Thursday, March 28, 2024

Chùa Trúc Lâm và tấm lòng thơm thảo của một Việt kiều

 


Liêu Thái/Người Việt 


Huế độ vào Xuân, nếu đi qua Ngọ Môn, qua những thành cổ, lăng tẩm, qua sông Hương thơ mộng,… có lẽ sẽ khó mà bắt gặp được những hình ảnh nằm lẩn khuất phía sau cái cổ độ, trầm lắng pha chút vương giả của Huế.









Các cụ già neo đơn trong làng Trúc Lâm trước buổi nhận quà.
(Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Còn có một đời sống khác, sôi sục cơm áo, sôi sục gạo tiền cuối năm, sôi sục nỗi cơ hàn đời lao động nghèo, đời không nơi nương tựa.


Câu chuyện xoay quanh một ngôi chùa cổ, một viện dưỡng lão và một trung tâm trẻ mồ côi. Tất cả những nơi này được xây dựng bởi những tấm lòng, những bàn tay thơm thảo đã không câu nệ, vượt qua mọi khó khăn để chia sẻ.


Chùa Trúc Lâm ở làng Trúc Lâm. Ngôi làng này thuộc xã Hương Long, bây giờ là phường Hương Long vốn là một làng thuần nông, cuộc sống của người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.


Người dân ở đây, nếu may mắn có con cái, dư dả thì tuổi già ấm hơn một chút, còn người nghèo, già cả, thì cái lạnh của xứ Huế ngấm vào da thịt và tâm hồn khiến họ trở nên co ro, hom hem, tủi khổ vô cùng.









Một chút hơi ấm trao tay cảnh buổi phát quà ở viện dưỡng lão Diệu Viên.
(Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Tôi đã gặp họ trong buổi tặng quà cuối năm.


Theo dự tính, 11 giờ sáng ngày 24 Tháng Chạp sẽ tổ chức tặng quà cho bà con nghèo và các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi tại chùa Trúc Lâm. Nhưng chỉ mới 8 giờ 30 sáng, đã có nhiều cụ già đến trước sân chùa ngồi đợi.


Gần hai trăm người nghèo khó ở một làng nhỏ, khi đi nhận quà (do đồng hương Việt kiều Mỹ gửi về ủy lạo sư thầy trụ trì chùa Trúc Lâm phát), dù trời đang nắng nhưng để chống lạnh, vẫn có nhiều người mặc áo mưa, bên trong áo mưa là chiếc áo mỏng đã cũ sờn, không còn gì để cũ hơn.


Cụ T., 98 tuổi, không con cái, không người thân, trước đây cụ làm phụ việc trong hoàng cung, sau 1945, cụ ra ngoài làm lụng đủ nghề để kiếm sống, mãi cho đến tuổi già bóng xế, cứ Tết về là cụ thấy buồn, thấy cô đơn.









Một xe đạp cũ, một nạng gỗ, một cuộc đời khốn khó đeo đẳng theo người lính già này
từ hạ sang Ðông rồi lại Xuân… (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Cụ T. kể: “Trước đây, cứ đến gần Tết là mệ mang bị vào bên kia đèo Hải Vân để xin ăn, xin mãi cho đến bao giờ chân mỏi, nhớ nhà, mệ lại quay về, đi để mà đi, độ nhật qua ngày, chẳng biết đâu là ngày mai. Có nhà mà cũng như không, nhà dột, cột xiêu, Tết đến, nhìn bà con ai cũng con cháu đông đúc, sum vầy, mình cứ lủi thủi vậy buồn lắm.”


Ông Trần Tưởng, một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, bị mất một chân trong trận Mậu Thân 1968, sống côi cút cùng người vợ ốm yếu, cả hai vợ chồng nghèo khổ, không có gì ngoài miếng vườn nhỏ để trồng rau sống qua ngày.


Bữa đi nhận quà, ông cưỡi chiếc xe đạp nát không còn gì để nát hơn, một tay nạng kẹp nách, đến chùa đứng đợi, ông cho biết: “Tui trước đây là lính địa phương quân, bị thương trận Mậu Thân, trước 1975, sống nhờ vào tiền thương binh, sau này, chẳng còn biết nương tựa vào ai, cứ lây lất qua ngày đoạn tháng.”


“Với mình và dân nghèo ở đây, cuối năm, đi nhận quà phương xa gửi về cho là một thú vui được chờ đợi suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày. Chỉ có buổi nhận quà này là cho mình chút tình người ấm áp, có sự cảm thông của người lính may mắn với người lính cô đơn như mình, chẳng biết bao giờ trả cho được ơn này!”


Buổi phát chẩn với số tiền không nhiều, mà như lời ông Trần Dật, một mạnh thường quân là Việt kiều ở Los Angeles, nói rằng “của ít lòng nhiều.”








Cụ già 94 tuổi này đã có “thâm niên” 16 năm nhận quà Tết phương xa, với cụ đây là ngày hội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Mỗi người 100 ngàn đồng, nhưng với con số gần 200 người, và gần 100 trẻ em trong làng học giỏi, mỗi em 50 ngàn đồng, mà người nào cũng thấy đây là số tiền rất lớn, ấm áp tình người.


Cách Trúc Lâm cổ tự không xa, chừng 15 cây số đường chim bay, có một mái ấm khác, cũng được xây dựng từ những tấm lòng thơm thảo của Việt kiều.


Nơi đây, giữa bốn bề đồi cao, cây cỏ và thanh âm tịch mịch, những người đàn bà từ khắp ba miền đất nước tựu về.


The lời kể của Ni sư Thích Nữ Diệu Ðàm: “Viện dưỡng lão được xây cách đây 11 năm, theo tiêu chuẩn của viện, người trên 50 tuổi, không nơi nương tựa, nghèo khổ, sẽ là thành viên của viện.”


“Các cụ ở đây, có người đã gần 100 tuổi, nói chung là về đây, các cụ sống vui vẻ, hòa đồng, chính cuộc đời cô đơn, buồn tủi của các cụ đã giúp các cụ rất dễ gần gũi nhau, rất dễ thành bằng hữu, thậm chí là chị em kết nghĩa. Trong viện có nhiều cặp đôi, nhóm chị em kết nghĩa rất dễ thương, cảm động…”


“Thường là các cụ không người thân, nên Tết về, có ai ghé thăm, các cụ vui lắm, khi khách đi rồi, các cụ cứ chép miệng tiếc nuối…” Ðúng như lời kể của Ni sư Thích Nữ Diệu Ðàm, lúc chúng tôi vào thăm viện dưỡng lão, nhìn thấy chúng tôi đi ngoài ngõ, các mệ, các cụ đã chạy ra đón mừng như thể người mẹ già ngồi tựa cửa ngóng con đã lâu lắm rồi.


Gần đây, chùa Diệu Viên còn xây dựng thêm một trung tâm trẻ mồ côi với nơi ăn ở khang trang, một trường dành cho trẻ mồ côi có đầy đủ tiện nghi, từ thư viện (6,000 đầu sách) đến phòng đọc, phòng học, phòng vi tính và sân chơi. Tất cả chi phí của viện đều do Việt kiều và các tổ chức tình thương quốc tế hiến tặng. 


Từ một tấm lòng với quê hương 


Có lẽ câu chuyện của chúng tôi sẽ mất toàn bộ ý nghĩa nếu không kể về gia đình ông bà Trần Dật, một người con đất Huế xa quê đã lâu năm, bôn ba từ Nha Trang đến Sài Gòn rồi sang Mỹ sau biến cố 1975.


Vì cứ đến gia đình nào trong làng, người ta cũng kể về ông bà Trần Dật, vì đi nhiều con đường bê tông, người ta nói của ông bà Dật xây, vì đến chùa, sư thầy bảo rằng chùa được khang trang như vậy nhờ ông bà Trần Dật, vì đến thăm viện dưỡng lão, ni sư giới thiệu viện do ông bà Dật xây dựng, cưu mang…


Nhưng chúng tôi không biết nên kể từ đâu, vì chỉ mới quen biết với ông Trần Dật sau dịp lễ cầu siêu cho hơn 100 hương hồn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa còn nằm lại nơi chùa Dương Lâm-Phú Ninh-Quảng Nam, thì để những người nghèo, người không nơi nương tựa kể vậy!


Ông D., một người dân phường Hương Long kể: “Món quà ông Dật tặng cho bà con ở đây rất ấm áp tình người, tặng không cần suy nghĩ, cứ thấy người ta nghèo là mình giúp.”


Một cụ bà 80 tuổi trong viện dưỡng lão chùa Diệu Viên cho biết: “Theo các ni sư kể thì chúng tôi có được hai chục chỗ ăn ngon, mặc ấm, ngủ yên này là phần lớn nhờ vợ chồng ông Dật, chúng tôi không biết nói gì hơn, xin cầu nguyện cho vợ chồng ông thật mạnh khỏe, vạn sự cát tường…”


Chúng tôi liên lạc với Trần Dật, hỏi thăm về việc từ thiện mà hai ông bà đã làm suốt mười sáu năm nay. Ông Dật cho biết: “Từ thiện à, cháu nói nghe lớn lao quá, đơn giản là bác làm những gì giúp tâm hồn mình thanh thản hơn thôi, cuộc đời ngắn ngủi, nếu lúc ngủ, nhắm mắt lại, thấy nhiều nụ cười hiện ra, vậy là hạnh phúc!”


Khi tôi ngồi viết bài này, ngoài kia, người người đang dạo phố, đón Tết, nhiều chuyến xe chở nặng tình quê đang trở về từ thành phố, từ mọi miền xa xôi. Nhưng, cũng trong lúc này, còn nhiều cuộc đời sao chỉ cần nhắc đến đã thấy đau!


Không riêng gì các ni sư, những nhà hảo tâm như ông bà Trần Dật, cô Trần Thị Ðiềm và con cháu trong gia đình họ Trần. Mà dường như, những người xa quê, những người ra đi trong buổi tao loạn khói lửa, lại là những người tha thiết gắn tâm hồn mình với mảnh đất quê hương…


 

MỚI CẬP NHẬT