Friday, April 19, 2024

Bờ vực tài chính, mối lo ngại ngày càng gần của Hoa Kỳ

WASHINGTON Nước Mỹ có vượt lên khỏi bờ vực tài chánh (fiscal cliff) trong ít ngày sắp tới hay không là vấn đề lớn hiện nay mà Hành pháp và Quốc Hội cần thỏa thuận để tìm ra giải pháp đối phó.


Bờ vực tài chính là thuật ngữ do Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương (Fed) Ben Bernanke sử dụng lần đầu tiên để nói về bế tắc xảy đến do tác dụng của những luật lệ liên quan đến việc tăng thuế, cắt giảm chi tiêu nhằm hạ bớt thâm hụt ngân quỹ bắt đầu từ năm 2013.


Thỏa hiệp giữa Quốc Hội và Hành pháp đạt được sau những thương lượng gay go, cuối cùng được Tổng Thống Obama ký ban hành ngày 2 tháng 8 năm 2011 với cái tên “Ðạo luật Kiểm soát Ngân sách 2011” đã tránh cho Hoa Kỳ lâm vào tình trạng khủng hoảng hết khả năng trả các khoản nợ nước ngoài một ngày sau đó.


Theo đạo luật, trước hết về trần nợ (nghĩa là mức nợ tối đa của quốc gia) được phép tăng $400 tỷ. Sau đó tổng thống có thể yêu cầu thêm $500 tỷ, và nếu Quốc Hội không đồng ý tổng thống được dùng quyền phủ quyết, trừ khi Quốc Hội có đủ túc số 2/3 để vô hiệu hóa quyền phủ quyết. Tổng thống cũng sẽ có quyền đề nghị nâng cao trần nợ lần cuối cùng thêm từ $1,200 tỷ đến $1,500 tỷ nữa và cũng phải qua thể thức vừa nói.


Ðạo luật năm 2011 đòi hỏi giảm chi nhiều hơn mức tăng trần nợ và không đề cập đến biện pháp tăng thâu hay tăng thuế nào khác. Ðể đạt điều này, từ 2013 đến 2021 sẽ phải cắt giảm chi tiêu của một số chương trình không thiết yếu và ấn định giới hạn ở những chương trình không thể cắt giảm như quốc phòng, nội an, cựu chiến binh. Có thể giảm chi tới 2% cho những cơ quan cung cấp dịch vụ Medicare nhưng không được giảm trong các chương trình An Sinh Xã Hội, Medicaid, lương bổng nhân viên dân sự và quân sự, cựu chiến binh.


Một ủy ban lưỡng đảng Quốc Hội, gọi là Siêu Ủy Ban, được lập ra để nghiên cứu và đưa đề nghị thi hành chủ trương của “Ðạo luật Kiểm soát Ngân sách 2011”. Tuy nhiên ủy ban đã không đi đến đồng thuận để đưa ra một dự án cụ thể nào cho đến nay.


Bế tắc đưa đến bờ vực tài chính là ở chỗ không tăng thu thì không thể nào đủ tiền nếu không vay nợ thêm. Biện pháp tăng thu phải dựa vào tiền thuế có nghĩa là chấm dứt việc giảm thuế đã áp dụng từ thời chính quyền Tổng Thống Bush. Quốc Hội và Tổng Thống Obama đến nay đã thỏa thuận triển hạn đạo luật giảm thuế hết hiệu lực cuối năm 2011, nhưng tới 2013 khi thi hành đạo luật giảm thiếu hụt ngân sách thì bắt buộc phải tăng thuế trở lại. Tuy nhiên cho đến bây giờ hai phía vẫn chưa đồng ý là sẽ tiếp tục giảm thuế cho tất cả mọi người hay chỉ cho dân có thu nhập thấp.


Thăm dò dư luận của CNN cho biết công chúng rất quan tâm với các cuộc thương lượng giữa Quốc Hội và Hành pháp về vấn đề giảm thiếu hụt ngân quỹ hiện nay đã vượt trên $10,000 tỷ trong 4 năm liền.


2/3 ý kiến lo ngại là đất nước sẽ gặp khó khăn lớn nếu không vượt lên khỏi bờ vực tài chính. Thăm dò này cũng cho biết đảng Cộng Hòa bị phê phán hơn là Tổng Thống Obama.


Giải pháp mà 2/3 ý kiến cho là hợp lý bao gồm việc phối hợp cắt giảm chi tiêu với tăng thuế để ổn định nền tài chính quốc gia.


Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai đưa ra bản nhận định cho rằng nếu Quốc Hội không gia hạn việc giảm thuế cho dân có mức thu nhập dưới $250,000 một năm thì lượng mua sắm của những người này sẽ bị giới hạn trong mùa lễ cuối năm sắp tới. Theo Hội Ðồng Kinh Tế Quốc Gia và Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế Tòa Bạch Ốc, sự kiện này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế vì thương mại trong mùa lễ chiếm 1/5 doanh số toàn năm. Văn phòng Ngân sách Quốc Hội ước lượng trong tình hình ấy chi dụng của dân chúng năm tới sẽ giảm khoảng $200 tỷ. Chi tiêu của giới tiêu thụ vẫn được coi là thước đo sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ.


Sáng Thứ Hai, chứng khoán các công ty bán lẻ Macy’s, Target, Saks đều xuống vì mối lo ngại dân chúng sẽ giảm mua sắm. Tuy nhiên trước đó Hiệp Hội Quốc Gia của Các Hãng Bán Lẻ cho biết 247 triệu khách mua đã đến các cửa hàng hay vào mạng điện toán trong những ngày cuối tuần lễ Tạ Ơn, tăng 9% và bình quân mỗi người chi tiêu $423 tăng 6% so với năm ngoái.


Hạ Viện Cộng Hòa không đồng ý với biện pháp chỉ tăng thuế dân giàu, thu nhập trên $250,000 theo ý kiến của Tổng Thống Obama. Nhiều dân biểu khẳng định rằng họ sẵn sàng từ bỏ cam kết trước kia của đảng Cộng Hòa là không tăng thuế nếu như đó là việc cần thiết vì lợi ích của quốc gia. Nhưng theo lập luận của họ, đánh thuế cao những người giàu sẽ làm giảm đầu tư và ảnh hưởng đến cả giới tiểu thương. Thêm nữa những người Cộng Hòa cũng không đồng ý với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng vì sẽ tác động đến nhiều ngành kỹ nghệ chính của Hoa Kỳ.


Tỷ phú Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng về sự thành công và là cố vấn của Tổng Thống Obama, hôm Thứ Hai một lần nữa bênh vực chủ trương đánh thuế cao những dân giàu. Trong một bài viết trên tờ New York Times, ông cho rằng việc này sẽ không làm cho giới này giảm bớt bỏ tiền ra đầu tư. Buffett đề nghị Quốc Hội nên sớm đồng ý biện pháp đánh thuế 30% những người có thu nhập từ $1 triệu đến $10 triệu và 35% những người có thu nhập trên mức đó, đồng thời tiếp tục giảm thuế cho những ai có thu nhập dưới $500,000 – chứ không phải $250,000 như ý kiến của Tổng Thống Obama.


Các tiểu bang và giới kinh doanh nhân cơ hội này cũng thúc đẩy một ý kiến mà họ đã đề xuất từ lâu là nên tăng thuế xăng 18.4 cents hiện nay của liên bang để góp phần giải quyết vấn đề.


Tổng Thống Obama đã thảo luận riêng với Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và thủ lãnh đa số Thượng Viện Harry Reid cuối tuần vừa qua. Không có chi tiết nào được tiết lộ qua hai cuộc thảo luận ấy. Dân Biểu Boehner và các lãnh tụ Cộng Hòa dự tính sẽ họp với những giới khác để trao đổi ý kiến. Thủ lãnh khối đa số Hạ Viện Eric Cantor đồng ý rằng cần phải tìm được giải pháp khi thời điểm cuối năm đã đến gần.


Ông nói: “Chúng tôi được bầu lại để đối phó với tình thế và để cho nền kinh tế hồi phục. Tổng Thống Obama cũng tái đắc cử và biết rằng đến cuối năm tất cả mọi người, giàu hay nghèo, đều sẽ bị tăng thuế nếu không tìm ra giải pháp chung”. (H.C.)

MỚI CẬP NHẬT