Friday, March 29, 2024

Ði coi hát bội ở Sài Gòn



Phương Giang/Người Việt


 


SÀI GÒN –Năm mươi năm trôi qua, ấy vậy mà những hình ảnh đi coi hát bội được cố nhà văn Sơn Nam miêu tả trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau của ông lại như ùa về trước mắt, rõ ràng đến từng chi tiết một.










Sân khấu cũng biểu hiện cuộc sống đời người, ký ức lịch sử và kể cả tâm tư của đời sống hàng ngày. (Hình: Phương Giang/Người Việt)


Ðó là vào dịp rằm Tháng Giêng vừa qua, nghe nói ngoài Ðình Phú Ðông Tự (trước gọi là Ðình Cầu Cống) làm lễ Quan Vía Quan Âm, rồi mời đoàn hát về phục vụ bà con, tôi hăm hở ra từ sớm, chọn ghế tốt rồi chờ đến giờ mở màn.


Ðình Phú Ðông Tự nằm trong một khoảng sân vừa đủ rộng trên đường Phan Ðăng Lưu, quận Phú Nhuận. Ngày thường ngôi đình này vốn dĩ êm đềm, chỉ có người trông giữ cùng một vài bà con lui tới vì muốn tìm chút yên bình, hoặc đang có chuyện không may trong cuộc sống đến thắp nén nhang, nhằm mong “ông trên” độ lòng giúp giải hạn.


Ấy vậy mà trong 4 ngày (12, 13, 14 và 15 Tháng Giêng, Nhâm Thìn), đình bỗng tấp nập hẳn, với nào là cờ hoa giăng trước cổng rồi kéo dài cả một khúc đường.


Những vị chánh tế, bồi tế bận áo dài khăn đóng chỉn chu, đi ra đi vào làm lễ, người đến viếng cũng tấp nập hơn hẳn, đặc biệt, mùi nhang đèn cũng quyện vào không khí rất đậm đặc, lan đi khắp nơi, khiến không chỉ bà con sống gần đó phải háo hức, mà người trên đường đi qua rồi cũng phải ngoái đầu nhìn lại vì tò mò.


Tôi đến xem tuồng vào đêm 14 Tháng Giêng, mới bước vào bên trong đình đã nghe mùi nhang xộc vào mũi, cũng thích đấy, nhưng một lúc sau lại thấy mắt cay sè sè.


Trong “Hương Rừng Cà Mau,” Sơn Nam viết: “Cất một cái nhà sàn ở giữa sông, theo kiểu ba căn hai chài. Ba căn giữa dùng làm sân khấu, hai chài dành cho đào kép ăn ở, nấu cơm.”









Các nghệ sĩ hát bội Ðoàn Hoa Bích Phương đang diễn vở Nhị Phúc Tinh Lâm Phàm. (Hình: Phương Giang/Người Việt)


Kiểu bây giờ cũng đúng y chang như vậy, sân khấu chính được dựng lên ở chính giữa hết một nửa chiều ngang, một nửa còn lại được chia đều hai bên, gọi nôm na là khu vực cánh gà, chỗ để nghệ sĩ chuẩn bị trước khi lên diễn, cũng là nơi để họ nghỉ ngơi mỗi tối.


Một điều quan trọng là sân khấu này phải được dựng dối diện với khu vực thờ, bởi đầu tiên cũng là để phục vụ cho Quan Thánh Ðế, Phật Bà Quan Âm, Thánh Mẫu,… sau mới đến lượt người dân thường thưởng thức.


Từ sớm, nhiều bà con đã đến đình để chọn lấy chỗ ngồi đẹp nhất, nên đến khi mấy hồi trống báo tiết mục đầu tiên vang lên, thì ai cũng đã yên vị chỗ nấy rồi, đến trễ chỉ còn nước mà đứng xem từ hai bên thôi. Sau khi làm lễ mời ông bà, những vị chánh tế, bồi tế tận tay gửi các đào kép những phong bao đỏ chét để lấy hên đầu năm, ngẫm ra thì lại thấy cũng giống như thời của Sơn Nam, kiểu “mỗi nhà nên tùy hỷ góp vài vùa gạo để nuôi họ.”


Ý mỗi người góp tay một chút mà ai nấy cũng đều có lợi và vui vẻ. Dù biết rằng mời đoàn hát về cũng phải có hợp đồng, thỏa thuận tiền bạc từ trước, nhưng không phải vì thế mà quên cái lệ này được.


Thời buổi bây giờ chắc ai cũng nghĩ chỉ có mấy bô lão mới say mê cái bộ môn nghệ thuật này, vậy mà nhìn xung quanh còn thấy các mẹ các cô, các chú, thậm chí là các bé nhỏ cũng hóng lên sân khấu với ánh mắt xem chừng long lanh lắm, kiểu rất nôn nao mong chờ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo vậy.


Không đến nỗi phải “thức sáng đêm ngồi dưới xuồng, khi mệt mỏi thì nằm xuống. Rồi lại ngồi dậy” như thời trước, nhưng trông cũng say mê không kém.


Nếu có khác thì khác cái cảnh bà con bây giờ đi xem hát nhưng vì muốn lưu giữ lại kỷ niệm, nên cứ móc điện thoại ra mà quay phim chụp hình tanh tách, Nhiều người bán vé số cũng ghé vào xem qua một chút, rồi lại trở ra để tiếp tục buổi làm việc trong đêm.


Ðêm đó, đoàn Hoa Bích Phương diễn tuồng Nhị Phúc Tinh Lâm Phàm, nhưng trước đó cũng diễn một vài tuồng ngắn như Phước Lộc Thọ, Ðiêu Thuyền Lữ Bố… để hâm nóng sân khấu. Các đào kép người nào cũng đầy đủ “áo mão xanh đỏ, đầu giắt lông trĩ,” sân khấu nổi bần bật với tấm màn đỏ có kết kim sa, lại lộng đèn vàng lên trông lấp lánh rất đẹp mắt.


Cứ mỗi 5, 10 phút lại có đào kép mới lên thay phiên diễn đoạn khác, áo mão cũng thay đổi liên tục vô cùng hấp dẫn, khiến bà con ngồi xung quanh không tài nào ngừng mắt theo dõi được.









Sự tán thưởng của khán giả là món quà tinh thần vô giá cho các nghệ sĩ hát bội. (Hình: Phương Giang/Người Việt)


Dàn trống đờn ngồi ngay dưới sân khấu cũng phải đánh liền tay không bỏ sót được nhịp nào, rồi cứ thế mà rảo nhạc cho đến tận đêm khuya. Giọng hát hòa với “giọng” đàn trống, rồi cái lấp lánh của áo mũ, cái uyển chuyển của từng cú đá chân vung tay, rồi cùng cái hương nhang đèn nghi ngút đúng là hòa hợp đến lạ lùng.


Gần nửa đêm, tôi vào trong đốt nén nhang rồi về nhà, tắm rửa, ngồi làm việc thêm chút xíu, vậy mà khi lên giường rồi vẫn còn nghe tiếng hát văng vẳng từ xa.


Nằm suy nghĩ, hôm nay quả là một ngày gặt hái được nhiều thành công, dù chỉ biết ngồi một chỗ mà coi hát, bởi lẽ vì cái thèm của mình cuối cùng đã được giải tỏa. 50 năm trôi qua, ấy mà vẫn có cái thú vui của dân Việt mình không hề mai một chút nào.


Một hy vọng nhỏ bé, rằng nếu thêm mấy chục năm nữa, vẫn có người đọc sách của Sơn Nam, ngồi nảy ra cái thèm oái oăm đi coi hát bội, lúc đó mà có đoàn hát về đình thì còn gì bằng. Ðêm đó, người ấy chắc chắn sẽ ngủ thật ngon như tôi bây giờ.

MỚI CẬP NHẬT