Thursday, March 28, 2024

Hà Nội và những mảnh đời kỳ lạ (Kỳ cuối)


Phóng Sự


 


Những người giàu lòng tự trọng


 


Hoàng Hạc/Người Việt


 


Trong hàng trăm, hàng ngàn con người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất giữa thủ đô Hà Nội hoa lệ, dường như cùng có chung một điểm: Vẫn hy vọng vào điều tốt đẹp, tin tưởng vào công lý và kiên nhẫn chờ đợi. Ðó cũng là tâm lý chung của nhiều người khác đang sống một cuộc đời chua chát giữa thành phố này.










Cuộc đời trôi dạt của người đàn bà bán trái cây trên thủ đô Hà Nội. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)


Chị Huyền, người bán nhang đèn, bán chả ở góc đường Yết Kiêu, nói: “Chừng hai mươi năm trước, mình mua bán dễ thở, dễ sống, còn bây giờ chua chát quá, bán cả ngày không đủ tiền đi chợ, ba năm trở lại đây, ngột ngạt vô cùng!”


“Càng ngày, những người có chức quyền thì càng giàu ra, bao nhiêu nhà cao cửa đẹp dựng lên, còn đời sống những người như tụi tôi thì lụi dần, kiếm ăn vất vả vô cùng, ở thành phố này có người ăn tô phở gần một triệu đồng thì cũng có người mỗi ngày đi chợ bằng mấy chục ngàn đồng, thậm chí ăn bữa trước thiếu bữa sau. Tôi cũng là một trong những trường hợp đó.”


“Tôi có một đứa con duy nhất nhưng nó chẳng được học lên đại học, đó là cái lỗi của tôi, ngay từ những ngày nó học trung cấp, tôi đã có ý định cho nó nghỉ học đi làm phụ giúp cho tôi, mặc dù nó học rất giỏi. Nhưng tôi thấy mình không có cơ sở cho nó đi học, nhà thì ở nhà thuê, kiếm ăn qua bữa, lấy đâu mà thế chấp, vay mượn. Giờ con tôi đang đi làm công nhân xí nghiệp.”


Chị Huyền im lặng một lúc rồi thở dài, buông một câu: “Có ước mơ cũng phải có tiền, có quyền. Chỉ có người giàu và người quyền thế mới được ước mơ!”


Chị Th., bán trái cây bên bờ hồ Tây đã hai mươi năm nay, tuy mới chưa đầy năm mươi tuổi nhưng lưng chị đã bắt đầu khòm, hai bàn tay nhăn nheo, ánh mắt mệt mỏi, chị cho biết: “Tôi bán trái cây dạo và ăn Tết với bà con dân oan đã ba năm nay rồi, năm nào họ cũng đói rách, chẳng có ông nhà nước nào giúp họ hết. Riêng tôi thì may mắn hơn họ, mình còn có đôi gánh trái cây để duy trì qua ngày tháng.”


“Những người nông dân mất đất, đi kiện, thấy họ nghèo khổ, đói rách cũng thương họ thật, đau thật, những đôi khi nhìn họ rồi ngẫm lại mình, thấy đau lắm, chí ít thì họ cũng có đất cắm dùi để mất, rồi đi kiện, chứ như mình, không có lấy một mét đất cắm dùi, cả đời sống nhà trọ, bữa nào trúng mánh thì dành dụm cho ngày đau ốm, mà có đau ốm cũng phải ráng mà đi bán, để có tiền trọ, chứ hết tiền, chủ nhà nói rất khó chịu, đó là chưa nói bị đuổi ra đường!”


Chị Th. còn kể thêm rằng trong cuộc đời chưa đầy năm mươi năm của mình, chị đã mười sáu lần đi lang thang tìm phòng giá rẻ, mười một lần bị chủ nhà đuổi ra đường vì nợ tiền phòng. Chồng chết sớm, chị phải gởi hai đứa con cho ông bà nội ở quê, hằng tháng về thăm và mua sắm cho chúng. Hai đứa con của chị, một đứa đang học năm thứ hai đại học, một đứa học lớp 12.


Cả hai đứa con đều mới biết chị đi bán trái cây trong mấy năm gần đây.


Chung thân phận, ngành nghề với chị Th., ở Hà Nội, có trên dưới hai ngàn người từ khắp các ngõ quê lên phố lang thang bán trái cây, bán lạc rang, bán nước sấu, me ngào, bán vài lọ kẹo… Có một điều lạ là những người này, dù học hành không có bằng tiến sĩ này, bằng thạc sĩ nọ, cuộc đời thì nay gầm cầu, mai nhà trọ, mốt vườn hoa nhưng họ lại có một tâm hồn rất cao đẹp, giữ lòng tự trọng và sẵn sàng chia sẻ.


Chị Quyên, người bán nước sấu, nước me và cóc, me, xoài, ổi ở bờ hồ Hoàn Kiếm, tuy có đời sống khá chật vật, mỗi ngày kiếm cao nhất chừng 200 ngàn đồng, có hôm kiếm được vài chục ngàn đồng không đủ đi chợ nấu ăn nuôi người chồng bị đau cột sống và hai đứa con còn đi học. Nhưng chị có một nguyên tắc rất kỳ cục: Không cho người nước ngoài chụp hình mình, không bán hàng cho người Trung Quốc và không nhận tiền của ai cho.


Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao lại không cho người nước ngoài chụp hình, chị trả lời: “Ban đầu tôi cũng cho họ chụp, nhưng họ cào bằng quá, họ mang về bên nước họ, bêu riếu tôi bằng câu chú thích bên dưới hình mang nội dung đây là hình ảnh của cuộc đời bần cùng, thiếu văn hóa ở Hà Nội. Như vậy là họ đã nói sai sự thật, chúng tôi nghèo thật, nhưng chúng tôi không thiếu văn hóa. Từ đó đến giờ tôi không cho ai chụp hình nữa.”


“Bán hàng cho người Trung Quốc, tôi mà nghe giọng xí lô xí là là lắc đầu, không bán, có lẽ tôi cực đoan, vì người Trung Quốc cũng có kẻ xấu, người tốt. Nhưng hiện tại, họ đang bành trướng mình từ mọi hướng, biết ai là người tốt, nên hay hơn hết là tuyệt giao, không chơi với họ trong lúc này, không mua hàng hóa Trung Quốc, mặc dù mua hàng Việt mắc hơn, mình vất vả hơn, nhưng mình là người Việt kia mà!”


Uống nước sấu và trò chuyện xong, chúng tôi gửi tiền nước tờ một trăm ngàn đồng, chị nói tổng cộng là ba mươi ngàn đồng, trả lại cho chúng tôi bảy mươi ngàn, chúng tôi xua tay, nói thôi chị giữ mua quà cho mấy cháu nhỏ, chị nói: “Các anh chị ghé Hà Nội lần sau nhớ ghé quán tôi uống nước ủng hộ, vậy là tôi vui lắm rồi, còn tiền dư xin hãy cầm, vì đó cũng là nguyên tắc của tôi. Tôi muốn nhận được sự ngưỡng mộ về một người Hà Thành từ các anh chị.”


Nói xong, chị mỉm cười rất tự nhiên, hồn hậu.


Gần chỗ chúng tôi trọ, có một quán phở khá ngon, chủ của quán phở vốn là công chức nhà nước nhưng bỏ ngang việc, không nhận được đồng chế độ nào, về nhà mở quán phở gà, phở ngan cùng chồng con bán từ sáng đến tối.


Có thể nói đây là quán phở rẻ, lịch sự, bụi đời và ngon nhất Hà Nội. Nhìn bát phở lơ thơ vài cọng hành, nước nhưn trong và thơm phưng phức, lát thịt gà, thịt ngan được thái mỏng, theo sớ nghiêng trông vừa đẹp vừa ngọt cộng với người chủ quán thân thiện, nói giọng Bắc Kỳ êm êm. Chưa ăn đã thấy ngon, ăn xong, với giá ba mươi ngàn đồng một tô, đúng là ngon miễn bàn.


Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là phong cách và quan niệm sống của vợ chồng chị chủ quán phở. Chị thì quản thùng nước nhưn, anh thì chăm chuốt bình chè xanh và chiếc điếu cày, tính anh trầm, hay cười nhẹ, còn chị thì nồng ấm hơn. Nhưng cả hai anh chị đều có một nhận định chung: “Người Hà Nội gốc vẫn còn rất hay!”


“Người Hà Nội gốc, cho đến bây giờ, vẫn còn văn hóa chia sẻ và lòng tự trọng, ví dụ như mình nhìn thấy ai bị cướp giật thì sẵn sàng nhảy vào truy bắt, thấy đánh nhau thì xông vào can, thấy kẻ mạnh hiếp yếu thì xông vào bênh người yếu… Bây giờ mình thấy chuyện này hiếm.”


“Ngay cả lòng tự trọng đích thực, cũng chỉ có người Hà Nội còn giữ được, như vợ chồng tôi chẳng hạn, khi thấy trình độ lớp sau nó hơn hẳn mình, mình không còn làm việc kịp tụi nó nữa, tụi tôi bỏ việc, về mở quán phở, chứ không giống như những người Hà Nội quyền thế, miệng thì bai bải dạy người khác lòng tự trọng mà trong lòng thì đen tối, làm sai, phá hỏng không biết bao nhiêu tài sản của nhân dân, đất nước mà chỉ nói một câu xin lỗi!”


“Những kẻ không có lòng tự trọng như thế, nấu phở bán cho người ta ăn sáng cũng chẳng ra gì, cũng chẳng có ma nào thèm ăn chứ đừng nói làm lãnh đạo! Nghĩ đến đất nước, thấy buồn quá!”


Lạ, những người dân lây lất kiếm cơm quá bữa, những bà, những chị bán phở, bán trái cây nhưng lại có lòng tự trọng rất cao. Họ nghèo khó, nhưng họ yêu nước và bán những thứ lặt vặt để sống qua ngày, họ không bán nước giống những kẻ quyền thế đã đánh mất lòng tự trọng, mất tư cách, nhân cách một con người!

MỚI CẬP NHẬT