Friday, March 29, 2024

Chợ Bà Quẹo, ‘lối xưa, xe ngựa’ một thời



Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


SÀI GÒN –Chợ Bà Quẹo tọa lạc trên đường Trường Chinh (đường Lê Văn Duyệt nối dài cũ, sau 30-4 đổi là Cách Mạng Tháng Tám, sau lại đổi là Trường Chinh), đoạn gần ngã ba Âu Cơ, thuộc phường 14, quận Tân Bình.










Mặt trước chợ Bà Quẹo, nay là chợ Võ Thành Trang. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Ðây là ngôi chợ khá đặc biệt của Sài Gòn; và với chúng tôi, chợ Bà Quẹo đã để lại kỷ niệm khó quên về người đánh xe thổ mộ, còn gọi là người xà ích.


Chợ Bà Quẹo thành lập từ năm 1967, trên khoảng diện tích hơn 2,000 m2; nhà lồng chợ nằm lọt sâu giữa hai lối nhà cửa là những quán tiệm sạp hàng; trước mặt chợ, một diện tích khá rộng rãi mở ra tới giáp mặt đường.


Hôm nay người dân Sài Gòn vẫn gọi ngôi chợ này là chợ Bà Quẹo; dù rằng sau 30 tháng 4, 1975, chợ Bà Quẹo bị đổi tên thành chợ Võ Thành Trang vào năm 1978.


Có thể nói chợ Bà Quẹo là “ngôi chợ 2 trong 1”; nghĩa là có hai bộ mặt khác hẳn nhau của cùng ngôi chợ.


Ban ngày, chợ Bà Quẹo họp chợ như mọi ngôi chợ lớn nhỏ của Sài Gòn. Ban đêm, từ 1 giờ khuya tới 5 giờ sáng, chợ Bà Quẹo mang không khí khác biệt hẳn.


Ðấy là cảnh tấp nập rộn rã giữa thinh lặng đêm khuya: hoạt động bốc dỡ-chuyển hàng-sắp xếp-giao nhận rau quả của một chợ đầu mối. Hàng rau quả là nông sản từ các vùng ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Ðức, Long An; chuyên chở về nhà vựa tại chợ Bà Quẹo. Nhà vựa là những tiểu thương có quầy, sạp bán rau quả trong chợ Bà Quẹo; cũng có nhiều người chỉ tới đây buôn bán rau quả từ lúc nửa đêm tới mờ sáng mà thôi.


Những người mua hàng rau quả ở chợ đêm Bà Quẹo là những tiểu thương bán lẻ mặt hàng này, ở những chợ lân cận thuộc các quận Tân Bình-Tân Phú-Phú Nhuận-Bình Tân thuộc nội ô Sài Gòn.


Cũng khoảng thời gian đêm hôm khuya khoắt này, hình ảnh đặc biệt ở mặt tiền chợ Bà Quẹo, là những người bán rong rau quả trong thành phố. Họ đi xe đạp tới chợ Bà Quẹo; ở yên sau xe đạp của họ là 2 lồng sắt gắn chặt chẽ vững vàng để chất chứa rau quả. Trong rổ đặt phía trước ghi-đông xe là cái cân đồng hồ để bán hàng; trên ghi-đông và quanh sườn xe máng móc đầy những túi những bao bịch ni-lông.


Cảnh tượng trên diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, từ 1 giờ khuya tới 5 giờ sáng như nói trên; sau đó lâu nhất là nửa giờ, chợ đêm trả lại hoàn toàn cho chợ ngày; như thể chưa từng có chợ đêm trước đó ở Bà Quẹo. Trước mặt chợ Bà Quẹo lúc sáng tinh mơ ấy sạch sẽ tinh tươm; có thể nói, không một cọng rác cọng rau nào còn vương vãi trên nền đất láng trơn như mới tráng xi-măng.


Gần ba mươi năm trở về trước, chúng tôi thường tới uống cà phê ở khu vực chợ Bà Quẹo. Trong quán cà phê bình dân mở khuya trên đường phố, đối diện chợ Bà Quẹo, tôi uống ly cà phê vợt (còn gọi là cà phê bít-tất) và ngắm nhìn cảnh tượng chợ đêm khuya. Thời gian ấy thật thú vị; chú mục nhất, không gì khác hơn những chiếc xe thổ mộ. Ðấy là những chiếc xe ngựa thồ hàng, từ Hóc Môn chuyên chở rau quả tới chợ Bà Quẹo.


Ở Sài Gòn khoảng thời gian gần ba mươi năm trở về trước, chỉ có ở vùng chợ Bà Quẹo, chúng tôi còn được ngắm nhìn những chiếc xe thổ mộ, những người đánh xe ngựa, và những con ngựa.


Chúng tôi không thể quên một buổi sáng tinh mơ, một buổi sáng trong khoảng thời gian cách đây gần ba mươi năm; ngồi uống cà phê cùng một bàn với bác xà ích đã trọng tuổi. Con ngựa phía trước xe thổ mộ đậu dưới tàng cây lớn gần quán cà phê. Con ngựa gầy còm đứng cúi đầu, cái bụng căng phồng. Tôi nói với bác xà ích: “Con ngựa của bác ăn no quá sức!” Bác xà ích cười nhẹ, nói: “Nó có thai đó.” Rồi bác xà ích nhìn tôi, cái nhìn thiện cảm, hỏi có phải tôi là nhà văn hay không.


Tôi lắc đầu, nói với bác xà ích rằng tôi không phải nhà văn; nhưng là một độc giả rất mê đọc văn chương. Bác xà ích lộ hẳn vẻ vui mừng, nói: “Chú em có tin tui cũng biết làm văn không? Mà tui chỉ biên những bài văn ngắn, bài nào cũng ngắn ngủn. Tui chỉ làm văn về ngựa không hà. Chú thử nghe bài tui mới biên…”


Nói xong, bác xà ích lấy ngay cuốn tập vở để trong túi áo nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đưa tôi đọc một trang mở sẵn, hình như bác xà ích vừa viết xong. Tôi còn giữ bài văn này, vì sau đó bác xà ích đã dọc rời trang viết để tặng tôi; có ký tên (và lời đề tặng) dưới bài văn là Phạm Văn Vạng, ở Hóc Môn.










Nhà lồng chợ Bà Quẹo. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Gần ba mươi năm, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ da diết bùi ngùi về bác xà ích ấy. Tôi không thể biết bây giờ bác xà ích ấy ở chốn nào; bác xà ích ấy còn trên cõi đời này, hay đã trở thành người thiên cổ?


Sau buổi nhận bài văn của bác xà ích tặng, tôi không có dịp gặp bác xuất hiện lần nào nữa; cũng như một thời gian không lâu sau, tôi cũng không thấy chiếc xe thổ mộ nào thồ hàng rau quả tới chợ Bà Quẹo.


Và mỗi khi tôi nhắc hai tiếng xà ích, ai cũng hỏi tôi xà ích là cái gì. Ðã từ lâu, thồ hàng rau quả tới chợ Bà Quẹo là những xe có động cơ, nghĩa là xe hơi bốn bánh trở lên; kém nhất cũng là xe hai bánh có gắn máy.


Quán cà phê bình dân tôi từng ngồi ở đối diện chợ Bà Quẹo mất dạng từ nhiều năm rồi. Các quán cóc quanh chợ cũng không còn quán nào pha chế cà phê bằng vợt nữa.

MỚI CẬP NHẬT