Thursday, March 28, 2024

Quán cơm Bà Cả Ðọi

 


Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt


Một quán cơm bình dân bình thường như mọi quán cơm khác đang hiện diện giữa Sài Gòn. Nhưng Quán Cơm Bà Cả lại hoàn toàn khác trong ký ức của những người Việt xa quê, vì nó như là một biểu trưng ẩm thực cho một thế kỷ đau thương của dân tộc vì nó có quá nhiều kỷ niệm đối với những con người.

Từ một anh xích lô ba gác đến một anh sinh viên nghèo. Một thương gia hay một quan chức, một tay Việt Cộng hay một người Quốc Gia, tất cả hình như đều đã đi qua Quán Cơm Bà Cả của những tháng ngày đói cơm thiếu áo giữa Sài Gòn hoa lệ.

Không ai biết đích xác Quán Cơm Bà cả xuất hiện từ khi nào lúc nào giữa Sài Gòn, người ta chỉ biết Bà là một người đàn bà gốc Bắc di cư vào Nam trên những chiếc tàu “há mồm” 1954.









Hẻm vào quán cơm Bà Cả Ðọi cũ. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Rằng nguyên gia đình chạy trốn vào Nam chỉ với một mớ chén đọi – Có người gọi là Bà Cả “Ðoại” -Dân Sài Gòn thường hay gọi gọn là Bà Cả “Ðọi” là vậy – và từ mớ chén đọi đó Bà Cả đã tạo nên một Quán Cơm tên là Bà Cả cho đến tận bây giờ.

Vào khoảng thập niên 60/70 của thế kỷ 20. Quán cơm Bà Cả tọa lạc trong một con hẻm nhỏ ngay khu phố trung tâm trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, Sài Gòn nằm gần thương xá Tax. Quán lúc nào cũng đông khách đủ mọi thành phần Công Nông Sinh Binh, quán ngự trên một căn gác nhỏ có một bộ phản lim [nghe đâu cũng được Bà Cả mang từ quê vào] khách đến cứ việc phủi chưn leo lên ngồi như ăn giỗ.

Bà Cả Ðọi xưa kia nghe nói cũng là một người phụ nữ đẹp mang phong cách đồng bằng Bắc bộ vậy nên khi vào Nam bà cũng mang theo cả một nghệ thuật nấu nướng rất Bắc, nhưng khi vào Nam bà đã khéo léo biết chế biến thức ăn sao cho mặn mà dân dã phù hợp với khẩu vị ba miền.

Những ai xa quê muốn có một chút vừa miệng mắm muối của quê nhà thì hãy đến Bà Cả, nơi đây không thiếu một món gì từ dưa cải cà pháo mắm tôm cho đến món cà dú dê nướng tụt lưỡi dằm mắm ớt tỏi thơm lừng.

Ở đây bạn sẽ không bao giờ phàn nàn về sự ngon miệng khi gọi món – thức ăn luôn luôn được hâm nóng – bốc khói ngay trong tủ được chưng ngay lối ra vào quán, nhìn rất bắt và sẽ cồn cào thèm ứa nước miếng khi đang đói, vì nó như một cái bếp chợ đủ thứ món cần thiết một bếp ăn sang trọng của gia đình, sẽ không thiếu một thứ gì từ trái ớt tươi cho đến chén mắm mặn dùng để chấm thịt luộc, canh rau đay mướp nấu riêu cho đến món cá lăng kho tiêu, cá rô kho tộ, cá lóc kho rim, thịt kho hột vit, thịt quay, lòng xào, heo giả cầy, mực dồn thịt… Ở đây bạn sẽ không phải lo gì về giá cả vì nó rất ư “bình dân.”

Nghe đâu thời trước 75, quán cơm Bà Cả là nơi được sinh viên miền Trung ký nợ nhiều nhất, vì chiến tranh nên mỗi lần “chuyển ngân” tiền là một lần khó nên Bà Cả thường hay cho “thiếu” cho đến khi nhận được tiền nhà rồi sẽ thanh toán một lúc.

Chính nhờ vậy nên nhiều người đã bơi qua và cập bờ danh lợi trên những đoạn đường gian khổ, là nhờ vào Quán Cơm Bà Cả, vì cái ơn nghĩa hữu hình đó nên khi đã công thành danh toại họ vẫn không bao giờ quên được nơi này.

Không quên vì họ xem bà Cả như một người mẹ người chị nơi đất khách quê người, và hơn nữa nơi đây đã làm cho họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà vì những món ăn bình thường đó dường như không bao giờ vắng bóng thường ngày trong quán cơm Bà Cả với những ngày ăn học mưu sinh cực nhọc…

Cả một thế hệ di cư từ Bắc vào Nam, rồi lại tản cư-di cư, vượt biên từ miền Nam qua Mỹ để chạy thoát khỏi ách “giải phóng” của Việt Cộng, Nên khi đã thành đạt trên xứ người khi trở về họ vẫn không quên đưa cả gia đình anh em bè bạn đến quán Bà Cả để dùng cơm để gợi nhớ lại những kỷ niệm nghèo khó đã qua – cho dù đã trải qua một chặng đường dài…

Quán Bà Cả từ sau khi mấy ông cách mạng tiếp quản Sài Gòn cũng đã thay đổi nhiều hơn, hình như xã hôi càng khó khăn nghèo khổ chừng nào thì Bà Cả càng có điều kiện để tồn tại, vì không ai có thể nhịn cơm để có thể sống và làm việc nên Bà Cả đã mở ra thêm hai chi nhánh nữa sau khi cái quán xập xệ ở Nguyễn Huệ bị đóng cửa vì không thể cáng đáng nỗi số lượng khách mỗi ngày một tăng lên theo bức tranh lạm phát sụt giảm không phanh của nền kinh tế định hướng theo “thị trường XHCN” của nhà nước cộng sản.

Tôi gặp Bà Cả vào một buổi chiều khi cơn mưa ập xuống trong một quán cơm ở số 11 đường Tôn Thất Thiệp Q1, quán tên Ðồng Nhân, Bà Cả bây giờ đã trên 85 tuổi, nhưng vẫn không thể bao giờ quên những dâu bể đã trôi qua đời mình.

Không ai có thể ngờ rằng bà là chứng nhân của những cuộc binh biến thay đổi của hai miền đất nước, và những người khách năm xưa ăn cơm của bà cũng không bao giờ quên được cái quán tên Bà Cả “Ðoại” này.


Quán Bà Cả bây giờ đã mang thêm một cái tên mới nữa là Ðồng Nhân do con dâu cháu rể của bà thừa hành quản lý, quán thứ 2 nằm ngay ngã tư Lê Thánh Tôn-Trương Ðịnh, Q.1, trong một tòa nhà ba tầng bề thề – Chỉ có một chút thay đổi lớn vậy thôi, nhưng cơm canh thì vẫn vậy không khác đi chút nào về chất lượng, điều này cũng nói lên cái tình của quán Bà Cả đối với thực khách khi giá cả vẫn luôn luôn ‘bình dân” cho mọi thành phần.

Phương thức nấu nướng kinh doanh của Bà Cả vẫn là tươi ngon bổ rẻ được thu mua từ những nguồn thực phẩm xanh sạch được tuyển từ các chợ đầu mối, từ tờ mờ sáng và được chế biến vệ sinh nghiêm mật dưới sự trông coi kiểm tra kỹ lưỡng của chính con cháu bà, vây nên đã đến ăn một lần ở quán Bà Cả là “ghiền” không thể bỏ được, vì nhiều lý do.









Quán Ðồng Nhân ở đường Tôn Thất Thiệp của con gái bà Cả. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Thứ nhất là hợp khẩu vị, vừa túi tiền, một phần ăn hiện thời với đầy đủ canh cơm món mặn kho và cà pháo mắm tôm hay thêm đồ xào chỉ với 50 ngàn là quá ngon và no kềnh. với một gia đình thì càng khỏe càng rẻ hơn – vì sẽ đi chợ được nhiều món nên sẽ dùng cho được nhiều người – vì không cần phải nấu nướng mà vẫn có một bữa ăn ngon gia đình, hoặc đãi khách phương xa, khách nước ngoài khi muốn thưởng thức cơm Việt Nam thì không cần phải đi đâu xa tính toán nhiều, tốt nhất vẫn là kéo nhau ra quán Bà Cả, ở đây có đủ mà không lo gì, bảo đảm ngon rẻ sạch, Nhưng các anh sinh viên thì nên nhớ con cháu Bà Cả bây giờ không dám bán “thiếu” cho ai nữa nhé, vì bán rồi thì không biết đòi nợ ở đâu vì bây giờ không như ngày xưa nữa rồi…

Sài Gòn bây giờ có thêm một một loại khách tha hương mới là người Bắc cách mạng sau 75 cũng “vãng lai” vào đây làm việc giang hồ sinh sống và quán cơm Bà Cả là nơi lý tưởng để họ đến ăn uống để thể hiện đẳng cấp của những kẻ nhà giàu mới nổi lên nhờ… buôn lậu và tham nhũng, trong mắt những người Sài Gòn thì những kẻ này chỉ là những kẻ lục lâm thảo khấu nhưng lại ăn uống đối xử với nhau thì rất tàn bạo vô lương, theo Bà Cả thì thời nào có khách ấy, nó thể hiện một nền văn hóa bần cùng khác, nó tương xứng với cái chế độ đã sản sinh ra họ – và bà vẫn quí những người khách xưa những người chăm làm ham học xưa vẫn không bao giờ quên tên Bà Cả.

Bà rất cảm động với những người khách phương xa đã ly tán lâu rồi sau năm 75 khi trở về vẫn nhớ đến bà và những món ăn xưa.

Tuy đã già không còn trực tiếp buôn bán nữa nhưng con cháu của bà vẫn trung thành với những di sản ẩm thực mà bà bà đang để lại, bằng chứng là những món ăn vẫn không thay đổi gì trong quá trình nấu nướng, khách đến vẫn như còn nếm được hương vị đậm đà ngày xưa, chỉ khác bây giờ người ta ăn nhiều hơn, gọi được nhiều món hơn, quán có không gian thoáng đãng mát mẻ sạch sẽ rộng đẹp hơn xưa.

Với hai cơ ngơi bề thế tọa lạc ngay trung tâm Q1, Sài Gòn, đã nói lên sự thành đạt – từ một quán cơm bình dân – của một người đàn bà phải trốn chạy sự hà khắc bạo tàn của chế độ miền Bắc. Quán cơm Bà Cả vẫn là một thương hiệu không bao giờ hao mòn cho dù nó đã được đổi tên khác, nhưng khách xưa đến vẫn quen mồm thân yêu gọi là Quán Cơm Bà Cả, và quả thật tôi vẫn thấy tên bà ngay trong tấm hình được chụp này, một đời người đã trôi qua với những cuộc di cư không bao giờ ngừng nghĩ cùng với thịnh suy của một dân tộc. Với những ai đã từng ăn cơm nơi này thì Bà Cả vẫn là một biểu tượng “ẩm thực gia đình” cho những ai đang tha hương tin rằng, không ai có thể “giải phóng” được những kỷ niệm, không ai có thể chống lại được sự quay về của những con người đã phải bị bức tử ra đi, không ai có thể thay đổi được cái khẩu vị muôn năm ẩm thực người Việt vẫn đang kêu gào từng ngày trên từng mâm bát.

Quán Cơm Bà Cả Ðọi, như một người bạn thành đạt của tôi từ Mỹ trở về và đến thăm lại đã phải thốt lên rằng, đôi khi cuộc sống đô thị hiện đại văn minh đã làm cho chúng ta lãng quên những gì là quốc hồn quốc túy nhất, thì nơi đây.

Quán Cơm Bà Cả vẫn còn lưu giữ lại không sót một thứ gì trong cái bếp nhà mà người Mẹ quê xa xưa rồi đã nuối nấng chúng ta thành người khôn lớn, để rồi sau bao năm bôn ba mỏi mệt trên xứ người, bây giờ giữa Sài Gòn qua Quán Cơm Bà Cả Ðọi này,vẫn còn sờ sờ ra đó với nồng cay mặn ngọt của những món ăn không bao giờ khác đi trong nỗi nhớ quê của từng mỗi con người…

MỚI CẬP NHẬT