Tuesday, April 16, 2024

Nơi nào có Thanh Long bass, nơi đó có cuồng nhiệt

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Từ những năm 1970, ca sĩ Thanh Long bass là một trong số hiếm hoi ca sĩ có thể vừa hát vừa chơi đàn cùng ban nhạc với những bài sôi động. Không chỉ vậy, anh còn làm mê đắm người nghe bằng những bài nhạc Việt trữ tình, sâu lắng.

Bắt đầu đi hát chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi, hình ảnh một Thanh Long bass lãng tử, tóc dài quá vai, ôm cây đàn guitar hát những nhạc Anh-Mỹ, đã “làm mưa làm gió” ở các vũ trường, các club thời bấy giờ. Khán giả thời đó “phát cuồng,” còn các ban nhạc thì tranh nhau mời anh, bởi vì nơi nào có anh là nơi đó có cuồng nhiệt.

Sôi động nhưng trữ tình, sâu lắng

Hơn nửa đời người đứng trên sân khấu nhưng ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt trong người ca sĩ này. Nói chuyện với anh, chỉ một đề tài khiến anh hào hứng chia sẻ, đó là âm nhạc! Có người nói đừng nói chuyện chính trị, tiền bạc hay gì đó khác với Thanh Long bass, vô ích. Với anh, cuộc đời này chỉ có âm nhạc và âm nhạc.

Người ta gọi anh là Thanh Long bass vì cuộc đời anh suốt mấy chục năm gắn liền với cây guitar bass, cho đến khi anh cất cây “bass” ở nhà, lên sân khấu để đơn ca, người ta vẫn cứ giới thiệu anh là ca sĩ Thanh Long bass.

Cuộc đời Thanh Long bass chỉ có âm nhạc và âm nhạc. (Hình: Thanh Long bass cung cấp)

Thời đó, khán giả hâm mộ anh cũng giống như khán giả trẻ trong nước hâm mộ các ca sĩ Nam Hàn bây giờ. Khi anh hát trên sân khấu, khán giả cổ vũ cuồng nhiệt, họ hát theo, nhảy theo. Có nhiều chương trình phải tạm ngưng giữa chừng để bảo vệ đưa khán giả đi cấp cứu vì ngất xỉu. Sau đêm diễn anh phải có bảo vệ đưa ra mới thoát được vòng vây của khán giả. Thức ăn, thức uống của anh cũng được bác sĩ kiểm tra để bảo đảm đủ sức khỏe.

Đến những năm của thập niên 1990, thị hiếu âm nhạc của khán giả dần thay đổi, Thanh Long bass bắt đầu đi hát nhiều ở các phòng trà, với những ca khúc trữ tình, sâu lắng. Với chất giọng tenor trầm ấm lẫn phong cách “rất đàn ông,” anh mê hoặc rất nhiều khán giả, nhất là là khán giả nữ qua các sáng tác của nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Tý, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng, Tuấn Khanh, Vũ Đức Sao Biển… đặc biệt là những sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang.

Từ đó cho đến ngày sang Mỹ cách đây khoảng sáu năm trước, Thanh Long bass chủ yếu đi hát các ở các phòng trà và các chương trình ca nhạc lớn. Anh cứ thế, đam mê nhưng bình thản, không ồn ào, bon chen.

Với sức lực và tên tuổi của mình, Thanh Long bass thừa sức tổ chức live show cá nhân trên sân khấu lớn, nhưng anh đã không làm thế. Hơn nửa đời người đi hát, anh chỉ làm có hai CD là “Tương Tư” và “Anh Còn Nợ Em.”

Những năm 1980, trong nhiều show diễn của Thanh Long bass, khán giả ngất xỉu vì hâm mộ quá cuồng nhiệt. (Hình: Thanh Long bass cung cấp)

“Ca sĩ bên này cực quá!”

“Tôi nghe lại hai CD của mình, thấy đâu có gì đặc biệt mà sao khán giả thích quá trời. Trung tâm băng nhạc ở Việt Nam gọi sang bảo là nhiều năm nay, họ cứ in hết đợt này đến đợt khác hai CD đó. Ở đây khán giả cũng hỏi mà đâu có mà bán. Chắc sắp tới tôi sẽ nhờ ở Việt Nam gửi sang vài thùng bán kiếm tiền,” anh hóm hỉnh nói.

Sáu năm trước, lúc mới sang Mỹ, Thanh Long bass có ý định mở một phòng trà ca nhạc kiểu Sài Gòn trên đất Mỹ, nhưng bạn bè khuyên không nên, bởi vì “không ai có thời gian rảnh đến coi nhạc mỗi đêm đâu.” Vậy là thôi, không làm kinh doanh, từ đó đến nay anh chỉ đi hát khi có lời mời. Thời gian còn lại là dành cho gia đình, đặc biệt là cậu con trai chỉ mới 5 tuổi.

Khoảng một năm trở lại đây, anh nhận lời mời và gia nhập nhóm The Black Stones, đi diễn cùng các thành viên của nhóm là nghệ sĩ Thanh Tùng, Quốc Bảo, Quốc Lương, Carol Kim, Phương Thùy, Thanh Nhã. Ở nhóm này, anh được sống lại thời của những năm 1970 với những bài hát Anh-Mỹ sôi động. Tuy nhiên vì nhiều lý do, show diễn của nhóm không thường xuyên và chỉ loay hoay ở Little Saigon mà thôi.

Anh may mắn có được một âm vực rộng, có thể trầm ấm như bass và cũng có thể réo rắt như tenor. (Hình: Facebook Thanh Long bass)

“Cái khó nhất khi là tập hợp anh em lại để đi diễn vì ai cũng đều bận rộn với việc làm. Chuyện tổ chức show không dễ dàng như trong nước. Bên đó, ca sĩ chỉ có việc đi hát, những chuyện khác có người khác lo. Ở đây không thuê mướn người khác như vậy nên cái gì cũng phải tự làm, không dễ chút nào. Ngay cả bán vé, chúng tôi phải chia nhau ra tự bán,” Thanh Long bass cho biết.

“Chúng tôi phải gọi điện thoại, nhắn tin cho bạn bè, người quen, bán được vé nào hay vé đó. Tổ chức một chương trình cực quá,” anh thật thà nói.

Đó là một trong những lý do khiến cho nhóm The Black Stones e dè mỗi khi muốn tổ chức show. Hát thì ai cũng “sung” nhưng nghĩ đến chuyện tổ chức thì ai cũng ngán. Thanh Long bass nói, nếu có ai đó đứng ra tổ chức, nhóm chỉ lên trình diễn thì mấy show một tuần cũng không sao.

Rồi anh nói thêm: “Cái may mắn của tôi là tôi vừa hát được nhạc sôi động cho các club nhưng cũng hát được nhạc xưa, trữ tình cho các phòng trà. Mà nói thật, ca từ nhạc hồi xưa sao mà nó đẹp lạ lùng. Khi hát, tôi ‘phiêu’ dữ lắm. Nhiều bài, khi cất lên hát là tôi ‘nổi da gà’ vì ca từ đẹp quá. Bởi vậy, nhạc xưa mới sống mãi trong lòng khán giả.” (Trúc Linh)

—————-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT