Friday, April 19, 2024

Duyên lành từ một bài báo cũ của Người Việt


Phùng Thức/Người Việt


ÐỒNG NAI (NV) Không ai nghĩ ở giữa những cánh rừng cao su sâu heo hút thuộc địa phận cầu Khỉ Khô, ấp 1, Xuân Quế, Cẩm Mỹ, Ðồng Nai lại có một trung tâm từ thiện Làng Tre, trung tâm từ thiện này đúng nghĩa là một mái chùa của những người bất hạnh.

Ông Trần Dật, một Việt kiều từ Mỹ, tay cầm một miếng báo cũ được cắt từ nhật báo Người Việt số ra ngày 5, tháng 7, năm 2012. Ông đưa chúng tôi mảnh báo này và nói. “Bài báo này của tác giả Nguyễn Ðạt viết, và vợ tôi, bà Ngô Lê Ái Lan đã giữ từ năm đó để trong chuyến về thăm quê lần này gia đình tôi đến thăm.”









Chăm sóc trẻ sơ sinh khuyết tật ở trung tâm từ thiện Làng Tre. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)


Thật ra chuyện về quê và làm từ thiện của các gia đình Việt kiều đã trở thành một nghĩa cử hầu như không thể thiếu của bà con định cư hải ngoại.

Từ sau biến cố 1975, thật khó mà thống kê hết có bao nhiêu triệu lượt bà con Việt kiều đã rộng lòng làm từ thiện ở trong nước theo khả năng của mỗi người.

Bà con Việt kiều làm từ thiện nhiều đến nỗi, là người viết báo, có khi ngay cả chúng tôi cũng ngại đưa tin về các việc từ thiện của bà con Việt kiều vì cho đề tài không có gì mới, nhưng mỗi lần có bà con Việt kiều hỏi về một địa chỉ từ thiện để đến thăm là chúng tôi lại tự hào tấm lòng của người Việt tha hương. Hai từ làm từ thiện đối với bà con việt kiều không thể cho thấy đầy đủ tất cả nghĩa cử phát xuất từ trái tim nhân ái.

Ðây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến trung tâm từ thiện Làng Tre do duyên lành từ bà Ngô Lê Ái Lan trân trọng giữ một mảnh báo cũ của nhật báo Người Việt.

Cảm giác đầu tiên của chúng tôi về trung tâm từ thiện này chính là ngôi chánh điện của mái chùa vẫn còn xây dựng dở dang, nhưng phòng ăn phòng ở của các trẻ mồ côi, người tâm thần đến người già cơ nhỡ đều rất tươm tất.

Một trung tâm từ thiện Phật Giáo mà việc hoàn thiện chánh điện phụng thờ chư Phật lại chỉ là việc để tính sau, còn đời sống người không may mắn lại được ưu tiên thì đúng là tâm nguyện đáng đảnh lễ của vị tăng trụ trì trung tâm Làng Tre này.

Sư Thầy Thích Chiếu Bổn cho biết thêm rằng. Chánh điện từ thời trung tâm mới thành lập đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nhưng niềm vui của trung tâm chính là từ nhà vệ sinh đến phòng ăn, nhà ở, khu y tế… của Làng Tre nhờ thiện tâm của của bà con hảo tâm mà chống chọi được với gió núi mưa rừng.









Gia đình ông Trần Dật đang tặng quà cho bà con nghèo khó quanh trung tâm làng tre. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)


Ðược biết hiện tại trung tâm Làng Tre đang nuôi dưỡng gần ba trăm con người có số phận không may, từ trẻ sơ sinh đến người bệnh tâm thần đều tìm thấy ở trung tâm này một nơi yên lành để nương tựa tinh thần và vật chất.

Thầy Thích Chiếu Bổn là tăng sĩ đầu tiên xây dựng trung tâm này và cũng là tăng sĩ duy nhất còn trụ lại với Làng Tre.

Thầy tâm sự, “Buổi đầu đến nhận miếng đất xây dựng trung tâm từ một phật tử cúng dường, thầy nguyện với chư Phật là nếu có chết thì chỉ mong được chết ở đây. Một thân phải vượt rừng ra chợ Long Khánh, mua thịt cá, khô mắm về cho các trẻ mồ côi, người già neo đơn… thầy chùa mà mua thịt cá tất nhiên phải phải chịu đựng dư luận không hay. Bây giờ thì phải chịu đựng tiếp cái nhìn và thái độ hoài nghi, thí dụ như trung tâm làng tre không chấp nhận chuyện cho các trẻ mồ côi ở đây làm con nuôi, dù biết nhiều người xin con nuôi là thực tâm, nhưng làm sao tránh được tiếng xấu trước hiện trạng mượn danh xin con nuôi để buôn bán trẻ em như hiện nay.”

Ông bà Trần Dật và gia đình kể với thầy Thích Chiếu Bổn về cái duyên với trung tâm Làng Tre bắt đầu từ một bài báo trên nhật báo Người Việt.

Ông Dật nói rằng. “Từ Mỹ rất nhiều lần ông gọi điện thoại về để mong gặp thầy nhằm xác định địa chỉ cho chuyến thăm nhưng đều không nói chuyện được. Khi gần hết thời gian của chuyến về Việt Nam ông Dật mới nói chuyện được điện thoại với thầy để có chuyến thăm này.









Mảnh báo cũ cắt ra từ nhật báo Người Việt do gia đình ông Trần Dật giữ về trung tâm từ thiện Làng Tre. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)


Ông Dật, nói thêm. “Từ khi ở Huế nói chuyện điện thoại được với thầy tôi thấy phải hết sức cám ơn Nhật Báo Người Việt và tác giả Nguyễn Ðạt đã tạo điều kiện để tôi và gia đình được đến đây để chia sẻ với bà con bất hạnh. Gia đình tôi chỉ là một gia đình Việt kiều không giàu có nhưng tất cả số quà dành cho bà con không may ở đây là từ tiền tiết kiệm của bảy người con cùng dâu, rể và các cháu tự nguyện đóng góp.”

Khi mấy trăm phần quà từ gia đình ông Trần Dật được trao cho bà con nghèo quanh trung tâm từ thiện Làng Tre và những số phận không may đang trú ngụ ở trung tâm này, thì chúng tôi được biết thêm rằng hướng tới trung tâm cố gắng xây dựng các cơ sở sản xuất thủ công để hướng nghiệp cho những người không may của trung tâm và dân nhập cư xung quanh.

Hiện nay trung tâm chưa kéo được điện lưới nhưng hy vọng mai này khi các nhà hảo tâm quyên góp đủ tiền để có được nguồn điện thì những sinh hoạt và các mặt sản xuất khác của trung tâm Làng Tre sẽ phần nào tự lực hơn.

Một mảnh báo Người Việt cũ phát hành từ nơi cách xa hơn nửa vòng trái đất, một số món quà từ thiện của gia đình ông Trần Dật tặng người bất hạnh ở trung tâm Làng Tre tận rừng cao su heo hút Long Khánh-Ðồng Nai, trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là duyên lành mà còn là hạnh chuyển hóa.

MỚI CẬP NHẬT