Tuesday, April 16, 2024

Hà Nội nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc

 


Phi Khanh/Người Việt


 


“Hà Nội bay giờ đi đâu cũng thấy Trung Quốc, làm gì cũng gặp Trung Quốc, ngay cả trong bữa ăn, trong phòng ngủ cũng thấy bóng Trung Quốc lấp ló đầu giường!”










Hầu hết các cửa hàng trên phố Lãn Ông đều bán hàng Trung Quốc. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


Ông Trần Thu, sống ở phố Tràng Thi hơn 50 năm, than thở: “Hà Nội ngày xưa không bị nhặng xị như bây giờ. Trước đây tuy Việt Nam chơi với Liên Xô, tuy ra đường gặp nhiều Liên Xô, thậm chí người ta nói đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ… Nhưng chí ít Liên Xô không có lọ mọ vào giường, leo lên bàn thờ như Trung Quốc bây giờ!”


“Thì mấy ông thấy đấy, tất cả mọi thứ hàng hóa, từ áo quần ngủ, vật dụng nấu nướng, đèn bàn thờ, lư hương, nói chung là kính thưa các loại đều có xuất xứ Trung Quốc. Ở đất Hà Nội này, thứ mình gặp nhiều nhất mỗi khi ra đường vẫn là hàng hóa Trung Quốc.”


Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ doanh nghiệp trên phố Lãn Ông cũng lắc đầu buồn bã khi nói về Hà Nội xưa: “Tui nghĩ Hà Nội bây giờ nên gọi nó là Little Bắc Kinh thì đúng hơn, nó cứ như một Bắc Kinh thu nhỏ từ chính phủ, phong cách bài trí các văn phòng trung ương, cho đến hàng hóa, thậm chí văn hóa!”


“Một khi hàng hóa Trung Quốc đã thò tay vào tận chính phủ, và ngay cả trong chính phủ cũng không thiếu những con người ‘rất Trung Quốc’ thì còn gì mà không bị Trung Quốc hóa chứ. Một đất nước có mấy ngàn năm lịch sử, đã từng bị người ta Hán hóa mấy lần từ chữ Hán cho đến lấy gái Việt làm vợ nhưng vẫn giữ riêng nét Việt. Bây giờ, chỉ có mấy chục năm, mọi thứ đã bị Trung Quốc hóa từ trong máu tủy. Vậy thì hết chỗ!”


“Trung Quốc nó chiếm mình đâu phải là chiếm Trường Sa hay Hoàng Sa trước, mà nó chiếm bộ máy chính quyền trung ương, chiếm thủ đô Hà Nội trước, nó làm cho cái chính quyền Hà Nội thành chi nhánh của chính quyền Bắc Kinh, dân Hà Nội thành bản photocopy của dân Bắc Kinh, và một khi toàn thủ đô nhuộm màu Trung Quốc thì cần gì phải đánh nhau mới lấy được Việt Nam.”


“Phố Lãn Ông vốn là phố thuốc Nam, ở đây ngày trước chỉ bán những thứ thuốc của người Việt, chữa bệnh cho người Việt, bây giờ bán toàn thuốc Bắc, chỉ thuốc Trung Quốc, có cả các thầy Tàu sang mở tiệm ở đây, không những thế, bây giờ trên phố này còn bán thêm đồ chơi trẻ em, các loại hàng hóa dành cho trẻ em, Trung Quốc 100%!”










Một cửa hàng bán khóa Trung Quốc 100% trên phố thuốc Bắc. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


Chúng tôi thử đi dạo một vòng qua phố Lãn Ông và phố Tràng Thi, đúng như lời bà Thủy nói, chỉ thấy toàn đồ Trung Quốc. Thỉnh thoảng có một cửa hàng made in Việt Nam nằm lẻ loi, trong giống như một con ngỗng bơi lơ ngơ giữa bầy cò.


Sang các con phố khác như Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Hàng Thiết… Các nơi này cũng chỉ thấy đồ Trung Quốc không hơn không kém.


Ông Trần Văn Trung, 60 tuổi, người phố Hàng Trống, chia sẻ: “Ở đây vốn là con phố chuyên bán những đồ vật, nông cụ thuần Việt cho nông dân các vùng ven đô. Nhưng không biết từ bao giờ, nó thành khu phố Hoa, mọi thứ đều có gốc gác từ Trung Hoa. Bây giờ muốn mua một thứ gì có xuất xứ Việt Nam ở đây rất khó!”


Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Trống yêu cầu giấu tên, cho biết: “Thật ra, bây giờ nếu bán đồ Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cạnh tranh không được, từ mẫu mã cho đến giá thành, thứ gì Trung Quốc làm cũng màu mè, sặc sỡ, mà người Việt mình phần đông lại thích màu mè, cộng với giá rẻ. Chính vì thế mà con phố này rất nhanh biến thành phố người Tàu.”


Chúng tôi tiếp tục ghé vào một cửa hàng đồ chơi trẻ em, một cửa hàng tương đối lớn nhưng không tìm đâu ra một món hàng nào khác ngoài hàng Trung Quốc. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm có món hàng nào không phải là hàng Trung Quốc, ông chủ cửa hàng cười: “Ở đây mà tìm vậy khó đấy!”


“Cái đất Hà Nội này người ta sống được nhờ vào hàng hóa Trung Quốc, đi tìm hàng thuần Việt như mấy ông bà thì đỏ con mắt đấy, có vài cửa hàng của Việt Nam, nhưng hàng ít lắm. Mấy ông nhịn ăn đi rồi bài trừ Trung Quốc, vì tất cả thức ăn Hà Nội đều có nguồn gốc Trung Quốc, trừ gạo ra, các thứ còn lại từ thịt, xoong chảo cho đến gia vị đều của nó. Bây giờ trốn đi đâu cũng gặp nó. Biết làm sao?”


Lang thang cả ngày trên phố Hà Nội, có thể nói rằng trừ mấy cái hồ như hồ Gươm, hồ Tây, hồ Thuyền Quang… Các thứ còn lại đều có bóng dáng Trong Quốc trong đó.


Ði ăn sáng, cái cảm giác bị “Tàu hóa” khiến cho bát phở Hà Nội có cái gì đó không còn thơm ngon như mọi hôm. Vẫn cố tin rằng đây là bát phở thuần Việt, ngồi gạ chuyện một lúc, làm quen bà chủ quán phở, hỏi thăm nguồn gốc thịt gà và thịt ngan, bà cho biết: “Thú thật là nó được nhập từ Trung Quốc, chứ làm sao mà có một bát phở nhiều thịt như vậy chỉ có giá ba mươi ngàn đồng giữa thủ đô này!”


Một bà chủ quán cơm trên đường Thanh Niên, nằm gần Hồ Tây và hồ Thuyền Quang, quán vốn nổi tiếng cơm ngon và rẻ, cho biết: “Tôi bán hàng toàn là đồ thuần Việt, rau Việt, thịt Việt, cá Việt, gạo Việt, nước mắm Việt, muối Việt… Nhưng cơm vẫn cứ ngon, vẫn cứ rẻ và bán vẫn cứ có lãi đấy thôi!”










Một cửa hàng trong hệ thống “made in Việt Nam” nằm lẻ loi giữa Hà Nội. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


“Thật ra, tôi nghĩ rằng hàng hóa Trung Quốc lọt vào Hà Nội quá nhiều không phải chỉ do lỗi của các nhà buôn hay do lỗi của người dân mà phần lớn tội lỗi thuộc về nhà nước. Vì hàng hóa Trung Quốc có thể trốn thuế, đánh thuế thấp, trong khi đó hàng Nhật, Mỹ, Anh, Châu Âu… đều bị đánh thuế nặng và không có món hàng nào trốn thuế được, chính vì vậy nhà buôn chọn hàng Trung Quốc.”


“Ðây rõ ràng có chủ trương, có sách lược từ phía trên nên chẳng có gì lạ nếu như người dân Hà Nội bỗng chốc trở thành người dân Bắc Kinh! Thử nghĩ, nếu như nhà nước đánh thuế hàng Trung Quốc ngang bằng với hàng hóa các nước khác thì làm sao có chuyện Trung Quốc có mặt khắp nơi ở Hà Nội này?”

MỚI CẬP NHẬT