Thursday, March 28, 2024

Huế, nhìn từ ‘Phố Tây’

Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt


HUẾ (NV)
– Người ta có thể nhận ra ngay một phiên bản của “Phố Tây” của Sài Gòn ngay trên đất Huế. Một phố Tây chút xíu những cũng không kém phần nhộn nhịp khách giang hồ balo trên khắp thế giới tụ về.

Ðó là một con đường ngắn nằm trên Ðường Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An… ven bờ Sông Hương cách đầu cầu phía Nam Cầu Tràng Tiền chừng 500 m.

Ở đây đầy đủ những dịch vụ đặc biệt cho những chuyên đi thăm lăng tẩm đền đài ở Huế.

Một góc “Phố Tây” ở Huế. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)

Khách của Phố Tây này chỉ là sự dịch chuyển của dân Tây Phạm Ngũ Lão-Bùi Viện-Ðề Thám ở Sài Gòn hành quân ra miền Trung theo những tour du quen thuộc nhưng khác thường để đến những khu du lịch như Hội An-Ðà Nẵng Lăng Cô-Hải Vân xuôi ra Huế và đỉnh điểm là khu vực DMZ.

Nói là khu vực “phi quân sự” nhưng thực ra là chiến tuyến nóng bỏng giữa hai miền Nam Bắc, điển hình là thành cổ Quảng Trị.

Phải nói như vậy vì phố Tây Huế chính là trạm trung chuyển nghỉ ngơi không thể thiếu cho du khách nước ngoài trước khi bắt đầu một cuộc hành trình dài về lại với những tàn tích bom đạn đã qua. Một nơi chốn quá nhiều kỉ niệm bi tráng của những binh sĩ Mỹ và quân “đồng minh” đã từng tham dự vào chiến cuộc ở Việt Nam trước 75.

Huế cũng là nơi hội ngộ của những cuộc tình bè bạn ngẫu nhiên của những tay chơi lính chiến một thời ngang dọc sau khi đã ngao du bôn tẩu trên những chặng đường dài.

Khác với Sài Gòn Huế lặng lẽ âm u và tịch mịch nếu không có một “sự kiện” nào để lôi kéo khách hành hương, thì du khách Tây balo vẫn là những kẻ lang bạt kỳ hồ thường xuyên vì họ có thể đến bất kể vào lúc nào dù Xuân Hạ Thu Ðông.

Từ khi Huế được Tổ Chức UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới thì bộ mặt kinh đô xưa có thay đổi nhiều hơn so với cách rong chơi của du khách nội địa. Nhưng khách Tây vẫn là then chốt vì họ luôn luôn là những người biết hưởng thụ những cái gì thuộc về “kỉ niệm” của một thời bom đạn.

Khu vực Ðại Nội, Huế. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)

Cũng chính vì sự náo động trong những cuộc phiêu lưu đó đã lôi kép theo một số lượng lớn khách nội địa có máu “xê dịch” hay một số đông dân “phượt” ăn theo để hình thành nên những địa chỉ du lịch không thể thiếu như DMZ Thành Cổ Quảng Trị. Lăng tẩm vua chúa như Khải Ðịnh-Gia Long-Minh Mạng… những nơi mà linh hồn của vua quan ngày xưa hình như vẫn lang thang đâu đó trong đại nội của kinh thành.

Ðến Huế bây giờ người ta sẽ có cảm giác như đang gặm một khúc xương đã được “ninh nhừ” còn một chút ít thịt vì mọi di tích đều bị treo biển kinh doanh không thương xót.

Tốc độ trùng tu không kịp khô mau để phục vụ cho một lượng lớn du khách ngày một tăng lên.

Ngày cũng như đêm Huế căng mình như một gái làng chơi diêm dúa đang tiếp khách không kịp thở. Ðến Thành Nội bây giờ người ta đã không còn có thể trầm tư bởi vẻ hoang sợ cổ kinh trang nghiêm như trước kia nữa vì tất tần tật mọi thứ ngay cả cả “long bào” cũng trở thành “dịch vụ.”

Người ta có thể nhìn thấy từng đoàn người lũ lượt “xếp hàng mua vé” tham quan nhìn ngắm những phế tích đang được sơn phết vội vàng. Huế bây giờ không khác gì một người đàn bà nạ dòng được đắp lên một một lớp phấn son dày như bốn tường thành bao quanh Ðế Ðô. Với bốn cửa thành đã được mở toang ra cho người xe gầm rú phóng vào như ma đuổi.

Và tất nhiên Phố Tây với những cuộc vui chuyên biệt sặc mùi “hiện sinh” vẫn là điều không thể thiếu trong những sinh hoạt thường ngày của Huế.

Phố Tây Huế cũng như Phố Tây Sài Gòn với những cửa hàng tranh chép nghệ thuật thật giả lẫn lộn. Phố của những nhà Họa Sĩ Ðiêu khắc chuyên nghiệp. Nổi tiếng như phòng tranh của anh em sinh đôi người Quảng Bình với nick name Thanh- Hải với một Restaurant Cafe Le Pasta Pasta Art Gallery, 28 Phạm Ngũ Lão – đầy nghệ thuật thân tình. Một điểm đến không thể thiếu của phố Tây. Nơi “bù khú” dành cho anh em văn nghệ bốn phương khi muốn có một nơi để giao hảo bạn bè.

Ở đây cũng có những cuộc say xỉn dài dài của những ông Tây thất tình bất đắc chí đứng khóc tu tu vì mất ví nhớ nhà hay bị bồ đá sau một chuyến đi và chia tay trong những cuộc tình chớp nhoáng.

Một góc phố cổ kính của Huế xưa. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)

Phố Tây Huế có một không khí đặc thù của một thành phố trong chiến tranh, dường như nơi đây người ta còn có thể nghe được tiếng súng kinh hoàng vọng lại từ Mậu Thân 68 hay mùa Hè đỏ lửa năm 1972 và tuyệt cùng là tháng 4 năm 1975 khi Bắc Việt tiến chiếm hoàn toàn Miền Nam.

Vì vậy nên cũng không hề ngạc nhiên khi du khách đến thăm Huế đều là những chiến binh xưa của một thời trận mạc. Hay là những người dân đã bỏ Huế ra đi “di tản” sau 1975 hay trên những chiếc thuyền mong manh để đến xứ sở của tự do.

Huế bay chừ là rứa không thể nào nói rằng nó đang lụn bại bởi những khai thác cạn kiệt, cũng không thể nói Huế đang giàu lên khi du lịch như là một “mũi nhọn” của nền kinh tế như những khẩu hiệu đỏ rực đang giăng mắc khắp phố phường.

Nhưng có một cái gì đó dở thầy dở thợ dở vua dở quan. Vẫn là Huế đó sao xa lạ quá chừng, chạm vào đâu cũng thấy lơ lớ lờ lợ như nước sông Hương đang mỗi ngày thum thủm bốc trùm lên mùi vị.

Huế bây giờ ăn nhậu ngút trời… Những con đường sang cả lặng im khuê các trong thành Nội bi chừ đầy nhà hàng quán nhậu café sân vườn ngày đêm nhã nhạc.

Ở đây người ta có thể nghe rất nhiều “giọng” là những người Bắc hay Quảng Trị, Quảng Bình .. Người Huế chính hiệu dường như khép kín hơn – không biết ở đâu và đến tự bao giờ những người “ xa lạ” này họ đang là “chủ nhân” của Huế.

Ông bạn nhà thơ tranh đấu gốc Huế thứ thiệt giờ là một quan chức nghỉ hưu cảm thán khi ngồi với tôi ở quan café vỉa hè thuộc loại không “lề phải hay trái” than thở “Không còn chi nữa Huế ơi/Ðông Ba Thành Nội rã rời còn đâu/Không còn ai nữa qua cầu/Áo bay trắng xóa trên đầu mây bay…“

Ông bạn kết một câu. Huế chừ không thấy em út dưới ghe trong thuyền như ngày xưa nữa đâu, mấy em đã leo tót lên bờ chui vào trong nhà hàng khách sạn với sắc đẹp ngút trời giá cao ngất ngưởng vậy nên đừng có mơ như tay Tố Hữu đã thơ như ngày xưa đã từng mị dân “Tôi dồn hết nước sông Hương/Cho em đủ sức dong buồm ra khơi!”

MỚI CẬP NHẬT