Thursday, April 18, 2024

Hải sản ở miền Tây Bắc: Ðắt nhưng độc


Phi Hùng/Người Việt



VIỆT NAM (NV)
Vùng Tây Bắc Việt Nam với núi rừng trùng điệp, đường đi hiểm trở và những đồi chè thoai thoải, những rừng cọ miên man,… chừng đó cũng đủ khiến cho đồng bào nơi đây luôn gặp nhiều khó khăn khi về miền xuôi. Ðặc biệt với người miền núi Tây Bắc, hải sản là món chỉ dành riêng cho người có tiền nhưng chứa nhiều nguy cơ nhiễm độc.


Một người bạn tên Huân nói rằng: “Hải sản ở Tây Bắc có giá rất đắt, nhưng ăn vào thì quá nguy hiểm! Nó nguy hiểm từ hai phía, Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng hình như là không có phía nào nguy hiểm hơn phía nào bởi vì cả hai phía đều rất độc ác!”









Cua biển, hải sản được tẩm hóa chất rất kỹ, để lâu ngày vẫn tươi ở Tây Bắc. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


“Hải sản đối với người vùng cao luôn vô cùng quan trọng, bởi vì người miền núi thiếu muối Iốt trầm trọng, mà các chất bổ dưỡng cũng như muối Iốt của hải sản vẫn còn quá xa vời với bà con ở đây.”


“Mọi thứ hải sản lên tới đây đều qua tẩm ướp rất kỹ, trước đây, người ta chỉ ướp muối và nước đá nhưng bây giờ họ lại ướp u rê, một loại phân bón cây, chất này ăn vào sẽ làm cơ thể mệt mỏi và dẫn đến nhiều chứng bệnh, không ngoại trừ bệnh ung thư. Khổ nỗi, mình hiểu biết thì tránh chứ bà con dân tộc thiểu số một phần vì do thèm hải sản, phần khác là không biết nên có khi cả năm dành dụm mới mua được một ít hải sản để rồi rước bệnh vào thân!”


Một người là chủ khách sạn khá lớn ở thị trấn Sapa cho biết thêm: “Ở nhà hàng chúng tôi luôn khuyên khách không nên dùng hải sản vì nó quá đắt và độc hại, thường thì có thịt nai, thịt rừng các loại để bán, mà khách miền xuôi cũng thích món này.”


“Thì các món rừng đều mua lại của đồng bào dân tộc thiểu số họ đi săn về, lợn rừng thì đặt bẫy mà có, nai, hoẵng, chồn, trăn, rắn,… Nói chung các loại đều do người thiểu số họ săn bắt rồi mang ra chợ đổi gạo, đổi hải sản và những đồ gia dụng. Mình mua quen rồi thì họ mang thẳng tới nhà để bán.”


“Gần đây chúng tôi có thêm món lợn kẹp nách, đây là món lợn quay sữa được quay từ những con lợn cỏ do người H. Mong nuôi, món này khá đặc biệt, vừa ngon lại vừa rẻ.”


“Riêng các món hải sản thì quá đắt, mà lại nguy hiểm vì nguồn hải sản nhập từ Trung Quốc, họ nuôi bằng thức ăn hóa học, mỗi tháng có thể thu hoạch hàng chục tấn.”


“Nhìn thì hải sản Trung Quốc rất bắt mắt nhưng khi ăn thì chẳng ngon lành gì và hết sức nguy hiểm. Thế nhưng đồng bào thiểu số lại cố gắng kiếm tiền để mua nó. Họ bẫy lợn rừng, nai, sóc để bán và lấy tiền mua hải sản vì họ nghe tuyên truyền rằng nếu thiếu hải sản thì sẽ thiếu muối Iốt, sẽ nguy hiểm. Nhưng họ không hề hay biết là ăn hải hải sản vào nguy hiểm chết người!”



Ngấm độc qua hải sản


Bản Lao Chải, nằm chếch về phía Tây Nam thị trấn Sapa, nơi mà đời sống của hơn 100 hộ dân phần đông là người H.Mong, số ít ỏi còn lại là người Thái Trắng và người Dao Ðỏ với mức sống thấp không thể tưởng và đồng bào ở đây rất mơ hồ về ngành du lịch, mặc dù chính họ là gam màu tô đậm bức tranh du lịch ở đây.









Một gian hàng bán hải sản ở Tây Bắc. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


Phần đông bà con trong bản làm ruộng, đi đốn củi rừng, tìm mật ong rừng và đi bẫy thú về bán cho người Kinh dưới thị trấn Sapa, trước đây họ mang ra chợ bán nhưng thời gian gần đây, họ mang thẳng vào các nhà hàng để bán.


Một người H.Mong tên Khuyên, chia sẻ: “Mình đi bẫy lợn rừng và nuôi mấy con lợn nhà nữa, mùa này bẫy lợn rừng dễ nhất, vì đang mùa Xuân, bọn nó đi ăn và tìm bầy để giao phối nên hay mắc bẫy, mỗi tuần kiếm được khá cũng hai con, hiếm lắm thì nửa tháng bẫy được một con, bán được bảy trăm ngàn đồng (tương đương $34), cũng đủ đi chợ vài tháng.”


“Bà con mình thiếu muối I ốt trầm trọng nên mua mực, cá, nói chung là đồ biển về ăn. Mỗi khi ăn Iốt vào người, có khi nhức mỏi cả hai ba ngày, thứ này bổ mà ăn vào nhức mỏi lắm. Nhưng không ăn thì sợ thiếu chất.”


“Một con lợn rừng, nếu lớn thì bán được cả triệu đồng, dư đi chợ nửa tháng, mình trích riêng ra hai trăm ngàn đồng mua mực, tôm về ăn, như vậy là cả nhà có thêm món biển. Hai trăm ngàn đồng thì mua được nửa ký mực và một ít tôm, nếu mua thêm cá nữa thì tốn đến ba trăm ngàn đồng.”


“Nhiều nhà nghèo quá phải mua cua đồng về ăn thay thế, cua đồng thì nhỏ và rẻ thôi, với lại nó cũng không có Iốt nữa, chẳng qua nghèo quá mới nghĩ đến cua đồng, chứ cua đồng nó sống ở ruộng, ở suối, làm chi có Iốt của muối biển!”


Nói đến đây, anh Khuyên rung đùi cười khoái chí, anh nói thêm rằng so với bà con trong bản, anh thuộc diện nhà giàu và có học thức, bởi vì anh có cả ti vi, xe máy, tủ lạnh. Những thứ này là tài sản lớn đối với bà con ở đây, hơn nữa anh cũng học hết lớp 3.


Nghe anh Khuyên nói, chúng tôi chỉ biết gật gù khen anh giỏi, nhưng thật lòng, trong thâm tâm lại thấy rất buồn vì đời sống bà con ở đây nghèo quá, lại bị lừa nhiều thứ. Trong đó, đáng buồn nhất là những thứ độc hại lại được bà con xem là thức bổ dưỡng để rồi bỏ ra không ít tiền để mua về với niềm tin rằng nó sẽ giúp mình thêm sức khỏe.


Ở Bản Tả Van và nhiều bản làng trong các tỉnh khác, đi đâu chúng tôi cũng gặp cảnh này. Tự dưng, thấy hết muốn đụng tới hải sản!

MỚI CẬP NHẬT