Tuesday, April 16, 2024

Tạp hóa bán rong




Duy Thức/Người Việt

Tôi gọi nôm na là cái giá móc đồ, chắc không đúng cho lắm, vì đấy là một tấm ván ép ngang dọc độ bảy, tám tấc.


Trên đó có chốt đinh để móc rất nhiều mặt hàng đếm ra cũng không dưới vài chục món. Cô bán hàng quàng vô cổ chiếc dây da để đeo cái giá đó đi bán rong phố phường.








Cô gái rời bỏ quê nhà ở miền Trung, đeo giá hàng tạp hóa đi bán dạo trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Duy Thức)

Dân tứ phương đổ vào thành phố không nghề nghiệp, không vốn liếng, nhà cửa  nên chỉ còn cách đi bán dạo. Bất cứ thứ hàng nào cũng đổ ra phố phường rong ruổi. Từ thực phẩm rau cỏ thịt thà bánh trái cho đến đĩa nhạc, chiếu, chổi… và đây lại có cả hàng tạp  hóa rong.

Cái giá hàng xén này chắc thoát thai từ hàng bán kiếng mát dạo trước kia. Anh bán hàng thường loanh quanh ở khu trung tâm thành phố, đeo chiếc giá hoặc chiếc hộp mỏng mở ra có gắn vào đó mấy chục chiếc kiếng mát, chìa ra mời khách bộ hành. Họ theo chân chèo kéo khách du lịch ngoại quốc. Nay khu trung tâm bị đuổi, không cho hàng rong lai vãng nên không còn hàng kiếng dạo đó nữa.

Chiếc giá của cô bán tạp hóa to, rộng hơn chiếc của anh bán kiếng ngày trước nhưng vẫn thấy bày vài cặp kiếng mát. Mấy chục ngàn một cặp bằng nhựa dỏm. Gọng kiểu nọ kiểu kia, cái tròng nâu, cái tròng đen đeo lên nhìn cũng đẹp như nhũng tấm hình quảng cáo trong tiệm kiếng.

Cô hàng xén đai cái giá không thiếu món gì trên đó cả.

Nào là móc tai một đến năm ngàn một cái. Bông ráy tai một ngàn, ráy chưa xong thì cái nhúm bông gòn trắng nhỏ xíu ở đầu đã rớt dính luôn trong lỗ tai mình. Hộp quẹt zippo bằng nhôm hay thiếc không rõ, nhìn sáng loáng gặp giá nào cũng bán. Bao đựng remote TV mỏng manh chỉ chực tét ra, móc chìa khóa dùng mấy ngày thì đứt, có ngày chùm chìa khóa rớt đâu mất còn còn cái móc ngoe ngoảy ở lại. Kim chỉ và cả lẹm tức là cây kim lớn dùng để may bố tời hay túi nylon cũng được, mũ cao su, một bó viết bic và chuỗi hạt đeo tay bằng nhựa…

Ngoài ra còn đủ loại đồ chơi con nít như heo cao su, chong chóng bằng móp, các loại thú bằng nhựa dẻo như thằn lằn, gà, chó… siêu nhân bằng nhựa cứng hơn để chơi chọi, banh nỉ để chơi đánh đũa, banh nylon để đá. Vài cái xe hơi xanh đỏ giá hai chục ngàn được coi là món đồ mắc tiền, đựng trong bao nylon hàn kín, chắc chắn là hàng Trung quốc rẻ tiền không biết có chứa chất độc hại gì trong đó, nếu không mua thì không được lấy ra chạy thử. Đặc biệt các giá hàng xén đều bán cây như ý bằng nhựa màu một đầu là hình bàn tay năm ngón. Ta có thể lấy cái thứ bàn tay đó thọc ngược ra sau lưng mà gãi sột sột cho đã ngứa!

Nhưng bao nhiêu đó chưa đủ. Vai bên kia, cô còn đeo một túi lớn trong có nhiều bọc nhỏ đựng đựng dao cạo râu, kéo, vở in hình vẽ cho trẻ con tập tô màu, mấy cái mũ vải nho nhỏ, mặt nạ bằng giấy bồi cho em bé…

Bà hàng xóm đi ngang, dừng lại hỏi:
-Có quạt không?

Đương nhiên là có, cô bán hàng xòe ngay ra ba, bốn cây quạt đủ màu. Món hàng nào cũng có vài cái khác màu, khác cỡ… để khách lựa chọn. Hầu như tất cả đều bằng nhựa, bằng nylon… là những món hàng nhẹ để có thể theo chân cô dãi dầu mưa nắng suốt ngày mà không sợ hư hao, rách nát.

Người mua nhìn vào cái giá móc đồ đó lâu, tối tăm hoa cả mắt vì hàng hóa sặc sỡ đủ loại của một tiệm tạp hóa thu nhỏ đang treo trên vai. Thế nhưng vẫn chưa hết, Để giới thiệu đầy đủ các mặt hàng của mình thì cô rút từ đàng sau của chiếc giá ra mấy tập sách và nhanh nhảu giới thiệu:

-Có tử vi của năm mới đây.

Quả thật ngoài những tờ tử vi cho từng tuổi 12 con giáp, loại thường bán trước cổng đền miễu thì còn năm, bảy cuốn tử vi coi cuộc đời cả năm hay cả đời, bói bài, thêm chọn ngày tốt cho xuất hành, đám cưới như lịch Tam Tông Miếu ngày xưa, xem chỉ tay đoán mệnh, giải điềm nằm chiêm bao, sách về phong thủy, về tướng số Khổng Minh, cả sách cờ tướng chỉ dẫn những nước cờ hay. Nếu thiếu cuốn sách nào, ngày mai cô sẽ mang lại theo lời khách dặn.

Cô gái này bán ít sách chứ nhiều người bán lâu năm còn ôm theo cả chồng sách đủ loại. Trước kia có truyện kiếm hiệp, dã sử nhưng nay chỉ gồm tiểu thuyết diễm tình ba xu, truyện ma, truyện vụ án… Các vụ án giết người, cướp của… ly kỳ đều có người lượm lặt rồi in lậu vài ngàn một cuốn mỏng dính, bán rất chạy ở ngoài bến cho người ta coi đỡ sốt ruột trong lúc chờ xe.

Trong cái hàng xén lưu động này, đôi khi còn cả đĩa nhạc và đĩa phim lậu nữa. Nhưng như vậy thì có đĩa nhạc này, khách hỏi đĩa khác, có phim này, khách hỏi phim nọ. Hàng hóa khó mà dồi dào trên vỏn vẹn một cái giá đeo trên người như vậy.

Một chị đi chợ về, ghé hỏi:

-Cho một cái nhíp.

Xem chừng mọi thứ hàng lặt vặt đều nằm đầy đủ trên cái giá đó vì cô bán hàng vui vẻ rút ra một xâu nhíp, cười nói:

-Nhíp to hay nhỏ? Mười cái mười hai ngàn. Nhổ lông vịt, lông gà, lông heo hay cả nhổ chân mày (lông mày) đều dùng được hết.

Chị đi chợ trả giá:

-Thôi lấy chẵn đi.

Cô gái nói:

-Lời chỉ có hai đồng thôi bác ơi!

Chị đi chợ hỏi thêm:

-Có long não thật không? Và kim chỉ nữa.

-Ngày nào tôi cũng đi qua con hẻm này. Bán giả làm chi mấy viên long não làm sao mai quay lại.

Bây giờ người ta toàn mua quần áo may sẵn hoặc đưa ra tiệm may. Hiếm nhà ai có cái máy may như xưa. Nếu không có cô bán hàng xén này thì cây kim sợi chỉ phải mất công đến tận nhà lồng chợ mua, chứ tiệm tạp hóa bình thường chẳng bán.

Những thứ hàng quá nhỏ nhặt bèo bọt này đâu có lời nhiều được. Vốn liếng nguyên giá hàng này chắc hẳn không quá vài ba trăm ngàn. Cứ bán hết tới đâu, cô lại vào chợ Bình Tây bổ hàng. Ở cái chợ bán sỉ đó đều có đủ thượng vàng hạ cám cho mọi thứ hàng hóa bình dân.

Chỉ có điều chẳng hiểu sao bây giờ thứ gì cũng đẩy trên xe ba gác nhỏ, ngay cả ve chai, thau xôi, mấy đòn bánh tét cũng đã yên vị trên xe mà cô gái này vẫn cứ chĩu vai khoác chiếc giá gỗ.

Cô ta chỉ độ trên dưới hai mươi mà thôi. Như mọi phụ nữ bán hàng rong, cô mặc áo khoác tay dài, chân đi dép nhưng mang vớ mặc dù đôi vớ rách lòi cả ngón chân cái. Quai nón làm từ nguyên một cái khăn to gấp chéo hình tam giác để có thể kéo che kín nửa mặt tránh nắng.

Bà hàng xóm tỏ vẻ ái ngại:

-Sao cô không đi bán vé số nhẹ nhàng hơn. Khoác cái giá này đi suốt ngày nặng quá, lại còn tay xách nách mang.
Cô gái trả lời:

-Tôi có bán vé số rồi nhưng bị kẻ gian giả khách mua, cầm nguyên xấp vé số để lựa rồi bỏ chạy mất.

Sau lần mất vé số bị cụt vốn, cô được người quen mách đóng chiếc giá đi bán hàng vặt. Bán kiểu này không sợ bị giật vì chẳng có món hàng nào có giá trị để có thể dễ dàng mang đi bán lại được.

Cô đổi nghề gì thì cũng đi rong thôi. Có sức cứ kiên nhẫn đi mà lại tự do, muốn bán thì bán, muốn nghỉ thì nghỉ, còn hơn đi làm cho công nhân cho khu chế xuất lương chỉ khoảng hai triệu đồng. Vì thế suốt ngày và ở đâu khắp thành phố cũng thấy hàng rong qua lại tấp nập.

Khi được hỏi về gia cảnh, cô kể lể:

-Quê tôi ở Thanh Hóa. Nhà không có đủ ruộng đất. Tôi vào đây làm kiếm thêm giúp gia đình. Trừ tiền thuê nhà và ăn uống thì mỗi tháng cũng dư một chút gửi về quê phụ cha mẹ nuôi hai đứa em đi học.

Hỏi cả trăm người bán rong đều cùng một hoàn cảnh như thế không khác chút nào. Dưới quê đất chật người đông, kiếm ăn không đủ sống nên gia đình chia nhau phiêu bạt. Đích tới bao giờ cũng là miền Nam, nhất là Saigon.

Vừa qua, mấy cơn bão to đổ ập vào đất liền, lại thêm vỡ đập, thủy điện xả lũ. Năm nào cũng thế, cứ qua mùa mưa bão, dân nhập cư lam lũ lại đổ về thành phố gia nhập đội quân hàng rong ngày càng gia tăng. Chỉ một thoáng thôi ngồi trước nhà, đã thấy không biết bao người đi bán lẻ, bán vặt, bán hàng rong, bán vé số đi qua.

Cô bán hàng lại xốc chiếc giá lên vai bước đi. Nắng trưa rát bỏng. Vì mưu sinh càng sạm bụi đường tha hương.

Chợt tôi hơi e ngại. Vừa qua có những người bán vé số, bán hàng rong băng qua đường bị xe cán chết hay thương tật. Có khi xe khách xe dù chạy ẩu tả, mà thường thì tai nạn đồ xuống những người nghèo tha hương cầu thực, họ quên cả nguy hiểm đường phố đang rình rập bất kỳ ở đâu! 
        

MỚI CẬP NHẬT