Tuesday, April 23, 2024

Quán Givral ở Sài Gòn nay đã khác

Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


Quán Givral có mặt tại Sài Gòn từ năm 1950, là một trong những quán điển hình của thành phố được gọi là Hòn Ngọc Viễn Ðông một thời. Quán Givral tọa lạc cùng một phía trên đường Tự Do (nay là Ðồng Khởi) với quán La Pagode và quán Brodard; cả 3 quán này đều là nhà hàng nổi tiếng của Sài Gòn.









Quán Givral hiện nay. (Hình:Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Ngay sau 30 Tháng Tư, 1975, không còn quán La Pagode nữa; quán Brodard mới ngưng hoạt động gần một năm qua; và quán Givral cũng không còn hoạt động từ khi khu tứ giác Eden bị phá bỏ cách đây hai năm.


Khoảng một, hai tháng qua, khu tứ giác Eden bị phá bỏ để xây dựng mới, đã hoàn tất và đi vào hoạt động, trong đó có quán Givral.


Toàn thể khu tứ giác này, nằm giữa 4 con đường Ðồng Khởi-Lê Thánh Tôn-Nguyễn Huệ-Lê Lợi, mặc nhiên không còn gọi là khu tứ giác Eden nữa; đồng thời xóa sạch dấu vết Passages Eden (Hành Lang Eden) của Sài Gòn trước đây. Khu tứ giác mới này là một trong những công trình xây dựng-kinh doanh địa ốc của tập đoàn Vincom, được xem là tập đoàn có thế lực vào bậc nhất ở Việt Nam hiện nay.


Khu vực do tập đoàn Vincom kinh doanh này có giá đất là 8 ngàn USD/m2. Quán Givral vẫn đặt tại địa điểm cũ của khu tứ giác Eden, ở góc đường Ðồng Khởi-Lê Lợi. Mái xây hình vòm cung xinh đẹp, độc nhất vô nhị ở Sài Gòn trước đây; nay được thay thế bằng vật liệu nhẹ như một thứ nhựa tổng hợp. Nhìn vào quán Givral bây giờ, chỉ thấy đây là một nơi chốn xa hoa, vương giả; không còn là quán Givral xinh đẹp mà giản dị, và mang vẻ đón chào thân mật đầm ấm như trước nữa.







Nhà hàng-khách sạn Continental, đối diện với quán Givral. (Hình:Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Chúng tôi còn nhớ rõ rệt cảm tưởng thân mật khi vào quán Givral trước đây; đặc biệt trước 30 Tháng Tư, đa số khách vào quán Givral thường xuyên thuộc giới báo chí trong và ngoài nước.


Giới văn nghệ thì ngồi quán La Pagode, ở đầu kia (góc đường Tự Do-Lê Thánh Tôn) của khu tứ giác Eden. Quán Givral lúc đó, chỗ ngồi điểm tâm và uống cà phê nhìn ra đường Tự Do, qua lớp kính; cửa hàng bánh trái của Givral ở phía đại lộ Lê Lợi. Bàn ghế đơn giản, sắp xếp thuận tiện cho khách thưởng thức cà phê, trò chuyện cùng bằng hữu.


Quán Givral hoạt động trở lại; tuy nhiên chúng tôi có cảm giác rõ rệt đây là quán Givral khác, không phải quán Givral trước đây. Bàn ghế kiểu dáng cầu kỳ, kênh kiệu, tạo thế ngồi xa cách. Nhìn vào quán Givral hiện nay, cảm tưởng đây là nơi dành riêng cho những kẻ lắm tiền nhiều bạc; ngồi uống cà phê để mưu tính làm sao có được nhiều tiền lắm bạc hơn!


Khu tứ giác hiện nay khác hẳn khu tứ giác Eden. Một tòa nhà đồ sộ cao tầng, nguy nga tráng lệ, kinh doanh ăn uống và các loại mặt hàng cao cấp, xa xỉ thời trang; đồng thời xóa bỏ hẳn những lối hành lang. Bất cứ ai là dân Sài Gòn, hẳn đều tiếc nuối những lối hành lang trước đây, với trung tâm điểm là rạp chiếu phim Eden. Khu tứ giác hiện nay giống như cái túi kín bưng, đi lại dong dạo cũng chỉ trong cái túi ấy mà thôi.


Khu tứ giác Eden trước đây có hành lang Eden, đi dong dạo – trước gọi là “bát phố” – thật lý tưởng, với nhiều lối vào hành lang ở tứ phía. Nhiều bạn của chúng tôi cùng nói lên ý nghĩ: Ngay trung tâm thành phố lớn là Sài Gòn, có một khu tứ giác Eden với những lối hành lang và các cửa hàng thiết kế đơn giản bình dị, là một bất ngờ lý thú.


Nhớ tới Passages Eden thuở trước, chúng tôi còn nhớ như mới hôm qua, cửa hàng mang tên Bookshop của một Ấn kiều: Không cuốn sách vừa xuất bản nào tại Hoa Kỳ, dạng paperback giá rẻ, lại không có bày trong Bookshop. Muốn mua sách ngoại văn dạng coverback đắt tiền hơn, thì có nhà sách rộng lớn ngay trong khu tứ giác Eden, cửa mở ra đường Tự Do: Nhà sách Albert Portail – tên Việt là nhà sách Xuân Thu; khách hàng có thể đặt mua sách ngoại văn phát hành ở bản xứ, theo đường tàu thủy hay đường hàng không.


Chúng tôi đã nhìn ngắm khắp các tầng kinh doanh của khu tứ giác hiện nay, thấy toàn là sản phẩm hàng hóa của nền văn minh hiện đại; và hoàn toàn vật chất, thiếu hẳn cái chất của tinh thần.


Quán Givral hoạt động trở lại, cũng không khác nó chẳng còn hoạt động nữa; quán ấy, bây giờ không dành cho chúng tôi nữa. Nhìn sang phía bên kia đường Ðồng Khởi, chúng tôi lại tiếc nuối một nơi uống cà phê thú vị: Nhà hàng – khách sạn Continental. Ít lâu sau 30 Tháng Tư, cái thềm cao, thoáng đãng của khách sạn Continental cổ kính và sang trọng bị sửa đổi; khoảng trống ở mặt tiền đã bị che chắn bằng khung cửa kính, khách ngồi uống cà phê không thấy thoải mái như trước. Thảng hoặc, khi các bàn trong quán đã chật khách, nhà hàng mới mang vài bộ bàn ghế gọn nhẹ bày trên hè đường, phía ngoài khách sạn.


Continental hôm nay hoàn toàn mang tính thực dụng, chủ yếu tổ chức tiệc tùng, đám cưới có nhiều lợi nhuận. Còn đâu gian bày những tác phẩm hội họa của họa sĩ Thái Tuấn, mang tên Dolce Vita, như thuở trước? Còn đâu những văn nhân, ký giả, ngồi bên ly rượu, trên thềm cao của nhà hàng – khách sạn Continental, để ngó suốt con đường Tự Do trước mặt, con đường chạy thẳng tới bến Bạch Ðằng…

MỚI CẬP NHẬT