Thursday, March 28, 2024

Thưởng thức cà ri dê ở Sài Gòn

 


Phan Chánh/Người Việt


SÀI GÒN (NV)Chừng chừng hơn mười năm gần đây, người Sài Gòn đâm ra khoái khẩu món thịt dê. Nói chính xác hơn là khoái món lẩu dê, và điều tức cười là đa số các cái lẩu dê bán từ hẻm nhỏ ra tới nhà hàng đều chỉ có vài miếng thịt dê tượng trưng cho có mùi dê, phần đạm còn lại là thịt nghé, hoặc thịt trừu và thịt con “trời ơi” nào đó đố ai mà biết được.

Nhưng chế biến từ thịt dê còn có món nổi tiếng từ trước 1975 là món cà ri dê. Món này hẳn nhiên được phổ biến từ cộng đồng người Ấn-Hồi có mặt ở đất Sài Gòn từ xa xưa.








Ngày nay, chẳng còn mấy ai biết danh tiếng bán vải, cho vay… của những người Ấn-Hồi, nhưng các đền thờ Ấn Giáo, Hồi Giáo vẫn còn quanh khu trung tâm Sài Gòn và rất may cây cầu mang tên Chà Và ở Chợ Lớn vẫn còn giữ được tên.

Có người nói rằng nếu tương lai, các dấu tích của cộng đồng Ấn-Hồi ở đất Sài Thành có mất đi thì duy một thứ không bao giờ mất đó là món cà ri, mà phải là cà ri dê mới chính hiệu, vì các thứ cà ri gà, cà ri vịt, cà ri chay… đều bị bà còn người Hoa, người Việt thay đổi chế biến theo khẩu vị xứ Ta.

Vậy thì hiện nay Sài Gòn-Chợ Lớn, cà ri dê chính hiệu Ấn Ðộ bán ở đâu, chỗ nào bán ngon nhất?

Thật khó có câu trả lời chính xác, nhưng căn cứ theo lời đồn của dân khoái khẩu thịt dê thì vài điểm bán nổi tiếng món này như quán trong khuôn viên chùa Hồi trên đường Ðông Du, quận 1, quán Musa trên đường Sư Vạn Hạnh gần chợ An Ðông, quán này có thêm một chi nhánh ở đường Bình Thới, quận 11, quán trong khuôn viên ngôi chùa Hồi ở gần chợ Xã Tây đường Nguyễn Trãi, rồi quán ở tuốt tận đường Tân Hải, quận Tân Bình…

Nếu hỏi thêm trong các quán nêu trên quán nào cà ri dê ngon nhất thì có lẽ hơi khó trả lời, chỉ có một điều chắc là các quán trên đều bán đúng thị dê chớ không treo đầu dê rồi bán thị tầm bậy tầm bạ, bởi người Ấn-Hồi giữa cảnh xô bồ hiện nay vẫn còn cố giữ gốc cội văn hóa và tôn giáo.

Một người bạn thường đi ăn cà ri dê kể: Anh có một cô bạn người Ấn đạo Hồi, gia đình sống mấy đời ở khu Phú Ðịnh, khi mấy ông Việt Cộng vô, có một gia đình cán bộ từ miền Bắc được cấp nhà sát bên nhà bạn anh, thời đó nhiều khu phố thanh lịch của Sài Gòn cũng biến thành trại heo nên tay cán bộ này cũng cải thiện bằng việc nuôi heo trong nhà, thế là nhà cô bạn phải bán gấp dọn đi chỗ khác, phải đôi ba lần bán nhà chạy như vậy, đến khi về được với xóm người Chăm đạo Hồi bên quận 8 mới yên thân.

Nếu bạn đến quán Musa thì bạn sẽ được thưởng thức cà ri dê nấu gia vị kẹo quéo vừa ngọt vừa cay nồng. Quán này giá không hề rẻ nhưng lúc nào thực khách cứ ra vô nườm nượp; từ dân chủ cả đến giới nghệ sĩ… đều đọ mặt hít hà với món cà ri.

Còn cái quán chùa Hồi ở Chợ xã Tây thì không bán kèm rượu bia gì ráo, quán lại có không khí ngoại quốc hơn vì thường xuyên có những đoàn doanh nhân, khách du lịch từ các nước Hồi Giáo đến ăn để bảo đảm chuyện trong sạch thực phẩm theo tinh thần tôn giáo.

Riêng chúng tôi thì lại thích món cà ri dê ở đường Tân Hải, phường 13, Tân Bình.

Cà ri dê của quán này nấu loãng, vị cay mặn hợp khẩu vị khi chấm bánh mì, giá cả lại vừa phải lại vừa có không khí nhậu nhẹt bình dân.

Trước 1975, nghe đâu Sài Gòn có món cà ri ăn với cơm, thức ăn để trong lá chuối, ăn bóc bằng tay đúng kiểu người Ấn.

Nhưng ngày nay người sài Gòn chỉ khoái ăn món cà ri chấm bánh mì và có lẽ đó là một đặc điểm của tiến trình cải biên một món ngon du nhập.

Nhiều người cũng băn khoăn không hiểu món cà ri dê nấu kẹo quéo gia vị với món cà ri dê nấu loãng gia vị món nào đúng là cà ri Ấn, hay là cứ ăn vô cay xé họng là chính hiệu cà ri-Chà Và.

Một người bạn sành ăn đưa ra nhận xét. Nấu đặc hay nấu loãng gì cũng được hết miễn có một dĩa cà tím chua ăn kèm là đúng điệu cà ri Ấn.

Người nghe đâu có chịu lập luận kỳ cục vậy, lẽ nào lấy món ăn phụ ăn kèm để xác định việc chánh hiệu cà ri cho được.

Cách tốt nhất là cứ thưởng thức qua hết các quán cà ri dê Sài Gòn để tự mình xếp hạng; còn chánh gốc hay không thì nên đi du lịch qua xứ Ấn-Hồi để tìm bằng chứng cho cái lưỡi.

MỚI CẬP NHẬT