Tuesday, April 23, 2024

Ðời cát, đời cần lao



Phương Ngạn/Người Việt


 


QUẢNG NAM – Nói về đời sống cần lao ở Việt Nam, có lẽ đây là câu chuyện bất tận, chẳng biết bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào. Nhưng nếu giới hạn câu chuyện trong một nhóm người, một nhóm nghề thì có thể khái quát được đôi nét về họ. Câu chuyện này xoay quanh những mảnh đời cần lao gắn liền với đời cát.










Những người phụ nữ kéo xe đi bán cát giữa phố thị trong ngày cuối năm. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)


Với họ, cát hiện hữu như một ân sủng yêu thương của tạo hóa mà cũng là hiện thân nỗi thống khổ của kiếp người giống như họ.


Cát đen và cát trắng còn gọi là hắc sa, bạch sa, đây là hai loại cát được xếp vào top “vàng” trong các loại cát. Hắc sa dùng để điều chế titan, bạch sa dùng để điều chế pha lê, thủy tinh. Cả hai thứ này đều có giá rất cao. Nghiệt nỗi, những người có “duyên phận” với nó thì lại lao đao, khốn đốn chẳng kém gì nó!


Gần đây, các đầu nậu, các công ty liên doanh nhà nước, các tay tài phiệt và xã hội đen đổ xô đi khai thác quặng titan, khai thác hắc sa, những người dân sống trong vùng “vàng đen” trở nên khốn đốn, bất an, nguy cơ mất trắng mọi thứ, vô gia cư cũng đang đe dọa họ từng ngày.


Ông Tuyên, một người dân ở xã đảo Nhơn Lý, Qui Nhơn, Bình Ðịnh cho biết: “Xóm chài của tôi lâu nay sống trên vùng đất khắc nghiệt nhất của đảo, toàn là cát đen, chỉ biết bám biển, ra khơi, chịu sóng chịu gió mà sống. Vậy mà cũng không yên!”


“Sống đang yên đang lành, tự dưng người ta ùn ùn đến tìm cát đen, có khi lăm le vào sát sườn nhà mình lấy cát, ban đầu còn lén lút, sau làm công khai, làm ngang tàng, chẳng coi bà con ra gì, khi bà con đứng lên đấu tranh thì họ lại ra khu vực bãi biển mà khai thác…”


“Mà khai thác làm cho thềm biển hỏng sâu thì nguy cơ cả làng bị ném ra khơi sau một trận động biển là chắc chắn rồi. Nhưng trong chuyện này, mình càng nguy hiểm thì những kẻ khai thác càng có lợi, cuộc đời sao mà khốn nạn!”


Không riêng gì xã đảo Nhơn Lý, thành phố Qui Nhơn, mà hầu như trên khắp mọi miền đất nước, cứ nơi nào có tài nguyên, thì dân cư ở đó lao đao, bất an. Vùng cát Thăng Bình, Quảng Nam vốn là nơi vắng vẻ, bình yên. Nhưng khi phong trào khai thác quặng titan nổi lên, mọi chuyện cũng rối mù, người dân kêu trời, kêu đất.










Cát bị mất đi bởi khai thác quặng. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)


Ông Lợi, chủ của mảnh đất rộng 3 hecta, đến khi có dự án khai thác quặng titan, cũng hoang mang không kém: “Trước đây trảng cát này bỏ hoang, tôi khai thác, tạo vườn, đến năm 1995, nhà nước cấp sổ nghiệp chủ, tôi bị cắt hết bảy phần mười vào diện đất canh tác, ba phần mười kia thì có một ít là đất ở, còn lại là đất vườn, vậy thì nguy cơ bị mất đất rất cao, dân ở đây đều lo lắng giống tôi, khổ lắm!”


Ðó là nỗi niềm, thân phận của người dân gắn đời với hắc sa, còn với những người kiếm sống với bạch sa thì có khác.


Cuối năm, mưa lạnh, gió bấc, những người đàn bà kéo chiếc xe bò (còn gọi là xe cải tiến) chở một ít cát trắng kéo lững thững đi vòng quanh thành phố, đôi khi, cả một buổi sáng không thấy ai hỏi han lấy một câu, cảm giác họ đi như những cái bóng đang trôi dọc theo phố.


Tấm bảng ghi: “Bán cát trắng lư hương – 2000 đồng/1 bịch” cắm trên đuôi xe bò và một ít cát trắng nằm chơi vơi trong lòng xe vô tình làm nặng thêm cảm giác về nỗi khốn khổ và bất định của họ. Trời cuối Ðông lạnh lẽo, nhưng gương mặt họ nhễ nhại mồ hôi vì kéo xe, kèm thêm một chút vời vợi trong ánh mắt, khó mà tả!


Chị Phượng, người có thâm niên mười một năm bán cát trắng vào giáp Tết ở thành phố Ðà Nẵng cho biết: “Năm nào tôi cũng canh đúng rằm Tháng Chạp là chở một xe bò đầy cát ra đây (khoảng 1/4 m3), bán cho đến tận chiều ba mươi Tết, nếu may mắn bán hết thì ấm túi, nếu không bán hết thì tìm một bãi đất trống, đổ đó rồi kéo xe về”.


“Trước đây mình tự kéo xe bò, đi đoạn đường dài gần 60 km, từ Thăng Bình ra Ðà Nẵng để bán, nhưng giờ sức yếu, đành vô cát trong bao tải, gởi xe hàng, ra đến Ðà Nẵng thì thuê xe bò để kéo đi bán”.


“Tính cả tiền thuê phòng trọ, xe cộ đi lại, ăn uống và thuê xe bò, mỗi Tết dư cũng được 500 ngàn đồng. Thì kệ, chứ ở trong quê làm gì kiếm được chừng đó tiền trong dịp Tết, chỉ có chịu khó ra đây bán cát mới có cái mà ăn Tết thêm ấm, thì thôi cảm ơn trời đất đã cho mình cát để bán ăn Tết vậy!”.


Huyền, 18 tuổi, quê Hà Lam, Thăng Bình, quanh năm làm ruộng nuôi mẹ già bị mù, cha mất sớm, cuộc đời cứ dang dở, chồng bỏ lễ hỏi được gần một năm thì bị tai nạn xe chết cách đây mấy tháng. Nhìn gương mặt buồn héo hon của cô cùng chiếc xe bò cát nặng nề thách thức sau lưng càng thêm thảm não.


Huyền kể: “Em bán cát ở thành phố được ba năm nay, phức tạp lắm anh ơi, nhất là năm đầu tiên ra đây, thuê phòng trọ, chủ nhà là một cán bộ về hưu, lão ta có máu dê, cứ thấy em là tơm tớp, mỗi khi em kéo xe cát về là lão ra đẩy phụ rồi chọc ghẹo đủ điều, còn bà vợ thì ghen lấy ghen để, thay vì dạy ông chồng thì bà lại bắt nạt em. Em cắn răng chịu trận để mà đi tìm cho được chỗ trọ mới, cực trăm bề!”


“Năm nay cũng chẳng hơn gì, đi bán cát cứ gặp mấy lão có máu dê chọc ghẹo, rủ em đi chơi, nói là cho tiền sau khi đi chơi, đi chơi sướng hơn bán cát mà nhiều tiền hơn… Ðủ thứ chuyện éo le trên đời, mà mấy lão này nhìn mặt mày trơn tru, ra dáng nhà quan lắm! Xã hội như thế thì làm sao mà mấy đứa con gái quê mới ra phố không bị sập bẫy, không sa ngã được chứ!”


“Em bán khá nhanh, nên mỗi Tết kiếm được một triệu đến một triệu rưỡi đồng. Thường thì tối ba mươi về đến nhà, sáng đầu năm, vừa mệt vừa tủi thân, nằm khóc cả buổi sáng, năm nào cũng như năm nào thôi anh ơi!”


Trên đất nước này, có nhiều, rất nhiều người đổi ba bữa cơm bằng chính mồ hôi, nỗi thống khổ, sự tủi nhục và cả bằng máu để tồn tại qua ngày. Ðã có không ít những cái chết thương tâm vì tai nạn, vì trúng gió trong lúc đi đường, vì bụng đói của những người lao động kiếm sống bên hè phố.









Hậu quả của việc khai thác cát là những lời đe dọa của biển. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)


Và, cũng chính đất nước này, có những bữa nhậu, những tô phở với giá hàng triệu đồng, hàng chục triệu đồng, rồi những cuộc ăn chơi tốn tiền tỉ của những ông quan. Thử hỏi, nếu liêm chính, họ lấy tiền đâu ra để phung phí trong khi mức lương mỗi tháng chưa đủ cho nửa bữa nhậu của họ?


Tham nhũng, đó là câu chuyện xảy ra như cơm bữa trong giới quan chức Việt Nam. Khi tham nhũng, đương nhiên là ngân sách nhà nước bị bòn rút. Ngân sách từ đâu ra? Dân đóng thuế. Ai đóng thuế? Thì kể cả những người cần lao thống khổ chứ còn ai nữa!


Mấy chục triệu con người “ăn mắm mút dòi” để còng lưng đóng thuế cho vài triệu con người ăn trên ngồi trốc, mặt to bụng phệ, nước hoa thơm phức… hưởng thụ. Ðó là hiện thực rất sinh động trên đất nước này!


Trở lại những người lao động nghèo kiếm từng đồng lẻ để mua sắm thêm lát thịt, con cá… Họ kéo chiếc xe bò, gánh đôi quang, đạp chiếc xe cà tàng… Họ hiện hữu như một cái bóng mờ minh chứng về xã hội họ đang sống.

MỚI CẬP NHẬT