Thursday, March 28, 2024

Ðề nghị đổi luật cấp thẻ xanh khiến di dân chống nhau


WASHINGTON (Washington Post) –
Với bằng cấp cao, công việc vững chắc và căn nhà ở Arlington County, bà Neelima Reddy và ông chồng có vẻ đang rất thành công. Nhưng họ luôn bực bội vì cảm thấy mình kẹt cứng không lối thoát.










Người Ấn Ðộ làm sổ thông hành sau khi có quốc tịch Mỹ. Dự luật di trú mới tại Hoa Kỳ làm cho các nhóm di dân chống nhau. (Hình: David McNew/Getty Images)


Bảy năm sau khi từ Ấn Ðộ sang Mỹ sống, hai vợ chồng chuyên gia trẻ này vẫn chờ đợi để được trở thành thường trú nhân.


Rogie Legaspi, chuyên huấn luyện các nhà giáo ở Baltimore, cũng đang chờ đợi ngày có thẻ xanh, 20 năm sau khi từ Philippines đến Mỹ.


Theo quy định của chiếu khán làm việc (temporary work visa), Legaspi và Reddy không được đổi chỗ làm hay có dự định gì lâu dài hơn hai năm, là thời hạn họ phải xin tái cấp chiếu khán nhập cảnh (visa). Dù có cùng nỗi khó khăn, các chuyên gia sinh trưởng ở nước ngoài này có thể sẽ phải đối đầu với nhau trong cuộc tranh chấp ngày càng gay gắt liên quan đến đề nghị cải tổ luật cấp thẻ xanh mang tên “Fairness for High-Skilled Immigrants Act”.


Dự luật này, hiện bị giam tại Thượng Viện, được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề cấp thẻ xanh cho các di dân từ khắp thế giới đang làm việc ở Mỹ bằng chiếu khán tạm thời cho các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao mà nước Mỹ không có đủ nhân sự.


Nhưng dự luật này bị bế tắc trong cuộc tranh luận cho là không công bằng cho công dân Mỹ đang phải kiếm việc trong thời gian kinh tế khó khăn và cũng vì cho rằng luật có lợi cho công dân các quốc gia lớn, đặc biệt là Ấn Ðộ, so với các quốc gia nhỏ hơn như Philippines.


Theo luật lệ hiện hành, chính phủ Mỹ có thể cấp 140,000 thẻ xanh mỗi năm cho thành phần di dân đến Mỹ với chiếu khán làm việc. Hàng trăm ngàn người ngoại quốc hiện đang đến Mỹ mỗi năm để làm việc trong những ngành nghề như dạy học, y tá, kỹ sư và các chuyên gia khác trong dạng này và phải xin tái cấp mỗi hai năm.


Họ phải được một công ty Mỹ hay cơ quan chính phủ bảo trợ và phải chứng minh được rằng không kiếm ra công dân Mỹ có thể hoặc muốn làm công việc này.


Tuy nhiên, sự trễ nải của tiến trình này khiến hàng trăm ngàn người, có những người đã ở Mỹ từ nhiều năm nay, vẫn phải dùng chiếu khán tạm thời. Nhiều người trong số này đến từ vài quốc gia Á Châu, đa số là Ấn Ðộ và Trung Quốc. Nhưng vì luật Mỹ hiện nay cũng giới hạn là mỗi quốc gia chỉ có được 7% số thẻ xanh, những người đến từ các quốc gia nhỏ hơn thường có thẻ xanh sớm hơn.


Dự luật “Fairness for High-Skilled Immigrants Act” sẽ sửa đổi điều này, hủy bỏ giới hạn 7% và cấp thẻ xanh theo nguyên tắc đến trước thì có thẻ trước.


Ðiều này đã tạo ra tranh cãi và có tố cáo rằng cộng đồng Ấn Ðộ đã vận động để đưa ra thay đổi luật. Một số di dân từ các quốc gia nhỏ hơn nói rằng họ có thể sẽ phải chờ đợi thêm mấy năm nếu luật được thông qua trong khi hàng ngàn người Ấn Ðộ được “chen vào hàng” một cách hợp pháp.


Nhưng bà Reddy, 31 tuổi, làm việc tại Fannie Mae và ông chồng, Vishal Iyer, chuyên gia thiết kế trang Web ở AOL, không đồng ý về luận cứ này.


“Tại sao người bạn đồng nghiệp của tôi từ Bulgaria có thẻ xanh trong sáu tháng trong khi vợ chồng tôi phải đợi bảy năm, chỉ vì chúng tôi sinh ra ở Ấn Ðộ?” Bà Reddy nói. “Chúng tôi yêu nước Mỹ. Chúng tôi muốn đóng góp cho nền kinh tế và nuôi dạy con ở đây. Nhưng thay vào đó, chúng tôi phải sống trong tình trạng bất định.” (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT