Thursday, April 18, 2024

Khả năng chuyên môn của công nhân Mỹ ngày càng giảm

HOA KỲMột trong những điều mà hầu như các nhà chính trị ở Washington đều đồng ý là các công nhân Mỹ là những người thợ giỏi nhất của thế giới.

“Có khả năng sản xuất cao nhất trên thế giới,” Tổng Thống Obama từng có lời nhận định về họ như vậy. Họ “chế tạo những sản phẩm tốt nhất hơn bất ai.”









Hình minh họa. (Hình: Jean-Pierre Muller/AFP/GettyImages)


Phía đảng Cộng Hòa, tuy không nồng nhiệt như vậy, cũng nói rằng người lao động Mỹ “có thể vượt trội trong bất cứ cuộc tranh đua nào” trong hoàn cảnh của “một sân chơi bình đẳng.”

Theo bản tin của NYT, ngay cả Phòng Thương Mại Mỹ, vẫn bị coi là đối chọi với thành phần công nhân và nghiệp đoàn đại diện họ, nói rằng cùng với các nhà doanh nghiệp và công ty Mỹ, người công nhân Mỹ “là những người giỏi nhất trên thế giới.”

Nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Bản tin viết, nếu chúng ta tin được vào một bản báo cáo mới, được chuẩn bị kỹ càng của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), trình độ chuyên môn của lực lượng lao động Mỹ không chỉ thua công nhân ở các quốc gia khác trên thế giới mà còn tụt hậu nguy hiểm ở xa phía sau.

Bản báo cáo, dựa trên lượng định về khả năng đọc hiểu, trình độ toán và khả năng giải quyết vấn đề qua việc dùng tin học trong khoảng 160,000 người, tuổi từ 16 đến 65, ở 22 quốc gia phát triển trong khối OECD cùng Nga và Cyprus. Có khoảng 5,000 người Mỹ được khảo sát. Và kết quả thật đáng buồn.

Vẫn theo bản tin, người Mỹ có khả năng đọc hiểu ở mức trung bình nhưng vẫn thua xa những quốc gia đứng hàng đầu. Có khoảng 22% người lớn ở Nhật được sắp vào hai bậc cao nhất trong sáu bậc về đọc hiểu. Chưa tới 12% người Mỹ có được trình độ này. Người Mỹ cũng ở mức trung bình khi tìm cách giải vấn đề với sự trợ giúp của máy điện toán. Lãnh vực yếu kém nhất của người công nhân Mỹ là toán, điều rất cần thiết cho lực lượng lao động hiện nay. Chỉ có người Ý và Tây Ban Nha là sắp hạng sau người Mỹ.

Kết quả cuộc nghiên cứu của OECD được đưa ra trong lúc có cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề phải chăng nước Mỹ đang gặp tình trạng thiếu hụt khả năng chuyên môn. Trong vài năm trở lại đây, giới chủ nhân than phiền là họ không kiếm ra người có đủ trình độ kỹ thuật. Các nhà kinh tế và các giới chức khác nói rằng nếu chịu trả lương cao hơn thì giới chủ nhân sẽ có đủ nhân sự cần có.

Bản báo cáo cho rằng sự phát triển chậm chạp của thị trường lao động kể từ khi nước Mỹ chính thức ra khỏi cuộc suy trầm kinh tế có lẽ không phải do tình trạng thiếu khả năng chuyên môn, vốn là điều được báo động từ cả một thập niên nay. Nhưng điều này cũng mạnh mẽ khẳng định rằng đây là vấn đề đã và sẽ góp phần gây trở ngại cho nền kinh tế.

“Tình trạng suy trầm không thay đổi, trên căn bản, cấu trúc của nền kinh tế theo mức cung và cầu về khả năng tay nghề hay học vấn,” theo ông Jonathan Rothwell thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution, người từng có cuộc nghiên cứu hồi năm ngoái về việc trình độ học vấn ảnh hưởng đến thị trường lao động trong các thành phố lớn nhất ở Mỹ. “Trước khi có cuộc suy trầm, việc không có được học vấn và mức huấn nghệ đầy đủ đã là một vấn đề lớn. Và nay vẫn tiếp tục như vậy.”

Ông Rothwell nói rằng vấn đề đang ngày càng lớn hơn: trong khi chỉ có gần 1/3 công việc trong 100 khu đô thị lớn nhất ở nước Mỹ đòi phải có bằng cử nhân hay cao hơn, khoảng 43% công việc mới tại các nơi này đòi phải có bằng cấp. Và chỉ có 32% người lớn trên 25 tuổi có bằng đại học.

OECD cho một cái nhìn rõ ràng về vấn đề này khi đặt vào bối cảnh của toàn thế giới. Bản báo cáo cho hay các nền kinh tế trong các quốc gia tân tiến tạo ra rất ít công việc cho giới công nhân không có khả năng chuyên môn rõ ràng.

Dù vậy, trong khi các quốc gia khác có vẻ đã ý thức được điều này và vội vã có biện pháp xây dựng đội ngũ lao động có khả năng chuyên môn cao, nước Mỹ lại đứng yên.

Thí dụ, những người thuộc giới trẻ ở Nam Hàn, từ 16 đến 24, trung bình có 49 điểm cao hơn về lãnh vực đọc hiểu so với các đồng nghiệp lớn tuổi từ 55 đến 65. Người trẻ ở Mỹ, trong khi đó, chỉ hơn có 9 điểm so với các đồng nghiệp lớn tuổi của họ.

Và trong khi đồng nghiệp trẻ ở các quốc gia khác thường có trình độ học vấn cao hơn đồng nghiệp cao tuổi, ở Mỹ đây không phải là điều lúc nào cũng đúng: các con số thu thập được cho thấy những người khoảng 30 tuổi vào năm 2012 trung bình có điểm số thấp hơn về lãnh vực đọc hiểu so với lớp người cùng tuổi vào năm 1994.

Bản báo cáo nói rằng “trừ phi có sự thay đổi đường hướng lớn lao, khả năng chuyên môn của người lao động ở các quốc gia OECD khác sẽ vượt qua khả năng của người công nhân Mỹ, đúng vào lúc mà tất cả các quốc gia OECD phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia đang phát triển.”

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng tạo ra những câu hỏi hóc búa. Những người có tay nghề cao ở Mỹ thường lãnh mức lương cao hơn rất nhiều so với những người không có tay nghề, so với tất cả các quốc gia OECD khác, nơi luật lệ, nghiệp đoàn và thuế giúp giảm sự khác biệt. Nếu vậy, thì tại sao lại có việc thiếu người có tay nghề cao ở Mỹ?

“Nguồn vốn nhân sự ở Mỹ rất mỏng,” theo lời Andreas Schleicher, phó giám đốc đặc trách giáo dục và chuyên môn của OECD.

“Nền kinh tế Mỹ rất đãi ngộ người có khả năng chuyên môn cao, nhưng đến nay nguồn cung cấp vẫn chưa tiến triển.”
Nghiên cứu của OECD cũng cho thấy khoảng 2/3 người có khả năng chuyên môn thấp là những người sinh ra ở Mỹ.

Một câu hỏi khác cũng quan trọng không kém là: nếu nguồn cung cấp người có tay nghề ít như vậy thì tại sao Mỹ lại là quốc gia có những phát kiến hàng đầu thế giới?

Câu trả lời của ông Schleicher là: ngày nay, thị trường lao động Mỹ rất giỏi trong việc thu hút các tài năng ngoại quốc, sẵn sàng trả nhiều tiền cho họ hơn là bất cứ nơi nào khác.

Nhưng đây vẫn là một điều đáng âu lo cho tương lai một quốc gia nếu tiếp tục trông đợi nguồn cung cấp đều đặn từ tài năng ngoại quốc. Nhất là khi các quốc gia khác khởi sự coi trọng vốn quý của họ và sẵn sàng trả giá cao như nước Mỹ hiện nay. (L.T.)

MỚI CẬP NHẬT