Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn và những tiệm ăn phải ‘xếp hàng’

Văn Lang/Người Việt


 


Sau 1975, giới trí thức ở Sài Gòn đã gọi “Xã Hội Chủ Nghĩa” của Cộng Sản là “Xếp Hàng Cả Ngày”, do những chữ viết tắt “XHCN” mà ra. Một phần cũng do thực tế hàng hóa quá khan hiếm, mua cái gì của mấy ông quốc doanh thì đều phải “xếp hàng cả ngày”, dù phẩm chất hàng hóa thời đó rất kém.







Quán bún mộc Thanh Mai, đầu đường Trương Ðịnh, quận 1, lúc nào cũng đông khách. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Sài Gòn ngày nay không còn sự “thống trị” của hàng hóa quốc doanh nữa, kinh tế thị trường giúp cho sự mua bán được dễ dàng, mau chóng, nhưng vẫn có “hiện tượng” phải xếp hàng chờ ăn, chờ mua… Ðiều này có được là do phẩm chất, uy tín của nơi bán hàng, và để có được “hiện tượng” xếp hàng trong bối cảnh kinh tế thị trường quả là không phải dễ.


Ðầu tiên có lẽ phải kể tới quán “Ngon” tại Sài Gòn, thời quán mới ra đời, lúc đó tại đường NKKN (Công Lý cũ), gần cổng Dinh Ðộc Lập, khách Tây, khách Ta, khách Việt kiều… đều phải xếp hàng ngay tại cổng chờ nhân viên phục vụ xếp bàn. Vì quán tuy khá rộng nhưng lượng khách quá đông nhất là vào những chiều cuối tuần…


Trong một lần xếp hàng chờ tới lượt như vậy, một thực khách Việt Nam có lẽ vì quá nóng ruột, hay do “quán tính” chen lấn di truyền lại từ thời bao cấp nên đã vội vã “vượt hàng”. Kết quả là bị một ông Tây già lớn tiếng “chửi”.


Trong số những người đang đứng xếp hàng bữa đó có cô N.H. đang là giáo sư chính trị tại Hoa Kỳ, cô N.H. đã lên tiếng “mắng” lại ông Tây già, đại ý là người ta không biết thì nói cho người ta hiểu, chứ sao lại đi “chửi” người ta như vậy?


Ở đây chúng tôi không có ý định bàn là xem ai đúng ai sai, mà đưa ra hiện tượng này để cho thấy là quán xếp hàng đông tới mức mà Tây cũng phải… “chửi thề”!


Hiện nay quán Ngon tại Sài Gòn đã “phân hóa” ra đời một quán mới lấy tên là “Quán Ăn Ngon” do chủ cơ sở tự “tách ra” vẫn nằm tại đường NKKN, còn chủ quán cũ thì dời quán về đường Pasteur và dĩ nhiên vẫn lấy tên cũ là “Ngon”, thực khách vẫn đông tuy không bằng ngày trước.








 


Tiệm bánh mì Huỳnh Hoa khách mua phải xếp hàng chờ tới lượt. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Quán Ngon lúc sau này cũng đã mở thêm chi nhánh tại thủ đô Nam Vang của Cambodia, làm ăn rất xôm tụ.


Một “thời vang bóng” về sự ngon và đông khách ở Sài Gòn phải kể tới khu bánh xèo Ðinh Công Tráng, gần chợ Tân Ðịnh. Luôn luôn có khách chờ, một người khách đứng lên thì đã có một khách khác vội vã ngồi xuống.


Theo dòng thời gian cho tới nay thì khu này tuy vẫn đông nhưng lượng khách cũng “loãng” dần, lý do vì có quá nhiều quán mới mở ra, không phân biệt được đâu là cũ đâu là mới. Hơn nữa khu này bây giờ không chỉ bán riêng bánh xèo mà bán đủ thứ, như có lần người quen rủ tới khu Ðinh Công Tráng nhưng lại không kêu bánh xèo mà kêu cá lóc nướng cuốn bánh tráng, rau sống, vì theo anh bạn Việt kiều này thì khu Ðinh Công Tráng bán cá lóc nướng là… “năm-bờ-oan”!


Một anh bạn là dịch giả, kể là có ông nhà thơ Việt kiều từ bên Pháp về rủ đi ăn quán bún mộc Thanh Mai, đầu đường Trương Ðịnh, xéo xéo phía bên hông chợ Bến Thành hay từ bên khách sạn New World đi qua cũng tiện. Ngon miệng anh chàng dịch giả cũng còn trẻ, sung sức “đá” luôn hai tô bún mộc loại to, buông đũa xuống còn khen “ngon quá!”


Ông nhà thơ Việt kiều thấy vậy mới lên tiếng “trách” là ở Sài Gòn mà không biết quán bún mộc này thì “tệ” quá! Nghe kể, hào hứng chúng tôi đi ăn thử, quả nhiên là ngon, “bí kíp” của quán cũng không có gì đặc biệt, nhưng món mắm tôm để thực khách thêm vô tô bún thì ngon tuyệt.


Chị của cô chủ quán cũng là người quản lý quán cho chúng tôi biết là món mắm tôm là “hàng đặt” được mối giao tận nơi, chứ không phải là thứ hàng “linh tinh”, “lang tang” đi mua ngoài chợ. Nếu bún mộc của quán này mà thiếu đi món mắm tôm thơm “chảy nước miếng” thì kể như sức hấp dẫn đã giảm đi mất 50%.


Quán Thanh Mai chỉ bán buổi sáng tới quá trưa một chút, chiều tối quán nghỉ bán. Sáng Thứ Bảy, Chủ Nhật đông không có chỗ gởi xe, Chủ Nhật trưa quán nghỉ sớm để quét dọn và rửa quán, sau một tuần phục vụ lượng khách đông đảo. Quán chưa đông tới mức phải chầu chực xếp hàng (trừ sáng Thứ Bảy và Chúa Nhật), ngày thường chờ bàn trống và ghế trống phải đợi một chút.


Buổi chiều muốn ăn bánh mì ngon cũng phải xếp hàng chờ, dù Sài Gòn có vô số tiệm và xe bánh mì. Tiệm bánh mì phải “chờ” này có tên là tiệm Huỳnh Hoa nằm trên đường Lê Thị Riêng (trước kia là đường Ngô Tùng Châu).


Thường quán bán từ 3 giờ rưỡi chiều cho tới 12 giờ đêm, nhưng cũng có khi tiệm bận hoặc vì lý do gì đó thì treo bảng thông báo là bắt đầu bán vào lúc 5 giờ chiều. Lần đó, khi chúng tôi tới tiệm đã hơn 4 giờ 30 chiều nhưng các nhân viên tiệm mới đang sửa soạn chứ chưa thấy bán buôn gì, đành phải chờ, hỏi thăm chừng nào mới bán thì cũng chẳng ai thèm trả lời, trả vốn gì.


Một ông khách Hàn Quốc chắc chờ lâu cũng nóng ruột, nên vừa ra dấu vừa nói với cô nhân viên của tiệm bánh mì: “Oan, oan…” ý chắc là muốn mua một ổ bánh mì, cô kia cự lại: “Oan oan cái con ‘khỉ’, thấy bao nhiêu người còn xếp hàng kia không?” Ông khách Hàn có lẽ không biết tiếng Việt, nhưng thấy thái độ và cử chỉ của cô nhân viên kia ông ta cũng chỉ biết đứng nhìn tiu nghỉu và… xụi lơ.


Quán cơm Việt Nam nổi tiếng và đông khách ở Sài Gòn là quán cơm M.Ð., nằm trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1.


Quán này không những có tiếng về món cá cơm kho (xuất khẩu), canh chua… mà còn nổi tiếng về “tiền sử” thích… đánh người.


Năm 2007, quán M.Ð. được báo chí Sài Gòn đưa tin sôi nổi khi nhóm nhân viên và em cháu chủ quán rượt đánh cặp vợ chồng ông tham tán đại sứ quán Việt Nam tại Cambodia, chạy có cờ, thoát lên được taxi thì bà vợ ngất xỉu vì bệnh tim.


Ðầu năm nay, một lần nữa quán M.Ð. lại được báo chí đưa lên bảng “phong thần” khi ba nhân viên bảo vệ của quán tay cầm dùi cui, tay cầm roi điện quất gục tại chỗ một thực khách là Việt kiều Hòa Lan, 62 tuổi. Chưa đã, họ còn gọi về công ty bảo vệ điều thêm một toán “dùi cui” nữa xuống hỗ trợ, khi người qua đường can ngăn thì toán hỗ trợ lăm lăm dùi cui và roi điện, thách thức: “Thằng nào ngon thì nhào vô!”


Tội nghiệp ông Việt kiều kia bị đánh gục lên, gục xuống ngất xỉu tới ba lần vẫn chưa được tha cho tới khi cảnh sát 113 xuống hiện trường thì toán bảo vệ kia mới chịu rút… Báo chí Sài Gòn gọi đích danh sự việc đây là một cuộc “truy sát” chứ không phải là một cuộc hành hung người thuần túy.


Khi báo chí chất vấn về vai trò của chủ quán đâu mà để nhân viên bảo vệ hành hung khách một cách dã man giữa thanh thiên bạch nhật như vậy? Thì được trả lời là lúc đó chủ quán bận đi công tác bên… Hoa Kỳ. Ô hô! Cứ tin là như vậy đi, nhưng quán còn người quản lý, còn các nhân viên phục vụ khác đâu? Chưa nói đến trách nhiệm, chỉ nói đến tình người thôi thì những quán như vậy có lẽ cũng không nên tồn tại.


Món ăn ngon, nhưng cung cách phục vụ chưa tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng của khách không được đảm bảo thì vai trò quản lý của nhà nước nằm ở đâu? Hay là hàng tháng chỉ biết xòe tay thu thuế của dân, rồi thì sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi?!

MỚI CẬP NHẬT