Thursday, March 28, 2024

Hàng không kiếm bộn tiền nhờ khách mua vé mà không bay


Gần đây người ta bàn tán nhiều về những phụ phí của các hãng hàng không nhưng không mấy ai chú ý đến nguồn phụ thu lớn lao nhất mà họ thu được. MSNBC tường thuật về những vé mà hành khách đã trả tiền nhưng vì một lý do nào đó không lên máy bay vào giờ cất cánh.









Hành khách cầm vé máy bay tại phi trường Rio de Janeiro, Brazil. Kỹ nghệ hàng không kiếm bộn tiền nhờ khách mua vé mà không lên máy bay. (Hình: Antonio Scorza/AFP/Getty Images)


Các hãng hàng không đương nhiên bỏ túi phần lớn số tiền vé đó. Những hành khách này được đền bù bằng cách nhận được một cái “voucher,” theo đó họ có thể đi vào một ngày nào đó trong vòng một năm, tính từ ngày mua vé. Tuy nhiên, họ bị trừ mất một số tiền lớn. Cũng như thẻ quà tặng “gift card,” nếu không sử dụng trong một thời hạn rất là eo hẹp, giá trị của nó sẽ coi như mất biến.


Không ai biết các hãng hàng không kiếm được bao nhiêu từ những vé không dùng đến hoặc đã hết hạn sử dụng. Họ không bị bắt buộc phải tiết lộ, nhưng các chuyên gia tin đây là một món tiền kếch xù.


Ông Chris Elliott, chuyên gia về du lịch và cũng là tác giả cuốn “Scammed,” có nghĩa là mưu đồ bất chính, nhận định: “Hồi năm ngoái, các hãng hàng không thu được $6 tỉ tiền lệ phí hành lý, và ai ngờ còn lắm thứ nữa. Vấn đề này sẽ còn dài dài. Hãy nhìn mức vé bán trội hơn tổng số chỗ ngồi từ 10% đến 20%, chừng đó cho thấy con số người sẽ không lên máy bay vào phút chót mà hãng đã tiên liệu trước.”


Ông Ralph Nader, người vận động cho quyền lợi của người tiêu dùng, nói: “Chúng ta nói đến con số hằng tỉ đô la. Ngăn kéo tôi đầy cả những vé không dùng đến do mua rồi, nhưng không đi được vì chương trình phải thay đổi. Vấn đề đặt ra là vì sao chỉ cho phép dùng lại chỉ trong thời hạn một năm?”


Gần đây ông Nader gửi thư đến các hãng hàng không lớn ở Mỹ, hỏi họ kiếm được bao nhiêu từ vé chưa dùng đến. Ông nhận được thư trả lời từ tập đoàn kỹ nghệ Airlines for America, với lời từ chối lịch sự, rằng thông tin ấy có tính cách “kín đáo và cẩn mật về mặt thương mãi”.


Thư có đoạn viết: “Khách hàng đều ý thức được rằng, đối với loại vé không được hoàn lại tiền nếu có thay đổi, nếu không dùng đến coi như mất giá trị.”


Lá thư tiếp, vé máy bay hết hạn sử dụng không khác gì với thời hạn “trả đồ khi mua hàng hóa, từ áo quần đến máy vi tính, cả hai đều không có gì là lừa phỉnh hay bất công đối với khách hàng cả”.


Theo ông Nader, so sánh như vậy là quá hồ đồ vì một cái áo len nếu trả trễ hạn, ít ra khách hàng vẫn còn có được cái áo, còn vé máy bay thì sao.


Một cách lý luận, kỹ nghệ hàng không đưa ra có tính cách thuyết phục là vé máy bay thuộc hạng mục “perishable,” mất giá trị theo thời gian, tựa như vé đi coi hát. Một khi máy bay cất cánh với ghế không có người ngồi, hãng máy bay bị mất số tiền đó nếu có chính sách hoàn tiền dễ dàng đối với vé không dùng đến. Có ai mua vé đi coi hát hoặc thi đấu thể thao mong được lấy lại tiền nếu buổi đó họ không đi.


Tuy nhiên, hãng hàng không vẫn có thể cho người khác điền vào ghế trống vì họ luôn luôn bán trội hơn số chỗ ngồi có sẵn. Vé đi coi hát người mua có thể bán lại cho người khác dễ dàng, trong khi vé máy bay là “non-transferable,” có nghĩa tên người nào người ấy đi không bán lại cho người khác được.


Hãng hàng không còn lý luận thêm rằng, khách hàng có nhiều chọn lựa khi mua vé. Họ không bị bắt buộc phải mua vé không thay đổi được dù rằng vé này được giảm giá; trong khi vé thay đổi được lại đắt hơn.


Sự cách biệt về giá cả giữa hai loại vé này thật quá mức. Ông Nader đơn cử ví dụ một vé non-stop đi từ New York đến Chicago, non-refundable giá chỉ $112, trong khi refundable lại đến $870, thật là vô lý.


Ðối với loại vé non-refundable, nếu không dùng đến có thể dùng lại trong vòng một năm tính từ ngày mua vé, không phải là từ ngày khởi hành, ngoài ra còn bị tính lệ phí $150 nữa.


Nếu có ai đến phi trường bị trễ vì một lý do nào đó, hành khách có thể được đưa lên một chuyến khác nếu chuyến đó còn chỗ và không phải mất thêm tiền.


Ông Elliot nói, vé non-refundable không hẳn là hoàn toàn mất hết giá trị nếu đã bị hết hạn qui định. Người ta vẫn có thể đòi lại tiền thuế tính vào vé máy bay. Tiền này hãng không tự động trả mà hành khách phải yêu cầu lấy.


Nói chung thì mỗi khi có thay đổi, tốt nhất là nên gọi thẳng với hãng máy bay, hỏi họ xem có ngoại lệ nào không. (T.P.)

MỚI CẬP NHẬT