Friday, March 29, 2024

Chủ nghĩa ‘libertarian’ ngày càng được ủng hộ


Ủng hộ tự do, giới hạn chính quyền

 

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

 

Với cuộc tranh cử kiên trì của Dân Biểu Ron Paul trong vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hòa, chủ thuyết chính trị “libertarianism” được nhiều người để ý, quan tâm và ủng hộ.


Bác Sĩ Ron Paul, một dân biểu Cộng Hòa có chủ trương libertarian và từng tranh cử trong đảng Libertarian, hiện nay tranh cử tổng thống trong đảng Cộng Hòa và liên tục thu hút được xấp xỉ 10% người ủng hộ. (Hình: AP Photo/Charles Rex Arbogast)

Chủ thuyết “libertarian,” tạm dịch là “tự do,” không phải là một chủ thuyết mới. Ngay tại quận Cam, tờ nhật báo Orange County Register xưa nay từng được xem là cơ quan truyền thông thiên về chủ thuyết này nhất.

Vậy chủ nghĩa tự do là gì? Và nó khác chủ nghĩa “liberal”/”liberalism” – cũng thường được dịch là tự do – như thế nào?

Hiểu ở cách đơn giản nhất, chủ nghĩa “libertarian” cho rằng mỗi cá nhân có quyền tự do và được phép làm bất cứ cái gì mà không có hại tới người khác. Vì coi trọng tự do cá nhân, nên chủ nghĩa libertarian không tín nhiệm sự can thiệp của nhà nước. Nhà báo nổi tiếng P.J. O’Rourke, một người ủng hộ chủ nghĩa tự do, từng nói:

“Trao tiền và quyền cho nhà nước cũng giống như đưa chai whiskey với chìa khóa xe cho mấy em trai tuổi teen.”

Ý của O’Rourke phản ảnh suy nghĩ của người libertarian cho rằng chính quyền là một nhóm người không tin tưởng được. Càng trao quyền nhiều bao nhiêu, càng hại bấy nhiêu.

Ðể cổ võ cho chủ thuyết của mình, lý thuyết gia libertarian David Nolan có đặt ra một sơ đồ, mang tên “sơ đồ Nolan”. Nolan sau này lập ra đảng Libertarian.

 

Sơ đồ Nolan. Người libertarian tự cho là tôn trọng tự do trong mọi chuyện, trong khi người bảo thủ chỉ tôn trọng tự do trong kinh tế và người cấp tiến chỉ tôn trọng tự do trong chuyện cá nhân hay xã hội. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

 

Sơ đồ “tự do”

 

Sơ đồ do Nolan vẽ ra có 2 chiều, một chiều về tự do cá nhân, và một chiều về tự do kinh tế.

Ở góc dưới của sơ đồ này, Nolan đặt chủ nghĩa dân túy (populism) hoặc chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) – khi chính quyền áp đặt mọi thứ.

Nếu đi theo mũi tên “tự do kinh tế” nhưng vẫn không thêm tự do cá nhân, sẽ dẫn tới tư tưởng hữu khuynh của giới bảo thủ.

Nếu đi theo mũi tên “tự do cá nhân” nhưng không thêm tự do kinh tế, sẽ dẫn tới tư tưởng tả khuynh của giới cấp tiến. Ðây chính là những người “liberal” và hay bị nhầm lẫn với “libertarian” vì hai chữ nhìn giống nhau trong tiếng Anh.

Còn nếu có cả tự do kinh tế lẫn tự do cá nhân thì, theo Nolan, đó là tư tưởng “libertarian”.

Vì kết hợp cả tự do của người bảo thủ và người cấp tiến, nên người libertarian cũng được xem như “bảo thủ về kinh tế và cấp tiến về xã hội”.

Người bảo thủ giúp người doanh gia được làm việc tự do, không bị nhà nước kềm chế. Thí dụ, người bảo thủ không muốn nhà nước bắt buộc công nhân phải tham gia nghiệp đoàn. Họ muốn mỗi người được tự chọn lựa kế hoạch hưu trí cho mình, không muốn mọi người đều bị ép phải đóng tiền cho quỹ An Sinh Xã Hội.

Người cấp tiến sẽ ủng hộ tự do trong các vấn đề xã hội, cá nhân, thí dụ như bãi bỏ chế độ quân dịch, ngăn chặn không cho chính quyền kiểm duyệt báo chí, và chuyện tình yêu, tình dục giữa người trưởng thành với nhau thì không phải việc của nhà nước.

Người libertarian ủng hộ cả hai khái niệm tự do. Nhưng ngược lại, đối với người libertarian, người bảo thủ vẫn còn muốn chính quyền can thiệp vào chuyện cá nhân – như cấm người đồng tính, cấm sử dụng ma túy, kiểm duyệt chuyện sex trong phim, Internet. Một điểm tiêu biểu của người bảo thủ ở Mỹ là muốn chính quyền cấm đoán những điều mà đạo Thiên Chúa (Công Giáo hoặc Tin Lành) cho là “tội lỗi.” Và người cấp tiến thì đòi giới hạn nhập cảng để bảo vệ kỹ nghệ, dùng tiền thuế để giúp người nghèo, đánh thuế người giàu. Ở Mỹ, người cấp tiến thường bị chỉ trích là xài tiền phung phí và những thí nghiệm xã hội.

Ðó là những điều người libertarian không chấp nhận vì họ cho đó là xâm phạm tự do cá nhân. Một câu nói người libertarian thường hay trích dẫn, là “khi chính quyền lấy giày đè vào cổ người dân, thì chuyện giày đó là giày phải hay giày trái không quan trọng”.

 

Chủ nghĩa libertarian ở Mỹ

 

Nhấn mạnh và thúc đẩy tự do cá nhân tới mức tối đa, chủ nghĩa libertarian ngày càng được nhiều người Mỹ ủng hộ. Nội trong lý thuyết libertarian cũng có “nhánh tả” và “nhánh hữu” – ở Mỹ, người libertarian hầu hết là thuộc “nhánh hữu”. Nhiều chính trị gia các đảng Dân Chủ và Cộng Hòa (nhất là Cộng Hòa) đổi qua tham gia đảng Libertarian.

Một cuộc thăm dò của viện nghiên cứu Cato Institute năm 2010 cho rằng có 14% cử tri tại Mỹ có khuynh hướng libertarian. (Viện Cato có chủ trương libertarian.)

Theo nghiên cứu này, tỷ lệ người có khuynh hướng libertarian đang tăng dần ở Mỹ. Tính tỷ lệ dân số trưởng thành, người có khuynh hướng libertarian tăng từ 9% năm 1990, lên tới 12% năm 2008.

Riêng về người có ghi tên đi bầu, tỷ lệ cử tri có khuynh hướng libetarian tăng từ 12% năm 1992 lên 14% năm 2008.

Tuy nhiên, khi đổi câu hỏi, và hỏi người ta “quý vị có cho mình là bảo thủ về kinh tế và cấp tiến về xã hội,” số người đồng ý lên tới 59%.

Nghiên cứu này cũng kết luận cử tri có khuynh hướng libertarian bầu cho Dân Chủ trong cuộc bầu cử 2004, nhưng trong cuộc bầu cử 2008 lại bầu cho Cộng Hòa, bỏ phiếu 71% cho John McCain và 27% cho Barack Obama.

Bên ngoài hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đảng Libertarian là đảng lớn thứ 3 tại Mỹ, với 225,000 cử tri ghi danh bầu theo đảng này. Từ năm 1972 tới nay, mỗi kỳ bầu cử tổng thống đảng Libertarian đều có ứng cử viên đủ chữ ký ủng hộ để được xuất hiện chính thức trên lá phiếu của hầu hết các tiểu bang.

Về kinh tế, người libertarian ở Mỹ chịu ảnh hưởng của kinh tế gia Milton Friedman, người tiên phong lý thuyết tiền tệ. Về xã hội người libertarian ở Mỹ hưởng ứng tự do trong các tác phẩm của Ayn Rand. Trong các chính trị gia, cố Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Barry Goldwater được xem là một nhân vật khai phá đường đi cho người libertarian.

Dân Biểu Ron Paul, năm nay 76 tuổi, từng ra tranh cử tổng thống đại diện đảng Libertarian năm 1988. Năm 2008 và năm nay, ông tranh cử trong đảng Cộng Hòa, và liên tục thu hút sự ủng hộ của khoảng 10% cử tri Cộng Hòa mà có khuynh hướng tự do.

Chính trị của Dân Biểu Paul phản ảnh khá khít khao với chủ nghĩa libertarian ở Mỹ nói chung. Ông ủng hộ tự do cá nhân trong tất cả mọi trường hợp, và trong đối ngoại ông chủ trương nước Mỹ không can thiệp vào bất cứ cái gì không gây hại trực tiếp cho Mỹ.

 

Chủ trương của libertarian ở Mỹ

 

Tất nhiên, tất cả mọi người libertarian không nhất thiết đồng ý với tất cả mọi điều, nhưng nói chung thì chủ trương của giới libertarian tại Mỹ có thể thấy trong bảng trắc nghiệm mệnh danh “bảng trắc nghiệm chính trị ngắn nhất thế giới”. Trong bảng này có 10 điều và ai bấm nút “đồng ý” với cả 10 điều thì được xem là libertarian nhất. Mười điều này gồm:

 

Về cá nhân:

* Không kiểm duyệt báo chí, Internet, nghệ thuật. Tự do ngôn luận phải là tự do, không thể chỉ là tự do trong mức cho phép của nhà nước.

* Không ép buộc quân dịch, quân đội phải tự nguyện.

* Không can thiệp vào chuyện phòng the. Ðồng tính, ngừa thai, là chuyện riêng mỗi người. Riêng về quyền phá thai, có người libertarian ủng hộ và có người libertarian chống.

* Không cấm người đã trưởng thành sở hữu và dùng ma túy. Người libertarian cho rằng người đã trưởng thành thì người ta tự biết cái gì có hại, cái gì không có hại, và mỗi người tự quyết định cho mình thì vẫn hơn là chính quyền quyết định giùm người ta.

* Không dùng căn cước toàn quốc (vì họ cho rằng điều này dẫn tới chính quyền trung ương kiểm soát người dân)

 

Về kinh tế:

* Không dùng tiền thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thị trường tự do sẽ quyết định kỹ nghệ nào lên kỹ nghệ nào xuống. Ðể tự nhiên, nền kinh tế sẽ phát triển hơn.

* Bãi bỏ các loại rào cản ngăn chặn tự do mậu dịch.

* Người ta phải có quyền tự điều khiển tiền hưu của mình; tư nhân hóa Social Security. Người libertarian không tin rằng chính quyền có thể điều khiển quỹ Social Security tốt hơn mỗi người tự lo cho mình.

* Bãi bỏ các loại tiền welfare. Việc từ thiện do cá nhân hảo tâm thực hiện vẫn tốt hơn.

* Giảm thuế, giảm ngân sách nhà nước Hoa Kỳ ít nhất 50%.

MỚI CẬP NHẬT