Thursday, April 18, 2024

Những người trẻ mê kỷ vật Sài Gòn

 


Trần Tiến Dũng/Người Việt


 


Ði qua một vòng các chợ đồ cũ như Lê Công Kiều, Âu Cơ, Nguyễn Oanh… Bạn có thể thấy phần đông người đi săn đồ hôm nay là người sinh sau biến cố 1975. Tất nhiên họ luôn xuýt xoa vì với không nổi giá tiền của cái máy hát dĩa, đồ gốm hay đồ gỗ, nhưng họ sẽ khó bỏ qua nếu thấy những bản nhạc, tem cũ, tiền xưa…










Một quán cà phê sáng rõ với vẻ đẹp Sài Gòn qua hình ảnh chiếc vespa cũ. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Nhạc sĩ TK có một cậu học trò mê sưu tầm những bản nhạc xuất bản trước năm 1975. Cậu ấy mê từ lúc 18 tuổi và trong 10 năm cậu đã có cho riêng mình bộ sưu tập quí hiếm. Khi được hỏi là cậu tính làm gì với những kỷ vật một thời bị chế độ chụp mũ là sản phẩm văn hóa đồi trụy đó, cậu cho biết. “Dù trả giá cao, một bản cháu cũng không bán, cháu mơ một ngày nào đó mở một cái quán cà phê nhỏ để trưng bày.” Cũng trong tinh thần ấy, một người trẻ khác lại mê sưu tập những máy ảnh cũ, nhưng điều lạ là anh tha thiết muốn chia sẻ với mọi người. Anh nói: Tôi mua cái tủ kiếng, mang đến quán B để mọi người cùng ngắm. Gợi cho bạn bè một chút kỷ niệm xưa cũng là cách để cùng giữ lại tâm hồn Sài Gòn của mình.”


Nếu có người hỏi rằng, ai đó không thích mua lại những kỷ vật chiến tranh của thời VNCH thì họ có gì để tạo dựng lại không gian Sài Gòn xưa. Tất nhiên là tùy theo sở thích và đam mê, nhưng một điều chắc chắn là tất cả những gì thuộc về văn hóa của Sài Gòn còn tồn tại được đến hôm nay đều trở nên quí giá.


Một ngày khác, một cô gái trẻ điện thoại hỏi chúng tôi rằng “Chú ơi, chỗ nào bán những kỷ vật Sài Gòn xưa chỉ cho cháu, cháu có người bạn Nhật, muốn mua về bên Nhật để trang trí trong nhà và cái quán cà phê của ổng.” Khoảng vài giờ sau cô gái trẻ này gọi lại cho biết là người bạn Nhật của cô đã mua được một số bản nhạc, đĩa hát xuất bản trước 1975. Theo cô. Người bạn Nhật này rất vui khi tin rằng ông đã tìm thấy món hàng độc để tự hào với bạn bè và khách hàng.


Một nhà nghiên cứu về đồ gốm xưa cho biết. Chỉ riêng góc nhìn mỹ thuật và nhân văn của những kỷ vật Sài Gòn xưa thì có thể khẳng định cái đẹp hiện hữu trong từng món đồ xưa có văn hóa hơn hẳn. Từ nhận xét của ông, nhiều người nhận ra rằng những người trẻ tuổi yêu kỷ vật Sài Gòn trước tiên là yêu cái đẹp, tính nhân văn, giá trị văn hóa. Nếu một số bạn trẻ có trong tay một ít kỷ vật Sài Gòn và thấy mình có đẳng cấp hơn thì cũng không có gì quá đáng. Tạo mốt hay sống có bản sắc là một nhu cầu của tuổi trẻ và không ít người trẻ tuổi tin rằng chỉ những gì thuộc về Sài Gòn xưa mới đủ nền tảng giá trị để nâng họ lên tầm cao tự hào.


Cô gái mồ côi cha, sinh năm 1991, cô được mẹ đưa đi coi bộ sưu tập đồ gốm của một người quen. Lúc hai mẹ con ngắm nghía từng món đồ, người mẹ luôn nói. “Cái bình này, cái thố này cái chén này lúc trước ở nhà ông bà mình có.” Cô gái hỏi mẹ. “Sao bây giờ không còn”. Mẹ cô nói “Mấy năm khổ, chắc bán ve chai hết rồi”. Cô gái im lặng một lúc rồi nói. “Thứ dở hơi thì nhà trường dạy đến điếc cả tai. Sao không ai dạy hay chỉ cho con những cái này là đẹp.”










Một góc riêng trang trí với kỷ vật Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Trong một đêm hát với nhau ở quán cà phê PN trên đường Nguyễn Ðình Chiểu, một trong nhiều người khách hôm đó đã làm người trong quán rưng rưng khi ông ta nói: “Chúng ta đều là những người trung niên, ngồi với nhau ở không gian cô độc này, hát lại cho nhau nghe những bài nhạc xưa trong khi mọi thứ ở bên ngoài đã thay đổi, thay đổi đến mức hủy hoại tất cả những gì mà ký ức về Sài Gòn của chúng ta muốn bám víu.”


Khi đi trên các đường phố Sài Gòn hôm nay nhìn thấy những người trẻ tuổi chạy một chiếc xe Vespa, Honda 67… đó không chỉ là đơn thuần là sở thích đồ cổ mà họ còn thể hiện tinh thần tìm lại để kết nối với văn hóa hóa Sài Gòn. Tương tự như vậy trong một số quán cà phê ở khu trung tâm Sài Gòn, khi trưng bày những kỷ vật Sài Gòn đương nhiên là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người Sài Gòn.


Thay vì như nhiều người lớn tuổi hoặc trung niên thụ động hồi tưởng hoặc u hoài về các giá trị Sài Gòn, những người trẻ tuổi hôm nay không những muốn giữ gìn mà họ còn có ý thức làm sáng cái đẹp Sài Gòn xưa.

MỚI CẬP NHẬT