Tuesday, April 23, 2024

Hý trường Ðại Thế Giới, một thuở Sài Gòn

 


Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


Hý trường Ðại Thế Giới, tức “Casino Grande Monde,” do người Pháp bảo trợ thành lập trong thời Pháp thuộc, năm 1937; chủ yếu là sòng bạc lớn bậc nhất ở Ðông Dương thời đó.



Mặt trước của hý trường Ðại Thế Giới ngày nay là Trung Tâm Văn Hóa Quận 5. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Trong khuôn viên rộng lớn của hý trường Ðại Thế Giới, ngoài các sòng bạc, còn có các quán rượu nhà hàng vũ trường sang trọng; nơi tụ hội các tay ăn chơi bậc nhất ở Sài Gòn một thuở.


Hý trường Ðại Thế Giới từng bị Tổng Thống Ngô Ðình Diệm của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa dẹp vào năm 1955; nhưng tới nay, hầu như những người lớn tuổi ở Sài Gòn đều biết đến tiếng tăm, lịch sử của hý trường này; có người còn là nạn nhân, táng gia bại sản vì các sòng bạc của hý trường Ðại Thế Giới.


Mới đây, anh Thuyên, một người thân quen của gia đình tôi, từ Hà Nội vào Sài Gòn; anh nằng nặc đòi tôi dẫn đi thăm nơi chốn ăn chơi bài bạc nổi tiếng một thời đó.


Anh Thuyên là bà con với ông Vũ Hồng Khanh (một trong những thủ lĩnh Việt Nam Quốc Dân Ðảng thời kỳ sau; từng tham gia với chức vụ bộ trưởng thanh niên trong chính phủ Trần Văn Hữu thời Bảo Ðại). Anh Thuyên bị kẹt lại ở Hà Nội năm 1954, nhưng luôn theo dõi tin tức về miền Nam tự do; có biết vụ việc Bình Xuyên-Bảy Viễn và sòng bạc Ðại Thế Giới.


Năm 1955, hý trường Ðại Thế Giới đã bị xóa sổ, tôi mới mười tuổi; sau đó lớn lên, nếu không có duyên gặp gỡ quen biết kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, tôi sẽ không biết gì nhiều về sòng bạc nổi tiếng của một thời đã qua; cũng không biết được sòng bạc này tọa lạc chỗ nào ở Sài Gòn-Chợ Lớn.


Tôi dẫn anh Thuyên thẳng tới Trung Tâm Văn Hóa Quận 5, ở số 105 đường Trần Hưng Ðạo B (đường Ðồng Khánh cũ), thuộc phường 6, quận 5; đây chính là hý trường Ðại Thế Giới thuở trước.


Chúng tôi hình dung hý trường Ðại Thế Giới thuở trước; một tòa nhà to lớn dài dặc hai ba tầng lầu, ngang nhiên chễm chệ giữa khuôn viên rộng lớn án ngữ một vùng, chỗ giao nhau 2 đường phố lớn nối liền của Sài Gòn và Chợ Lớn cũ, đường Trần Hưng Ðạo và Trần Hưng Ðạo B.


Hý trường Ðại Thế Giới nay trở thành Trung Tâm Văn Hóa Quận 5: vẫn dãy tòa nhà hai ba tầng lầu ngang nhiên chễm chệ đó là chính diện, nhìn ra đường Trần Hưng Ðạo B; khúc quành nối với đường Nguyễn Tri Phương tạo nên một khoảng trống rộng rãi cho lòng đường ngay trước mặt.



Mặt sau của hý trường Ðại Thế Giới ngày nay. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Trong khuôn viên rộng lớn, bây giờ có chia ngăn khu vực; khu vực khá lớn nằm chếch phía sau tòa nhà, là công viên nước thiết kế hiện đại; ngang hông tòa nhà là nhà sách của công ty Phương Nam, một công ty sách lớn bậc nhất của Sài Gòn. Trong tòa nhà hai ba tầng lớn rộng đó, là các phòng thể dục thẩm mỹ; phòng đọc sách,… và các dịch vụ văn hóa khác. Ðầu tòa nhà, một tháp cao nghệu đặc biệt ấn tượng, gắn hàng chữ nổi bật: “Câu lạc bộ khiêu vũ.”


Anh Thuyên ngó lên kêu mỏi cổ, và nói: “Cái tháp này vừa nhắc nhở thuở đó, vừa cho thấy bây giờ ăn chơi nhảy nhót còn vi vút hơn nhiều đấy nhỉ?!” Ðặc biệt thuận lợi, là phía sau khuôn viên hý trường xưa có nhánh sông chảy qua, cây cầu bắc ngang mang tên cầu Nguyễn Tri Phương; nên hiện nay đã thiết lập được công viên nước nói trên, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tới vui chơi bơi lặn hàng ngày.


Anh Thuyên người Hà Nội lại nhắc nhớ vụ việc ở thị xã Tân An-tỉnh Long An của miền Nam: người vợ, một con bạc đốt bạc tỷ ở “casino” bên Campuchia, về nhà thiêu cháy chồng, vì ông chồng không chịu bán nhà để bà vợ có tiền trả nợ thua bạc. “Sao Sài Gòn văn minh hiện đại mà không cho sòng bạc Ðại Thế Giới hoạt động lại nhỉ? Trai gái cờ bạc là thuộc tính của một số đông con người mà, làm sao cấm đoán được; vấn đề là quản lý như thế nào thôi chứ…”


Câu nói của anh Thuyên khiến tôi nhớ người quá vãng; từ trước 30 tháng 4, 1975, đã dẫn tôi tới đây nhìn ngắm để hình dung cái bóng hình xưa cũ, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn. Ông tới đây cũng để hồi tưởng những ngày ông không thể quên, bên bàn quay số đánh bạc roulette. “Tôi nghiệm ra, mình khá là say mê tính toán theo khoa học xác suất; ấy vậy mà con bạc không thể nào qua được tần số về tình cờ, may rủi ở cái bàn quay đánh bạc này.” Ông nói vậy sau khi đã không qua được sự tình cờ và may rủi mấy ngàn lần, tới khi sòng bạc Ðại Thế Giới tiêu ma.


Cũng qua kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, tôi được biết cái tiểu sử lý lịch của sòng bạc nổi tiếng này. Sự xuất hiện của sòng bạc tại hý trường Ðại Thế Giới là sự tranh giành lợi lộc giữa chính quyền thuộc địa và người Hoa, vốn thao túng về bài bạc ở Chợ Lớn. Bảo trợ việc thành lập sòng bạc Ðại Thế Giới, chính quyền thuộc địa thu được nguồn thuế rất lớn; cao điểm là sau Ðệ Nhị Thế Chiến, khi tay trùm cờ bạc Ma-cao quản lý, sòng bạc chi ra mỗi ngày 400 ngàn đồng bạc Ðông Dương tiền thuế má.


Pháp đã chiêu dụ thủ lĩnh Bình Xuyên là Bảy Viễn, qua một tỷ phú người Hoa, để Bảy Viễn thầu lại sòng bạc Ðại Thế Giới. Tay tỷ phú người Hoa đã bỏ số tiền hơn 4 triệu francs để chiêu đãi Bảy viễn và đàn em của ông ta, tại hý trường Ðại Thế Giới. Bảy Viễn được Pháp gắn cấp bậc đại tá; tay tỷ phú người Hoa hỗ trợ tài chính cho Bảy Viễn; Bảy Viễn còn được sự bảo trợ của Quốc Trưởng Bảo Ðại.


Ngày Tổng Thống Ngô Ðình Diệm xóa sổ hý trường Ðại Thế Giới; Bảy Viễn chỉ huy lực lượng Bình Xuyên chống lại quân đội Quốc Gia, bị thua chạy ẩn náu tại rừng Sát, rồi tẩu thoát sang Pháp.

MỚI CẬP NHẬT