Friday, March 29, 2024

Tết và cuộc đời dân nhập cư bán hoa kiểng dạo


Trần Tiến Dũng/Người Việt


 


Vào những ngày đầu Tháng Mười Hai, các xe bán hoa kiểng dạo thường xuất hiện nhiều trên các con đường quanh các chợ lớn nhỏ ở khắp Sài Gòn.










Có người bán hoa kiểng dạo phải đạp xe ba gác rã giò mới kiếm được khách hàng. (Hình:Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Người ta bắt gặp họ chở hoa kiểng với những chiếc xe ba gác đạp cũ kỹ, có người sử dụng xe gắn máy đèo ba-ga sắt ở yên sau.


Thật ra những người bán hoa kiểng dạo thường rong ruổi bán hàng quanh năm. Từ đó có thể thấy rằng, nếu những người bán hoa kiểng kiếm sống được tức là các thị dân Sài Gòn đã ngày một mất dần khoảng cây xanh công cộng, nên việc mua sắm hoa kiểng cho nhà riêng cũng là một cách để tự vệ khi đời sống bị bê-tông hóa.


Một ông giáo già về hưu, nhà chỉ có 30m2 vậy mà cái hành lang chung trước nhà ông trồng, treo đầy cây cảnh. Ông nói “Mình mua cây cảnh tưởng để giúp người bán kiếm sống nhưng hóa ra chính mình lại cần màu xanh cây cỏ để tồn tại.”


Các loại hoa kiểng trên xe của người bán dạo thường là loại rẻ tiền. Bông hồng, bông lài, bông dừa, bông soi nhái… có giá chỉ bằng một tô phở bình dân. Tất nhiên hoa chỉ nở một lần rồi tàn luôn, có người thấy tiếc hoa, cứ ra công chăm, tưới nhưng đành hoài công. Ai đó có trách phiền người bán hoa kiểng dạo cũng vậy thôi, vì lỗi đâu phải tại họ mà do nhà vườn đời nay dùng đủ mọi loại thuốc kích thích tăng trưởng nên hoa sớm nở tối tàn. Với những loại cây cảnh như cao kiểng, dừa kiểng, trúc… trồng để lấy màu xanh thì có tuổi thọ dài hơn. Thường người Sài Gòn rất hào phóng, chết cây này mua cây khác, ít ai để ý gì đến chuyện hoa kiểng đời nay cũng gặp nạn chết yểu vì thuốc kích thích có xuất xứ từ Trung Quốc.


Nếu có người hỏi rằng các giống hoa kiểng Sài Gòn có gì mới thì người bán sẽ đáp. “Có khối luôn.” Thật vậy, ở Việt Nam ngày nay bất cứ cây, con gì, dù là từ Châu Phi, Châu Mỹ… nếu thị trường cần là cứ vô tư đưa vô, tốn tiền là thứ gì cũng lọt, chẳng có kiểm dịch, kiểm hóa gì ráo.










Khi bán được một chậu hoa có khi họ phải kiêm luôn chuyện bốc hàng, vô chậu… (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Hoa kiểng ngày nay cũng tạp chủng như mọi thứ hàng hóa tràn lan khác. Nếu ai có lòng dạ lo âu vì sợ các giống ngoại lai-độc hại xâm phạm đến thực vật thuần chủng Việt Nam thì người đó sẽ bị thiên hạ cho là dở hơi. Chúng tôi, có gặp một giống bông lạ, bông hình tháp, màu đỏ, bèn hỏi một ông bán hoa kiểng dạo, ông nói. “Là phúc lộc thọ chớ là gì. Anh hỏi nhằn làm gì. Có người nói của Ðài Loan, có người nói của Trung Quốc, tôi chả biết. Biết nhiều nó rã người anh ạ”.


Một người quen của chúng tôi mua một giống hoa có lá tựa như loài Mimosa Ðà Lạt, bông thì màu tím như hoa sim. Hỏi người bán hàng tên hoa, người bán nói cho một cái tên nghe kêu như tiếng múa kiếm xé gió trong phim kiếm hiệp: Hoa Tuyết Sơn Phi Hồ.


Chị Bích, người bán hoa kiểng dạo ở góc chợ Nguyễn Tri Phương cho rằng, đa số người làm nghề bán cây cảnh dạo ở Sài Gòn là dân nhập cư từ huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Chị nói.


“Người quê em làm nghề này có cả hàng trăm hàng ngàn đấy chứ. Riêng chỗ em trọ là Hiệp Thành, quận 12, có cả mấy chục người. Cứ người này bán được về bảo nhau là kéo vào.”


Vì tốc độ phình trương vô tổ chức của đô thị nên các điểm trồng hoa cảnh của Sài Gòn ngày càng lùi xa. Thế nên để chở nào là chậu, phân, đất, cây cảnh đến được điểm bán hàng ngày họ phải vượt cả chục cây số lên tận Thủ Ðức, Bình Dương… lấy hàng.


Chị Bích cho biết chị có hai con đều có vợ có chồng. Trước đây nhà chị làm nông, bây giờ đất bị nhà nước lấy làm công ty, tuy có đền bù nhưng chẳng được bao nhiêu, con chị thì được nhận vào công ty, lương được đôi ba triệu. Hai vợ chồng chị có tuổi đâu ai nhận. Bỏ con, bỏ nhà, vợ chồng bảo nhau mỗi người cố để dành mỗi ngày năm chục ngàn bạc để Tết có tiền về quê. Chúng tôi hỏi. “Cuối năm chị có được nhà vườn tặng gì không?” Vì theo thông lệ ở miền Nam, ngày Tết các chủ hàng, chủ vườn thường biếu tặng quà các bạn hàng. Chị Bích nói. “Làm gì có, mà có tặng quà thì Tết này chúng em cũng không đủ tiền để mua vé xe mà về. Bình thường chỉ năm sáu trăm ngàn, năm này giá xe khách lên đến triệu sáu. Vợ chồng chúng em có nhịn ăn cả tháng cũng chỉ đủ tiền mua nửa vé thôi. Có về, phải qua Tết mới dám về anh ạ. Khổ thân thế đấy.”










Với người bán hoa kiểng dạo, hoa Tết Sài Gòn càng nở rực rỡ, nỗi buồn lo không có tiền về quê ăn Tết lại càng nặng nề. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Ở Sài Gòn lúc này, người nhập cư nào không kiếm được tiền thì đã vội vã về quê. Nếu không, đến những ngày cận Tết giá tàu xe lên gấp đôi, gấp ba thì đành chịu chết với Tết Sài Gòn. Nhìn vẻ ngoài, những chậu hoa kiểng rực rỡ của những người bán hoa kiểng dạo, đâu ai nghĩ rằng đa số họ không hề biết đến cái Tết là gì. Những cái Tết xa quê xa nhà của họ là những cái Tết vất vưởng ở nhà trọ nghèo nàn giữa Sài Gòn. Có thể họ có những bữa ăn ngon hơn ngày thường, nhưng chắc chắn hoa kiểng chưng ngày Tết, dù là thứ hoa Xuân rẻ tiền cũng là thứ xa xỉ nhất trong cuộc đời tha hương của họ.

MỚI CẬP NHẬT