Wednesday, April 24, 2024

Hà Nội và những mảnh đời kỳ lạ (Kỳ 1)

 


Phóng Sự


 


 


Dân oan ở Hà Nội, ‘màn trời chiếu đất’


 


Hoàng Hạc/Người Việt


 


Bộ mặt hào nhoáng của Hà Nội, nơi có mức sống cao nhất nước, đa phần thuộc về giới nhà giàu, ít nhiều có gốc cộng sản và dây mơ rễ má với cán bộ cộng sản. Phần còn lại, một đời sống Hà Nội đầy rẫy nỗi buồn của hạng thứ dân, đầy rẫy bi kịch và thiếu thốn vẫn tồn tại song hành.









Những người dân oan biểu tình trên vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, đòi trả lại mảnh đất mấy đời của họ đã bị chính quyền chiếm đoạt. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)


Quận Ba Ðình, nơi có Phủ Chủ Tịch, Văn Phòng Chính Phủ, Quốc Hội,… trên một nghĩa nào đó, đây là trung tâm là đầu não của quốc gia. Nhưng, cách đó không xa, chừng vài trăm mét, tại công viên Mai Xuân Thưởng, và gần đây là công viên Lý Tự Trọng, có không biết bao nhiêu mảnh đời màn trời chiếu đất, lạnh lẽo và cô đơn.


Họ là những người dân oan đi kiện đòi lại đất bị cướp, họ là những thân nhân của các dân oan bị đánh chết, là người từng tố cáo kẻ gian trong bộ máy nhà nước để rồi cuối cùng bị sa thải, đuổi việc… Nhiều, rất nhiều. Nhưng, đáng buồn hơn cả là những gia đình dân oan không còn lối về.


Sở dĩ nói họ không còn lối về vì tương lai của họ bị bít ngay tại công viên này, con cái của họ không được học hành, hằng ngày phải đi lượm đồng nát mà mua gạo, phải đi nhặt từng cành khô công viên và lén lút chờ khi công an nghỉ trưa, nhóm lửa ở gần một gốc cây nào đó nấu cơm lót bụng.


Chị Mỹ Ngọc, một cư dân quận Cầu Giấy, Hà Nội, có chồng là bộ đội phục viên và ba đứa con nhỏ đã trải qua gần ba năm sống lây lất từ gầm cầu cho đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng và bây giờ là công viên Lý Tự Trọng, kể: “Tôi đã ăn hai lần Tết ở đây, Tết nào cũng buồn, cũng khóc.”


“Tôi trước đây có nhà cửa đàng hoàng, nhưng dần dà, tôi ra nông nỗi này, giờ chồng con tôi đều ở đây cùng chờ đợi giải quyết đơn khiếu kiện với tôi, nhà cửa không còn vì bị giải tỏa, bản thân chúng tôi sống lây lất, con cái chúng tôi không được học hành.”


“Mỗi khi nhìn con người ta cắp sách đến trường, rồi lại nhìn ba đứa con của mình hoàn toàn mù chữ, sống nương nhờ gốc cây, miếng giấy rách, chiếc hộp đồng nát, tôi đau lòng vô cùng. Nhưng cũng chẳng biết tính làm sao, tương lai mù mịt.”


“Nhiều đêm mưa lớn quá, bốn người ngồi co ro dưới tấm vải bạt, trên một chiếc chiếu ướt và nước chảy róc rách dưới chân, tôi khóc thảm thiết, buồn đến xé lòng, chồng tôi thấy tôi khóc, anh đau lòng quá mà đổ quạu, chửi mắng lung tung, lúc ấy, tôi thấu hiểu nỗi khổ tâm của anh ấy, tôi lại buồn hơn, cứ như thế, cả nhà ôm nhau ngồi dưới mưa, ai cũng khóc!”


Cách gốc cây gia đình chị Ngọc ở trọ không xa, một gia đình khác của chị Phạm Thị My, đến từ Kiên Giang cũng thê thảm không kém phần. Chị My kể: “Gia đình chúng tôi không còn gì nữa để mất, đất thì bị giải tỏa một cách sai trái, chúng tôi kiện mãi, chẳng còn gì để sống, còn bao nhiêu đồng trong túi, dốc hết khăn gói ra đây để nộp đơn kiện và chờ đợi giải quyết, cuối cùng, tiền cũng hết, phải đi làm mướn, thậm chí xin ăn qua ngày đoạn tháng!”


“Lúc chúng tôi ra đây, chỉ có con bé này, nó chưa đầy 2 tuổi, cũng là lúc tôi mang bầu đứa nhỏ, bây giờ, tôi sinh xong đứa nhỏ, nuôi nó lên 2 tuổi mà mọi chuyện vẫn đang mù mịt trời Ðông, chẳng biết đâu mà lần, cả hai đứa đều thất học.”


Nói đến đây, chị ứa nước mắt. Người đàn bà cũng đi kiện oan sai như chị My kể tiếp: “Chúng tôi khổ lắm, mưa nắng đều khổ như nhau, cũng may là nhờ người dân Hà Nội tốt bụng, họ thỉnh thoảng mang cho chúng tôi vài mươi ký gạo, một ít thức ăn, vài tấm chăn để đắp, vài tấm bạt che mưa. Họ cũng nghèo như chúng tôi nhưng họ có tấm lòng, chúng tôi mang ơn họ!”


“Thỉnh thoảng, công an đến dọn dẹp, họ lấy tất cả đồ đạc của chúng tôi bỏ lên xe, mang đến bãi rác để đổ. Vậy là chúng tôi lần mò theo xe, ra bãi rác để lượm về. Dần dà thành quen, chúng tôi luôn chuẩn bị ba người cơ động để mỗi khi xe công an đến thì họ lo chạy trước ra các bãi rác đứng đó, đợi rác đổ xuống thì họ lượm lại, đợi chúng tôi đến nhìn tài sản và nhận về…”


Cũng gần chỗ chị Ngọc, chị My trú ngụ, có nhiều gia đình khác trải bạt, nộp đơn kiện và chờ đợi. Họ lập kế sinh nhai khá dễ thương: Ði lượm đồng nát!


Thành phố có nhiều cư dân, thành phố tiêu xài thuộc vào bậc nhất đất nước, thành phố có giá phòng khách sạn, nhà trọ cao nhất đất nước… Và cũng là thành phố xả rác thuộc vào diện nhiều nhất đất nước, mỗi ngày, có hàng triệu chiếc bao bì bằng giấy, nilon thải ra, những “cư dân” vườn hoa Mai Xuân Thưởng, công viên Lý Tự Trọng lại thay nhau đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để nhặt về phân loại, bán mua gạo.


Trong lúc chúng tôi ngồi vừa trò chuyện vừa canh chừng công an đến thì dọt (đương nhiên công an chìm thì đầy ra đấy, nhưng công an nổi vẫn bắt người và trấn áp công khai hơn, bạo hơn và tiên phong, sau đó công an chìm mới vào cuộc), ba đứa con trai chị Ngọc, đứa lớn 15 tuổi nhưng trong chỉ bằng 10 tuổi và hai đứa nhỏ, đứa 12, đứa 10 đã hồ hởi chạy về đưa cho mẹ 30 ngàn đồng, tiền có được nhờ một buổi đi nhặt đồng nát.










Nỗi oan ức của một nông dân miền Nam bị cướp đất, chị đang đứng giữa thủ đô Hà Nội. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)


Chị Ngọc vui mừng: “Ui chao ơi, vậy là ngày hôm nay mình có gạo nấu cơm rồi đây, sống nương nhờ cái công viên này cũng có cái hay, chỉ cần có một cái nồi, có gạo và rau là sống được qua ngày, cứ tìm củi khô mà đun, không phải tốn gas!”


Nói đến đây, chị Ngọc khóc nức nở làm chúng tôi cũng mủi lòng theo. Còn anh chồng chị Ngọc thì dửng dưng và gần như lạnh lùng, có lẽ vì quá đau đớn và thất vọng, anh nói: “Vui với mừng nỗi gì, người ta kéo đến đầy ra đấy, mai mốt bẻ cây tươi mà đun cơm sợ cũng không đủ rồi không chừng cả đám kéo nhau đi xin ăn khắp thành phố đấy!”


Nghe đến đây, chúng tôi không còn chịu nổi nữa, tự dưng, mắt cay xè!


(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT