Thursday, March 28, 2024

Newt Gingrich bị tố trốn lính thời chiến tranh Việt Nam


WASHINGTON (AP) –
Bóng ma chiến tranh Việt Nam trở lại trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa hôm Thứ Bảy vừa qua ở Concord, New Hampshire.










Hai ứng cử viên Tổng Thống Newt Gingrich (phải) và Ron Paul trong cuộc tranh luận tại Concord, New Hampshire, hôm Thứ Bảy 8 tháng 1, 2012. (Hình: AP/Charles Krupa)


Ron Paul, dân biểu Texas, cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, bị các đối thủ chỉ trích về quan điểm hòa dịu với Iran, quay sang tấn công cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich: “Tôi nghĩ rằng những người khi có thể nhập ngũ lấy ba, bốn hay thậm chí năm giấy hoãn quân dịch, thì không có quyền đưa những thanh niên của chúng ta ra chiến trường”. Ông nói thêm: “Tôi muốn ngăn chặn chiến tranh, nhưng ít nhất, như quý vị biết, tôi nhập ngũ khi được gọi”.


Gingrich đáp lại: “Vấn đề là tôi không bao giờ xin hoãn dịch. Tôi có vợ và một con…”


Paul: “…Khi bị gọi quân dịch, tôi đã có vợ và hai con. Và tôi đi…”


Ron Paul tốt nghiệp bác sĩ y khoa Duke University năm 1961 và bị động viên năm 1962, theo luật lúc đó các người cha cũng phải nhập ngũ trừ khi chứng minh là điều này gây khó khăn nặng nề cho gia đình. Ông phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ với vai trò bác sĩ từ 1963 đến 1965.


Nhưng luật quân dịch thay đổi năm sau, cho phép tất cả những người cha được hoãn dịch không cần chứng minh tình trạng gia đình. Gingrich khai quân dịch khi 18 tuổi năm 1961 và được gọi làm hồ sơ giữa năm 1963. Hội đồng tuyển mộ nhập ngũ cho Gingrich hoãn dịch trên cơ sở có con nhỏ.


Khi bị Ron Paul gọi là “chickenhawk”, Gingrich phản đối: “Tôi không đủ điều kiện để nhập ngũ. Tôi đã không đủ điều kiện để nhập ngũ”. Chickenhawk là tên của giống diều hâu bắt gà, theo nghĩa bóng có nghĩa như “gà đội lốt diều hâu”, chỉ một người chưa bao giờ đi lính nhưng có chủ trương dùng quân lực hay hành động quân sự để thi hành đường lối đối ngoại.


Nói một cách chính xác, Gingrich được quyền hoãn dịch hợp pháp, tuy nhiên nếu muốn nhập ngũ ông có thể tình nguyện. Còn quan niệm của Ron Paul là nếu không đi lính thì không có tư cách đưa quân đội vào cuộc chiến tranh cũng không hoàn toàn thích đáng với thời đại này. Trong lịch sử Hoa Kỳ khoảng 2/3 các tổng thống đã phục vụ trong quân ngũ. Nhiều thành viên Quốc Hội đến nay cũng đã từng là quân nhân.


Nhưng khi luật quân dịch được bãi bỏ sau chiến tranh Việt Nam, chỉ còn khoảng dưới một phần trăm dân Mỹ tham gia quân đội tình nguyện. Cắt giảm ngân sách quốc phòng và chiến lược quân sự mới sẽ làm tỷ số này giảm hơn nữa và trong tương lai sẽ rất ít các viên chức dân cử là người đã đi lính. (H.C.)

MỚI CẬP NHẬT