Thursday, March 28, 2024

Hoa trái ở Sài Gòn những ngày giáp Tết


Văn Lang/Người Việt


SÀI GÒN – Bắt đầu từ rằm tháng Chạp cho tới ngày 23 đưa ông Táo, các chợ ở Sài Gòn đã vào mùa bán hàng Tết. Nhưng các đường hoa lớn ở Sài Gòn xuất hiện sớm lắm cũng phải từ ngày 24 Tết, lý do vì hoa bán trên hè phố, lòng lề đường, công viên,… nếu bày bán sớm sẽ gây kẹt xe, hơn nữa người mua hoa sớm cũng không nhiều.



Hình tượng con rồng trên đường hoa Nguyễn Huệ.(Hình: Văn Lang/Người Việt)


Ngay từ chiều 22 tháng Chạp, nắng đẹp, chúng tôi đã qua bến đò An Phú Đông tìm về khu Vườn Lài nơi hai năm trước có mấy khu vườn trồng mai rất lớn. Nhưng trở lại chốn xưa chỉ thấy san sát nhà cửa và những tường rào xí nghiệp đang được xây vội vã. Ghé quán nước ven đường, hỏi thăm một vị lão nông ở đây thì ông cười ngất:”Trời, giờ này làm gì còn vườn mai nữa, bán đất hết ráo rồi!”.


Qua khu vực Thạnh Lộc, đường vào đình Giao Khẩu, cũng chỉ thấy nhà cửa lúp xúp và những con đường đang cán nhựa, vài khu vườn mai lèo tèo đã nở bung hết cánh. Qua hàng rào, hỏi thăm một chủ vườn mai, được biết, đợt triều cường cuối năm làm nhiều gốc mai bị hư, số còn lại cũng ra hoa sớm, năm nay mai thất thu.


Đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức, dọc theo khu đường rầy xe lửa, những vườn mai cũng còn đó, nhưng quy mô có thu lại nhỏ hơn, khu vực này cũng hay bị triều cường, nhưng có lẽ nhở chăm sóc tốt nên những nụ mai mới vừa “tượng hình” hứa hẹn sẽ kịp nở đúng dịp đầu năm đón Tết.


Bắt đầu từ 25 trở đi, Sài Gòn bắt đầu rực rỡ những đường hoa. Đường Hoa Sài Gòn chia làm hai loại, một loại do người dân buôn bán hoa ngày Tết tạo thành con đường hoa, còn loại kia do chính quyền thành phố kết hợp với bên du lịch xây dựng những con đường hoa để phục vụ du lịch hay kết hợp “tuyên truyền” gì đó.



Đường hoa du lịch và “tuyên truyền” của Sài Gòn năm nay có hai đường hoa lớn là đường hoa Nguyễn Huệ, với chủ đề quê hương, với hình ảnh của con Rồng tượng trưng cho năm 2012, với tiểu cảnh vùng thôn quê miền Nam, được trưng bày từ tối 27 Tết cho qua tới hết ngày mùng 4.



Đường hoa lớn thứ hai là đường hoa trong khu Phú Mỹ Hưng, bên hồ Bán Nguyệt, cũng dựng tiểu cảnh thôn quê miền Nam, nhưng thêm vào đó là chủ đề biển, đảo, có lẽ cũng muốn nhắc nhở dân chúng về những gì đã mất và những gì chưa mất.



Đường hoa của người dân thì nhiều, nhưng cảnh trên bến dưới thuyền, sầm uất thì ở Sài Gòn những ngày giáp Tết không hoa đâu nhiều bằng Bến Bình Đông (quận 8). Hầu như toàn bộ ghe thuyền chở hoa từ các tỉnh miền Tây lên đều cặp Bến Bình Đông.



Ghe chở hoa Tết trên bến Bình Đông. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Buổi trưa ngày 25, chúng tôi ghé Bến Bình Đông, chứng kiến một ghe chở mai vừa cập bến, chưa vội chuyển hoa lên bờ, người chủ ghe đã vội bày chút đồ cúng đơn sơ ngay trên bờ và thắp nhang, van vái. Hỏi thăm, người chủ ghe cho biết dân Bến Tre, lên đất Sài Gòn có chút lòng thành van vái thổ địa phù hộ cho mua may bán đắt, chứ làm ăn mỗi năm mỗi khó, bán hoa Tết bây giờ cũng hồi hộp lắm, có kiêng có lành!



Dọc con đường Bến Bình Đông, dài chứng 3 km từ chân cầu Nhị Thiên Đường lên tới tận chân Cầu Ngang 2, hai bên đường san sát hoa và ghe thuyền. Nhưng cảnh chỉ đẹp khi buổi chiều nước sông dâng đầy, con khi nước triều rút, nước cống ra đen ngòm bốc mùi hôi thối. Tiếc cho Bến Bình Đông một thủa dòng kênh xanh, gió mát…



Cảnh trên bờ, vùng nội ô Sài Gòn có lẽ không đâu bằng khu “tam giác hoa”, đoạn từ góc trường đua Phú Thọ đường Lý Thường Kiệt, kéo dài xuống đường Tô Hiến Thành góc bệnh viện Trưng Vương, qua bên đường Thành Thái, quận 10. Hoa mai khu này vừa nhiều vừa đẹp, đặc biệt đường Thành Thái bày bán nhiều gốc mai cổ thụ, ngoài ra còn có cúc vàng rực, và nhiều bụi hoa phong lan “khổng lồ”. Ghé một quầy vừa bán vừa cho thuê mai hỏi thăm, một gốc mai cỡ trung, chứ chưa phải “cổ thụ” được cho thuê hai tuần, từ ngày 25 tới ngày mùng 5 Tết với giá là 8 triệu. Hỏi thăm một quầy hoa phong lan thì được biết bụi phong lan cỡ bự có giá là 20 triệu, nhìn kỹ chúng tôi thấy bụi phong lan này không phải là một cây mà là nhiều cây nhỏ ghép lại.



Tại khu làng hoa Gò Vấp, chúng tôi thấy có bán thêm một số mặt hàng mới như Cam kiểng và đặc biệt thấy xuất hiện một loại hoa có cánh như hoa mai nhưng lại có màu hồng đậm hơn hoa đào.Hỏi thăm thì người bán cho biết đó là “mai Tàu” đã được nhập về từ năm ngoái, giá chỉ có 120 ngàn một chậu nhỏ, trong khi chậu mai cùng cỡ của Việt Nam có giá phải trên 200 ngàn đồng.



Thị trường trái cây Tết năm nay, ngay từ đầu “khởi sắc” hơn hẳn các năm trước, không phải vì mới ra lò những loại trái cây ngon, ngọt. Mà là các loại trái cây để “trưng chơi”, “ngó chơi” đó là hai loại bưởi hồ lô và dưa thỏi vàng, hình vuông, hình hồ lô, thậm chí có cả dưa vàng hình…xe hơi.



Tại chợ Bến Thành, chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán bưởi hồ lô và dưa hồ lô có hai chữ hoặc tài hoặc lộc nổi trên thân trái bán khá chạy. Một cặp bưởi có giá là 1 triệu 500 ngàn đồng, tiền tươi “xỉa” ngay khỏi thèm trả giá. Không ít người mua bận đồ “công chức nhà nước”, chắc mua để đi tết mấy “Sếp” mong sang năm được phát tài. Dưa hồ lô, dưa thỏi vàng thì có giá cao hơn dao động từ 3 triệu tới 6 triệu đồng một cặp dưa nặng chừng…3 ký, dưa mắc vì hình dáng, chứ không phải vì ký lô. Vài trăm cặp dưa thỏi vàng nghe nói đã được xuất sang thị trường Trung Quốc với giá khá hời. Trong khi dưa thường Long An bán có 8 ngàn đồng một ký, dưa trưng trái to, đẹp nặng cả chục ký bán 250 ngàn đồng một cặp vẫn bị dân chê mắc, ít người mua.



Dưa hấu trưng được bán tại chợ Bến Thành. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Nhận xét về sự “lên ngôi” của bưởi hồ lô, dưa thỏi vàng, một giáo sư nông nghiệp thuộc đại học CầnThơ cho biết:”Kỹ thuật làm dưa loại này không khó, nhưng điều đáng mừng là người nông dân với óc sáng tạo kiếm được nhiều tiền hơn trong nền kinh tế thị trường”.



Sau khi đứng ngó người ta mua bán “dưa vàng”, “bưởi vàng”, nhìn người ta đếm tiền trao tay đến “hoa cả mắt”tại chợ Bến Thành. Chúng tôi lặng lẽ chạy qua những khu chợ nhỏ vùng ven Sài Gòn, tại Gò Vấp thấy có một chàng nông dân vừa dừng xe, xếp những trái mãng cầu lên vỉa hè bầy bán. Hỏi thăm, anh chàng nông dân, dân Tây Ninh mới lên Sài Gòn “thăm dò” thị trường Tết, anh chàng mời chúng tôi ăn thử mãng cầu vườn nhà. Thấy ngon, chúng tôi mua 1 ký, bốn trái to với giá 35 ngàn đồng.



Trưa đi Bình Chánh, ngang qua cầu Nhị Thiên Đường bắt gặp cảnh một người đàn ông nhỏ con gò lưng đạp chiếc xe ba gác, trên xe là lỏng chỏng ít chùm nho, loại trái nhỏ người ta thường trồng ở vùng Ninh Thuận, với tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ:”Nho ngọt, 10 ngàn đồng 1 ký”. Khi chúng tôi dừng xe ở trên cầu toan đưa máy chụp hình, người đàn ông vừa quệt mồ hôi trên gương mặt, vừa uể oải xua tay ra hiệu đừng chụp hình.



Phố viết Thư Pháp trên đường Hồng Thập Tự cũ nay là Nguyễn Thị Minh Khai. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Hoa, trái của đất trời cứ “đúng hẹn lại lên”, còn lòng người sao vẫn còn mông lung trước thềm năm mới? Có hạt bụi nào cay cay trong cái nắng vàng lung linh rực rỡ của Sài Gòn những chiều cuối năm.


 

MỚI CẬP NHẬT