Thursday, March 28, 2024

Cháy, nổ xe ở Sài Gòn làm dân chúng hoang mang

 


Văn Lang/Người Việt


Hơn hai tháng cuối năm này, báo chí Sài Gòn đăng rộ những tin tức về cháy xe gắn máy (Honda) và cả những chiếc xe hơi đắt tiền như xe Mercedes. Lúc đầu người dân còn đọc báo rồi cười ngất, vì ai cũng biết dân xứ mình xài xe từ ‘thời hoàng đế Bảo Ðại’ tới này mà vẫn bảo… tốt, thì xe cũ quá cháy là phải rồi.








Một dãy cửa hàng bán đủ các loại xe gắn máy ở khu vực Ngã Tư Phú Nhuận, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Nhưng khi báo vài ba ngày lại đăng tin một chiếc xe đang chạy bon bon trên đường rồi tự nhiên “phát hỏa”, mà đâu phải xe cũ, nhiều chiếc xe hơi đời mới trị giá bạc tỉ, xe máy hàng hiệu trị giá cả trăm triệu cũng tự cháy tuốt luốt. Lúc đó mọi người mới nhìn nhau chưng hửng và tự hỏi: Hay là mấy hãng xe cạnh tranh “chơi nhau” để giành thị phần?


Nhưng theo thống kê của báo chí tại Sài Gòn thì gần hai tháng nay trên cả nước có khoảng 50 chiếc xe hơi đang chạy tự bốc cháy, xe máy thì lên tới cả trăm vụ, đó là theo thống kê chưa đầy đủ vì nhiều nơi khi xe cháy, người dân bỏ đi không thèm khai báo. Ðiều đặc biệt là hầu hết các hiệu xe hơi, xe máy nổi tiếng lưu hành tại Việt Nam cũng như Sài Gòn đều có xe “tự cháy” do vậy thay vì hỏi nhau: Có phải các hãng chơi nhau không? Thì dân chúng lại hoang mang tự hỏi: – Không biết lúc nào tới lượt xe mình cháy đây?


Cao điểm của dư luận là vụ nổ xe Super Dream tại Bắc Ninh làm chết một phụ nữ đang mang thai ba tháng và đứa con nhỏ bốn tuổi sau một tuần điều trị tại bệnh viện cũng ra đi theo mẹ. Vụ một cô gái tại Hải Phòng đang lái chiếc xe hơi trên đường xe tự bốc cháy, bị kẹt trong xe cô gái phải dùng hết sức bình sinh để đạp tung cửa chạy thoát thân.








Bảng quảng cáo gắn thêm thiết bị tiết kiệm xăng cho xe Honda. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Chúng tôi cũng từng chứng kiến một chiếc xe máy hiệu Air Blade do một phụ nữ chạy chậm tại quận 7 xe cũng tự nhiên bốc cháy, may là người đi đường dập lửa kịp. Lần khác, vào buổi chiều khi đang đi xe bus chúng tôi nghe thông báo của đài phát thanh cho biết một chiếc xe máy hiệu Honda đang lưu thông gần ngã 3 Cát Lái (quận 2) bỗng nhiên bốc cháy dữ dội, gây kẹt xe nghiêm trọng đề nghị các bác tài chọn hướng lưu thông khác để tránh kẹt xe…


Sau khi loại bỏ nguyên nhân các hãng xe cạnh tranh thị phần chơi nhau. Hướng tiếp theo là nhắm tới lỗi kỹ thuật do các hãng sản xuất, lập luận này xem ra cũng khó thuyết phục vì lịch sử của các hãng, nhất là hãng Honda chưa bao giờ xảy ra những vụ cháy nổ nghiêm trọng như vừa qua.


Nếu như lỗi kỹ thuật thì thường là nguyên một Series xe, chứ không thể một vài chiếc đơn lẻ. Hai nguyên nhân chính mà dư luận bàn ra tán vào nhiều nhất chính là nguyên nhân xăng “bẩn” và lỗi sử dụng xe không đúng quy cách an toàn.


Về lỗi của người sử dụng, lâu nay dân mình sử dụng xe gắn máy thường hay phạm nhiều lỗi kỹ thuật rất căn bản, rất sơ đẳng, nhưng chính vì vậy rất dễ gây hậu quả… nghiêm trọng. Thí dụ, bao lâu thì thay nhớt xe một lần? Câu trả lời là… tùy hứng.


Có người trả lời là 3 tháng, có người nói là 6 tháng, có người lại bảo là lâu lâu thay một lần. Trong khi nhà sản xuất khuyến cáo là chạy 1000 km thì phải thay nhớt. Còn nếu hỏi bao lâu thì thay tấm lọc gió xe? Hầu hết người được hỏi đều ngơ ngác rồi cười trừ, vì hầu như chẳng ai thay trừ khi thợ sửa xe tháo ra thấy dơ quá xài không được thì cũng tháo ra “phục hồi” lại sau đó gắn vô chạy tiếp. Trong khi nhà sản xuất khuyến cáo xe chạy 10,000 km thì phải thay tấm lọc gió.








Một thợ máy đang gắn thiết bị tiết kiệm xăng cho khách hàng với cam kết dùng thử một tuần không tốt có quyền trả lại. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Hàng loạt lỗi căn bản khác mà chủ yếu là thay đổi kết cấu xe làm sai lệch các thông số kỹ thuật của xe, như với những xe làm mát động cơ bằng sức gió thì lại bị tháo bửng xe để dễ lạng lách, đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa bộ phận làm mát động cơ, xe chạy lâu trên đường động cơ nóng dần lên, gặp xăng, nhớt rò rỉ dễ có cơ hội bốc cháy.


Nhiều tiệm sửa xe còn gắn bảng quảng cáo là “chuyên” làm lại máy xe, có khả năng tiết kiệm xăng từ 30 tới 45%. Ðiều này thật “khó tin” vì không lẽ thợ sửa xe Việt Nam lại giỏi hơn những nhà sáng chế Nhật Bản? Nếu đúng là thay đổi hoặc “gắn thêm” một bộ phận nào đó vô xe có khả năng tiết kiệm xăng như vậy thì nhà nước, hoặc các nhà sản xuất nên mua phát minh này để gắn cho hàng loạt xe, đúng là “ích nước lợi nhà”.


Nhưng nếu chỉ bằng “kinh nghiệm” mà không có cơ sở lý giải khoa học nào mà tự ý thay đổi kết cấu xe thì đây cũng có thể chính là một trong những “thủ phạm” gây các vụ cháy, nổ xe hàng loạt vừa qua.


Nguyên nhân xăng “bẩn” được được dư luận đồng tình nhất trong việc truy tìm nguyên nhân gây cháy, nổ hàng loạt xe vừa qua.


Ở các nước, việc pha thêm chất “phụ gia” vào xăng là để làm cho xăng được sử dụng tốt hơn và tỉ lệ pha thêm chất gì, như thế nào đều có quy định nghiêm ngặt, rõ ràng. Ở Việt Nam cũng có quy định, nhưng vì lợi nhuận nhiều cây xăng bất chấp tỉ lệ, pha vô tôi vạ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.


Thí dụ, xăng có pha Acetone chỉ dùng cho những xe có cấu tạo phù hợp, nhưng nhiều cây xăng pha bán đại trà làm lủng các ống dẫn xăng bằng cao su. Hoặc, quy định chất Methanol chỉ được pha không quá 0.5% thể tích, vậy mà có cây xăng lúc bị “tó” đem kiểm định thì đã chơi luôn 15.3% thể tích. Lý do các cây xăng pha vượt quy định nhiều như vậy vì các chất Acetone, Methanol có giá thành thấp, chưa bằng nửa giá xăng. Trong khi giới kỹ thuật cho biết: “Methanol là một dung môi có tính oxy hóa mạnh, khi hòa trộn với không khí nó sẽ là một hỗn hợp nổ”.


Ðiều đầu tiên mà dân chúng kêu lên, đó chính là sự bất lực! Bất lực của giới chuyên môn và bất lực của giới thẩm quyền.


Quá nhiều vụ cháy, nổ diễn ra trong một thời gian ngắn, dân chúng từ hoang mang chuyển sang… ngán ngẩm, vì đến lúc này dân chúng mới biết là cháy thì cháy, nổ thì nổ chả có ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm cả. Và mới đây, bộ trưởng giao thông vận tải lên tiếng là từ… năm 2012 bộ sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và đề nghị cấp dưới “điều nghiên” xây dựng quy chế để bộ có thể chịu trách nhiệm trước nhân dân.


Ô hô! Người ta nói: “Cháy nhà ra mặt chuột”! Thì ở Việt Nam cháy xe nhiều mới lòi ra chuyện thiếu quy chế để chịu trách nhiệm, cái đúng như bộ trưởng giao thông gọi đây là “lỗ hổng” pháp luật.


 

MỚI CẬP NHẬT