Tuesday, April 16, 2024

Du học sinh dưới cái nhìn của cộng đồng Việt tị nạn

 


Huy Phương


 


Vì chế độ Cộng Sản mà phải bỏ nước ra đi, nên phải nói một sự thật rằng đồng bào tị nạn đang sinh sống ở Mỹ vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với những du học sinh từ Việt Nam, xem đây là thành phần “con ông cháu cha”, con các cán bộ cao cấp trong chính quyền Cộng Sản, hay con những đại gia làm giàu nhờ chế độ.

Không những không tiếp xúc, đồng bào còn xa lánh không muốn giao thiệp, đừng nói đến chuyện giúp đỡ. Du học sinh Việt Nam trước khi ra đi cũng đã được gia đình căn dặn điều này, nên du sinh Ðoàn Xuân ở Arlington, Texas cho biết em tránh né khi bàn chuyện chính trị với bạn bè hay người lớn ở Mỹ vì biết đây là một chuyện rất tế nhị, có thể gây ra đụng chạm.



Trong đám rước Hội Chợ Tết Sinh Viên này, có bao nhiêu du học sinh Việt Nam tham dự? (Hình: Huy Phương)


Về chuyện sinh viên du học tham gia các sinh hoạt văn hóa, xã hội tại nơi mình đang theo học, qua sự tiếp xúc của chúng tôi với anh Billy Lê, Tổng Hội SVVN ở Nam Cali, anh cho biết cũng có một vài du sinh tham gia các công tác hay sinh hoạt như Hội Chợ Tết, nếu họ không nói ra thì cũng khó biết ai là sinh viên du học. Tổng Hội Sinh Viên hiện nay không có đường lối hay kế hoạch gì hỗ trợ hay giúp đỡ cho du sinh, tất cả những ai muốn sinh hoạt trong tổng hội đều phải theo quy chế và luật lệ của tổng hội.


Theo chỗ chúng tôi được biết, ở Mỹ, Tòa Ðại Sứ VNCS ở Mỹ chưa công khai đứng ra tổ chức và yểm trợ cho sinh viên của họ trong những hoạt động có tính cách văn hóa như câu chuyện cách đây ba năm, tại Brisbane, Úc Châu. Các du sinh Việt được tòa lãnh sự tại Brisbane bảo trợ đã tổ chức một hội chợ Tết, dưới danh nghĩa ban tổ chức là một dịch vụ du học, nhưng đến gần ngày khai mạc, đã lường trước sự phản ứng mạnh mẽ của Cộng Ðồng Người Việt tại đây, ban tổ chức đã xin cộng đồng “án binh bất động” và họ hứa sẽ không treo cờ, tranh ảnh hay phát nhạc trong nước. Hội chợ diễn ra êm đẹp, nhưng đây cũng là lần đầu và lần cuối du sinh Việt Nam tổ chức những sinh hoạt tương tự như vậy.


 


Tiếp cận để chuyển hóa!


 


Khi nói về thành phần sinh viên Việt Nam đang du học tại hải ngoại, nơi có nhiều tổ chức cộng đồng Người Việt Tự Do đang hoạt động, nhiều người cho rằng chúng ta đã bỏ mất cơ hội để tranh thủ, lôi kéo các du sinh Việt Nam về với chính nghĩa của dân tộc. Tất cả các du sinh đều sinh ra sau năm 1975, không biết gì về Quốc Gia-Cộng Sản, có cái nhìn rất hạn hẹp về thế giới bên ngoài cũng như được tuyên truyền một chiều. Về phía du học sinh nếu được gần gũi tiếp xúc với những gia đình người “bản xứ” tại địa phương sẽ có cơ hội học hỏi về văn hóa, ngôn ngữ của nước mình đang du học, và nếu được một gia đình đồng bào (nói theo ngôn ngữ trong nước là Việt kiều) bảo trợ, sẽ rất nhanh chóng học hỏi được những điều còn xa lạ với mình và sớm được hội nhập với đời sống mới. Vả lại, phần lớn du sinh Việt Nam đều mong mỏi có cơ hội để tạo điều kiện hợp pháp để ở lại như kết hôn hay có việc làm thì việc gần gũi với cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất cần thiết.


Tuy vậy, cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản ở nước ngoài rất “dị ứng” với sinh viên du học từ trong nước ra (trừ một số có con cháu, thân thuộc đi du học), phía sinh viên thì dè dặt, cẩn trọng trước những chuyện được xem là nhạy cảm như chuyện bàn luận chính trị.


Một phụ nữ thuộc gia đình có chồng trải qua nhiều năm tù sau năm 1975, sang Mỹ theo diện H.O. cho rằng sinh viên du học đã lớn lên dưới chế độ Cộng Sản khó có thể cải hóa được, và những người được đi du học thuộc những gia đình nhận ân huệ của chính phủ Cộng Sản, nếu tốt nghiệp cũng về để phục vụ chế độ, nên không có gì phải quan tâm và tranh thủ. Trái lại, một giáo sư Mỹ gốc Việt hiện dạy tại một đại học cộng đồng Bắc Cali, xin miễn nêu danh tánh, lại cho rằng, hải ngoại có sự thiếu sót là không gần gũi để lôi kéo các em du sinh về với mình, vì tương lai, muốn thay đổi đất nước, chúng ta phải trông cậy vào thành phần du học này, họ sẽ trở về canh tân đất nước, thay thế lớp chính khách thủ cựu, già nua. Sau năm 1975, Cộng Sản đã gọi con em chúng ta là “con Ngụy”, bây giờ chúng ta lại gọi những du sinh Việt Nam là “Cộng con”, đẩy lớp người này vào thế đối lập, không có lợi cho tương lai đất nước. Vị giáo sư này còn đưa ra một ý kiến, là nếu một gia đình người Việt tị nạn ở hải ngoại chịu “đỡ đầu” cho một du sinh, để cùng ăn ở, chuyện trò, tiếp xúc, cho các em biết tư bản là gì, đời sống tự do dân chủ là gì, thì với 15,000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ hiện nay, “diễn biến hòa bình” (như cách nói của trong nước) sẽ rất dễ dàng thực hiện.


Một cựu dân biểu đã từng du học Pháp, cho biết vào thập niên 50, du học sinh miền Nam sang Pháp đều được các “Hội Ái Hữu” do CS tổ chức tiếp đón, giúp đỡ khi mới chân ướt chân ráo đến Pháp để chiêu dụ về với họ, mặc dầu họ biết thành phần sang Pháp du học cũng có các thành phần địa chủ, con các viên chức chính quyền, quân đội miền Nam. Ngày nay chúng ta cứ nghĩ dân du học là con cán bộ, đảng viên mà xa lánh, không tìm cách gần gũi để lôi kéo họ là một điều thiếu sót. Ông cũng nói thêm rằng, Bộ Ngoại Giao Mỹ, qua Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam trước đây đã muốn tăng con số du học sinh từ Việt Nam vào Mỹ. Muốn chuyển hóa một đất nước, chúng ta phải tin cậy vào tương lai của du học sinh đi học nước ngoài trở về, đem khoa học, chuyên môn về phục vụ đất nước, đồng thời cũng đem dân chủ, khai phóng về cho đất nước họ.


Hiện nay trừ những du sinh có bà con hay bạn bè của cha mẹ gần trường học, có cơ hội lui tới ăn với gia đình một bữa cơm nhân ngày cuối tuần hay Lễ Tết, còn phần sinh viên rất ngại chuyện trò tiếp xúc với đồng bào sinh sống ở đây, nhất là những câu chuyện có thể dẫn đến chuyện bất đồng về chính kiến. Du sinh Việt Nam tuổi từ 20 đến 22, cũng thú nhận những năm ít ỏi tại nhà trường Việt Nam, các em không hiểu biết nhiều về chính trị và những khái niệm về tư bản – cộng sản, tự do – độc tài. Ðược sống ở Mỹ trong một thời gian ngắn, nhiều em qua sự dọ hỏi của chúng tôi, các em đều công nhận rằng “Con người ở đây lịch sự và tốt hơn, quan hệ giữ con người và con người thoải mái hơn!”


Nhận xét về sinh viên du học, cũng như lớp tuổi này ra nước ngoài theo diện bảo lãnh, nhiều người cho rằng phần lớn các em rất “khôn lanh” so với trẻ con ở hải ngoại trong cùng lứa tuổi, kiểu khôn lanh theo khuynh hướng “thủ lợi”. Một chủ nhà hàng ăn có thuê du sinh giúp việc chạy bàn, thì lại cho biết: “Thuê du sinh là muốn giúp các em có phương tiện ăn học. Các em nhậm lẹ, lễ phép và không đòi hỏi nhiều như những người đã định cư tại đây lâu năm.” Khách hàng thì bằng lòng lối tiếp đãi các em hơn là các bác lớn tuổi thường ăn nói thiếu lễ độ và coi thường khách hàng, như nhiều người đã có dịp than phiền về các nhà hàng ăn trong cộng đồng mới đây trên báo chí!

MỚI CẬP NHẬT