tuổi, cho dù là đảm nhận những vai phụ mờ nhạt nhất.

Tuy nhiên, nếu như Hollywood từng là mảnh đất màu mỡ mà ai cũng muốn tranh giành, thì xu hướng thương mại của ngành công nghiệp điện ảnh đang dần dần đổi qua hướng khác. Sức mạnh thị trường và tiềm năng ở Trung Quốc ngày càng lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả ngành giải trí, thể hiện rõ nhất qua doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng, khiến Hollywood “đảo chiều.”

Hollywood hợp tác với hãng phim Trung Quốc 

Các ngôi sao lớn của Trung Quốc, như tài tử Lý Tiểu Long, Thành Long, đến các đạo diễn như Lý An, Ngô Vũ Sâm từng làm rạng danh Trung Hoa khi tạo ra các tác phẩm gây tiếng vang ở Mỹ, đưa tên tuổi điện ảnh Trung Hoa đến kinh đô điện ảnh. Và hiện tại, chính các nhà làm phim Hollywood đang tìm kiếm cơ hội để đem tác phẩm của mình kinh doanh ở thị trường phim đang bùng nổ ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Điển hình nhất là bộ phim “Animal World,” tạm dịch tiếng Việt là “Thế Giới Động Vật,” là một bộ phim kinh dị nhưng lại đầy màu sắc của hãng phim Enlight Media ở Bắc Kinh, từng đứng đầu phòng vé ở Trung Quốc. Bộ phim dựa trên truyện tranh của Nhật, thu được $38 triệu trong tuần đầu tiên công chiếu.

Trong phim, nam diễn viên gạo cội Hollywood Michael Douglas đóng vai nhân vật phản diện, được giới phê bình phim Trung Quốc hết lời ca ngợi.

Michael Douglas không phải là tài tử Hollywood duy nhất tham gia các dự án phim Trung Quốc. Nam diễn viên Michael Pitt, từng được biết đến qua các bộ phim “Boardwalk Empire” hay “The Dreamers,” từng xuất hiện trong bộ phim hài “Detective Chinatown 2” (tạm dịch “Thám Tử Phố Tàu”), thu về $544 triệu ở Trung Quốc.

Thành Long cùng với dàn diễn viên Trung Quốc và Mỹ trong buổi ra mặt bộ phim “Quả Đấm Thép” do hãng phim Trung Quốc sản xuất năm 2017. (Hình: Bredon Thome/Getty Images)

Hay như nhà sản xuất nhạc cho phim “Captain America: Civil War,” Frank Grillo, từng sản xuất nhạc cho phim “Chiến Binh Sói” của Trung Quốc, đạt doanh thu $870 triệu. Ngoài ra, hai nam tài tử nổi tiếng Bruce Willis và Adrian Brody cũng góp mặt trong bộ phim “Unbreakalbe Spirit” cuối mùa Hè 2018, nói về vụ Nhật đánh bom thành phố Trùng Khách trong Đệ Nhị Thế Chiến, do Trung Quốc sản xuất.

Trước đó, các tài tử như Christian Bale từng xuất hiện trong phim “Flowers of War” hay Matt Damon từng đóng “The Great Wall.” Cả hai bộ phim đều do hai hãng Trung Quốc và Mỹ hợp tác, với hy vọng thống trị hai thị trường.

Việc có mặt của các ngôi sao Hollywood nhằm thu hút khán giả Trung Quốc và cả nước ngoài. Tuy nhiên, khi các bộ phim “bom tấn” hiện giờ nhắm trực tiếp đến khán giả Trung Quốc, thì việc chọn sao Hollywood dựa trên tiêu chuẩn sự nổi tiếng của họ đối với người hâm mộ ở Thượng Hải, Bắc Kinh, và Quảng Châu được đưa lên hàng đầu.

Cựu chủ tịch hãng phim CAA China, ông Jonah Greenberg, vừa mới thành lập hãng sản xuất phim ở Bắc Kinh, cho biết: “Đem các diễn viên Hollywood vào lĩnh vực phim Trung Quốc không chỉ nâng cao phẩm chất bộ phim, mà còn thu hút khán giả trong nước.”

Đất Hollywood “chật chội,” diễn viên kiếm vùng đất mới 

Một trong những lý do khác khiến tài tử Hollywood “đổ xô” đóng phim Trung Quốc vì ngân sách. Các ông lớn trong ngành truyền thông và giải trí Trung Quốc sẵn sàng móc hầu bao chi lớn cho các dự án phim, trả cát sê hậu hĩnh để có thể mời được người nổi tiếng đóng. Chẳng hạn, để mời được Adrian Brody và Bruce Willis, hãng phim phải bỏ ra con số khá lớn, thậm chí là còn hơn cả số tiền mà các tài tử nổi tiếng được trả ở Hollywood.

Ngoài ra, ngân sách tăng phản ánh sự tăng trưởng của doanh thu phòng vé ở nước này. Năm ngoái, doanh thu tại thị trường nơi đây đạt $8.6 tỷ và dự trù sẽ vượt mặt phòng vé Bắc Mỹ vào năm 2020.

Hollywood từng là nơi mà các diễn viên nào cũng khao khát được góp mặt. (Hình: Robyn Beck/Getty Images)

Khi các diễn viên tên tuổi sang thị trường Trung Hoa Đại Lục đóng phim vì cát sê hậu hĩnh, các hãng phim Mỹ sẽ có cơ hội làm những dự án nhỏ hơn, nghệ thuật hơn và không cần dùng một khoảng ngân sách để trả lương diễn viên.

Điều này vừa có lợi và hại. Lợi là có thể đem lại các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc thay vì những bộ phim “bom xịt,” nhưng việc không có diễn viên “hot” sẽ không thu hút nhiều khán giả.

Người làm phim cũng sang Trung Quốc 

Sự bùng nổ từ “Tây sang Đông” trong lĩnh vực điện ảnh là do Trung Quốc cần công nghệ và tài năng Hollywood. Hầu hết các bộ phim Trung Quốc gần đây đều có bóng dáng của Hollywood, không ít thì nhiều, từ những người đằng sau hậu trường như soạn nhạc, giám sát hiệu ứng hình ảnh, quay phim, cho đến các nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn.

“Thật sự là thị trường Đại Lục không có đủ người có tài năng đáp ứng nhu cầu kỹ thuật và số lượng phim thì ngày càng tăng,” ông Greenberg giải thích. “Mà họ lại chịu khó bỏ ‘hầu bao’ để mướn người giỏi. Chính vì vậy mà rất nhiều nhà làm phim sang đây làm việc.”

“Bốn năm trước, tôi từng nghĩ rằng mình giống như một con sói hoang đơn độc khi quyết định làm phim ‘Skiptrace’ với Thành Long tại đây, theo lời mời của phía hãng phim Trung Quốc,” đạo diễn Renny Harlin, người từng thực hiện “bom tấn” Hollywood “Die Hard 2” và “Cliffhanger,” cho biết.

“Giờ đây, bạn có thể gặp lại đồng nghiệp Hollywood tại đây, từ nhà quay phim, thiết kế sản xuất, biên kịch, soạn nhạc, điều khiển ánh sáng, tất cả hầu như đều tập trung ở đây. Nó giống như là Hollywood thứ hai vậy,” ông nói.

Sau khi thực hiện bộ phim “Skiptrace,” đạo diễn Renny Harlin tiếp tục ở lại Đại Lục và sản xuất thêm hai phim khác đều đạt doanh thu cao. Các đạo diễn tên tuổi khác như Alfonso Cuaron cũng sắp phát hành bộ phim cho thị trường Trung Quốc.

Nhà thiết kế hoạt họa nổi tiếng Rob Mikoof, từng làm phim “The Lion King,” chuẩn bị ra mắt phim hoạt họa cho Trung Quốc cuối năm nay. Một số nhà làm phim công nhận rằng, nếu muốn đem các tác phẩm của mình lên màn ảnh rộng, thì Trung Quốc là một trong những thị trường tuyệt vời.

Trung Quốc còn kéo cả tài năng ở Âu Châu 

Không chỉ ở Mỹ, mà Trung Quốc còn tìm kiếm các nhà làm phim ở Âu Châu, cũng như cách mà Hollywood từng kiếm ở vùng đất này trước đây.

Nhà làm phim người Ý, Chistiano Bortone, cho biết: “Người Trung Quốc hiểu rõ rằng, những nhà quay phim vĩ đại nhất đến từ Âu Châu. Và Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội mà mời gọi những tài năng này về. Nó giống như thế giới đang đảo ngược vậy, trước đây chúng ta thuê người Trung Quốc để làm gia công cho các set sân khấu, phục trang hay những thứ khác với giá cực rẻ. Còn bây giờ, họ thuê lại chúng ta làm điều tương tự, chỉ khác là chúng ta làm phim cho họ coi.” (Nhất Anh)

——–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT