Thursday, March 28, 2024

Ði câu với những tay ‘sát cá’ người Việt ở Florida


Trương Ðông Thức/Người Việt



ORLANDO, Florida (NV) Từng tháp tùng nhiều anh em trong giới câu cá chuyên nghiệp ở Nam California, cứ tưởng phong trào câu cá của nhóm người Việt ở đây là nhất nước Mỹ.

Vậy mà khi được đi cùng một nhóm anh em câu cá ở thành phố Orlando, Florida, mới thấy phong trào câu cá của cộng đồng người Việt ở đây cũng phát triển rất mạnh, và vô cùng chuyên nghiệp.

Khi tìm hiểu mới biết là gần như nhà nào cũng có người đi câu, có khi cả đời con, đời cháu đi câu.

Lý do là điều kiện địa lý ở tiểu bang này rất thuận lợi cho việc đi câu cá.









Chuẩn bị bỏ “chiến lợi phẩm” vào thùng. (Hình: Trương Ðông Thức/Người Việt)


Thiên đường của dân câu cá


Nếu nhìn trên bản đồ nước Mỹ, Florida được đại dương bao bọc hai bên, một bên là biển Ðại Tây Dương và một bên là Vịnh Mexico. Phần cuối của tiểu bang này nhô ra biển gần với các nước nằm trong vùng biển Caribbean.

Florida còn có rất nhiều đầm lầy, ao hồ và là “vương quốc cá sấu” ở Mỹ. Ngoài ra, tiểu bang “Mặt Trời Chiếu Sáng” còn có nhiều động vật như rùa, rắn và vô số cá nước ngọt, cùng nguồn hải sản vô tận của biển cả.

Vì vậy, nghề câu cá ở đây là một bộ môn giải trí rất thịnh hành, được nhiều sắc dân khác nhau yêu thích.

Với cộng đồng người Việt Nam, câu cá không chỉ để giải trí thôi mà còn là phương tiện cung cấp nguồn thực phẩm tươi dồi dào cho các đồng hương.

Ở đây, dân câu cá sử dụng thành thạo nhiều loại cần câu, lưỡi câu, chì, mồi giả, mồi thiệt, phao đèn, dây cước, kềm, dao, nón đội có đèn, lưới chày cá, lưới vớt cá, bình ôxy cho cá mồi thở…









Chuẩn bị lưới chài cá làm mồi. (Hình: Trương Ðông Thức/Người Việt)


Ðịa điểm câu


Trước khi tổ chức đi câu, nhóm cử ra một người đi xem thời tiết từng địa điểm. Thậm chí, người này phải biết được giờ giấc luồng cá đến và đi.

Hôm ấy, chúng tôi đi câu tại Sebastian Riverside Park, cách Orlando khoảng một giờ lái xe. Ðây là một nhánh sông dẫn ra biển Ðại Tây Dương. Sau khi mua vé vào cổng, xe chạy thêm 5 phút nữa là đến khu vực câu cá.

Trước mắt tôi là một khung trời bao la rộng lớn, cạnh một nhánh sông có khu vực đất bồi. Nơi đây còn có một rừng cây mắm rễ tua tủa như rừng U Minh ở Cà Mau mà tôi từng biết.

Tại đây có cả trăm người đứng ven bờ và neo ca nô giữa dòng để câu cá. Thậm chí, có nhiều người đứng dưới nước để câu. Hết người này đến người kia giựt được cá, làm nhóm chúng tôi cuống cả lên.

Thế là nhóm chúng tôi ai nấy nhanh chóng mang đồ nghề ra tìm nơi thích hợp thả câu.

Riêng tôi đi dọc theo mé sông chủ yếu để chụp ảnh mấy người câu được cá và chụp nhiều loài chim săn mồi quanh những người câu.

Tôi chợt thấy có mấy con cá lôi lờ mờ trên mặt biển, thật lạ lùng, nhưng khi nhìn kỹ mới biết đó là “chiến lợi phẩm” của những tay câu may mắn.









Ông Nguyễn Huỳnh vừa câu được một con cá hố. (Hình: Trương Ðông Thức/Người Việt)


Họ buộc dây cước vào miệng mấy con cá to cỡ bắp chân, rồi buộc vào lưng của mình để cá bơi nhởn nhơ xung quanh.

Còn sáu người trong đoàn chúng tôi câu cả tiếng đồng hồ mà chỉ được ba con cá. Thấy vậy, chú Bình, một tay “sát cá” có hạng, đề nghị lái xe ra biển để câu.

Một chiếc cầu lớn dẫn ra biển hôm ấy có cả trăm người đang câu cá.

Tìm được một nơi để đặt đồ nghề xuống cũng hơi khó kiếm. Trong khi đó, nhiều người câu được cá lớn họ vui mừng la hét. Một nhân viên đến lấy cây thước đo con cá rồi nói “OK.”

Thế là con cá được bỏ vào trong thùng xốp đông đá. Có người vui cũng lại có người buồn. Buồn là vì câu được cá lớn nhưng quá cỡ quy định đành phải thả lại biển. Nhưng đối với họ, thà thả lại còn hơn là bị phạt rất nặng, có khi cả cả mấy ngàn đô la.

Tâm sự dân câu


Ông Nguyễn Huỳnh, cư dân Orlando, có hơn 34 năm câu cá tại nhiều nơi ở tiểu bang Florida, cho biết: “Tôi định cư tại Orlando hơn 35 năm rồi, có khoảng ngần ấy năm đi câu cá với bạn bè. Giờ thì thỉnh thoảng đi câu với hai con trai, chúng tôi có dịp gần gũi trò chuyện, cuộc sống hạnh phúc vô vùng.”

“Có quá nhiều kỷ niệm với thú câu cá ở xứ này. Nhiều lần nhóm đi câu trúng ngay đàn cá kéo mỏi tay, mỗi người câu được ba, bốn trăm con cá to bằng cùm chân. Anh em phải nhờ người nhà lái xe truck đến để mang về tiếp. Không thể ăn hết nên phải điện thoại cho bà con, bạn bè, lấy về ăn phụ,” ông Huỳnh kể tiếp.









Một số tay “sát cá” gốc Việt ở Florida. (Hình: Trương Ðông Thức/Người Việt)


Ông nói thêm: “Cũng may gia đình chúng tôi có sinh hoạt trong nhà thờ nên có nhiều người để chia sẻ. Ngược lại, có khi họ câu được nhiều cũng gởi đến gia đình chúng tôi. Anh em trong nhà thờ cũng hay tổ chức đi câu cá, khi có những chương trình lớn đãi ăn mấy trăm người. Chúng tôi mang cá câu được ra làm nhiều món khác nhau, ví dụ như ăn với rau vườn trồng tại nhà. Có nhiều lúc đi câu về giữa khuya, chạy trên những xa lộ vắng vẻ, cá sấu to đùng bò qua lộ, không thể tránh kịp cán qua luôn.”

Cũng theo ông Huỳnh, ở tiễn bang này, câu cá được xem như bộ môn giải trí, cũng là để tạo điều kiện ra ngoài không gian bao la, biển cả, để hít thở không khí trong lành, giải khuây sau những ngày lao động mệt nhọc. Và còn mang cá về ăn mà không cần đi mua. Bãi biển câu cá nào cũng có nhiều dịch vụ đi kèm nào là quầy bán các loại đồ nghề cho người đi câu, phòng khách sạn, bếp nướng ngoài trời, bàn ghế…

“Lần này cùng ăn chung với các anh em chỉ có cơm nguội, dưa leo, nước mắm và cá câu được mang lên nướng quả là ngon tuyệt,” ông chia sẻ.

Chuyện chài lưới bắt cá làm mồi cũng nhiều lý thú. Có một số loài cá phải được câu bằng chính cá con còn sống.

Câu cá hố


Ðịa điểm mà đoàn chúng tôi đi câu cá lần nầy là Titusville, ngay cạnh Xa Lộ 95, và cạnh một nhánh sông dẫn ra biển Ðại Tây Dương.

Trước khi đến điểm này, chúng tôi có ghé vô một bến tàu, và tại đây ông Nguyễn Huỳnh mang lưới ra chài cá trích.
Chỉ cần hai ba chài đã có cả nửa thùng cá, dư sức để đi câu cá hố.









Cá to quá, phải trả lại đại dương thôi! (Hình: Trương Ðông Thức/Người Việt)


Loài cá này chỉ câu đêm, mỗi cần câu đều có cái phao bằng đèn phản quang có thể sáng suốt đêm với màu xanh nhạt, màu đỏ, trắng. Ðèn này sử dụng hai ba lần mới bỏ.

Cái phao trôi định vị chủ quyền của cần câu mình và khi cái đèn ấy bị kéo mạnh xuống mặt nước, “chủ nhân” biết và giựt mạnh cần câu rồi kéo dây câu vào để bắt cá.

Cá hố là loài háu ăn, chúng đi tới đâu là cá con (loại cá mồi) nhảy tung tóe đến đó. Trong vòng hai giờ, mỗi người chúng tôi ai cũng câu được bốn, năm con cá hố.

Ðây là loại cá rất đáng sợ, ngay cả những người câu cá chuyên nghiệp cũng phải biết đề phòng mỗi khi tháo lưỡi câu ra khỏi miệng nó. Nếu không cẩn thận, có thể bị cá cắn rất đau nhức và lâu lành.

Hai cái răng của cá hố nằm nay phía trước, vết cắn của chúng có thể cắt con cá chít (mồi) ra làm đôi mà phần đầu con cá mồi vần còn sống.

Nhiều người như chú Huỳnh thích câu cá hố vì muốn tìm lại ký ức “trở về dòng sông tuổi thơ” nào là được chài cá mồi, thích cảm giác cá hố cắn câu và kéo cong cần câu để bắt chúng.

Tốn kém


Ngoài kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm, câu cá cũng cần may mắn nữa. Tuy nhiên, theo một dân câu, chỉ riêng chuyện mồi cá và lưỡi câu cũng có vô số những chi tiết kể hoài không hết. Các kỹ xảo khác nhau, cách sử dụng mồi câu cũng không ai giống ai.

Mặc dù cần câu, lưỡi câu, mồi câu, dây cước, chì, phao… tất cả đều có bán đầy ở các cửa tiệm chuyên phục vụ dân câu cá, nhưng giá cả không phải rẻ. Chỉ tính riêng lưỡi câu thôi, mỗi một cái lưỡi câu giá từ $4 đến $20. Chì và phao giá cũng tương đương như lưỡi câu. Còn các loại kềm, kéo, dao chuyên dùng, rẻ nhất cũng $10 cho đến cả $100/cái.

Còn cần câu rẻ nhất cũng vài trăm đô la, đắt nhất có khi cả ngàn đô la. Ðó là chưa kể câu bị vướng đá, cây cỏ, đứt mất lưỡi, mất chì, là chuyện bình thường.

MỚI CẬP NHẬT