Thursday, March 28, 2024

Lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang

 


Lâm Hoài Thạch/Người Việt



KIÊN GIANG (NV) Hàng năm, cứ đến những ngày 26-28 Tháng Tám âm lịch là người dân Kiên Giang tổ chức Lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, và năm nay là lần thứ 145.

Ðình Thần Nguyễn Trung Trực tọa lạc tại đường Nguyễn Công Trứ, ven bờ sông Kiên Giang, thành phố biển Rạch Giá. Lễ hội được tổ chức rất quy mô và thu hút trên 800,000 người ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Miền Tây Nam Bộ đến dự hàng năm.










Trước cửa Ðình Nguyễn Trung Trực ngay ngày chánh lễ, 27 tháng 8 âm lịch.


Năm nay, số lượng người đến tham dự Lễ hội Rước Sắc Thần Nguyễn Trung Trực có trên 1 triệu người. Có thể nói, đây là một trong những lễ hội được thu hút lượng khách đông nhất tại Việt Nam.

Khu vực tổ chức nghinh đón sắc thần tại công viên Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá. Sau đó, sắc thần được đưa về định vị tại Ðình Thần của ngài.

Những dân phương xa đến dự lễ hội đã có mặt nơi đây trước một tuần lễ, gồm những cư dân từ tỉnh Long Xuyên, Châu Ðốc, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Ðồng Tháp, TP. Sài Gòn và nhiều nơi khác.
Họ đi đến nơi lễ hội bằng xe nhà, xe đò, xe bus, xe hai bánh… kể cả có một số người đi bằng ghe; thuyền và xe lôi đạp.

Và họ được ban tổ chức cho tá túc, ăn uống miễn phí xung quanh Ðình Thần Nguyễn Trung Trực suốt những ngày lễ hội.
Bên hông của Ðình Nguyễn Trung Trực có 3 trại cơm thật rộng, một trại cơm có trên 100 bàn ăn, Tất cả những ai đến ngồi dùng cơm chay đều được miễn phí.

Có trên 800 thiện nguyên viên đến để giúp đỡ ban tổ chức về việc lễ tế, nấu nướng, tiếp khách.. Ngoài ra đó, còn có trên 2.000 nhân viên công lực được quy tụ từ những huyện; xã; ấp; phường; khóm của tỉnh Kiên Giang để lo cho việc an ninh và trật tự.









Lễ Rước Sắc Thần tại công viên TNN.


Một tuần trước ngày chánh của lễ hội, trên 300 gian hàng hội chợ được mọc lên trên khu lấn biển đối diện trước mặt Ðình Thần Nguyễn Trung Trực và nhiều khu khác trong thành phố. Những gian hàng hội chợ này bán rất nhiều mặt hàng khác nhau như quần áo; giầy dép; chén dĩa; nồi chảo; thực phẩm… kể cả các đoàn văn nghệ cũng đến đây để trình diễn hàng đêm trước ngày chánh của lễ hội.

Khách đến tham quan lễ hội đã chen lấn nhau trong những khu hội chợ từ 8 giờ sáng cho đến hơn 12 giờ khuya mỗi ngày.

Cờ xí, đèn hoa, xe cộ, con người đã làm cho Thành phố biển Rạch Giá những ngày này trở nên sôi động, náo nhiệt khác thường.

Năm nay ngoài phần lễ nghi truyền thống, ban tổ chức còn có những chương trình ngoạn mục và hấp dẫn như không gian đờn ca tài tử Nam Bộ, biểu diễn võ thuật, chương trình nghệ thuật “Sắc Màu Phương Nam,” Hội thi Lân, Sư, Rồng…

Chương trình nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Noi theo gương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Lễ hội còn được dịp quảng bá và giới thiệu những hình ảnh về đất nước và dân tộc, đặc biệt là khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Kiên Giang. Ðồng thời cũng yêu cầu nhà nước công nhận Lễ Hội Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm lần thứ 145 năm ngày hy sinh của cụ Nguyễn Trung trực được loan đi khắp nước và những người trong ban ngành tổ chức của TP. Rạch Giá và các hội; đoàn thể của nhiều nơi khác cũng đã chuẩn bị trước những ngày lễ hội hơn 2 tháng.

Chương trình để bảo vệ trật tự, an ninh, tổ chức truyền thống của dân tộc cũng được ban tổ chức đã lên kế hoạch trước một tháng của ngày chánh lễ hội.









Sắc thần Nguyễn Trung Trực được rước đến công viên NTT vào lúc 5 giờ 30 sáng ngày 27 Tháng Tám Âm lịch.


Ngoài lượng khách đến tham quan, còn có rất nhiều giới truyền thông báo chí trong và ngoài nước đến để tường trình diễn tiến của lễ hội. Lực lượng an ninh đã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy.

Vấn đề nan giải nhất trong những ngày lễ hội chính là công tác trật tự an toàn giao thông. Vì dự đoán lễ hội năm nay, số lượng du khách tham gia lễ hội nhiều hơn năm trước.

Nan giải thứ hai, đó là vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác đón tiếp khách, đề phòng kẻ gian… cũng được chuẩn bị chu đáo. Ban bảo vệ di tích Ðình Nguyễn Trung Trực đã hoàn tất công tác sửa chữa trong và ngoài khu di tích trước đó hơn tuần.

Cụ Nguyễn Trung Trực là một vị thần linh được dân Kiên Giang thờ phượng đã lâu đời. Vị anh hùng dân tộc với những chiến công vang dội đã đi vào trang sử hào hùng, đó là trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá vào năm 1868.

Thi sĩ Huỳnh Mẫn Ðạt đã ca ngợi khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực qua hai câu thơ: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa – Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần,” thể hiện ý chí kiên cường của người dân Phương Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Và 2 câu thơ này đã được viết trên Cổng Tam Quan trước khi vào thành phố biển Rạch Giá.

Tỉnh Kiên Giang có khoảng 20 đền thờ cụ Nguyễn tại thành phố Rạch Giá, xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Ðất), đình Tà Niên (huyện Châu Thành).

MỚI CẬP NHẬT