Tuesday, April 16, 2024

Nỗi lòng của một người ‘môi giới’ mua bán trẻ sơ sinh

 


Phi Khanh/Người Việt


 


QUẢNG NAM – Có thể nói, nếu xét về mặt chuyện kể, thì cũng như bao câu chuyện khác, từ một người đàn bà bán sữa đậu nành kiếm sống qua ngày, mỗi đêm về, xay đậu, ủ sữa, nấu sữa, rồi sáng ra, chừng ba giờ khuya, lại đến bệnh viện, mang thùng sữa đi dọc các hành lang phòng bệnh mà rao… Dường như quá đơn điệu!









Hành lang vào khoa Sản, nơi mà cô Thụy đã chứng kiến không biết bao nhiêu nhân tình thế thái. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


Nhưng câu chuyện của cô Thụy rất khác, nó chứa đựng cả nhân tình thế thái trong thùng sữa đậu nành cùng tiếng rao vừa buồn buồn, hiền hiền lại vừa dứt khoát, đôi khi dữ dội…


Ở bệnh viện Ðiện Bàn, Quảng Nam, nếu ai đã từng đến thăm bệnh, trực đêm hoặc từng nằm điều trị bệnh ở đây, chắc khó mà quên được hình ảnh cô Thụy với chiếc thùng giữ nhiệt màu đỏ gạch chứa đầy sữa đậu nành nóng và đôi mắt sáng, thông minh, hiền hậu giấu sau đôi kính cận, lúc nào cũng như cười với người đối diện.


Cô Thụy có một cuộc đời éo le, số phận hẩm hiu, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, tin yêu và mở rộng lòng với đời sống, chừng ấy cũng đã là chuyện hiếm hoi trên xứ sở tranh ăn tranh thua này.


Trong suốt mười ngày túc trực bên người thân, ở chốn bệnh viện chẳng có gì là không chán, chẳng có gì là không “ói tiền ra”, chỉ có cô Thụy để lại ấn tượng khá tốt, trở thành bạn bè của chúng tôi và cũng là người mà chúng tôi trò chuyện, chia sẻ nhiều nhất.


Kể về cái nghề và cuộc đời mình, cô Thụy cười hiền: “Cô vốn là một cô chiêu, con nhà tướng trước 1975, nói nôm na là danh gia vọng tộc, chỉ biết đi học và làm những việc lặt vặt trong nhà thôi, đùng một cái biến cố 30 tháng 4, vậy là cả nhà tan tác, cha cô buồn quá lâm bệnh chết sau 30 tháng 4 mười ngày, gia đình lâm vào túng quẫn, tài sản bị tịch biên hoàn toàn…”


“Sau đó, cô và người yêu quyết định sống chung với nhau, lễ cưới chỉ có hai bà mẹ hai bên và cô dâu chú rể, cô chú sống rất hạnh phúc, nhưng vì nhà quá nghèo nên cô chú quyết định chưa vội sinh con, mãi mười mấy năm sau mới sinh đứa đầu lòng. Nhưng sau đó chưa đầy mười năm, chú bị bệnh tai biến, nằm bán thân bất toại. Lúc này cô thấy cuộc đời toàn màu xám, gần như bế tắc, đôi khi muốn tự tử…”


“Thấy vậy, hàng xóm mới khuyên cô nên kiếm một công việc gì đó để sống qua ngày, nghe vậy mà cô chẳng biết làm gì, vì cô đâu có nghề gì, vậy là thử nấu sữa đậu nành qua bệnh viện bán. Không ngờ, thành nghề và gắn với nó tới giờ”.


Câu chuyện đời tư của cô Thụy có còn rất dài. Nhưng câu chuyện cô chứng kiến trong bệnh viện mỗi ngày và tự làm người dắt mối mua bán trẻ sơ sinh còn dài hơn.


 


Nỗi lòng người dắt mối


 


Cô Thụy kể: “Chuyện dắt mối bắt đầu cách đây bảy năm, lúc đó có hai vợ chồng người bán vé số dắt nhau ra bệnh viện đẻ con, nhưng khi đẻ xong, bà vợ rao bán đứa bé với giá 300 ngàn đồng, cả ngày không thấy ai mua, họ hạ xuống còn 200 ngàn đồng. Vậy là có người đến trả giá 150 ngàn đồng để mua, ông chồng lắc đầu bảo nếu rẻ quá thì mang ra Ðà Nẵng bán sẽ có nhiều tiền hơn…”


“Cô chứng kiến đứa bé bị chuyền từ tay này qua tay nọ trả giá như một món hàng, ứa nước mắt, cô bảo họ thôi để cho cô mua hai trăm ngàn, nhưng với điều kiện là họ phải ở lại bệnh viện cho nó bú thêm hai ngày nữa, mọi chi phí cô lo, họ đồng ý”.


Nói đến đây, cô bùi ngùi, dụi nước mắt một lúc.


“Con thử nghĩ, nhà còn hai đứa con nhỏ ăn học, ông chồng nằm liệt giường, giờ mình đem đứa nhỏ về cho mà chết đói cả nhà à, lúc này, cô vừa lo họ mang đứa bé đi bán tháo tội nghiệp, mà cũng lo không biết lấy gì để nuôi, cô chạy ra nhà người bạn học cũ, họ giàu có, nói thật tình cảnh đứa bé và lạy họ vào nhận nó về, cứu lấy nó. Vậy là họ vào, cho hai vợ chồng này hai triệu đồng và mang đứa bé về, giờ nó đã được hơn 6 ruổi, đang học mẫu giáo lớn…”


“Mới đây, cô kết nối với một loạt các nhà giàu mà không có con nối dõi, hoặc nhà khá giả cũng được, thật ra nói là kết nối, nhưng cô chỉ lấy danh sách của họ và để sẵn đó, khi nào có người đẻ mà không nuôi nổi, muốn bán con, cô chạy đến gõ cửa mấy nhà kia… Nhưng khó nhất vẫn là vụ sắp phá thai. Cô đã từng thuyết phục cả chục đứa con gái sắp phá thai từ bỏ ý định và giữ lại con…”


“Cái lợi thế của mấy đứa muốn phá thai thường là trẻ, đẹp và thông minh nhưng lỡ sa ngã, nên mình khéo kết nối, những ông bố, bà mẹ nuôi tương lai sẽ đến thương lượng để nuôi bào thai, đợi ngày sinh nở… Nhưng cũng nghiệt ngã vì nhiều đứa lúc bốc đồng thì toan phá bỏ, nhưng khi đứa bé ra đời, nhìn mặt con, bản năng làm mẹ nổi dậy, không muốn từ bỏ con, vậy là rắc rối to”.


Cuộc đời bán sữa và giới thiệu mua, bán con của cô Thụy trải qua không biết bao nhiêu trường hợp giữ thai đợi con. Nhưng éo le nhất vẫn là câu chuyện cô kể: “Có lần, một cô bé sinh viên sau khi sinh được đứa con trai bỗng kêu gào thảm thiết vì nghĩ đến giây phút xa con, cô quyết định không rời xa con, điều này hoàn toàn hợp lẽ tự nhiên và hợp pháp, trong khi cha mẹ nuôi đã bỏ ra hàng núi tiền dưỡng thai và không có mảnh giấy hợp đồng nào cả, chỉ dựa trên niềm tin…”


“Mình thì cả đời làm môi giới mua bán trẻ sơ sinh, mà có nhận đồng cắc nào đâu, làm vì sợ những đứa bé bị ném ra đường, làm vì thương cảm, nghĩ nó cũng như con mình, nguyên tắc của mình là làm không bao giờ lấy đồng bạc nào, khi nào trái tim ngưng yêu thương con nít thì mình tự nghỉ hưu, không ai bắt buộc được mình cả… Nhưng vụ này thì căng, vì tiền của nhà cha mẹ nuôi chi không phải ít. Vậy là mình chỉ còn một nước duy nhất, tự nhận sai trái và… khóc!”


Cuối cùng, mình hứa sẽ thay cho con bé mà đền số tiền nó đã lấy dưỡng thai, cũng may sao, khi hai người cha mẹ nuôi đến nhà mình chơi, nhìn tình cảnh mình, rồi xét lại quá trình trao tiền cho con bé, mình chưa bao giờ cầm đồng bạc nào của họ, và cũng không yêu cầu gì về tiền bạc ở họ, vậy là họ bỏ qua, vẫn để con bé nuôi con, nhưng vẫn xác nhận đứa bé là con nuôi của họ… Câu chuyện này ban đầu gay cấn nhưng kết thúc có hậu”.


 


Mỉm cười và yêu thương…


 


Kể xong, cô Thụy mỉm cười, gật đầu tạm biệt chúng tôi và không quên nói với lại: “Nè, tên Thụy là biệt danh của cô đó, tên thật của cô thì khác kia, khi nào có dịp đến nhà cô chơi, cứ ra bệnh viện gặp, cô dắt về nhà, nghe chồng cô gọi là biết à!” Nói xong, nở một nụ cười rồi đi.


Chúng tôi nhìn theo chiếc bóng hơi nghiêng vì thùng sữa đậu nành kéo lệch về một phía. Tự dưng, cái dáng của cô làm liên tưởng đến thân phận con người – một hữu thể bị giằng co giữa khát khao thánh thiện và cơm áo tục lụy, giữa bao la đời sống trắc ẩn khôn nguôi và nhỏ nhoi đời tư một góc khuất ước vọng vào lãng quên… Cứ vậy, tiếng rao của cô khảm vào những bức tường vôi bệnh viện, khảm vào cuộc đời.

MỚI CẬP NHẬT