Thursday, March 28, 2024

Bà Hoa, chợ của người xứ Quảng giữa Sài Gòn



Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


SÀI GÒN – Không giống đa số chợ ở thành phố, tên gọi chính thức được kẻ vẽ hoặc đắp nổi khắc chìm ở nhà lồng của chợ; người Sài Gòn hôm nay vào ngôi chợ chính của phường 11, quận Tân Bình, ở khu vực Bảy Hiền, tức là vào chợ Bà Hoa.










Chợ Bà Hoa nay mang tên Chợ phường 11. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Chợ Bà Hoa mặc nhiên là tên gọi ngôi chợ được xem là chợ của ‘người xứ Quảng’ ở Sài Gòn, dù sau này tên chính thức “Chợ phường 11” được đắp nổi lớn rõ, nằm phía trên lối vào nhà lồng của chợ.


Từ nhiều năm trước 30 tháng tư, 1975, chợ Bà Hoa đã được biết tới như vậy.


Những người lớn tuổi cư ngụ lâu năm ở vùng Bảy Hiền cho biết, bà Hoa là tên người phụ nữ chủ nhân mảnh đất này; bà cất ngôi chợ hình chữ nhật, phân lô và cho mọi người thuê lại.


Vùng Bảy Hiền vốn có nhiều người xứ Quảng sinh sống; đi tới vùng Bảy Hiền là nghe tiếng thoi dệt vải, là thấy những quán tiệm mì Quảng… Nên chợ Bà Hoa nghiễm nhiên trở thành ngôi chợ của người xứ Quảng; đa số bà con tiểu thương ở chợ Bà Hoa cũng là người xứ Quảng.


Từ đường phố lớn mang tên Cách mạng tháng 8 (đường Lê Văn Duyệt nối dài cũ), rẽ vào đường phố nhỏ mang tên Trần Mai Ninh, đi tới khoảng trăm mét: Chợ Bà Hoa bắt đầu từ đây. Gần như hầu hết cửa tiệm hàng quán ở chợ Bà Hoa là nhà phố lớn nhỏ hai bên đường Trần Mai Ninh và các ngõ hẻm chia ngang con đường; đi chợ Bà Hoa là bảo đảm không thiếu thứ thực phẩm đặc sản nào của xứ Quảng.


Lần đầu tôi vào chợ Bà Hoa là dịp Tết Nhâm Thìn khiến ngôi chợ càng nhộn nhịp.


Ði chợ Bà Hoa với chúng tôi là một người bạn không phải người xứ Quảng, nhưng lại rành chợ Bà Hoa và rất thích ăn thích món mì Quảng.


Theo bạn, muốn nấu món mì Quảng ngon ra sao nên nhờ bà Sáu Mì Quảng trong chợ Bà Hoa ‘tư vấn kỹ càng…’’


Trong cửa tiệm Bà Sáu Mì Quảng, ngoài đặc sản mì Quảng, còn bán những đặc sản khác như bánh tráng các loại, đặc biệt là bánh tráng đập.










Gian hàng Bà Sáu Mì Quảng trong chợ Bà Hoa. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Nước lèo mì Quảng giữ phần quan trọng để tô mì Quảng ăn ngon. Nước lèo nấu từ xương heo, đun trong nhiều giờ cho rút bớt nước; và không thể thiếu củ nén, dầu phọng. Là đặc sản của xứ Quảng, hương vị củ nén tương tự củ tỏi nhưng nồng thơm hơn củ tỏi; dầu phọng để nấu mì Quảng thì hẳn nhiên phải là thứ dầu phọng ép từ bàn tay mới ngon được, chứ không phải dầu phọng công nghiệp đóng chai bán ở thị trường…


Ở sâu trong chợ Bà Hoa, hầu như đi lối nào cũng gặp những sạp hàng cửa tiệm đặc sản xứ Quảng, nhiều hàng quán sạp tiệm bảng hiệu biển treo giới thiệu rõ ràng.


Bánh nổ, bánh nậm, bánh tổ, bánh ú, bánh in, bánh đậu xanh, bánh tét…; kẹo gương, kẹo mạch nha, kẹo đậu phọng…


Tới dãy hàng cá, chỉ trỏ những con cá nục nhỏ bằng hai ngón tay gộp lại, bạn giải thích cách chế biến để ăn ngon; thật đơn giản, chỉ là hấp cá rồi cuốn bánh tráng, ăn ngon tuyệt vời. Bạn lại ngân nga câu ca dao xứ Quảng Ai lên nhắn với nậu nguồn / Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên, rồi nói: Cá chuồn làm sạch sẽ xong, ướp hành tiêu tỏi, thêm củ nén giã đập thật nhuyễn; rồi kho với mít non, hoặc chiên giòn ăn với mít luộc, sẽ là một món cá ăn xong nhớ đời…


Tôi hỏi bạn sao quá rành các món ăn xứ Quảng. Bạn cho biết, thời chiến tranh đóng quân ở xứ Quảng, đã nặng lòng yêu thương một cô gái xứ Quảng, nhưng lấy-nhau-chẳng-đặng-thương-hoài-ngàn-năm…


Tới hàng mắm xứ Quảng, theo bạn nhận xét, rằng ngon và đặc sắc không thua Châu-Ðốc-vương-quốc-mắm; mắm xứ Quảng đặc sắc nhất, phải kể: Mắm cái, mắm cà, mắm cá nục, mắm ruốc…


Bạn nói, nhà ai nghèo khó đến mấy, bữa ăn cũng dễ có một hai thứ mắm đó; cùng dĩa rau lang luộc vốn mọc tràn lan như hoang dại, cũng đủ cho một bữa ăn no nê vui vẻ rồi.


Chợ Bà Hoa đường ngang lối dọc, nhưng không phải là lớn rộng bao la; chúng tôi đi không mỏi chân chút nào, ấy vậy mà lại có cảm tưởng đi hoài đi mãi không hết chợ. Có lẽ vì chợ Bà Hoa dồi dào phong phú hàng hóa, nhất là hàng đặc sản xứ Quảng. Có những món hàng quê mà nay chỉ còn trong ký ức, ngay cả đối với người xứ Quảng sống ở thôn quê đã thành thị hóa, như cục đường tán, khoai lang sợi sấy khô… Nó mang đậm nghĩa tình làng xóm thôn quê xứ Quảng từ xa xưa; nó gợi lên, làm nao lòng người xứ Quảng ở Sài Gòn, nhớ thương quê hương bản quán mãi tận miền Trung, xa tới non ngàn cây số.










Ðặc sản xứ Quảng trong chợ Bà Hoa. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Ði chợ Bà Hoa dịp Tết nhận thấy bà con xứ Quảng chen chân vào chợ-của-quê-mình. Nhiều người vào chợ Bà Hoa còn mua được cả cát Núi Thành để đổ vào lư hương cắm nhang; thứ cát trắng và mịn gần như tro, chỉ ở vùng Núi Thành mới có. Có người mua được cả nhang trầm xứ Quảng nữa, để thơm quý mùi hương ngày Tết cổ truyền…


Nhắc tới tên “Chợ phường 11” thuộc quận Tân Bình có thể không ai để ý; nhưng chợ Bà Hoa thì ở mãi trong tâm tưởng dân Sài Gòn, và người xứ Quảng.

MỚI CẬP NHẬT