Saturday, April 20, 2024

Miến Ðiện, đổi thay nhưng còn nhiều thử thách

 


Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt (tường trình từ Bagan, Miến Ðiện)


 


Trên chuyến bay của Yangon Airways từ Yangon đến phi trường Bagan, nằm khoảng 600 cây số về phía Trung Tây Miến Ðiện, hầu hết hành khách là du khách ngoại quốc. Cũng như thế, chuyến bay của Thai Airway từ Suvarnabumi, Bangkok, Thái Lan, đến Yangon, Miến Ðiện, hành khách nói đủ mọi ngôn ngữ trên máy bay, nhiều nhất là dân Ðức, đi cả đoàn.










Cảnh mặt trời lặn tại khu chùa tháp lịch sử ở Bagan. (Hình: Trần Nguyên Thắng)


Buổi sáng sớm Tháng Hai, thành phố lịch sử Bagan có hơi nóng của một xứ sở nhiệt đới. Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, trùng trùng điệp điệp những chùa và tháp được xây từ thế kỷ thứ 11. Số liệu của Sở Du Lịch Miến Ðiện cho biết, hơn 5,000 chùa và tháp từ thuở xa xưa của vùng này, nay chỉ còn khoảng hơn 2,000.


“Ngành du lịch của Miến Ðiện chắc chắn sẽ bùng nổ, e rằng chỉ sang năm thôi, người ta sẽ đổ về đất nước vừa mở cửa này,” ông Alfredo, người Argentina, nói.


Ðứng bên hồ bơi của một khách sạn 3 sao tại Bagan, ông ca ngợi vẻ đẹp còn giữ được nhiều nét cổ kính của Miến Ðiện. Nhưng ông cũng than phiền rằng có lẽ bị cô lập kinh tế lâu quá, bây giờ mới khởi đầu tiến trình hội nhập thế giới, nên ngành du lịch của quốc gia này còn phải học hỏi nhiều. Ðiển hình là thủ tục nhập cảnh chậm chạp làm mất quá nhiều thì giờ, nhà hàng trong khách sạn không cung cấp giấy lau tay cho khách, cà phê bưng ra thì không có muỗng khuấy, và riêng việc đổi ngoại tệ sang tiền kyat của Miến Ðiện thì ôi thôi, “Drive me crazy!”


Chẳng riêng ông Alfredo, nhiều du khách cũng tỏ thái độ bực bội vì vấn đề đổi tiền. Ðâu đâu cũng thế, từ phi trường, khách sạn, cho đến hàng quán ngoài đường phố, đồng Mỹ kim, đồng Euro hoặc đồng Yen, chỉ cần một nếp gấp ở giữa, một vết mờ, thế là miễn đổi, bất chấp lời than phiền của khách. Có người không dằn được bực tức, xẵng giọng dọa mua vé máy bay “back home” ngay lập tức. Làu nhàu cũng vô ích, vì đó là quy định của Ngân Hàng Trung Ương.


Trên nhật báo The Myanmar Times, giám đốc của The Centre for Asia Pacific Aviation, ông Brenda Sorbie, cho biết hãng hàng không Malaysia đã có kế hoạch mở đường bay từ Kuala Lumpur đến Yangon và Mandalay. Hai hãng máy bay khác, Singapore Airlines và Silk Air, cũng đang tìm cách mở thêm các đường bay đến các thành phố của Miến Ðiện. “Ngành du lịch của chúng tôi chắc chắn sẽ lớn mạnh,” ông Sobie quả quyết.











Quán vỉa hè trên đường phố Yangon. (Hình: Trần Nguyên Thắng)



Nét son trẻ của ngành du lịch Miến Ðiện có thể nhận ra ngay qua các cô tiếp viên hàng không. Khác với chuyến bay quốc tế của Thai Airways, tiếp viên lớn tuổi, nhan sắc không mấy mặn mà, tiếp viên của Yangon Airways trẻ trung, cao, đẹp. Có thể giải thích, số máy bay dân dụng của Miến Ðiện quá ít, chỉ bay nội địa nên việc tuyển chọn tiếp viên trẻ đẹp dễ hơn Thái Lan, với nhiều đường bay quốc tế lẫn quốc nội.


Với du khách Tây phương, hẳn rằng họ không thoải mái khi phải sự dụng phòng vệ sinh tại phi trường quốc tế Yangon, vì một số bàn cầu xây bệt xuống đất. Còn với du khách Á Châu, nhất là nhóm người Mỹ gốc Việt, có người cho rằng ngồi bệt như thế khiến họ nhớ quá đỗi những ngày còn ở quê nhà.


Một cảnh khác cũng nhắc nhớ Việt Nam: nhiều người xem bói bài và chỉ tay bên lề đường huyên náo. Lòng tin vào tướng mệnh của người Miến Ðiện thể hiện ngay trên tờ Yangon Airways Inflight Magazine. Trong cách xem số mệnh, dân xứ này không quan tâm đến tháng và năm, mà chỉ dựa theo ngày trong tuần để nói chuyện xưa và sau.


Thí dụ, ngày Thứ Hai là biểu tượng của con cọp và mặt trăng. Chào đời vào ngày này là người thông minh, biết tôn trọng pháp luật và có trách nhiệm về hành vi của mình. Sinh trong ngày Chủ Nhật thì biểu tượng cho mệnh số là giống chim huyền thoại và mặt trời, có khả năng triết học và suy nghĩ hợp lý. Vì tin vào ngày sinh như thế, đôi lứa khi lấy nhau sẽ tìm xem “other half” của mình chào đời ngày nào trong tuần thì gia đình mai sau mới hạnh phúc tới lúc “răng long, đầu bạc.”


Nói chuyện “răng,” dân Miến Ðiện già trẻ lớn bé có thói quen ăn trầu – như thế hệ xưa của Việt Nam – để bảo vệ bộ răng. Các quán bán trầu mọc lên như nấm trên đường phố. Cảnh thường thấy là nam nữ mặc chiếc váy “longyi,” như kiểu váy “sarong” của dân tộc Khmer, mồm nhai trầu nhóp nhép rồi nhổ toẹt bãi nước trầu đỏ lòm xuống mặt đường.


Ngay tại các địa điểm du lịch, như các ngôi đền chùa ở Bagan, màu đỏ của nước trầu vương vãi. “Nhưng đó là nét Miến Ðiện,” anh Trần Nguyên Thắng, hướng dẫn viên đoàn du khách từ Mỹ đến, nhận xét như thế. Anh còn bảo, với những người thích chụp hình, thì Bagan là “thiên đường săn ảnh,” vì hiếm nơi nào có cảnh hoàng hôn và bình minh như nơi đây, nhất là đứng trên đỉnh ngọn tháp cao nhất nhìn xuống hàng hà sa số chùa miếu phía dưới.


Tuy nhiên, săn ảnh xong, nếu nóng lòng muốn gửi ngay lập tức cho gia đình bằng hữu xem thì khó đấy, vì hệ thống Internet chậm như rùa, và thậm chí, như một du khách người Nga, bà Marine Tolstoy, nói, bà rất nghi ngờ là chính quyền dựng tường lửa để ngăn chặn thông tin. Hỏi bà tại sao suy đoán như thế, bà bảo, họ bắt đầu mở cửa nhưng từ từ đã, phải chờ xem sao, chớ vội tin.










Buổi chiều cuối tuần trên đường phố Yangon. (Hình: Trần Nguyên Thắng)


Phải chăng kinh nghiệm sống ở Liên Xô cũ khiến bà Tolstoy nghĩ như thế?


Lòng ngờ vực này cũng được thể hiện qua thái độ dè dặt của một số người dân Miến Ðiện trên đường phố. Họ ủng hộ phong trào dân chủ do Daw Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nhưng không dám bày tỏ công khai vì vẫn còn nơm nớp sợ guồng máy an ninh của chính quyền.


Dù đang đối đầu với nhiều thử thách, nhưng theo nhận xét của một số du khách, đất nước này đang chuyển mình, và chắc chắn tương lai, dân chủ đang chờ đón Miến Ðiện.

MỚI CẬP NHẬT