Thursday, March 28, 2024

Ngao du đầu Xuân ở Sài Gòn

 


Văn Lang/Người Việt 


SÀI GÒN Một bác lớn tuổi là cư dân gốc ở Sài Gòn nói với chúng tôi: “Sài Gòn bây giờ ba ngày Tết đi chơi là người đi coi người, bằng không thì chỉ có đi coi bông chứ biết đi đâu bây giờ?”








Múa lân ngày Tết ở khu vực cầu Nhị Thiên Ðường. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Câu nói tuy đơn giản, ý nghĩa thì cũng thật rõ ràng và có tới 99.9% là sự thật, nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn suy nghĩ, có cách nào hơn không? Thôi thì cứ xách xe ra đường, “ngao du” trên đường phố ba ngày Xuân biết đâu có câu trả lời hay hơn?


Sài Gòn những ngày đầu năm nắng đẹp lung linh, đường phố vắng vẻ hơn ngày thường rất nhiều, vì đa phần dân lao động nhập cư đã về quê từ trước Tết, một bộ phận dân thành phố cũng theo về quê cha hoặc quê… vợ ăn Tết, hoặc ngao du đâu đó du lịch những ngày đầu Xuân. Muốn người đi coi người thì phải tới các tụ điểm vui chơi giải trí như hội Hoa Xuân hoặc các nơi chùa chiền, tôn giáo.








Một “gánh hát tự phát” đi chúc Tết kiếm tiền lì xì từ các gia chủ khá giả giàu có nhân dịp ba ngày Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Chúng tôi đi ra vùng ven Sài Gòn, vì dường như nơi đó nắng vàng rực rỡ hơn trong một vùng không gian thoáng đãng hơn, khác với ngày xưa, những vùng ven không còn nghe tiếng pháo nổ đì đùng mà thay vào đó là tiếng trống múa lân rộn rã.


Lân ở Sài Gòn có hai loại, đó là một loại có bảng hiệu, thường mang tên “nghĩa đường” này, nghĩa đường kia, có cờ phướn trang phục biểu diễn, có cờ quạt, trống và dĩ nhiên là có đầu lân với một đội ngũ hùng hậu từ mười mấy tới trên hai chục người, di chuyển biểu diễn từ vùng nội ô Sài Gòn tới các vùng ven trên những chiếc xe tải lớn và vị trưởng đoàn thường là võ sư của các môn phái võ cổ truyền dẫn dắt. Lân có bảng hiệu nghĩa đường này cũng chia ra làm hai loại để phân biệt đẳng cấp là Lân râu đen và Lân râu trắng, giữa các đoàn Lân cũng có sự cạnh tranh gay gắt trong vấn đề kỹ thuật và võ thuật.








Một “gánh hát tự phát” đi chúc Tết kiếm tiền lì xì từ các gia chủ khá giả giàu có nhân dịp ba ngày Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Một kiểu “Lân” khác là loại chẳng có cờ phướn bảng hiệu gì ráo, thậm chí đến cả một cái đầu lân cho ra hồn cũng không có. Ðó là những “gánh” tự phát, mấy năm Tết gần đây hay xuất hiện tại nhiều khu phố ở Sài Gòn. Ðặc điểm của những nhóm tự phát này là chỉ gồm năm tới bẩy người và… đi bộ. Một anh mang mặt nạ “thằng Bờm có cái quạt mo” đóng vai ông Ðịa, một anh mang râu trắng đi hia, đội mão có vẻ như muốn đóng vai Thần Tài, nhưng coi bộ lại giống Ngọc Hoàng hơn. Vài anh khác áo đỏ đi theo vừa đánh trống vừa… cười toe toét khi tới nhà mấy gia chủ xin tiền lì xì. Những “gánh hát” nhỏ kiểu này tuy là không đóng góp gì được cho nghệ thuật múa lân, nhưng dù sao thì cũng làm phố phường thêm vui trong không khí rộn ràng đón Xuân.


Hội Hoa Xuân năm nay với chủ đề con Rồng được thiết kế chủ yếu ở đường hoa Nguyễn Huệ và công viên Tao Ðàn.







Cầu xin đầu năm tại Lăng Ông tức Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Công viên Tao Ðàn như mọi năm có triển lãm một khu toàn hoa lan của Ðài Loan, nhưng người thưởng ngoạn chú ý nhiều nhất tới khu trưng bày những giống cây quý hiếm của Việt Nam, như cây Phong lá đỏ, giống thông 5 lá ở Ðà Lạt… Và đặc biệt tuy không phô trương và thiết kế cũng chưa thẩm mỹ lắm là “cột mốc” Trường Sa được kết bằng hoa với đầy đủ kinh độ, vĩ độ được giới trẻ quan tâm đứng chụp hình lưu niệm.


Ðường hoa Nguyễn Huệ năm nay, ngoài hình tượng con Rồng thiết kế khá thẩm mỹ, thì còn có khu vực đường sách với hơn một ngàn đầu sách được giảm giá. Có những cuốn sách mới như cuộc đời của Steve Jobs của tác giả Walter Isaacson. Ðặc biệt trong khu vực đường sách có những “bức tường” giả được dựng lên trên đó là những bức hình Sài Gòn xưa được phóng to cho mọi người thưởng lãm.


Nét mới của đường hoa Nguyễn Huệ là ngoài hoa và sách thì còn có bán những món đồ lưu niệm dân gian lâu nay ít thấy như người nặn bán con tò-he hay người xếp bán hình con bồ cào (châu chấu) bằng lá dừa, rồi còn có một quầy bán đồ thổ cẩm ngay bên hè đường với một người dân tộc ngồi dệt vải bên khung cửi. Ngoài ra thì còn có quầy viết thư pháp và họa sĩ hè phố vẽ ký họa chân dung ngay cho những người đi vui Xuân trên đường hoa.








Một quán bán các tấm thư pháp của các nghệ sĩ trẻ vào dịp Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Du Xuân những ngày đầu năm ở Sài Gòn không thể không nhắc tới cảnh người dân đi viếng chùa, xin lộc, xin xăm trong những ngày đầu năm mới.


Nếu như đêm giao thừa và sáng mùng một trong những thời khắc thiêng liêng, trang nghiêm của đất trời giao hòa, người đi lễ chùa rất đông, khói nhang nghi ngút nhưng lại rất trật tự trong cái trầm lắng của cõi sâu tâm linh. Thì ba ngày Tết còn lại đi chùa là để thưởng ngoạn, tâm thái rất thong dong, thắp một nén nhang dâng lên trời Xuân để nghe niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa…


Người đi lễ chùa đầu năm để cầu tài, cầu lợi thường đi lễ chùa Bà, vừa cầu xin vừa vui Xuân với những ngôi chùa nổi tiếng như chùa bà Châu Ðốc, chùa bà Bình Dương, chùa bà Nhà Bè… và lẽ dĩ nhiên ngay tại Chợ Lớn cũng có một ngôi chùa Bà. Ðặc điểm của chùa Bà người Hoa là bao giờ gần đó cũng có một ngôi chùa Ông thờ Quan Công (Quan Vân Trường), người nổi tiếng với tấm lòng cương trực, tiết tháo trong lịch sử Trung Hoa. Chùa Ông thường lớn, khang trang, thoáng mát nhưng người tới viếng lại không đông như bên chùa Bà, có lẽ vì sinh thời Quan Công cũng không ưa gì bọn xu nịnh, hối lộ, xu thời.


Người đi lễ chùa là Phật tử “thuần thành” thường tới viếng những ngôi chùa thờ Phật để dâng hương và nguyện cầu cho tâm, thân trong một năm mới được lành, mạnh. Nhiều gia đình trong dịp đầu năm mới cũng thường hay tới viếng những ngôi chùa mà nơi đó có gởi tro cốt của thân nhân, ngoài phần dâng hương lên đức Phật, thắp nhang cho vong linh của người thân, họ cũng thường gởi lại cho chùa năm ba trăm ngàn để nhờ chùa cúng cầu siêu cho thân nhân của họ.


Riêng với những người đã không mấy còn ham hố chuyện lợi, danh mà cũng không phải là Phật tử thuần thành, ít nhiều chỉ quan tâm tới tổ tiên những bậc tiền hiền có công dựng nước và giữ nước thì ở Sài Gòn người ta thường đi lễ Lăng Ông ở Bà Chiểu, nơi có mộ, bia của Tả Quân Lê Văn Duyệt, người có công lớn với đất Gia Ðịnh và miền Nam xưa.


Có lẽ, nếu cho rằng du Xuân những ngày đầu năm ở Sài Gòn chỉ là để người xem người hay người xem hoa thì có lẽ vẫn đúng nhưng mà chưa đủ. Cũng như nếu chỉ thấy Sài Gòn là một thành phố trẻ trung, năng động và hiện đại thì cũng chưa đủ vì đây còn là một thành phố truyền thống của Á Ðông, nó mang trong lòng của nó những thăng trầm và những “vết sâu” của lịch sử, một mặt nó lặng lẽ lưu giữ những truyền thống quý báu xưa như lòng hào hiệp, mến khách mặt khác nó vẫn cập nhật và hội nhập hàng ngày cuộc sống của thế giới đương đại. Có lẽ một ngày nào đó, Sài Gòn sẽ như con Rồng thức dậy khỏi những tro tàn của lịch sử để nhắc cho thế giới nhớ rằng Sài Gòn đã từng là Hòn Ngọc Viễn Ðông sánh vai cùng với Ðông Kinh và Thượng Hải…

MỚI CẬP NHẬT