Thursday, March 28, 2024

Hậu chấn thương tâm lý ảnh hưởng cách lái xe của người lính

James Dao/The New York Times


Chuyển ngữ: V.Giang/Người Việt


 


PALO ALTO (NYT) – Hiện có nhiều quân nhân Mỹ sau khi từ chiến trường trở về đã thay đổi cách lái xe của họ, khiến người chung quanh phải lo ngại và cũng làm cho giới hữu trách phải nghi ngờ đây là biểu hiện của “rối loạn hậu chấn thương tâm lý” của những người từng bị mối đe dọa của các quả bom do phiến quân gài bên lề đường.










Chiến binh Mỹ từ Iraq trở về, tại phi trường Baltimore, Maryland. Nhiều cựu binh Mỹ bị rối loạn hậu chấn thương tâm lý làm ảnh hưởng cách lái xe. (Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)


Ðối với hàng ngàn cựu chiến binh trở về từ chiến trường, việc lái xe nay là cả một sự khổ sở.


Trước đây, cách lái xe “nghênh ngang” hay “ẩu” của họ vẫn được coi là một hình thức của sự giận dữ khi lái xe hoặc của các tay lái tìm cảm giác mạnh. Nhưng nay có sự nhận thức ngày càng rõ ràng rằng cách lái xe của họ chính là một biểu hiện của “chấn thương não” hay “rối loạn hậu chấn thương tâm lý” (Post Traumatic Stress Disorder-PTSD) và đang được lưu tâm vì mức độ tai nạn giao thông lên cao của các cựu chiến binh.


Kỹ nghệ bảo hiểm cũng đã chú ý tới điều này. Trong một cuộc duyệt xét hồ sơ lái xe của hàng chục ngàn người lính, trước và sau khi ra chiến trường, USAA, một công ty lớn chuyên bảo hiểm cho quân nhân hiện dịch, thấy rằng các tai nạn xe cộ trong đó người lính bị coi là có lỗi, tăng 13% sau khi ra chiến trường. Các tai nạn thường xảy ra khoảng sáu tháng sau khi họ từ mặt trận trở về, theo cuộc nghiên cứu, vốn xem xét các dữ kiện từ năm 2007 đến năm 2010.


Công ty USAA nay đang cộng tác với các nhà nghiên cứu, các cơ quan quân đội và các nhóm trong kỹ nghệ bảo hiểm để mở rộng việc nghiên cứu và giáo dục quần chúng về vấn đề này. Lục Quân Mỹ cho hay các tai nạn xe cộ gây tử vong – vốn lên cao ở giai đoạn đầu của cuộc chiến – đã giảm xuống vài năm trở lại đây, một phần nhờ vào sự thông hiểu thêm về vấn đề này. Tuy vậy, vẫn có 48 quân nhân thiệt mạng trong các tai nạn xe cộ hồi năm ngoái, con số cao nhất trong ba năm, theo thống kê của Lục Quân Mỹ.


Ngũ Giác Ðài và Bộ Cựu Chiến Binh cũng đang tài trợ một số cuộc nghiên cứu mới nhằm tìm hiểu sự liên hệ giữa việc đưa ra chiến trường và cách lái xe “hung hãn” hay “phòng vệ quá đáng” của các quân nhân.


Trung Tâm Y Tế Cựu Chiến Binh ở Albany, New York, hồi năm ngoái khởi sự một chương trình gồm bảy buổi họp để giúp các cựu chiến binh nhận thấy ảnh hưởng của chiến trận có thể gây ra những phản ứng bất thường khi lái xe.


“Quân nhân nào trở về từ chiến trường cũng đều nói với tôi vấn đề lái xe của họ,” theo lời Giáo Sư Erica Stern tại Ðại Học University of Minnesota, người đang thực hiện một cuộc nghiên cứu toàn quốc về trở ngại lái xe trong số những người bị chấn thương não hay PTSD cho Ngũ Giác Ðài.


Các chuyên gia cũng nhận thấy rằng vấn đề khi lái xe không phải hoàn toàn do chấn thương gây ra mà có khi chỉ vì người lính theo phản xạ tự nhiên đã ứng dụng những gì được huấn luyện khi ở chiến trường như gia tăng vận tốc để vượt qua ở ngã tư để tránh bị bắn hay nhìn sang lề đường để coi có nguy hiểm gì không, thay vì nhìn phía trước.


Một cuộc nghiên cứu quân nhân Vệ Binh Quốc Gia Minnesota trở về từ Iraq năm 2007 do Giáo Sư Stern thực hiện cho thấy có 25% người trả lời là đã vượt qua các bảng ngừng và gần 1/3 nói rằng họ lái xe một cách nguy hiểm ngay sau lúc trở về từ chiến trường.

MỚI CẬP NHẬT