Thursday, March 28, 2024

Ca sĩ Vũ Hiển: Thị trường âm nhạc bão hòa, ca sĩ khó sống bằng nghề

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Có một dược sĩ đã 21 năm trong nghề và đã có gần 30 năm đứng trên sân khấu. Đam mê ca hát từ bé, nhưng cha mẹ của anh, cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, không muốn cho con mình theo con đường ca hát bấp bênh, mà phải là kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ… Anh đã không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, nhưng cũng có cách riêng để thỏa mãn đam mê của mình.

Đó là ca sĩ, MC Vũ Hiển, một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở San Jose hơn 20 năm qua và hiện là dược sĩ ở bệnh viện Stanford. Với anh, hai nghề này đều là “tay phải,” cứ song hành với nhau, bổ trợ cho nhau nên không thể chọn lựa một trong hai.

Hầu hết cha mẹ Việt mong muốn con mình thành kỹ sư, bác sĩ

“Sang Hoa Kỳ năm tôi đã 22 tuổi, gia đình mong muốn tôi đi học lấy bằng kỹ sư, bởi vì kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ… là những ‘nghề danh giá,’ gia đình nào cũng muốn con mình theo học những ngành này. Tôi hoàn toàn không có hứng thú với nghề kỹ sư nên chọn học ngành dược. Tuy nhiên, âm nhạc vẫn là đam mê lớn của tôi,” anh cho biết.

Vũ Hiển kể, anh hoàn toàn hiểu tâm lý của phụ huynh luôn muốn con mình có nghề tốt, thu nhập tốt. Nghề ca hát từ xưa đến giờ, trong mắt nhiều người vẫn là nghề bấp bênh, phức tạp, nên nhiều phụ huynh không cho con mình làm ca sĩ cũng không phải là sai.

“Theo tôi, các bậc phụ huynh chỉ nên hướng dẫn, khuyến khích cho con mình chọn trường, chọn nghề nhưng đừng ép buộc con mình phải thành kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ… nếu các em không có hứng thú. Hãy để các em tự chọn ngành nghề mà các em yêu thích và có khả năng. Tôi nói vậy bởi tôi biết có nhiều phụ huynh cho đến bây giờ vẫn ép con mình theo học những nghề này,” anh nói.

Ca sĩ, MC, Dược Sĩ Vũ Hiển nói rằng ngành y hiện nay đã bão hòa. (Hình: Vũ Hiển cung cấp)

Theo anh, nghề bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ… bây giờ dường như đã bão hòa, đi đâu cũng thấy “Doctor… Nguyễn.” Ngay cả thi vào trường y khoa cũng khó khăn hơn ngày xưa, bởi vì người Việt chọn học bác sĩ nhiều quá nên các trường họ phải phân chia đồng đều, ưu tiên cho các sắc dân khác. Rồi khi học xong, cầm tấm bằng bác sĩ trong tay cũng không còn xin việc dễ dàng như trước đây. Mà ngay cả khi có việc rồi cũng vô cùng vất vả. Bác sĩ, nếu đi làm bệnh viện là gần như không có thời gian cho gia đình mình, chuyện đi làm buổi tối, lúc còn độc thân thì không sao nhưng khi lập gia đình, có con, sẽ là vấn đề khó khăn.

Bởi vậy, theo anh Vũ Hiển, nếu các bạn trẻ thực sự yêu thích nghề y thì không thành vấn đề, cứ theo học, còn nếu nghĩ nghề y dễ kiếm việc hay kiếm được nhiều tiền, thì nên suy nghĩ lại. Anh nói: “Tại sao người Việt mình cứ suy nghĩ phải theo nghề y, tại sao không mở rộng suy nghĩ sang những nghề khác? Xem các tỷ phú, triệu phú, đâu có ai theo nghề y?”

Không như nhiều dược sĩ làm việc tại các nhà thuốc, làm việc tại bệnh viện, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư, anh Vũ Hiển cho rằng bản thân mình rất may mắn. Không cần nói đến chuyện thành đạt, nổi tiếng gì cả, khi mình còn khỏe mạnh, lành lặn, tự chủ được cuộc sống là mình đã là người may mắn hơn hàng triệu người khác rồi. Nếu ai từng chứng kiến người bệnh nằm trên giường bệnh, đau đớn từ ngày sang khác, chuyện ăn uống, vệ sinh cũng lệ thuộc vào người khác và biết rằng họ sẽ chết, thì sẽ nhận ra mình may mắn biết chừng nào.

Thị trường ca hát cũng bão hòa như… ngành y!

“Nếu nói ‘happy’ với công việc thì cũng không hoàn toàn đúng, nhưng tôi biết ơn cuộc sống này và hài lòng với những gì mình có. Nói thì nghe sáo rỗng, lý thuyết, nhưng tôi thực sự biết ơn những gì tôi có khi nhìn vào các bệnh nhân ung thư. Tôi sống nhẹ nhàng, không bon chen, không khoe khoang. Khi tôi đứng trên sân khấu, khán giả chỉ biết tôi là MC, ca sĩ. Tôi không bao giờ khoe mình là dược sĩ với khán giả hay với đồng nghiệp ca sĩ, các nhà tổ chức. Khi mọi người tình cờ biết, họ nói ‘hèn chi cách nói chuyện của Vũ Hiển khác lắm,’” anh kể.

Vũ Hiển cho biết anh đi hát từ hồi trung học ở Việt Nam. Sang Mỹ vào đại học UC Davis và USC, anh là một trong những giọng ca nổi bật ở trường, từng đi hát trong nhiều chương trình văn nghệ của sinh viên, các sinh hoạt cộng đồng của người Việt ở Little Saigon. Năm 1997, về lại San Jose, anh bắt đầu đi hát chuyên nghiệp. Từ năm 1998 đến nay, 20 năm, anh là MC chính của cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài California.

Nhưng vì công việc và vì lập gia đình, có con nên anh không đi hát thường xuyên, mãi cho đến năm 2014. Mặc dù đi hát nhiều hơn, từ các chương trình ca nhạc đến các quán bar, đầu tư nhiều công sức cho ca hát, nhưng anh vẫn phải làm tròn trách nhiệm của mình ở bệnh viện.

“Tôi rất đam mê ca hát, đúng, nhưng tôi không thể nghỉ việc để chạy theo ca hát. Tôi cũng không thể bỏ ca hát và chỉ đi làm ở bệnh viện. Tôi xem cả hai đều là ‘nghề tay phải.’ Nghề nào cũng quan trọng với tôi và thực sự là ca hát giúp cho tôi rất nhiều trong đời sống tinh thần. Có những ngày rất stress trong công việc, sau giờ làm, bước lên sân khấu, tôi quên hết mọi thứ,” anh nói.

Chất giọng Vũ Hiển phù hợp với dòng nhạc trữ tình, nên anh hay hát nhạc Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An… và anh còn hát cả nhạc trẻ sôi động khi hát ở các vũ trường và casino. Nhưng theo anh, thị trường âm nhạc bây giờ cũng bão hòa như nghề… y. Vì sao?

Vũ Hiển nói: “Ca sĩ nào cũng phải đi làm hoặc tự kinh doanh mới đủ sống.” (Hình: Vũ Hiển cung cấp)

Vì bây giờ ai cũng có thể làm ca sĩ, ai cũng có thể đứng ra tổ chức show ca nhạc và phong trào “hát cho nhau nghe,” các “private party” có ca nhạc nhiều quá. Riết rồi khán giả không còn muốn bỏ tiền ra và dành thời gian đi xem ca nhạc, đặc biệt với các show mà toàn ca sĩ lạ hoắc. Ca sĩ tên tuổi thì, vì nhiều lý do, họ cứ hát mãi những bài cũ, khán giả nghe mãi cũng chán. Đó là chưa kể ca sĩ ở Việt Nam sang rất nhiều.

“Tôi có khuyên vài ca sĩ trẻ ở Việt Nam mới sang định cư, rằng nên đi học, rồi tìm một việc làm ổn định, song song với nghề ca hát. Bởi ở cộng động người Việt chúng ta ở Hoa Kỳ rất nhỏ, show ca nhạc thì ít mà ca sĩ thì đông, cho nên hiếm có ca sĩ nào sống được chỉ bằng nghề ca hát. Kể cả những ca sĩ ngôi sao cũng phải đi làm hoặc tự kinh doanh,” anh nói.

Với tư cách là người làm trong ngành y, hỏi Vũ Hiển có lời nào đến các bậc phụ huynh? Anh nói: “Tư vấn, khuyến khích, động viên con cái mình là điều rất cần thiết nhưng không nên áp đặt, ép buộc con mình phải chọn ngành học mà theo ý phụ huynh là tốt. Đừng tạo áp lực lên con cái mình, hãy để các em chọn học ngành học mà các em yêu thích và đam mê. Bởi khi yêu thích, đam mê, các em sẽ làm tốt và các em sẽ thành công.” (Trúc Linh)

——————-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Nghệ Sĩ và Đời Thường” cùng trò chuyện với nghệ sĩ Đức Tiến về “Ghen” (phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT