Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn và ăn sáng kiểu ‘To go’



Văn Lang/Người Việt


 


Một bác lớn tuổi, chạy xe Honda ôm ở Sài Gòn mà chúng tôi quen, thường hay cười ngất mỗi khi nghe hỏi thăm, mà rằng: “Dân Việt Nam mình tuy nghèo tiền, nghèo bạc, nhưng ai cũng là ‘tỉ phú’ về thời gian hết đó!”










Xếp hàng chờ mua bánh mì “togo” tại khu Trung Sơn-Bình Chánh.


Tìm hiểu kỹ chúng tôi mới thấy đúng vậy mà lại không… phải vậy!


Sài Gòn ngày càng đông đúc, công việc ngày càng khó khăn, kẹt xe gần như trở thành vấn nạn thường trực chưa có lời giải. Vậy thì, gia đình nào sáng phải đưa một hoặc hai đứa con đi học, rồi chạy tới chỗ làm thì quả là phải “vắt giò lên cổ” mà chạy còn không kịp, có đâu mà dư thời gian?


Ðể kịp thời gian vội vàng buổi sáng, dân lao động ở Sài Gòn không có cách nào khác hơn là đành phải ăn sáng kiểu “to go,” giã từ những sáng hủ tiếu tiệm, cà-phê tà tà…


Món “to go” từ xưa tới nay ở Sài Gòn là món bánh mì mà đám “dân chơi cầu ba cẳng” đặt cho “hỗn danh” là – cơm tay cầm, và món xôi…


Nhưng có lẽ người bán cũng nhận thấy xôi và bánh mì hoài người ta cũng ngán, nên đã nhanh chóng bổ sung cho thực đơn “to go” buổi sáng, nào là cơm chiên dương châu, hủ tiếu xào, bún thịt nướng,… tóm lại, cái gì vô hộp mà bà con chịu ăn là thành món “to go” tuốt luốt.


Xuất phát điểm của món cơm chiên “to go” buổi sáng lại là khu “cửa ngõ” của khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng. Ðó là, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đi ngược từ khu Bình Chánh ra, quẹo phải là đường vô khu công nghiệp Hiệp Phước, chạy thẳng qua đường là lọt vô khu Phú Mỹ Hưng.


Lúc đầu những chảo cơm chiên to đặt bên vệ đường vào buổi sáng tấp nập người, xe, khói, bụi có làm người đi làm sáng ngạc nhiên, nhưng rồi trước lạ sau quen, có người ghé mua người bán mới vô hộp, sau đắt hàng dần lên người bán vô hộp sẵn, công nhân ghé mua cứ người một hộp, hai hộp, chỉ loáng một cái buổi sáng là hết.


Lúc trước, cơm hộp chiên bán có 5 ngàn đồng một hộp, giá này thì quá rẻ, nhưng sau này kinh tế khó khăn thì cơm hộp chiên bây giờ đã có giá là 10 ngàn đồng.


Những người lao động, nhất là mấy anh thợ hồ quê ngoài Bắc rất thích ăn cơm hộp chiên, vì giá rẻ, sáng lại được ăn nóng, có anh còn nói với chúng tôi: “Ăn cơm này em nhớ mẹ em ở ngoài quê quá, hồi còn ở nhà, sáng nào mẹ em cũng dậy sớm rang cơm cho em ăn rồi em mới đi học. Bây giờ vào đây, đi làm theo mấy công trình xây dựng, lăn lóc, ăn bờ, ngủ bụi, đâu có còn được ăn cơm mẹ rang nữa.”


Bánh mì bình dân ở Sài Gòn, bây giờ rẻ nhất cũng phải 6 ngàn đồng một ổ “có người lái” tức có kẹp chút rau, thịt hoặc chút chả mà là loại chả pha toàn bột mì, trung bình thì 8 ngàn đồng một ổ.










Một quán bún thịt nướng “togo” ở đường Thống Nhất, quận Gò Vấp.


Nhưng biết được tâm lý ăn sáng kiểu “to go” của dân làm việc văn phòng, một cơ sở bán bánh mì thịt tại quận 8 đã có “sáng kiến” là mỗi một ổ bánh mì “to go” kèm theo là tăm bọc trong bao giấy nhỏ và một khăn ướp lạnh thơm tho, loại dùng một lần rồi bỏ. Nhờ vậy buổi sáng tiệm bánh mì này bán rất chạy, mỗi điểm thuê từ 5 tới 6 nhân viên bán liền tay mà không kịp. Giá một ổ bánh mì kẹp thịt heo quay ở đây là 12 ngàn đồng một ổ.


“Cao cấp” hơn chút nữa thì có một tiệm tại ngay góc Ðinh Tiên Hoàng và Ðiện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ) với bảng hiệu “Coffee-Bread To Go” bánh mì và cà-phê mang đi đều nóng, tiện cho những người đi công việc hoặc du lịch theo nhóm ra các tỉnh miền Ðông, miền Trung…


Tại khu Xóm Mới-Gò Vấp, nơi quy tụ hầu hết là người Bắc gốc Công Giáo di cư, lại xuất hiện một quán bán món ăn “to go” kiểu miền Nam, nằm trên đường Thống Nhất, gần đại học tư thục Hồng Bàng bán món bún thịt nướng, với giá 13 ngàn đồng một hộp.


Cuối thập niên 70 và 80 ở Sài Gòn, tức thời điểm sau 1975, câu “cửa miệng” của dân Sài Gòn là “khoái ăn sang” để chỉ cái sự bực mình là “giải phóng” rồi thì sáng nào cũng phải ăn khoai. Nhưng hiện nay, khoai lang, khoai mì không thuộc nhóm “to go” mà là món ăn chơi của dân “sành điệu.” Vì hai thứ khoai này không còn bán tràn lan như trước kia nữa, muốn mua được cũng phải biết chỗ, biết giờ, biết giấc, rõ là “nghề ăn” cũng lắm công phu.


Còn như vô công viên thấy một tay vừa thong thả lột khoai, vừa đọc báo, vừa nhâm nhi ly cà-phê thì biết là tay này hoặc “triệu phú” thời gian, hoặc triệu phú tiền bạc, có khi cả hai, chứ đừng tưởng ăn khoai là dân nghèo!









Cơm chiên Dương Châu, bún, mì xào “to go” trước cửa ngõ khu công nghiệp Hiệp Phước, Sài Gòn.


Riêng cái món bắp luộc thì lại thuộc nhóm “to go” mà từ dân “lang bạt kỳ hồ”cho tới em nhân viên văn phòng đều khoái khẩu như… nhau.


Với những bác thợ hồ, thợ mộc lớn tuổi thì sáng có “nắm xôi,” cái bánh chưng con hay đòn bánh tét nhỏ, trước khi vô giờ làm “dằn bụng” một cái là “cày” tới trưa không thấy bụng “réo.” Bánh chưng, bánh tét thuộc loại “to go” có giá bình dân chỉ 5 ngàn đồng một cái, nhưng chỉ ở khu lao động nhập cư nhiều mới có bán, nơi sang như trong tiệm Như Lan quận 1 giá đắt hơn nhiều.


Sài Gòn “to go” cũng muôn mặt như tính cách người Sài Gòn – đa dạng và năng động. Ðúng là “có thực mới vực được đạo,” buổi sáng nếu không có “food to go” giá rẻ, tận tình phục vụ khắp hang cùng, ngõ hẻm thì dân lao động Sài Gòn đâu có sức “đi cày” mỗi ngày, nhất là thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

MỚI CẬP NHẬT