Thursday, March 28, 2024

Một ngày trước bầu cử tổng thống Iowa Caucus

 


Chưa biết ai hơn ai


 


Nguyễn Văn Khanh (tường trình từ Des Moines cho Người Việt)


 


DES MOINES (NV) – Hai mươi bốn giờ đồng hồ trước khi cuộc bầu sơ bộ (caucus) đầu tiên của đảng Cộng Hòa diễn ra tại Iowa, cử tri tiểu bang này vẫn chưa quyết định chọn ai là người đại diện đảng dự cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc cho nhiệm kỳ tới.



Cựu Thượng Nghị Sĩ Rich Santorum (Pennsylvania), ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, tươi cười tại cuộc họp báo ở một nhà hàng tại Boone, Iowa. Cho tới 5 giờ chiều Thứ Hai, thăm dò cho thấy ông dẫn đầu Iowa Caucus. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)


Kết quả cuộc thăm dò được nhật báo The Des Moines Register thực hiện hồi giữa tháng trước cho thấy Dân Biểu Ron Paul đẫn đầu với 21% số phiếu cử tri ủng hộ, về nhì là cựu Thống Ðốc Mitt Romney với 20% số phiếu và ông cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich đứng thứ 3 với 19%. Mới sáng nay, dẫn đầu bây giờ là ông Romney, sau đó là ông Ron Paul và ngôi vị thứ 3 – chắc chắn – không còn thuộc về ông Gingrich. Người thay thế ông là cựu Thượng Nghị Sĩ Rich Santorum của tiểu bang Pennsylvania, nhân vật đang tạo nhiều sôi nổi nhất ở những giờ cuối cùng trước khi “caucus” bắt đầu.


Vài ngày trước đây, chính ông Santorum từng than thở với đài phát thanh WHO ở Des Moines là nếu về cuối bảng thì không còn cách nào khác hơn “là tôi khăn gói về nhà,” chấm dứt mộng lãnh đạo đất nước, nhưng bây giờ ông là người cười tươi hơn ai hết, và cũng là người được cánh nhà báo săn đuổi nhiều nhất. Trong cuộc họp báo ngắn vào lúc 5 giờ chiều Thứ Hai, ông bảo “cuối cùng, cử tri Iowa đã biết họ nên chọn ai để tranh cử,” tin tưởng ông sẽ thành công ở cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc.


Ðây không phải lần đầu tiên chuyện thay vị đổi ngôi xảy ra ở tiểu bang Iowa cho cuộc đua lần này. Sáu tháng trước đây, người được rầm rộ nói tới là bà Dân Biểu Michele Bachman, nhưng chỉ vài ngày sau đó là ông Romney, trước khi mọi người chú ý tới ông Gingrich. Sau ông Gingrich lại là ông Romney và bây giờ là ông Ron Paul. Sáu tháng thay đổi ý kiến tới tám lần – chỉ trong tuần này đã thay đổi tới ba lần – khiến chính ông Chủ Tịch Ðảng Bộ Matt Strawn phải lắc đầu than “chuyện lạ lùng quá, chưa hề thấy ở Iowa”.


Sự kiện không một ứng cử viên nào thật sự là người có được sự ủng hộ cần thiết để bảo đảm sẽ thành công vào ngày bầu cử “caucus” hôm nay, 3 Tháng Giêng, cũng khiến chính ông Thống Ðốc Cộng Hòa Terry Branstad của tiểu bang phải lên tiếng nói rằng chưa bao giờ “thấy số cử tri vẫn còn phân vân chưa biết bầu cho ai lại đông đến thế”. Dù tuyên bố như vậy với báo chí, trong các cuộc gặp gỡ với giới truyền thông, chính ông Branstad cũng nói rằng ngay lúc này, cá nhân ông cũng “chưa thấy vội phải lên tiếng ủng hộ ứng cử viên nào”.


Kết quả nêu trên cũng cho thấy uy thế của ông Gingrich đã giảm rất nhiều và thật nhanh so với hai tuần trước đây khi ông đứng đầu mọi cuộc thăm dò – từ 37% xuống còn 12% trong vòng hai tuần lễ – sau các lời bình phẩm về chuyện đời tư và hạnh phúc gia đình của chính trị gia từng có thời làm chủ tịch Hạ Viện, liên quan đến việc ông này đang sống người vợ thứ ba và đã có lúc chưa ly dị xong với bà vợ đầu tiên đã sống với bà vợ thứ nhì.


Chính chuyện “lăng nhăng” này “là điều chúng tôi không chấp nhận được,” theo lời bà Terry Moss, một nhà hoạt động nòng cốt của nhóm Tea Party nổi tiếng bảo thủ. Bên cạnh chỉ trích của cử tri, ông cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ còn là mũi dùi cho các đối thủ cùng đảng nhắm tới, bằng chứng rõ nhất là những mẫu quảng cáo chính trị liên tục được phổ biến trên các đài truyền hình địa phương, mang nội dung nhắc nhở “Liệu có thể trông đợi vào một người như ông Gingrich hay không?”


Những trở ngại xảy đến với ông Gingrich đã đem lại lợi thế cho hai ứng cử viên Mitt Romney và Ron Paul. Ông Ron Paul được dân chúng ủng hộ sau khi đưa ra những lời phát biểu mang nội dung chống đối chính sách của Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama, đồng thời còn đề nghị sửa đổi luật lệ để các vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang “chỉ làm việc bán thời gian” vì giới dân cử “chỉ giỏi tranh cãi lẫn nhau, không giải quyết được những trở ngại cho quốc gia, cũng chẳng phục vụ dân như họ đã giơ tay tuyên thệ khi nhậm chức”.


Với tỷ lệ chỉ có 11% dân chúng đồng ý với việc làm của Quốc Hội, ý kiến của ông Ron Paul được xem là một trong những ý kiến ăn khách nhất ở cuộc bầu cử năm nay, hay ít nhất đang ăn khách với một số lượng cử tri đáng kể ở Iowa, cho dù rất nhiều nhà báo vẫn tiếp tục tìm cách hỏi ông về những bài viết mang tính kỳ thị và kém thân thiện với Israel được đăng trên một tờ đặc san xuất bản định kỳ do ông làm chủ bút.


Ông Romney được thành phần nữ cử tri cùng đảng ủng hộ vì là người đạo đức – một vợ một chồng – và là người có tư tưởng cấp tiến, có thể thu hút phiếu của cử tri Cộng Hòa, Dân Chủ và thành phần cử tri độc lập. Ngoài ra, các cuộc thăm dò đều cho thấy ông Romney là người có nhiều triển vọng đánh bại được Tổng Thống Obama, hơn hẳn triển vọng thành công của những ứng cử viên Cộng Hòa khác.


Chỉ riêng chuyện gia đình không thôi đã lôi kéo được một lực lượng cử tri không nhỏ sẵn sàng vận động cho ông cựu thống đốc tiểu bang Massachussetts. Ðúng ngày mùng một Tết Dương lịch, ông mời một số người tham gia cuộc thảo luận bàn tròn (Family Table) về “Ðạo đức và vai trò của gia đình,” và có một bà đứng lên nói “Cám ơn ông đã sống chung thủy với bà nhà 42 năm trời.” Bà này vừa nói xong câu đó, mọi người vỗ tay hoan hô nồng nhiệt, một bà khác lại phát biểu với đại ý “Một vợ một chồng, tát bể Ðông cũng cạn chứ đừng nói gì đến việc lấy ghế tổng thống Mỹ.”


“Tôi không xem chuyện đời tư của các chính trị gia quan trọng lắm đâu,” cô sinh viên tên Sue của trường Ðại Học Iowa nói. “Ðiều cần nhất vẫn là làm sao họ vực dậy được kinh tế và tạo công việc cho mọi người, nhất là giới trẻ vừa ra trường, có bằng cấp mà không kiếm được việc.” Cô sinh viên mới 23 tuổi này nói thêm dù học ở trường trong tiểu bang “Tôi và bạn bè đều nợ dăm bảy chục ngàn đô la, không kiếm được việc, thì làm sao trả nợ cho nổi.” Khi hỏi sẽ bầu cho ai, cô trả lời “Sẽ bầu cho người nào có khả năng thắng ông Obama, chứ không chọn người có lập trường đi sát với tôi.”


Chuyện cuối cùng vẫn là ai sẽ thành công ở cuộc bầu cử Iowa Caucus? Tất cả năm ông và một bà của đảng Cộng Hòa đều tin sẽ được đa số cử tri ủng hộ, cho dù kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ khác biệt quá nhỏ để có thể nói ai là người sẽ chiến thắng.


Nhưng cũng đừng quên, Iowa Caucus chỉ thật sự tạo sôi nổi từ năm 1976, khi ông Thống Ðốc Dân Chủ Jimmy Carter của Georgia bất ngờ đắc thắng, dùng đó làm bàn đạp để tạo thanh thế và cuối cùng tiến vào Tòa Bạch Ốc. Cũng đừng quên từ đó đến nay, trong số sáu chính trị gia Cộng Hòa thành công ở Iowa, chỉ có ba người được đảng đề cử tranh chức tổng thống, gần nhất là mới bốn năm trước đây, ông Mike Huckabee thắng lớn, nhưng cuối cùng đảng lại chọn ông John McCain làm ứng cử viên, cho dù ông Huckabee hơn ông McCain tới gần 22% tổng số phiếu ở Iowa.

MỚI CẬP NHẬT