Thursday, March 28, 2024

Xem Asia 79: ‘Còn Mãi Trong Tim’

Vũ Đình Trọng/Người Việt

Có thể nói chương trình Asia số 79 với chủ đề “Còn Mãi Trong Tim” (Love Is Forever) là một bước ngoặt của Trung Tâm Asia sau khi nhạc sĩ Trúc Hồ chia tay với trung tâm này.

Bước ngoặt này tạo ra nhiều thay đổi và có lẽ khác biệt quan trọng, tạo ra sự chú ý nhiều nhất nằm ở sự hoán đổi người đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc: Trước đây là nhạc sĩ Trúc Hồ, nay là nhạc sĩ Vũ Tuấn Đức. Một số vị trí quan trọng khác cũng đã khác trước: Nhà sản xuất và biên tập giờ giao cho John Bạch và Hoàng Đăng Minh lãnh nhận.

Bởi vì Asia 79 là “bước đầu tiên” của Trung Tâm Asia trên hành trình nghệ thuật với một đội ngũ mới, nên nhận định hay hơn hoặc dở hơn, tốt hơn hay xấu hơn, đều là võ đoán. Người viết bài này chỉ xin nêu vài cảm nhận sau khi xem “Còn Mãi Trong Tim.” 

Một tưởng niệm đầy đặn

“Còn Mãi Trong Tim” dành phần lớn thời lượng để vinh danh và tưởng nhớ cố nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015) nhân ngày giỗ đầu của ông, song song với việc vinh danh và tưởng nhớ những nhạc sĩ tài hoa khác như Trầm Tử Thiêng, Việt Dzũng, Nguyễn Ánh 9, Hoàng Thi Thơ,…

Ngoài việc chọn một liên khúc với các nhạc phẩm “Khúc Thụy Du,” “Kỳ Diệu,” “Anh Còn Nợ Em,” “Tango Tím,” và “Mai Tôi Đi” của Anh Bằng để mở đầu như một dấu nhấn về vai trò, vị trí của cố nhạc sĩ trong lòng người yêu nhạc, “Còn Mãi Trong Tim” đặc biệt ở chỗ – lần đầu tiên, giới thiệu một ca khúc mới của Anh Bằng: “Mùa Đã Sang Rồi Em Có Hay.”

Ca sĩ Đặng Thế Luân trình bày một ca khúc trong “Còn Mãi Trong Tim.” (Hình lấy từ video)
Ca sĩ Đặng Thế Luân trình bày một ca khúc trong “Còn Mãi Trong Tim.” (Hình lấy từ video)

Vai trò và vị trí của Anh Bằng còn được nhấn thêm một lần nữa khi “Còn Mãi Trong Tim” kết thúc với một nhạc phẩm khác của ông: “Trở Về Cát Bụi” – như một điều cố nhạc sĩ tự nhủ mình và nhắn gửi mọi người:

Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi mất.
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen
Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em
Người ơi xin nhớ cát bụi là ta… mai này chóng phai.

Ngoài 13/25 tiết mục của “Còn Mãi Trong Tim” là nhạc phẩm của Anh Bằng, chương trình giới thiệu thêm điều mà cố nhạc sĩ Anh Bằng muốn gửi gắm đến khán giả của Trung Tâm Asia. Qua video clip ghi nhận tâm tình cuối đời của ông , nhạc sĩ đề cập đến John Bạch, đứa cháu ngoại, nay giữ vai trò nhà sản xuất, rằng: “Tôi hãnh diện giới thiệu cùng quý vị cháu ngoại của tôi” – nhân vật mà ông tin là sẽ giúp cho Asia tiến lên vì “đặc biệt là văn nghệ, đứng lại tức là lùi mà lùi sẽ mai một” trong khi Anh Bằng mong “Asia sẽ tiến và tiến mãi trong thời gian tới.”

Rất tiếc chương trình không có video clip về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Anh Bằng. 

Được và chưa

Ở “Còn Mãi Trong Tim,” giọng hát của danh ca Thanh Thúy vẫn quyến rũ khi thể hiện “Hai Chuyến Tàu Đêm” (Trúc Phương). Việc chị nán lại Asia để nâng đỡ thế hệ trẻ là đáng trân trọng.

Hoàng Oanh – một giọng hát khác đi theo Asia từ năm 1996 đến nay vẫn còn “ngọt.” Song ca Thanh Thúy-Hoàng Oanh trong ca khúc “Tâm Tình Gởi Huế” (Hoàng Thi Thơ) rất lôi cuốn.

Mai Lệ Huyền dù không còn như ngày trước, vẫn “bốc lửa.” Chỉ có một điều dường như chưa ổn, đó là vũ công chỉ xuất hiện ở phút mở đầu “Con Tim và Nước Mắt” (Hoàng Thi Thơ) thành ra sau đó, Mai Lệ Huyền có vẻ lẻ loi.

Ca sĩ Hoàng Anh Thư - “Giọng Ca Vàng 2011” - trình bày ca khúc “Mời Em Về” của Việt Dzũng. (Hình lấy từ video)
Ca sĩ Hoàng Anh Thư – “Giọng Ca Vàng 2011” – trình bày ca khúc “Mời Em Về” của Việt Dzũng. (Hình lấy từ video)

Diễm Liên trước đây thường hát chung với Nguyên Khang, nay hát chung với Thế Sơn vẫn đậm đà. Xét về ngoại hình, khi đứng chung với Thế Sơn, Diễm Liên có vẻ “xứng” hơn.

Y Phương và Diễm Liên đã tạo một khoảnh khắc đẹp khi song ca “Kinh Khổ” (Trầm Tử Thiêng). Đây là tiết mục có phần múa phụ họa đẹp nhất của chương trình và cũng là tiết mục được khán giả tán thưởng nồng nhiệt nhất.

Thế Sơn, Diễm Liên, Y Phương dường như sẽ là trụ cột cho Asia trong giai đoạn mới.

Hoàng Anh Thư cùng với ba giọng ca phụ trong “Mời Em Về” (Việt Dzũng) khá duyên dáng, dễ nghe với giọng hát cao, trong vắt, biểu cảm. “Giọng Ca Vàng 2011” của Trung Tâm Asia và đài truyền hình SBTN xứng đáng với danh hiệu này.

“Còn Mãi Trong Tim” còn có sự góp mặt của những khuôn mặt mới.

Triệu Minh và Nguyễn Thắng, hai ca sĩ lần đầu tiên đứng trên sân khấu của Asia không xa lạ với khán giả vì cả hai đã tham gia nhiều sinh hoạt văn nghệ. Trên sân khấu Asia, có lẽ Triệu Minh sẽ có thêm nhiều người hâm mộ hơn vì duyên dáng, giọng hát truyền cảm.

Bên cạnh những điểm đáng ghi nhận, “Còn Mãi Trong Tim” có vài tiết mục lẽ ra không có thì tốt hơn. Ví dụ tiết mục “Em Thề Chỉ Có Anh Thôi” (Yenn) do Dạ Nhật Yến trình bày. Suốt tiết mục này, ca sĩ chỉ lập đi lập lại một câu: “Em thề chỉ có anh thôi.” Sự đơn điệu đó cùng với trang phục và những động tác hình thể “gợi cảm” quá mức của cả ca sĩ lẫn vũ công làm người ta thấy Asia… xa lạ.

Tương tự là tiết mục “Tình Yêu Đã Hết Rồi” (Mystic Nguyễn) do Ánh Minh trình bày cùng với 10 vũ công. Ánh Minh vốn có gương mặt sáng, giọng hát tốt, sẽ thành công hơn nếu cô khoe sở trường, không cố khoe những thứ khác. 

MC – Phải chi được cả ba

Toàn thể ca sĩ Asia cùng trình bày ca khúc “Trở Về Cát Bụi” của Anh Bằng để kết thúc chương trình. (Hình lấy từ video)
Toàn thể ca sĩ Asia cùng trình bày ca khúc “Trở Về Cát Bụi” của Anh Bằng để kết thúc chương trình. (Hình lấy từ video)

Thùy Dương, Trịnh Hội, và Đỗ Tân Khoa là ba MC thay nhau điều hợp “Còn Mãi Trong Tim.”

Thùy Dương và Trịnh Hội vốn chẳng xa lạ gì với những người hâm mộ Asia nhưng dường như người thành công nhất với vai trò MC trong “Còn Mãi Trong Tim” lại là Đỗ Tân Khoa.

Qua việc giới thiệu hai ca khúc “Mời Em Về” (Việt Dzũng) và liên khúc “Lời Kinh Đêm” (Việt Dzũng) – “Kinh Khổ” (Trầm Tử Thiêng), Đỗ Tân Khoa cho thấy anh đã chuẩn bị rất cẩn trọng. Ngoài chuyện soạn bài và thuộc bài, khán giả còn thấy rất rõ tình cảm chân thành của Đỗ Tân Khoa đối với hai nhạc sĩ kỳ cựu mà Asia trân trọng vinh danh.

Phần đưa những sự kiện về Formosa, hay tình hình trong nước của MC Trịnh Hội, không tạo được sự quan tâm của khán giả về vấn đề này. Vì thế, khi Thùy Dương tuyên bố Asia sẽ dành 25% tiền vé gởi về Việt Nam giúp đồng bào miền Trung để xoa dịu một phần nào đó nỗi khổ đau của họ do thảm họa Formosa, đã không tạo được dấu ấn, dù đây là một nghĩa cử cao đẹp của Asia, và cũng là của nhóm thực hiện mới. Nếu có một video clip trình bày tổng quát sự kiện Formosa, và nỗi đau thương của đồng bào miền Trung trước thảm họa, chắc chắn nghĩa cử này sẽ tạo được hiệu ứng tốt hơn. 

Tất cả vẫn còn phía trước

Việc nhạc sĩ Trúc Hồ rời khỏi Asia rõ ràng đã để lại một khoảng trống lớn và không dễ lấp đầy. Thời gian chuẩn bị cho “Còn Mãi Trong Tim” chỉ có sáu tuần, và đó là nỗ lực vượt bực của nhạc sĩ Vũ Tuấn Đức, hai nhà sản xuất John Bạch và Hoàng Đăng Minh. Cũng vì vậy, những thiếu sót trong “Còn Mãi Trong Tim” là có thể hiểu và có thể thông cảm.

Tuy nhiên, sắp tới, Asia không nên “mạo hiểm” như thế bởi vì khán giả cần những chương trình hay, nếu phân bua “vì thời gian eo hẹp” sẽ khó tạo được sự đồng cảm.

Một trong những yếu tố tạo thành giá trị, vị trí của Asia là việc hướng các chương trình nghệ thuật của mình vào những vấn đề nóng bỏng tại Việt Nam, hỗ trợ công cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do tại quê hương, nhắc nhớ sự đóng góp của người lính VNCH. Do đó, giá trị chương trình do Asia thực hiện lớn hơn giá trị “giải trí” rất nhiều.

Có người bảo rằng, Asia thay đổi vì muốn nhắm vào giới trẻ. Ai cũng biết giới trẻ thích khám phá không chỉ ở hiện tại, trong tương lai, mà còn khám phá cả quá khứ của cha ông. Vấn đề là Asia có đủ khả năng để nâng sắc thái riêng biệt sẵn có đó của mình, trở nên hấp dẫn giới trẻ hơn hay không? Nhạc “trẻ,” những tiết mục có phụ họa nóng bỏng hình như không phải là sở trường của Asia. Ít ai bỏ sở trường để chọn sở đoản.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 25 tháng 4 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT