Thursday, March 28, 2024

Hà Nội và những mảnh đời kỳ lạ (Kỳ 2)


Phóng Sự


 


Kỳ 2: Chia sẻ với dân oan


 


Hoàng Hạc/Người Việt


 


Ðồng hành cùng những người dân oan trên vườn hoa Mai Xuân Thưởng, công viên Lý Tự Trọng, Hà Nội, có lẽ phải nhắc đến hai mảnh đời khá đặc biệt, bà H. và ông T. Ðương nhiên, cả hai người này chắc chẳng ngại ngần gì nếu chúng tôi không giấu tên trong bài viết. Nhưng, vì những chuyện vừa tế nhị, vừa có tầm vóc lịch sử, chúng tôi quyết định không nêu tên hai người trong bài viết này.










Em bé thất học trong gia đình biểu tình mà bà H. đã nhắc đến. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)


Trong những ngày mưa lạnh, giá rét, những dân oan luôn nhớ đến hình ảnh một người đàn ông gầy gò, 60 tuổi và một người đàn bà phúc hậu chừng 56 tuổi hay đi tập thể dục giữa khuya, đi chậm, nhẹ nhàng, đến chỗ những dân oan nằm co ro ngủ, khều nhẹ họ dậy và dúi vào tay họ vài chục ngàn đồng, có khi vài trăm ngàn với lời dặn: “Mai nhớ đi mua cái mền” hoặc “sáng nhớ đi mua mấy ký gạo nhé!”


Ông H. vốn là cán bộ ngành y tế đã về hưu, ông kể: “Tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ, từ cái ngày mà lăng ông Hồ còn là mảnh đất hoang vu, rồi sau đó người ta đầu tư không biết bao nhiêu là tiền để xây dựng cái lăng ấy, đó là mồ hôi, là xương máu của nhân dân. Nhân dân bỏ xương máu ra để bảo vệ cái xác ông ấy, nhưng cái xác ấy lại không giúp gì được cho nhân dân ngoài sự mù mịt, tăm tối và tương lai đầy máu và nước mắt.”


“Những dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng bị vây bắt, bị xua đuổi, bị kẹp cổ bỏ lên xe, có người đang bệnh, tôi thấy họ van xin hãy tha cho họ, đừng mạnh tay với họ nhưng cuối cùng, họ cũng bị lôi cổ, kẹp nách, xốc lưng, trong chẳng khác nào người ta đối xử với súc vật. Và trong một nghĩa khác, cách đối xử với người cô thế như vậy chẳng khác nào cầm thú!”


“Ðó là chưa nói đến những ngày giá rét, chờ cho trời thật lạnh, công an bố ráp, vây bủa, khiến cho họ sợ hãi, sau đó không bắt bớ gì nhưng lại thu sạch mùng mền, nồi niêu, chăn gối chở ra bãi rác để đổ. Nhìn những dân oan ngơ ngác, hoảng loạn, lúc ấy, tôi chỉ muốn khóc cho thật to, khóc cho thật đã, khóc cho rã kiếp người khốn nạn này. Làm người trên quê hương tôi sao đau khổ thế này!”


Nói đến đây, ông T. rươm rướm nước mắt, môi ông run run. Bà H. tiếp lời ông T.: “Dân mình khổ lắm, chúng tôi cũng chẳng sung sướng gì, với mấy đồng lương hưu còm, cộng thêm chút đỉnh tiền con cái cho ăn quà, chúng tôi trút ống mà tặng họ.”


“Tội nghiệp nhất vẫn là trẻ con, có mấy đứa nhỏ trong các nhóm dân oan, không đứa nào được đến trường, suốt ba, bốn năm trời sống trong lấy lất, đói khổ và lạnh lẽo như vậy, chắc sau này tụi nó không khỏe lắm đâu!”


“Tết Trung Thu, con người ta vui vẻ khắp đường, có cha mẹ chở đi chơi, có bánh Trung Thu, có lời chúc ngoan, có nhiều thứ, nhưng tụi trẻ con trong công viên thì lạnh lẽo, đói khát, nhiều bữa cơm không có mà ăn. Thậm chí hằng ngày phải đi nhặt đồng nát mà mua gạo. Cũng là con người cả thôi, sao mà đau khổ thế chứ!”


Nói đến đây, bà H. chép miệng, lắc đầu, thở dài.


Theo lời người bạn giới thiệu chúng tôi gặp hai ông bà thì trước đây hai ông bà có khá nhiều đất đai thời bao cấp, sau đó, do giữ được uy tín và vị thế trong chính quyền, không phải mất một tấc nào vào tay quan tham. Nhưng gần đây, hai ông bà đã bán dần bán mòn từng khoảnh đất, miếng nào cũng vài tỉ đến vài chục tỉ.


Nói là bán đất nhiều tiền, nhưng hai ông bà cho con cái một ít dành làm vốn, riêng hai ông bà thì dành toàn bộ thời gian còn lại cho việc từ thiện. Ðối tượng từ thiện của hai ông bà cũng khá đặc biệt: Thành phần bị xem là ngụy đang nghèo khổ.


Có lẽ cũng vì có quá nhiều người cần hai ông bà chia sẻ, hơn nữa, thời gian ban đầu phải thân chinh vào tận miền Nam để bắt nối liên lạc, để tìm người chia sẻ nên số tiền có được của hai ông bà chẳng thấm là bao so với thực tế nghèo khổ của các thương binh chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hai ông bà luôn sống trong đạm bạc, thanh bần.


Ông T. kể: “Tiền chúng tôi có được quá ư là ít so với những gì người nghèo cần, chẳng bao lâu lại phải bán đất. Cũng may là con cái chúng tôi rất vĩ đại, chúng nó biết thương người, chúng nó không theo đảng điếc gì sất. Ngày xưa, chúng tôi còn trẻ, mãi đuổi theo lý tưởng công bằng, văn mình, theo đảng. Nhưng khi nhận ra vấn đề, chúng tôi chỉ cho con mình thấy từ rất sớm. Những gì người ta hô hào lâu nay toàn là lừa dối!”


“Ðất là đất của thiên nhiên, tạo hóa, tại sao cái lăng ông Hồ lại rộng cả mấy chục ngàn mét vuông chỉ để chứa một cái xác, trong khi những con người còn sống sừng sững ra đấy, những đứa bé còn cả một tương lai dài rộng lại bị hất ra đường, vô gia cư, đói lạnh, nếu không là máu lạnh thì là gì đây?”


Bà H. nói: “Tôi thương mấy đứa nhỏ theo cha mẹ đi kiện đất quá, chúng nó còn bé dại, làm vậy tội chúng, ban đầu tôi nghĩ rằng cha mẹ chúng ác quá, sao không để con trẻ ở nhà, đi học mà lại bắt chúng đi tranh đấu, đi khiếu kiện theo mình, chúng có biết gì đâu. Nhưng về sau, tìm hiểu tôi mới vỡ lẽ, vì cha mẹ chúng chẳng còn gì, bị áp bức ở địa phương. Nếu để chúng ở nhà, chắc chắn chúng còn mau hư hỏng hơn, mang chúng theo là một lựa chọn đau đớn, nhưng không còn lựa chọn nào khác!”


“Có bữa, tụi nó đi nhặt đồng nát, gặp đám trẻ bụi đời, bị bắt nạt, bị đánh tơi tả, bầm mình bầm mẩy, thấy vậy, tôi can, dắt chúng về lại công viên và cho tiền mua dầu xức. Nói xin lỗi chứ bây giờ họ nghèo đến độ mua một chai dầu xức phòng gió máy đêm hôm cũng không có. Ðau khổ gì mà kinh khủng vậy chứ!”









Bằng những bữa cơm từ thiện, những bữa cơm tích cóp, đói khổ và lạnh lẽo, họ vẫn kiên trì biểu tình đòi đất. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)


“Có con bé người Kiên Giang theo mẹ ra Hà Nội năm 1993 đến giờ, lúc nó ra đây, mẹ nó đang mang bầu em nó, giờ em nó đã lớn cao ngồng, cả hai chị em đều rất thông mình nhưng chẳng được học hành gì cả. Cuộc đời nó gắn với tấm bảng đeo trên cổ in hình ngôi nhà bị chiếm của cha mẹ nó.”


“Rồi ba đứa con nhỏ của một gia đình người Hà Nội, nhà ở ngoại ô, gần chân cầu Thăng Long, bị chiếm đất, đòi mãi không được, vác đơn lên vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ăn Tết đã ba năm nay trong vườn hoa, không biết cái nhà là cái gì, cũng không biết cái trường ra sao. Cuộc đời u ám, tối tăm vô cùng!”


Nói đến đây, bà H. mủi lòng, khóc sụt sịt, chúng tôi cũng thấy cay đắng, xót xa cho kiếp người, một kiếp dân đen Việt Nam dai dẳng khổ đau!


(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT